Chiến dịch Điện Biên Phủ – Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam
Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật quân sự truyền thống và là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo. Ảnh: VGP/Phương Liên
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS. TS Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam về sự phát triển vượt bậc của quân sự Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện qua nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
Phát huy cao nhất sức mạnh tác chiến hợp đồng binh chủng
Theo Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lực lượng ta tham gia chiến dịch, bên cạnh các đại đoàn bộ binh (9 trung đoàn), có một Đại đoàn Công – Pháo (351) và một trung đoàn pháo cao xạ (367).
So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch ở chiến trường Điện Biên Phủ, ta có ưu thế về bộ binh, lực lượng pháo binh ta và địch tương đương nhau; về phương tiện chiến đấu, địch chiếm ưu thế tuyệt đối về xe tăng và máy bay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong chiến đấu chính là việc sử dụng lực lượng, vận dụng cách đánh chiến dịch phù hợp.
Thực hiện phương châm chiến dịch “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta đã phát huy được sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, mà chủ yếu là giữa bộ binh, pháo binh và phòng không bắn phá chi viện, bảo vệ đội hình cho bộ binh.
Trong đợt 1 của chiến dịch (13 đến 17/3/1954), ta đã tập trung được ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt được 3 cụm cứ điểm ngoại vi phía Bắc. Tỷ lệ binh lực trong các trận cụ thể là: trận Him Lam: địch 1/ta 3; trận đồi Độc Lập: địch 1/ta 4,5; trận Bản Kéo: địch 1/ta 3. Riêng trận then chốt mở đầu chiến dịch (Him Lam), so sánh pháo cối trực tiếp chi viện đánh vào mục tiêu ta hơn địch 10 lần. Nếu tính cả nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác, ta hơn địch 2,6 lần. Do ta tập trung tiêu diệt từng cụm cứ điểm, cho nên pháo binh có điều kiện thuận lợi chi viện cho bộ binh trong từng trận đánh.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo phân tích: Thắng lợi của ta trong đợt 1 chiến dịch đã thể hiện rõ sự hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, tạo ưu thế binh hỏa lực hơn hẳn địch, dứt điểm từng cụm cứ điểm, vừa chiến đấu vừa rút kinh nghiệm trận trước cho trận sau, củng cố lực lượng sau từng trận, từng đợt chiến dịch và có điều kiện chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Cách đánh đó chính là bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong một chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp; được đánh dấu bằng việc xác định đúng phương châm tác chiến chiến dịch “đánh chắc, tiến chắc”.
Tuy nhiên, trong đợt 2 chiến dịch (30/3 đến 30/4/1954), nguyên tắc và kinh nghiệm tập trung binh hỏa lực đã không được quán triệt và thực hiện đầy đủ khi tiến công cụm điểm cao phía đông, do đó, quân ta gặp nhiều khó khăn và chịu tổn thất nặng. Chỉ riêng trận đánh đồi A1, ta sử dụng một trung đoàn (174) tiến công vào cụm cứ điểm có boongke, hầm ngầm kiên cố, pháo binh bắn phá không tập trung, nhất là ngăn chặn lực lượng địch phản kích, nên trong ba đêm liên tiếp (hai đêm sau tăng cường Trung đoàn 102) ta không thể đánh chiếm được cụm cứ điểm này.
Như thế, vấn đề vận dụng cách đánh chiến dịch phù hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, chu đáo, tập trung được binh hỏa lực chính là nghệ thuật giành thắng lợi trong chiến dịch đánh công kiên dài ngày, tiêu diệt sinh lực lớn của đối phương.
Vận dụng sáng tạo nhiều cách đánh
Video đang HOT
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm chiến trường Điện Biên Phủ.
Ảnh tư liệu
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo cho biết, chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực của mọi thứ hỏa khí, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của đối phương là bước phát triển trong chỉ đạo cách đánh chiến dịch giai đoạn sau của đợt 2 chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi dưới các hình thức đánh lấn, phá hủy từng ụ đề kháng, kết hợp với tổ chức lực lượng bắn tỉa tiêu hao lực lượng địch, làm cho sinh lực của chúng hao mòn, tinh thần luôn căng thẳng.
Cùng với đó, ta đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, triệt tiếp tế đường không (con đường tiếp tế duy nhất) để đánh vào “dạ dày” của đối phương. Điều kiện để vận dụng cách đánh này là không ngừng đưa trận địa tiến công và bao vây ngày càng áp sát địch, hạn chế uy lực không quân và pháo binh của chúng.
