Chiến đấu cơ xuất hiện trong biểu tình Myanmar
Năm chiến đấu cơ xuất hiện ở Mandalay hôm nay khi người dân cả nước tiếp tục biểu tình, động thái dường như thể hiện sức mạnh quân sự.
Một ngày sau biểu tình đẫm máu khiến 38 người chết, các nhà hoạt động Myanmar cho biết họ từ chối công nhận chính quyền quân sự và quyết tâm gây sức ép để Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi được trả tự do và chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử tháng 11 được công nhận. Biểu tình tiếp tục diễn ra hôm nay tại các thành phố và thị trấn trên khắp Myanmar, gồm hai thành phố lớn là Yangon và Mandalay.
Người biểu tình mặc đồ bảo hộ đứng sau rào chắn khi họ đối mặt cảnh sát ở thủ đô Naypyidaw hôm nay. Ảnh: AFP .
Trong những ngày gần đây, quận San Chaung của Yangon rơi vào tình trạng hỗn loạn khi lực lượng an ninh tập trung ở đó để ngăn người biểu tình tụ tập. Vốn là nơi tập trung các quán cà phê, nhà hàng và quán bar thời thượng, nhưng đường phố San Chaung hôm nay tràn ngập rào chắn được dựng lên bằng bao cát, lốp xe, gạch và dây thép gai.
“Ngày hôm qua thật kinh khủng. Thật tuyệt vọng khi biết quân đội ở Myanmar chưa bao giờ thay đổi kể từ năm 1962, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là phản kháng”, nhà hoạt động Thinzar Shunlei Yi nói, thêm rằng cô sẽ phản kháng mỗi ngày.
Video đang HOT
Tại một số khu vực ở Yangon, người biểu tình treo ga trải giường và xà rông trên đường phố để che khuất tầm nhìn của cảnh sát đang nhắm bắn. Họ cũng dùng dây thép gai để gia cố rào chắn.
Cảnh sát sau đó nổ súng và sử dụng hơi cay để giải tán biểu tình ở Yangon và thị trấn miền trung Monywa, các nhân chứng cho biết. Cảnh sát cũng nổ súng ở thành phố Pathein, phía tây Yangon.
Người biểu tình cũng tụ tập ở những nơi khác, gồm thành phố đền thờ lịch sử Bagan. Hàng trăm người diễu hành mang theo ảnh bà Suu Kyi và biểu ngữ: “Hãy trả tự do cho lãnh đạo của chúng tôi”, một nhân chứng cho hay.
Theo người dân, 5 chiến đấu cơ đã thực hiện ba chuyến bay tầm thấp theo đội hình ở thành phố Mandalay sáng nay, dường như nhằm thị uy sức mạnh quân sự.
Các chiến đấu cơ xuất hiện trên bầu trời thành phố Mandalay hôm nay. Ảnh: Twitter/Riri .
Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi quân đội đảo chính hôm 1/2, bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo chính quyền dân sự. Hàng trăm nghìn người trên khắp Myanmar đã xuống đường biểu tình kể từ đó để phản đối đảo chính. Làn sóng biểu tình ở Myanmar hôm 3/3 trải qua “ngày đẫm máu” nhất khi 38 người bị lực lượng an ninh bắn chết.
Lực lượng an ninh đã bắt gần 1.500 người từ khi xảy ra đảo chính, với 1.200 người vẫn bị giam, theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP). Nhóm cũng ghi nhận hơn 50 trường hợp tử vong, trong đó có chi tiết thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 bị bắn vào đầu và ngực.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp kín để thảo luận tình hình Myanmar trong ngày 5/3. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng xả súng vào dân thường và nhân viên y tế không mang vũ khí là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cáo buộc quân đội Myanmar đẩy mạnh “đàn áp” truyền thông khi ngày càng nhiều nhà báo bị bắt và buộc tội.
Đám tang một người biểu tình Myanmar
Vợ con Thet Naing Win đau đớn bên quan tài người đàn ông 37 chết vì trúng đạn vào ngực khi tham gia biểu tình ở Mandalay.
"Tôi vô cùng đau đớn, anh ấy đã ra đi rồi. Gia đình chúng tôi đã mất đi chỗ dựa. Tôi phải sống tiếp mà không có anh ấy", Thidar Hnin, vợ của Thet Naing Win, nói trong đám tang chồng ở Mandalay hôm 23/2.
Thet Naing Win trúng đạn vào ngực khi cảnh sát và binh lính nổ súng vào đám đông tụ tập ủng hộ công nhân tại bến tàu bị giới chức ép làm việc. Một cậu thiếu niên khác cũng thiệt mạng.
Họ đình công. Giống như nhiều công nhân viên chức và lao động tại các doanh nghiệp nhà nước, trong phong trào bất tuân dân sự diễn ra khắp Myanmar nhằm phản đối cuộc đảo chính hôm 1/2 của quân đội.
Ít nhất 3 người biểu tình đã thiệt mạng. Ngoài Thet Naing Win và cậu thiếu niên, một cô gái 20 tuổi ở thủ đô Naypyitaw cũng qua đời cuối tuần trước, 10 ngày sau khi bị bắn trúng đầu lúc tham gia biểu tình.
Người thân, hàng xóm, bạn bè, đến tiễn biệt Thet Naing Win. Sau khi nhìn mặt anh lần cuối, họ ôm di ảnh và đưa quan tài lên xe tang tới nơi chôn cất. Dòng xe và người đưa tiễn Thet Naing Win đi qua nhiều con phố và nhiều nhóm biểu tình. Họ lặng lẽ cúi đầu, bày tỏ tiếc thương trước xe tang.
Đoàn xe chở lĩnh cữu Thet Naing Win. Ảnh: AFP
Cái chết của ba người biểu tình càng khiến phong trào thêm sục sôi, khi biển người tiếp tục xuống đường khắp hàng trăm thị trấn và thành phố lớn ở Myanmar hôm 22/2. Quân đội Myanmar cố gắng ngăn chặn bằng rào chắn và xe chuyên dụng.
Kể từ khi quân đội đảo chính, lật đổ chính quyền của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, 640 người đã bị bắt giam trong các cuộc biểu tình chống đảo chính, theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Chính quyền quân sự Myanmar đến nay vẫn tỏ ra không quan tâm tới những động thái lên án từ quốc tế. Anh, Mỹ và Canada đều đã áp các lệnh trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh quân đội hàng đầu nước này. Liên minh châu Âu cũng tuyên bố sẵn sàng áp lệnh trừng phạt lên quân đội Myanmar.
Biển người biểu tình tại các thành phố Myanmar Hàng chục nghìn người xuống đường tại những thành phố lớn như Naypyidaw, Yangon và Mandalay để phản đối đảo chính, bất chấp cảnh báo từ giới chức. Hàng chục nghìn người hôm nay tiếp tục xuống đường tại các thành phố và thị trấn khắp Myanmar để quân đội tiếp quản quyền lực, dù giới chức nước này cảnh báo người biểu...