Chiến dịch giáo dục nhằm ngăn biểu tình ở Hong Kong
Cua Chiu-fai, bố của một học sinh lớp 6, muốn xóa bỏ tâm lý chống Trung Quốc mà anh cho rằng đang tràn ngập trong các lớp học Hong Kong.
Để thực hiện mục tiêu này, Cua Chiu-fai tập hợp hàng trăm phụ huynh như anh, nhằm giám sát và báo cáo những giáo viên bị nghi ngờ gieo rắc sự căm ghét với Trung Quốc và thúc đẩy học sinh xuống đường biểu tình, gây ra tình trạng bất ổn tại đặc khu suốt thời gian dài.
Trên kênh Youtube riêng có 114.000 người theo dõi, Cua cho biết những phụ huynh và tình nguyện viên mà anh kêu gọi được là một phần của sáng kiến có tên “Giúp đỡ Thế hệ Tiếp theo của Chúng ta”. Trong một video đăng tháng trước, anh nói rằng đã nhìn thấy các bức ảnh chụp “những người trông giống giáo viên” chỉ đạo học sinh nhặt gạch trong cuộc biểu tình năm ngoái, phong trào xuất phát từ sự phản đối một dự luật dẫn độ.
“Nếu một giáo viên khiến học sinh của họ phá hủy thành phố vì cái gọi là những quan điểm chính trị nhất định, chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận chuyện này”, Cua nêu ý kiến, nói thêm rằng những giáo viên như vậy cần phải bị tước giấy phép hành nghề.
Các học sinh cấp hai nắm tay để kết thành dòng người dài trong cuộc biểu tình ở Hong Kong hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters .
Sáng kiến của Cua đã nhận được sự hoan nghênh từ một số chính trị gia tại Hong Kong, trong bối cảnh giới lãnh đạo dường như đang nỗ lực giáo dục giới trẻ sau các cuộc biểu tình rầm rộ đôi khi bùng phát thành bạo lực.
Lau Siu-kai, phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Hong Kong và Macao Trung Quốc, nhóm cố vấn hàng đầu của Bắc Kinh về các vấn đề Hong Kong, cho biết mục tiêu đầu tiên là khiến giới trẻ Hong Kong tuân thủ luật pháp, sau đó truyền lòng tự hào dân tộc cho họ.
“Các học sinh nên được dạy rằng không được làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến sự an toàn và lợi ích quốc gia. Sau khi đạt được mục tiêu này, chúng tôi muốn nuôi dưỡng lòng yêu nước ở các em”, Lau nói.
Trong khi đó, Cục Giáo dục Hong Kong cho hay việc “nuôi dưỡng ý thức về bản sắc dân tộc cho học sinh” là một mục tiêu học tập chủ chốt, tương tự các quốc gia khác. “Giáo dục quốc gia hướng tới nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của đất nước, cũng như nhận thức về tầm quan trọng của an ninh quốc gia, từ đó giúp học sinh phát triển cảm giác thuộc về đất nước”, cơ quan này giải thích.
Theo số liệu cảnh sát Hong Kong cung cấp, 40% trong số 9.200 người biểu tình bị bắt từ tháng 6 năm ngoái đến năm nay là học sinh và sinh viên, bao gồm 1.635 em dưới 18 tuổi. Khoảng 100 giáo viên và nhân viên tại các trường tiểu học và trung học cơ sở cũng bị bắt. Do đó, giám sát giáo viên chặt chẽ hơn là một mục tiêu trong “chiến dịch” cải cách giáo dục , hai quan chức đại lục giấu tên tiết lộ.
Video đang HOT
Hồi tháng 9, một giáo viên Hong Kong trở thành người đầu tiên bị tước giấy phép giảng dạy sau khi vướng cáo buộc thúc đẩy tư tưởng đưa Hong Kong độc lập với đại lục trong lớp học. Đề cập đến sự việc, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết “những quả táo hỏng” cần bị loại bỏ khỏi hệ thống giáo dục.
Đầu tháng này, Cục Giáo dục thu hồi giấy phép của một giáo viên khác, với lý do người này bóp méo sự thật lịch sử khi nói với học sinh rằng Anh tiến hành Chiến tranh Nha phiến “để giúp loại bỏ thuốc phiện khỏi Trung Quốc”.
Trên thực tế, trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1839-1842), Anh đã tiến hành hoạt động quân sự sau khi triều đình Mãn Thanh phản đối thực dân Anh tự do buôn bán thuốc phiện từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Đây là vấn đề đặc biệt nhạy cảm với Bắc Kinh, bởi họ coi cuộc xung đột này là khởi đầu của “thế kỷ nhục nhã”, giai đoạn các thế lực nước ngoài “xâu xé” Trung Quốc.
Nghị sĩ đối lập Ip Kin-yuen cho rằng giáo viên này đúng là đã phạm sai lầm, nhưng hình phạt “không cân xứng”, đồng thời cáo buộc chính quyền đang dựng lên hình ảnh một hệ thống giáo dục tồi tệ.
