‘Chiến binh’ đổ gục vì thần dược chiều vợ kém 2 con giáp
Hội chứng sùng mộ sâm ba kích khiến nhiều đấng nam nhi lâm vào tình cảnh “trâu lành thành trâu què”. Thê thảm hơn, có người thành tàn phế.
‘ Càng quất càng sung’ ai ngờ tai biến
Ông Lê Hùng (ngụ phường Đa Kao, Q1, TP.HCM) là một trong những nạn nhân của sâm ba kích.
Tuổi 45, ông mới chuẩn bị bước vào hôn nhân với người vợ nhỏ hơn mình gần 2 giáp. Chênh lệnh tuổi tác khiến ông lo canh cánh cái vụ khuê phòng không ấm êm. Không muốn rơi vào cái cảnh mất bò mới lo làm chuồng, ông Hùng quyết định đi trước một bước.
Một khu chợ bán ba kích ở Tây Bắc
“6 tháng trước thời điểm làm đám cưới, tôi tích cực lên mạng nghiên cứu các loại thảo dược giúp gia tăng bản lĩnh và chĩa tầm ngắm vào sâm ba kích”, ông Hùng kể.
Theo lời quảng cáo trên mạng, đó là “biệt dược bổ dương số một”, là “doping của những cuộc tình”, “trợ thủ đắc lực của chiến binh phòng the”… Trang nào cũng ghi chi tiết các công dụng quỷ khóc thần sầu của ba kích, nào là bổ thận, tráng dương, chữa yếu sinh lý, di tinh, mộng tinh, bất lực, lãnh cảm, tăng cường sinh lực.
Ông Hùng tin sái cổ. “Lựa mãi, cuối cùng tôi quyết định mua 5kg ba kích tím loại dữ nhất với giá 700.000 đồng/kg từ một người rao bán trên mạng. Người ta rao đủ loại giá, có nơi bán chỉ ngoài một trăm ngàn, nhưng tôi quan niệm của rẻ là của ôi nên không ngó tới”, ông Hùng chia sẻ.
Mang về đổ rượu vào ngâm rồi hạ thổ tại một con suối ở gần lòng hồ Dầu Tiếng (Bình Dương), sau đúng 3 tháng 10 ngày, ông Hùng khui bình rượu quý và bắt đầu “luyện công”.
Ông kể, khi ấy ông uống rượu ngâm ba kích liền tù tì, uống theo quan niệm “nạp nhiều bổ nhiều, càng quất càng sung”.
Kết quả là sau 1 tháng, ông Hùng bị tai biến!
Tình cảnh bi đát của ông Hùng hiện tại
“Nói thiệt là lúc đầu dùng vô thấy hưng phấn lắm. Nhưng độ chục ngày thì tôi bắt đầu thấy xây xẩm, khó ngủ, hay choáng… Tôi nghĩ bị như vậy là do căng thẳng, suy nghĩ nhiều. Tôi càng dùng nhiều hơn để mau hồi sức. Ai ngờ…”.
Video đang HOT
Sau khi làm một phát 3 ly rượu ba kích, vào một chiều cuối tuần của gần 1 năm trước, ông Hùng thấy tối sầm. Khi tỉnh dậy ông thấy mình nằm trong bệnh viện.
“Sau đó tôi mới biết mình bị tai biến do tụt huyết áp đột ngột. Đám cưới cũng phải hoãn lại do di chứng liệt nửa người của tôi sau cơn tai biến”, ông Hùng đau khổ.
Giấc mộng đại bàng phòng the thành chim le le thảm hại
Theo Đông y sĩ (ĐYS) Trần Sỹ Thanh (Trường Y học cổ truyền Lê Hữu Trác), không riêng gì ông Hùng, có rất nhiều người đã phải trả giá đắt vì nuôi hy vọng bản lĩnh vào rễ cây ba kích một cách mù quáng.
“Có người mua về ngâm rượu, có người phơi khô xay thành bột hồ với mật ong để dùng dần. Cũng có người hầm với thịt dê, gà ác ăn cho sung. Nhưng sung đâu không thấy, chỉ thấy vì giấc mộng đại bàng phòng the, trở thành chim le le thảm hại”, ĐYS Thanh hài hước.