Thực hiện chủ trương tác chiến mới, từ giữa tháng 4/1954, quân ta đã từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường. Với cách đánh hiểm, thêm cả hệ thống giao thông hào, chiến hào và các mũi tiến công thọc sâu của ta chia cắt, cô lập phía Đông và Tây sân bay, phía Nam và Bắc tập đoàn cứ điểm, khiến cho quân Pháp rơi vào thế khốn đốn, tinh thần ngày càng sa sút, tiếp tế ngày càng khó khăn. Đến cuối tháng 4, ta đã hình thành thế trận uy hiếp mạnh phân khu trung tâm Mường Thanh và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chắc thắng để chuyển sang đợt tiến công cuối cùng.
Bước vào đợt 3 của chiến dịch (1/5 đến 7/5/1954), trên cơ sở kết quả chiến đấu của 2 đợt trước, quân ta tiếp tục đánh chiếm cụm cứ điểm cuối cùng của quân Pháp ở phía Đông, chuyển sang tổng công kích đánh chiếm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào chiều 7/5.
Điểm phát triển đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong đợt 3 là xác định đúng thời cơ đánh đòn quyết định cuối cùng. Thời cơ đúng là khi phát hiện địch có triệu chứng tháo chạy, lập tức hình thành lực lượng thọc sâu, tiến thẳng vào Sở chỉ huy của đối phương, bắt tướng chỉ huy và Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo khẳng định, thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Và đối với thực dân Pháp, thất bại ở Điện Biên Phủ là hệ quả tất yếu của những toan tính chiến lược sai lầm, mà trên hết, Pháp đã không thấy hết sức mạnh của một dân tộc đã kiên quyết đứng lên cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc; không đánh giá đúng sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng tiên phong và lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.
(Theo Chinhphu)
Gặp người bắt sống Tướng De Castries trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Ở tuổi 79, đại tá Hoàng Đăng Vinh - người trực tiếp được lệnh vào bắt Tướng De Castries trong chiến dịch Điện Biên Phủ - vẫn khỏe mạnh, mực thước và minh mẫn.
Chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh vinh dự được Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên năm 1954.
Những ngày này, trong không kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn miệt mài đi truyền lửa qua những buổi nói chuyện với các Tỉnh ủy, học viên các trường quân sự.
Có dịp gặp gỡ và trò chuyện với đại tá Hoàng Đăng Vinh mới thấy sự nhiệt huyết và dường như trong đôi mắt ông luôn ánh lên niềm tự hào về những "ký ức Điện Biên" hào hùng, đặc biệt về những phút giây bắt sống Tướng De Castries và thời khắc sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, vang danh 5 châu.
Vinh quang và vinh dự!
Là một trong số ít người có mặt trong hầm sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chiều ngày 7/5/1954,đại tá có thể kể lại thời khắc đó cho độc giả được biết?
Khi chúng tôi vào, thấy có hơn hai chục sĩ quan Pháp nhốn nháo, có thằng chui vào gầm bàn. Đồng chí Đại đội trưởng Tạ Quang Luật hô bằng tiếng Pháp, tất cả bọn chúng đều giơ tay đầu hàng, riêng De Castries ngồi yên, không đứng dậy.
Thấy vậy, đại đội trưởng lệnh cho tôi vào bắt Tướng De Castries đầu hàng. Tôi lại gần hắn, hắn đứng bật dậy, chìa tay định bắt tay tôi. Tôi nghĩ trong đầu: "Sao lại bắt tay"? "Bắt tay là thế nào?".
Nhưng ngay sau đó, tôi thọc họng khẩu Tôn-sơn vào bụng hắn, hắn sợ tái mặt và lùi lại nói 1 tràng tiếng Pháp. Tôi không hiểu gì. Đại đội trưởng bảo hắn nói "xin các ông đừng bắn, tôi đầu hàng".
Đấy là giờ phút lịch sử của dân tộc, Tướng De Castries và toàn bộ bọn tù binh Pháp đứng câm lặng, cúi mặt lầm lũi, run rẩy, giơ tay xin hàng quân đội nhân dân Việt Nam. Trên các quả đồi, quân ta kéo lên reo hò, mừng thắng lợi vang dội cả núi rừng Tây Bắc.
Thưa ông, giây phút chiến thắng hào hùng của dân tộc, niềm xúc động dâng trào trong ông như thế nào? Ông có thể chia sẻ về thời khắc lịch sử đáng nhớ đó ở Điện Biên Phủ?
Phải nói là rất sung sướng, một hạnh phúc lớn, hạnh phúc của cả dân tộc và với những người chiến sĩ như chúng tôi. 56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt vất vả, bây giờ chứng kiến cảnh tướng Pháp đầu hàng.
Có thể nói là hôm ấy, bầu trời Điện Biên lúc đó là 5h30, mặt trời đã xuống núi, ánh hào quang mặt trời rực rỡ lắm, nhưng trong cái rực rỡ đấy là hình ảnh các chiến sĩ của chúng ta trèo lên tất cả các ngọn đồi, hò reo chiến thắng, trông oai vệ biết bao. Cảm giác đó thật tuyệt, thật hạnh phúc và tự hào.
