“Chiến dịch” đòi lại vỉa hè: Hà Nội sẽ làm gì khi nhìn thấy những hình ảnh này?
Nếu không có đợt ra quân rầm rộ để “đòi” vỉa hè cho người đi bộ, có lẽ nhiều người cũng quên luôn chuyện đúng sai ở những tuyến phố này: Ô tô, xe máy xếp đầy vỉa hè, thậm chí đỗ sát luôn biển cấm!
Trên phố Hàng Bông đoạn gần Cửa Nam mặt đường khá rộng, thời điểm trước khi Hà Nội lấy lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị thì ở đây là một bãi đỗ ô tô. Sau một thời gian bị lực lượng chức năng dẹp bỏ thì nay xế hộp lại ngang nhiên dừng đỗ bất chấp cả biển cấm.
Dọc hai bên đường, vỉa hè của tuyến phố Hàng Bông, ô tô đỗ nhan nhản dưới lòng đường, xe máy được dựng lung tung không theo quy định.
Hai chiếc ô tô đỗ song song chiếm phân nửa lòng đường trên phố Hàng Bông.
Một số hộ kinh doanh trên phố Hàng Buồm đã “chiếm lại” vỉa hè của người đi bộ. Xe máy để kín vỉa hè thậm chí còn đỗ tràn lan dưới lòng đường.
Xe máy, người dân ngồi uống nước trên vỉa hè phố Hàng Buồm.
Video đang HOT
Một của hàng kinh doanh giầy dép trên phố Hàng Buồm tấp nập khách ra vào mua hàng, xe máy đỗ tràn lan ra đường. Hình ảnh này diễn ra rất phổ biến tại nhiều tuyến phố trung tâm
Vỉa hè phố Thợ Nhuộm, nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo, quán nước đã chiếm lại vỉa hè từ người đi bộ.
Nhìn hình ảnh này không biết người đi bộ sẽ đi ở đâu?
Trên phố Mã Mây một cửa hàng ăn uống nhân viên ngồi tràn ra vỉa hè để rửa bát.
Gọi là lấy lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng nhiều du khách khi dạo phố trung tâm vẫn phải đi xuống lòng đường.
Trọng Trinh – Tiểu Phương
Theo Dantri
"Thổ công" vỉa hè đã bị... đánh tráo!
"Về pháp luật, "thổ công" vỉa hè chính là toàn dân vì đó là đất công. Tuy nhiên, thực tế khi vỉa hè bị lấn chiếm, vai trò "thổ công" bị đánh tráo, toàn dân không phải thổ công nữa mà là "ông khác"..., Tiến sĩ Lương Hoài Nam đặt vấn đề trong buổi tọa đàm "Vỉa hè - chống ùn tắc và trách nhiệm công dân".
Ai được sử dụng vỉa hè?
Tại buổi tọa đàm "Vỉa hè - chống ùn tắc và trách nhiệm công dân" diễn ra tại báo Giao thông sáng 24/3, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội cho rằng, vỉa hè thực ra là câu chuyện chúng ta đã làm rất nhiều năm nay và việc lập lại trật tự vỉa hè mà chúng ta thực hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nói về điều kiện và quyền được sử dụng vỉa hè của người có nhà mặt đường, ông Vũ Văn Viện - cho biết: "Có người kinh doanh, có người mưu sinh nhờ vỉa hè, vậy nên chúng ta ứng xử phải tuỳ trường hợp cụ thể và không làm máy móc. Chính quyền nào quán triệt được tinh thần làm việc do dân, của dân và vì dân thì các cách làm và biện pháp duy trì của chúng ta đều thực hiện đúng quy định của pháp luật và hợp với lòng dân, đảm bảo kết quả bền vững." - ông Viện nhấn mạnh.
Trả lời về việc tại sao Hà Nội kẻ vạch sơn trắng trên vỉa hè, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội giải thích: Hiện nay chúng ta đang quan tâm đến giao thông động nhiều hơn nhưng cần đảm bảo giao thông tĩnh. Vậy giao thông tĩnh ở đâu? Vỉa hè vừa là giao thông động nhưng cũng vừa là giao thông tĩnh. Hà Nội có quyết định số 15 quy định sử dụng hè phố theo Luật Giao thông đường bộ. Chúng ta vẫn phải sử dụng một phần lòng đường vỉa hè cho mục đích giao thông tĩnh. Điểm nào được cấp phép, có thể kinh doanh, đỗ xe và thu phí theo quy định, còn những tuyến đường không tổ chức kinh doanh thì để dân tự sắp xếp phương tiện giao thông.
