Chiến dịch bí mật của Mỹ tại Tây Tạng
Tại bữa tiệc xa hoa trên núi Vernon, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy đã gây áp lực buộc lãnh đạo Pakistan phải bắt tay hỗ trợ chiến dịch tình báo chống Trung Quốc.
Máy bay U-2 nổi tiếng từng được Mỹ sử dụng để do thám Trung Quốc – Ảnh: CIA
Ngày 11.7.1961, chính quyền Tổng thống John F.Kennedy (JFK) long trọng tổ chức quốc yến trên đỉnh Vernon để chào đón Tổng thống Pakistan – tướng Ayub Khan trong chuyến thăm Mỹ.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tư dinh của Tổng thống Mỹ George Washington trở thành địa điểm diễn ra bữa tiệc chiêu đãi khách quý của Nhà Trắng.
Thời cơ hoàn hảo
Lúc đó, JFK vừa nhận nhiệm sở chưa đầy 6 tháng, nhưng chính quyền của ông đã dính phải những vết nhơ như cuộc tấn công Cuba bất thành trong chiến dịch Vịnh Con Lợn, và cuộc gặp song phương Mỹ – Liên Xô thảm hại diễn ra tại Vienna (Áo), với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev.
Vợ chồng Tổng thống Kennedy đón tiếp Tổng thống Pakistan Ayub Khan (bìa phải) và con gái Begum Nasir Akhtar Aurangzeb – Ảnh: JFK Library
Có thể nói đó quả là một sự khởi đầu nhọc nhằn đối với chính quyền Kennedy, và tân chủ nhân Nhà Trắng bị đẩy vào tình thế phải lập tức thể hiện năng lực để vớt vát hình ảnh. Cuộc tiếp đón Tổng thống Pakistan là một cơ hội hoàn hảo, theo trang The Daily Beast trích quyển sách có tựa đề From JFK’s Forgotten Crisis: Tibet, the CIA, and the Sino-Indian War (tạm dịch Từ cuộc khủng hoảng bị quên lãng của JFK: Tây Tạng, CIA và chiến tranh Trung – Ấn) của tác giả Bruce Riedel.
Video đang HOT
Dựa trên ý tưởng của đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, người lấy cảm hứng từ hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại lâu đài cổ kính Schnbrunn ở Vienna cách đó một tháng, bữa tiệc hoành tráng được ấn định tại biệt thự của vị Tổng thống Mỹ đầu tiên. Dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của mật vụ và lực lượng thủy quân lục chiến, đoàn khách quý trên những du thuyền sang trọng đã tiến đến nơi tổ chức tiệc nằm trên bờ sông Potomac. Danh sách khách mời gồm có Tổng thống Pakistan Ayub Khan và con gái Begum Nasir Akhtar Aurangzeb, cùng ngoại trưởng và bộ trưởng tài chính.
Về phần chủ nhà, hầu như toàn bộ quan chức hàng đầu của Washington đều có mặt, từ tổng thống, phó tổng thống, các bộ trưởng như Ngoại trưởng Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, Bộ trưởng Hải quân John Connally, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Lyman Lemnitzer và các phu nhân. Tất nhiên không thể thiếu những nhân vật chủ chốt của Đồi Capitol, như các thượng nghị sĩ J.W.Fulbright, Stuart Symington, Everett Dirksen, Mike Mansfield… Tổng cộng có hơn 130 vị khách được mời chào những món ăn ngon nhất trên 16 bàn tiệc ở bãi cỏ. Tuy nhiên, có lẽ vị khách nhận được nhiều lợi ích nhất trong buổi tiệc đón phái đoàn Pakistan chính là Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles.
Vào thời điểm ông Kennedy mời tướng Ayub Khan đi dạo trong vườn, CIA đã triển khai 2 chiến dịch tình báo vô cùng quan trọng tại Pakistan. Trong đó, một vụ khá đình đám được giới truyền thông loan tải cách đó 1 năm khi một máy bay trinh sát U-2 bị Liên Xô bắn hạ bằng tên lửa đất đối không.
Chiếc máy bay này vừa khởi động sứ mệnh bí mật gọi là chiến dịch Grand Slam, xuất kích từ căn cứ không quân Pakistan tại Peshawar. Chính vụ bắn hạ U-2 đã phá vỡ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Khrushchev và Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower tại Paris vào năm 1960. Kể từ đó, CIA đã ngưng đưa máy bay trinh sát qua không phận Liên Xô, nhưng vẫn dùng căn cứ gần Peshawar cho những chiến dịch U-2 ít nguy hiểm hơn trên bầu trời Trung Quốc.