Cựu chiến binh Hoàng Đăng Vinh ở tuổi 79.
Trong khi đó quân Pháp, khoảng 8.000 con người cùng một lúc, ùn ùn ra hàng, lầm lũi, gục đầu xuống, lê bước trên đường, mới thấy được sự vĩ đại của chiến thắng và cũng như tư thế oai phong của Việt Nam. Các chiến sĩ chúng tôi có một niềm tin, giá thử có Điện Biên Phủ thứ hai hiện đại hơn, chúng tôi cũng chiến thắng.
Được biết, lúc đó ông mới 19 tuổi đời và 2 năm tuổi quân. Ông nghĩ sao về hành động của mình?
Tự hào, rất tự hào và vinh dự. Thấy mình oai lắm, xem ra mình cũng được đấy chứ, làm được cái việc mình chưa bao giờ dám nghĩ đến. Nhưng chính đồng đội đã tạo cho tôi.
Từ trận đánh đầu tiên, quá trình trưởng thành từng bước, cuối cùng đã làm được 1 việc, tất nhiên người khác cũng làm được, nếu đặt vào trong thời khắc lịch sử đó.
Sự hy sinh của đồng đội luôn hiện về trong ký ức!
Sau lần bắt Tướng De Castries ra hàng ở Điện Biên Phủ, ông có lần nào gặp lại De Castries không?
Tôi còn gặp lại Tướng De Castries lần thứ hai vào ngày 20.5.1954, lúc đó ông ta đã là 1 tù binh. Trong một cảnh quay của đạo diễn Liên Xô RoMan Karmen về Điện Biên Phủ, tôi ngồi đối diện với ông ta, một cán bộ điện ảnh Việt Nam chỉ vào tôi rồi hỏi ông ta: "Ông có biết anh này là ai không?".
De Castries nghĩ một hồi rồi trả lời: "Nếu tôi không nhầm thì tôi đã gặp anh ấy rồi". Anh cán bộ điện ảnh nói: "Tôi khen ông có trí nhớ tốt, chính anh này đã vào hầm bắt ông!".
De Castries hơi lúng túng, nhưng rất tinh quái, nhìn thẳng vào tôi, nói: "Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh!".
Nghe thế tôi tức lắm nhưng chưa biết nói gì. Các đồng chí cán bộ điện ảnh nhìn tôi ra vẻ "trả lời đi chứ", cuối cùng tôi nói: "Ông chỉ láo toét! Ông chỉ huy thế nào được tôi, vì chính tôi và đồng đội đã vào tóm cổ lôi ông ra". Không ngờ câu trả lời của tôi được các cán bộ của ta vỗ tay nhiệt liệt.
Việc bắt sống Tướng De Castries, ký ức đấy đã theo ông trong suốt cuộc đời thế nào? Ông có hay nghĩ về giây phút đấy không?
Thực ra cái đó thì ít, còn ký ức về đồng đội lại thường hay trở về với tôi. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại trên đường hành quân và bên kia cầu Mường Thanh.
Họ đã anh dũng hy sinh, quyết chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Còn chuyện gặp Tướng De Castries, thì thỉnh thoảng có hình dung lại, nhưng trong giấc mơ thì không bao giờ nghĩ tới.
Hình ảnh các chiến sĩ của ta trèo lên các ngọn đồi hò reo chiến thắng, đối ngược lại, quân Pháp lầm lũi, lê từng bước chân ra hàng như một bức phù điêu hào hùng tạc vào lịch sử. Nhưng để đánh đổi được chiến thắng đó, nhiều người đã phải nằm lại mảnh đất Điện Biên khi tuổi đời còn trẻ. Ông nói gì về sự hy sinh của đồng đội?
Đó là một mất mát lớn, nhưng là một sự hy sinh tuyệt vời. Rất thương tiếc những đồng đội đã hy sinh, nhưng đó là sự hy sinh làm nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cột mốc bằng vàng cơ mà. Cho nên sự hy sinh đó là xứng đáng, rất được trân trọng và vô cùng biết ơn.
Những sự hy sinh đó sẽ tiếp tục tạo nên ngọn lửa, thôi thúc thế hệ trẻ rèn luyện và phấn đấu để xây dựng và làm rạng danh đất nước, tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Xahoi
Ký ức hào hùng của người cựu binh pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Điện Biên Phủ Tác giả Bernard B Fall đã gọi cuộc chiến trên bầu trời Điện Biên là "cuộc tàn sát máy bay". Kéo pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu) "Phòng không cao xạ của ta/ Lần đầu xuất trận như là thần tiên/ Đoàn Ba sáu bảy không quên/ Vẫn còn mãi mãi trong thiên sử vàng...". Những câu thơ giản...