Đáp lại, Cục Giáo dục nhấn mạnh “giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và nuôi dưỡng nhân cách cho học sinh”. “Mọi quyết định đều dựa trên quan điểm về nghề nghiệp, nhằm bảo đảm lợi ích của học sinh, không liên quan gì đến chính trị”, cơ quan giám sát giáo dục của Hong Kong cho hay.
Tình trạng này được cho là đã khiến nhiều giáo viên Hong Kong e ngại, dẫn đến quyết định bám sát sách giáo khoa khi giảng dạy, tránh mở rộng đến những vấn đề nhạy cảm.
Karen Wong, giáo viên bộ môn nghiên cứu về tự do, với nội dung giảng dạy về cách chính quyền hoạt động cùng quyền và nghĩa vụ của công dân, cho biết cô đã tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp. Họ quyết định giảng theo đúng bộ sách giáo khoa mới được sửa đổi khi đề cập đến những vấn đề có thể gây tranh cãi, dù nhiều giáo viên từ trước tới nay vẫn tự thiết kế giáo án.
“Bây giờ chúng tôi sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào sách giáo khoa”, Wong cho hay, giải thích thêm rằng cô không chắc “những nội dụng hoặc từ ngữ nào” có nguy cơ bị phụ huynh hoặc học sinh khiếu nại lên chính quyền. Cục Giáo dục cho biết họ quyết định sửa đổi sách giáo khoa môn nghiên cứu tự do sau khi “ngày càng nhiều người lo ngại về chất lượng và độ chính xác” của chúng.
Bên cạnh đó, giới chức còn đang nghiên cứu kỹ lưỡng các câu hỏi trong đề thi . Lau, chuyên gia thuộc nhóm cố vấn về Hong Kong, cho biết các kỳ thi cần phản ánh những thay đổi về nội dung giảng dạy, trong đó học sinh được khuyến khích đưa ra diễn giải đúng đắn về các chủ đề như hiến pháp Trung Quốc, hay mô hình quản lý của Hong Kong.
Trong chuyến thăm Hong Kong năm 2007, cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi nâng cao ý thức về bản sắc dân tộc trong giới trẻ. Chính quyền đặc khu cũng phân bổ nhiều ngân sách hơn cho giáo dục về quốc gia .
Tuy nhiên, nỗ lực này dường như chưa có kết quả ngay lập tức. Năm 2012, hàng chục nghìn học sinh, phụ huynh và giáo viên xuống đường biểu tình, nhằm phản đối chính quyền đưa một môn học bắt buộc về giáo dục quốc gia vào chương trình giảng dạy. Chính quyền đặc khu cuối cùng chấp nhận nguyện vọng này.
Theo phân tích của Reuters dựa trên hồ sơ từ chính quyền, ngân sách dành cho giáo dục quốc gia tại Hong Kong vẫn tiếp tục tăng. Trong năm học 2018-2019, 15 triệu USD được dành cho các chương trình trao đổi học sinh và giáo viên với đại lục, trong khi 12 triệu USD dùng để tài trợ cho 634 trường có liên kết với cơ sở ở đại lục.
Ngoài các động thái của chính quyền, “chiến dịch” cải cách giáo dục Hong Kong còn có sự tham gia của những người dân ủng hộ Bắc Kinh như Cua Chiu-fai, giáo viên tiếng Trung tại một trung tâm dạy thêm. Sáng kiến giám sát giáo viên của anh bắt nguồn từ mong muốn chống lại tâm lý ghét đại lục, cũng như bộ máy chính quyền và cảnh sát Hong Kong.
Theo Cua, các học sinh cần được biết về những tiến bộ vĩ đại mà Trung Quốc đã đạt được trong vài thập kỷ gần đây. “Dù ghét Trung Quốc đến mức nào, trước tiên bạn phải hiểu về đất nước”, anh nói.
Cua cho biết nhóm của anh đề nghị phụ huynh và học sinh cung cấp bằng chứng, như bài tập về nhà hay đoạn ghi âm, mỗi khi họ nhận được khiếu nại về một giáo viên. Nếu trường học xử lý “chậm chạp”, họ sẽ gửi đơn khiếu nại đến Cục Giáo dục Hong Kong. Ngoài ra, nhóm này còn đang phát triển các khóa “nhằm củng cố giáo dục quốc gia và bản sắc dân tộc”, dự kiến được đưa tới các trường học.
“Trước đây, điều tôi lo lắng nhất là con mình có đạt điểm cao hay không. Nhưng bây giờ tôi chỉ quan tâm đến nhân cách của cháu, liệu cháu có phân biệt được đúng và sai hay không”, phụ huynh có con trai học lớp 6 cho hay.
10.000 người Thái biểu tình trước ngân hàng Vua nắm cổ phần
Hơn 10.000 người Thái Lan biểu tình trước ngân hàng thương mại Siam để yêu cầu điều tra tài sản cũng như chi tiêu của Vua Vajiralongkorn.