Chiến dịch bí mật thứ hai cũng bắt nguồn từ thời chính quyền Eisenhower, nhưng vẫn thuộc dạng tuyệt mật. CIA lúc đó đang ủng hộ phong trào chống Trung Quốc ở Tây Tạng. Từ một căn cứ không quân khác gần thành phố Dacca ở Đông Pakistan (ngày nay là thủ đô Dhaka của Bangladesh), những tay súng Tây Tạng dưới sự huấn luyện của CIA tại Colorado nhảy dù từ các máy bay chuyển quân của Mỹ xuống khu vực bình nguyên, cùng quân nhu và vũ khí. Máy bay U-2 cũng đáp xuống Đông Pakistan sau khi bay qua vùng trời Trung Quốc trong các sứ mệnh do thám. Tướng Ayub Khan đã tạm ngưng chiến dịch Tây Tạng vào đầu hè 1961, để tỏ thái độ giận dữ trước quyết định của ông Kennedy cung cấp hơn 1 tỉ USD viện trợ kinh tế cho đại kình địch Ấn Độ.
Sự nhượng bộ của Pakistan
Trước bữa tiệc tại đỉnh Vernon, Giám đốc Allen Dulles đề nghị ông Kennedy sắp xếp gặp riêng tướng Ayub Khan, với mong muốn lãnh đạo Nhà Trắng có thể thuyết phục Tổng thống Pakistan đổi ý. Và dường như chiêu này có tác dụng. Phía Islamabad đồng ý cho phép CIA khởi động lại chiến dịch Tây Tạng, đổi lại lời hứa rằng dù Trung Quốc có tấn công Ấn Độ thì Washington cũng không bán vũ khí cho New Delhi trừ phi thông báo trước với đồng minh Pakistan. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh biên giới Trung – Ấn bùng nổ năm 1962, Tổng thống Mỹ đã phớt lờ lời hứa đó, gây thất vọng sâu sắc cho ông Ayub Khan.
Chiến dịch của CIA tại Tây Tạng cũng vấp phải những phản đối từ nội bộ Nhà Trắng, bao gồm Đại sứ John Kenneth Galbraith tại New Delhi, người lo ngại Washington sẽ chọc giận Bắc Kinh nếu tiếp tục can thiệp vào chuyện Tây Tạng. Dù vậy, thông qua đó CIA cũng thu thập được những thông tin tình báo thiết yếu về chính quyền Trung Quốc vào thời điểm Mỹ vẫn chưa biết gì về nội bộ nước này.
Các chuyến bay U-2 từ Dacca còn thu thập những tin tức đặc biệt quan trọng để CIA hiểu biết thêm về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân tối mật của Trung Quốc ở bãi thử Lop Nor, thuộc phía đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Tuy nhiên, cuối cùng lo ngại của ông Galbraith cũng trở thành sự thật: chiến dịch CIA đã châm ngòi cho TrungQuốc kéo quân qua biên giới thuộc bang Arunachal Pradesh và Aksai Chin vào tháng 10.1962, làm bùng nổ cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ. Nó đồng thời cũng tạo ra liên minh Trung Quốc – Pakistan kéo dài đến ngày nay.
Có thể nói thế cuộc chính trị hiện đại của châu Á đã được phân định rõ ràng từ năm 1962. Dẫu vậy, quốc yến tại núi Vernon vẫn được đánh giá là một thành công ngoạn mục về mặt xã hội cho gia đình Kennedy, cũng như thành công về chính trị cho cả Tổng thống Kennedy và CIA, nếu tính đến khía cạnh duy trì được chiến dịch Tây Tạng.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Cuộc đối đầu gián điệp Mỹ - Israel
Giữa Mỹ và Israel tồn tại một cuộc chiến do thám lẫn nhau trong bối cảnh quan hệ giữa 2 đồng minh thân thiết này bị cho là đang "xộc xệch".
Lực lượng vũ trang Israel được cảnh báo về âm mưu xâm nhập của CIA - Ảnh: IDF
Theo giới quan sát, Mỹ và Israel đang trong thời kỳ quan hệ rất trắc trở xuất phát từ bất đồng về hòa bình Trung Đông, thỏa thuận hạt nhân với Iran và cả quan hệ cá nhân được cho là không êm đẹp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Đơn cử hồi tháng 3, ông Netanyahu đã bất chấp phản đối của Nhà Trắng để phát biểu trước quốc hội Mỹ về "tình trạng hạt nhân hóa Trung Đông và những hậu quả khủng khiếp đối với toàn nhân loại". Đáp lại, Tổng thống Obama phản ứng khá thờ ơ và còn nhận định rằng bài phát biểu "chẳng có gì mới mẻ". Và giữa lúc bầu không khí nghi ngờ đang âm ỉ bao trùm quan hệ Mỹ - Israel, ít nhất là về vấn đề Iran, các nguồn tin từ cả hai nước đều tung những cảnh báo về hoạt động do thám của đối phương.