Buổi tọa đàm với chủ đề "Vỉa hè - chống ùn tắc và trách nhiệm công dân" sáng 24/3
TPHCM được xem là "hiện tượng" mạnh mẽ nhất cả nước trong "cuộc chiến" giành lại vỉa hè. Nói về vấn đề này, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TPHCM nói, việc kẻ vạch trắng trên vỉa hè, từ vạch trắng ấy đến trước cửa nhà dân là của ai? Nếu là của chủ nhà thì thu phí chủ nhà nếu họ phát sinh kinh doanh, còn nếu họ chỉ để xe thì thu phí là không phù hợp.
Theo Luật Giao thông đường bộ, TPHCM đã ban hành Quyết định 74/2008 quy định cụ thể việc triển khai sử dụng lòng đường. Quy định này đã đưa ra 6 trường hợp được phép sử dụng vỉa hè. Cụ thể: Sử dụng vỉa hè cho hoạt động tổ chức tiệc cưới, tang lễ; hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí; phục vụ thi công xây dựng để sửa chữa các công trình; buôn bán hàng hoá; hoạt động xã hội; để xe tự quản trước nhà... Tuỳ từng trường hợp sẽ có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của vỉa hè, ưu tiên nhất là dành cho người đi bộ.
"Thổ công" bị đánh tráo (!?)
Nói về "cuộc chiến" giành lại vẻ hè động chạm đến sinh hoạt người dân, thậm chí là sinh kế của họ, Tiến sỹ Lương Hoài Nam - chuyên gia độc lập, cho rằng, bản chất lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong thực hiện như thế? Nguyên nhân cơ bản là do đây là hành vi chiếm dụng của công thành của tư. Như cha ông ta thường nói: "Đất có thổ công, sông có hà bá".
Ông Lương Hoài Nam cho rằng "thổ công" của vỉa hè đang bị đánh tráo
"Về pháp luật, "thổ công" ở đây chính là toàn dân vì đó là đất công. Tuy nhiên, thực tế khi vỉa hè bị lấn chiếm, vai trò "thổ công" bị đánh tráo, toàn dân không phải thổ công nữa mà là "ông khác". Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bí thư TPHCM cũng đã lên tiếng về thực trạng có lực lượng bảo kê cho hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cuộc chiến lập lại trật tự, kỷ cương đang diễn ra vô cùng khó khăn. Lý do chính bởi lợi ích từ việc lấn chiếm này rất lớn" - ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cho rằng, giá trị đất mặt phố từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí có nơi lên tới hàng tỷ đồng/m2. Với giá trị khủng như vậy, khi cơ quan quản lý buông lỏng, sẽ có ai đó sẵn sàng lấn chiếm, và có lực lượng bảo kê. Mặt khác, cần phải nói pháp luật cũng có sự cực đoan nhất định, cái chính là phải gỡ yếu tố cực đoan này.
"Từ người quản lý tới người dân đều nói, vỉa hè là phần dành cho người đi bộ. Không đúng, ngoài đi bộ, vỉa hè còn có nhiều công năng khác. Ở nhiều nơi, trên vỉa hè còn có hoạt động thương mại dịch vụ, mô hình nhà hàng cà phê, sạp báo, quầy bán rau quả... Những công năng này nên được pháp luật quy định. Hiện nay, điều 35 Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định công năng vỉa hè dành cho người đi bộ. Chính vì thế, không ai có quyền quy hoạch vỉa hè, không ai có quyền ban hành quy định cho thuê sử dụng vỉa hè.
Ông Nam đề xuất, cần thiết thì sửa đổi Luật, cho phép người dân thuê vỉa hè (mức tiền thế nào thì địa phương quyết định, với các hộ chính sách, hộ nghèo, có thể là 0 đồng, 10 đồng hay bao nhiêu đó). Nhưng người dân chỉ trả một lần và không phải mất phí cho bất kỳ ai khác. Và họ có trách nhiệm quản lý phần vỉa hè theo quy định.
Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng
Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - phản biện, việc sử dụng vỉa hè cho mục đích phi giao thông đã được giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên. Việc này được giao cho chính quyền địa phương tổ chức cho phù hợp.
"Nếu như chúng ta thực sự quan tâm đến việc đi bộ sao cho phù hợp, tôi cho rằng nên để xe phía ngoài hơn là để xe từ mép tường ra, vì để xe từ mép tường ra, người đi bộ suốt ngày húc vào gốc cây. Khi nào xác định để xe ở ngoài, đi bộ ở trong một cách mạch lạc thì việc đập tam cấp của nhà dân mới có lý" - ông Hùng cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hà Nội: Vỉa hè chật cứng ô tô, xe máy trong chiến dịch giành lại vỉa hè Hà Nội đang ráo riết lấy lại vỉa hè cho người đi bộ từ các hộ dân lấn chiếm. Tuy nhiên, ở nhiều tuyến phố thủ đô, không thể phân biệt đâu là vỉa hè, đâu là mặt đường khi xe máy, ô tô tràn lên ào ạt trong các khung giờ cao điểm. "Cuộc chiến" giành vỉa hè cho người đi bộ,...