Trong Dược học cổ truyền, ba kích được xếp trong nhóm thuốc bổ dương, có vị cay, ngọt, tính ấm, vào kinh thận, có công năng chủ trị bổ thận dương, mạnh gân cốt, thận dương suy nhược dẫn đến di tinh, liệt dương, xuất tinh sớm…
“Tuy vậy, không phải ai dùng cũng bổ, không có chuyện dùng nhiều bổ nhiều, càng không có chuyện yếu cỡ nào dùng vào cũng mạnh như trên mạng người ta quảng cáo”, ông Thanh cảnh báo.
Để dễ bề bán sản phẩm, các trang mạng chỉ đưa công dụng, không nhắc gì đến tác dụng phụ
ĐYS Thanh lưu ý rằng khi rao ba kích, người bán thường không đề cập đến tác dụng phụ của cây thuốc. Người mua thì cả tin, hấp tấp, nôn nóng có được “thần dược phòng the” đã không chịu tìm hiểu kỹ. Hậu quả là “lãnh đủ” như trường hợp của ông Hùng.
“Ba kích là vị thuốc có tác dụng hạ huyết áp. Ông Hùng có bệnh lý huyết áp thấp lại dùng thứ gây hạ huyết áp, thì chuyện bị tai biến do tụt huyết áp đột ngột là điều khó tránh khỏi. Nhất là khi dùng với liều lượng vô tội vạ”, ông Thanh phân tích.
Nhiều kiêng kỵ
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, thầy thuốc tùy tình trạng bệnh và sức khỏe của người bệnh mà cho liều dùng ba kích từ 4-12g/người/ngày. Việc dùng quá liều gây ra các biến chứng khôn lường gây tổn hại đến sức khỏe người sử dụng.
Ba kích phải bỏ lõi, phơi khô hoặc tẩm rượu sao nhưng không phải ai cũng biết điều này
Cũng theo lương y Nghĩa, rất nhiều người mắc phải các sai lầm nghiêm trọng khi dùng ba kích khiến họ phải trả giá đắt bằng sức khỏe, tính mạng. “Không chỉ tự ý dùng và dùng quá liều, nhiều người bỏ qua khâu chế biến là phải bỏ lõi, phơi khô, tẩm rượu sao ba kích trước khi sử dụng. Ba kích chẳng ai dùng tươi làm thuốc bao giờ”, lương y Nghĩa cho biết.
Theo các lương y, lõi ba kích có thể gây nhức mỏi, ngộ độc. Và không chỉ người bị chứng huyết áp thấp, rễ cây ba kích còn kiêng kỵ với những ai bị chứng “âm hư hỏa thịnh”, “đại tiện bí táo”.
Các thầy thuốc y học cổ truyền khuyến cáo, nếu dùng độc vị thì ba kích không những không phát huy tác dụng trị liệu, mà còn gây hại.
“Muốn dùng ba kích hiệu quả, an toàn nhất thiết phải phối với các vị thuốc khác. Việc phối thuốc ra sao, phối với những vị nào tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng thầy thuốc. Nhưng chắc rằng, việc tự ý dùng, lạm dụng… sẽ không mang lại hiệu quả, có chăng chỉ là hậu quả mà thôi”, ĐYS Trần Sỹ Thanh khuyên.
Theo Vietnamnet
Góp 200 triệu mua cả tạ ba kích ngâm rượu uống 3 năm
Được đồn đoán là thần dược nên các đấng mày râu không tiếc tiền của để mua loại ba kích rừng xịn (hàng vip). Thậm chí có nhiều người còn góp nhau gần 200 triệu đồng ra để mua ba kích rừng ngâm rượu uống dần.
Vừa hoàn thành công đoạn cuối cùng là hạ thổ toàn bộ 500 lít rượu ngâm ba kích của mình, anh Trần Công Chiến ở Hà Đông (Hà Nội) khoe, chỉ hơn 3 tháng nữa sẽ được khui những chum rượu ba kích của mình lên thưởng thức.
Anh Chiến cho hay, anh đã được nghe đến loại thần dược sâm ba kích từ lâu, cũng đã được nếm thử rượu ba kích một vài lần nên muốn tìm mối để đặt mua. Tuy nhiên, để tìm được loại ba kích rừng xịn không hề dễ, vì trên thị trường chủ yếu toàn ba kích trồng, củ to nhưng ít chất.
Ba kích rừng xịn có giá 1,3 triệu đồng/kg được dân giàu Hà Nội săn lùng mua về ngâm rượu
"Cách đây 3 tháng, nhờ có người quen giới thiệu nên tôi đặt mua hẳn 150 kg ba kích rừng về ngâm rượu rồi hạ thổ", anh nói và cho biết, tổng số tiền chi ra mua ba kích hết gần 200 triệu đồng (giá 1,3 triệu đồng/kg chưa tính tiền công bóc lấy vỏ bỏ lõi). Hội bạn anh 3 người chung nhau rồi cùng mua rượu ngâm, sau đó đem đi hạ thổ tại khu vườn ở quê nhà anh.