CIA xâm nhập quân đội Israel
Hồi tuần trước, Cục An ninh thông tin thuộc Ban giám đốc Tình báo quân đội Israel vừa gửi thông báo nội bộ đến tất cả các đơn vị thuộc Lực lượng Quốc phòng (IDF) về nguy cơ có thể lọt vào tầm ngắm tuyển mộ của CIA. Theo Đài Channel 2 của Israel, thông báo nhấn mạnh toàn thể sĩ quan và binh lính của IDF phải luôn cảnh giác trước các âm mưu chèo kéo, tuyển mộ đến từ Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Nói một cách đơn giản, phía tình báo quân đội Israel nghi ngờ CIA đang có ý đồ cài gián điệp vào lực lượng vũ trang của đồng minh.
Thông báo có tựa đề "CIA đang tuyển quân từ các đơn vị đặc biệt của chúng ta" kêu gọi các binh sĩ, đặc biệt là những người hoạt động trong mảng tình báo, hãy luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ và báo cáo ngay những sự việc bất thường như có người lạ muốn làm quen hoặc khi phát hiện những hành vi đáng ngờ của đồng đội lẫn cấp trên.
Channel 2 còn dẫn thông báo chỉ rõ rằng những thanh niên Israel đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự khi đến Mỹ đều "được phỏng vấn cặn kẽ" bởi các viên chức của "một cơ quan không xác định", được cho là CIA, nhằm thuyết phục họ trở thành điệp viên. Ngoài ra, Cục An ninh thông tin cũng nhắc nhở các quân nhân cẩn thận khi sử dụng mạng xã hội hoặc bàn luận công việc thông qua các đường dây điện thoại chưa bảo mật.
Giới chức Israel từ chối bình luận trực tiếp về thông tin trên nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Channel 2, một quan chức cấp cao IDF giải thích: "Mọi cơ quan an ninh đều lo ngại thông tin mật của tổ chức có thể lọt vào tay của tình báo nước ngoài".
Đồng minh đầy nghi kỵ
Ở phía ngược lại, tờ Newsweek dẫn lời giới chức cấp cao của Mỹ cáo buộc Israel do thám Mỹ nhiều hơn bất kỳ đồng minh nào khác với mức độ "đáng báo động, thậm chí đáng sợ". Hoạt động này đặc biệt tăng cao trong thời điểm các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5 1 (gồm 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ Đức) về giải quyết căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của nước CH Hồi giáo bước vào giai đoạn cuối từ cuối năm 2014 cho đến khi đạt thỏa thuận hồi tháng 7. Tuy Tel Aviv cực lực bác bỏ mọi cáo buộc nghe lén về quá trình đàm phán nhưng nhiều quan chức Washington khẳng định các điệp viên của đồng minh "nắm rõ mọi chi tiết trong phòng họp". "Gián điệp Israel đến đây trong những phái bộ thương mại, các công ty Israel, hoặc do chính phủ trực tiếp điều hành thông qua đại sứ quán", Newsweek dẫn lời một viên chức quốc hội Mỹ cáo buộc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bị cho là có quan hệ có khi ngọt, nhạt - Ảnh: AFP
Thật ra, không phải tới bây giờ người Mỹ mới giật mình trước hoạt động do thám của Israel. Theo RT, vào khoảng năm 2004, CIA đã sa thải 2 nữ nhân viên do tiếp xúc với người Israel mà không báo cáo. Đến năm 2006, cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ Lawrence A.Franklin đã bị tuyên phạt 12 năm tù giam vì tội chia sẻ thông tin mật với một nhà ngoại giao Israel. Chưa hết, tờ The Washington Post dẫn hồ sơ mật do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tung ra tiết lộ chính quyền Tổng thống Obama xếp Israel chung với Iran và Cuba trong nhóm mục tiêu chính của các chiến dịch phản gián.
Dĩ nhiên Israel phản ứng mạnh với mọi cáo buộc do thám đồng minh lớn nhất của mình, gọi chúng là "những lời phỉ báng vô căn cứ". Tuy nhiên, theo Newsweek, người Mỹ vẫn đang hết sức nghi kỵ trong bối cảnh Thủ tướng Benjamin Netanyahu cương quyết tìm mọi cách khiến thỏa thuận hạt nhân Iran phải thất bại còn Tổng thống Obama coi đây là một trong những di sản lớn nhất về đối ngoại của mình.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Trung Quốc sắp khởi tố cựu trưởng công an Tây Tạng Một cựu quan chức an ninh cấp cao của Trung Quốc tại Tây Tạng đang đứng trước cáo buộc tham nhũng, Reuters dẫn lời cơ quan chức năng cho biết hôm 30.10. Chiến dịch truy quét tham nhũng của Trung Quốc tiếp diễn với hàng loạt quan chức vùng xa bị "sờ gáy" - Ảnh: Reuters Ông Nhạc Đại Khắc (Le Dake), từng...