Biểu tình diễn ra từ khoảng 15h ngày 25/11 bên ngoài trụ sở Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) ở phía bắc thủ đô Bangkok, làm tắc nghẽn giao thông ở khu vực này. Trụ sở chính của SCB ở Bankok đã đóng cửa hôm qua, nhưng các chi nhánh vẫn hoạt động.
Vua Maha Vajiralongkorn là cổ đông lớn nhất của ngân hàng SCB và người biểu tình trước đó đã kêu gọi người dân đóng tài khoản tại ngân hàng này để thể hiện sự phản đối.
Thủ lĩnh biểu tình Parit "Penguin" Chiwarak yêu cầu mở cuộc điều tra về tài sản và cách chi tiêu của nhà vua. Penguin cũng yêu cầu đám đông cùng hát một bài hát trước khi cuộc biểu tình kết thúc trong ôn hòa để phòng trường hợp anh bị bắt và không thể biểu tình ngày 27/11.
Một thủ lĩnh biểu tình khác là Panusaya "Ruang" Sithijirawattanakul cho biết cuộc biểu tình tiếp theo sẽ diễn ra vào chiều 27/11, nhưng không tiết lộ địa điểm.
Trong một bài đăng trên Facebook hôm 24/11, Penguin cho biết cảnh sát đã yêu cầu anh trình diện tại bộ phận trấn áp tội phạm công nghệ tại Khu phức hợp Chính phủ vào ngày 1/12. Các lệnh triệu tập tương tự cũng được đưa ra cho ít nhất 12 nhà hoạt động.
Những người tổ chức biểu tình ban đầu dự định tập trung tại Đài tưởng niệm Dân chủ và sau đó tiến về Cục Tài sản Hoàng gia (CBP) ở trung tâm hành chính của thủ đô để yêu cầu điều tra về tài sản và chi tiêu của nhà vua. Tuy nhiên, cảnh sát đã rào chắn khu vực CPB bằng container, hàng rào bê tông và dây thép gai. Người biểu tình được cảnh báo không tiến vào phạm vi 150 mét quanh CBP.
Người Thái Lan biểu tình bên ngoài trụ sở Ngân hàng Thương mại Siam ở Bangkok hôm 25/11. Ảnh: AFP .
Các nhà tổ chức biểu tình sau đổi đổi địa điểm tuần hành sang ngân hàng SCB, cho biết quyết định này nhằm "giảm căng thẳng, tránh đụng độ và không rơi vào bẫy". Giới chức đã lắp thêm camera giám sát xung quanh SCB vào sáng sớm 25/11.
Vua Vajiralongkorn là cổ đông lớn nhất của SCB, ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan tính theo tài sản, nắm giữ 23,4% cổ phần do chính ông đứng tên.
Sau khi lên ngôi, Vua Vajiralongkorn nắm quyền quản lý CPB và đứng tên sở hữu khối tài sản ước tính hơn 60 tỷ USD vào năm 2016, gồm các bất động sản hàng đầu ở Bangkok và cổ phần tại SCB. CPB được thành lập từ những năm 1930 để quản lý tài sản hoàng gia, nhưng vào năm 2017, chúng trở thành tài sản cá nhân của nhà vua.
"Tôi muốn hỏi rằng nếu chúng ta cho phép tài sản nhà nước được chuyển sang quyền sở hữu của Vua Vajiralongkorn thì vua tương lai sẽ còn lại gì?", nhà hoạt động Arnon Nampa đăng Twitter hôm 24/11, đồng thời kêu gọi ban hành các luật để hạn chế chi tiêu của nhà vua và xem xét lại quyền sở hữu tất cả các tài sản được đề cập.
Người biểu tình Thái Lan xuống đường nhiều tháng qua nhằm đòi hỏi một số yêu sách như thay đổi hiến pháp hay cải cách chế độ quân chủ, động thái được cho là vô cùng táo bạo tại một đất nước có truyền thống tôn kính hoàng gia. Theo luật chống phỉ báng hoàng gia được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới, người phạm tội khi quân có thể bị phạt tù tới 15 năm.
Người biểu tình còn đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, nhưng ông phản bác quan điểm này và khẳng định sẽ tiếp tục tại nhiệm.
Thủ tướng Prayuth tuần trước tuyên bố chính phủ và các cơ quan an ninh "sẽ thực thi tất cả luật hiện có để đối phó với những người biểu tình vi phạm pháp luật và phớt lờ quyền, tự do của người khác". Các nghị sĩ tuần trước cũng bỏ phiếu về lộ trình thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp, nhưng bác bỏ bất kỳ sửa đổi nào đối với phần quy định về chế độ quân chủ.
Nước Pháp ồn ào tranh cãi dự luật cấm công khai hình ảnh cảnh sát Mặc dù đã được chỉnh sửa nhưng Dự luật An ninh Toàn cầu vừa được Hạ viện thông qua vẫn bị chỉ trích là sẽ gây khó dễ cho các nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền trong việc giám sát hành động của các nhân viên thực thi pháp luật. Cảnh sát được triển khai nhằm đối phó với làn...