Mất ba tháng đặt, chủ hàng mới gom đủ số lượng ba kích rừng anh đặt mua và phải 10 ngày sau mới giao tiếp cho anh 500 lít rượu nếp, với số tiền 25 triệu đồng, để anh ngâm toàn bộ số ba kích đã đặt.
Theo anh Chiến, rượu thuốc ngâm càng lâu càng tốt, nhất là thời gian hạ thổ càng dài, rượu sẽ càng ngon ngọt. Do đó, hội bạn anh mới quyết định chi một số tiền lớn đến như vậy để gom mua một thể về ngâm cho tiện rồi dùng dần trong nhiều năm.
"Thỉnh thoảng bạn bè, khách khứa đến chơi có chén rượu thuốc mời bạn cùng thưởng thức cũng vui", anh Chiến chia sẻ.
Nhiều người còn mua ba kích rừng với số lượng lớn, ngâm vào chum để uống dần
Không đến mức ngâm hàng chục chum rượu nhưng anh Nguyễn Hoài Nam ở Đông Mỹ, Thường Tín (Hà Nội) cũng là tín đồ của rượu ba kích.
Anh Nam kể rằng, mỗi năm anh đều đặt mua cả chục cân ba kích rừng loại vip. Hiện đang vào mùa chính của ba kích rừng Quảng Ninh nên anh tranh thủ đặt mua về ngâm rượu, lúc cần dùng thì sẵn.
"Không biết ba kích có công dụng thần dược đến mức nào, nhưng mỗi ngày tôi uống một chén thấy khỏe người hơn nên đều đặn ngày nào tôi cũng uống, coi như dùng thay rượu trắng", anh Nam nói.
Trao đổi với PV, anh Trần Thế Cường, chuyên bán ba kích rừng ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trên thị trường có 3 loại ba kích gồm: hàng trồng, hàng Sapa và hàng rừng xịn. Giá cũng khác nhau vì phụ thuộc vào chất lượng của mỗi loại.
Loại ba kích Sapa là loại hàng giá rẻ. Đây không phải là ba kích mà là củ cây viễn chí (ruột gà) có hình dạng giống với củ ba kích nên người dân trên Sapa vào rừng thu hái về đem ra chợ bán và gọi là ba kích Sapa.
Loại thứ hai là ba kích trồng, giá chỉ hơn trăm ngàn đồng/kg, thường được các nhà hàng đặt mua về ngâm rượu bán cho khách bởi ưu điểm giá rẻ, hàng nhiều mua lúc nào cũng có. Đặc biệt, màu của chúng khá bắt mắt.
Ba kích rừng nhỏ, còn ba kích trồng mập, to có màu trắng
Còn riêng với loại ba kích rừng giá phổ biến 500.000 đồng/kg. Loại ba kích rừng vip giá còn ở mức 1,3 triệu đồng/kg.
"Với loại ba kích rừng, khách hàng đặt mua hầu hết là dân nhà giàu". Anh Cường cho hay, dù là khách lẻ nhưng số lượng mỗi người mua ba kích rừng loại vip cực lớn. Người mua ít tầm 5-10 kg, người mua nhiều tầm 30-50 kg. Thậm chí có khách còn đặt mua cả tạ về ngâm một thể để dùng dần.
Tuy nhiên, anh cho hay, vì là hàng rừng hiếm, phải gom từ nhiều mối nên thường phải đặt trước. Theo đó, sớm nhất cũng phải 15 ngày, không thì phải lâu hơn, thậm chí hàng tháng trời mới có hàng là chuyện thường.
Do ba kích rừng khá đắt đỏ nên dân buôn thường trà trộn ba kích trồng vào để kiếm lời.
Cách phân biệt ba kích rừng, ba kích trồng: Ba kích rừng có hình dáng ngoằn ngoèo to bằng ngón tay cái, thắt nhiều khúc. Củ cứng, bên trong có màu tím, phần lõi hóa gỗ to bằng ruột bút bi vì đã tồn tại nhiều năm. Khi đem ngâm rượu chúng sẽ phai ra màu tím đen, uống rượu thấy mùi thơm, ngon, hơi có vị ngọt.
Còn ba kích trồng, củ mập, nhiều thịt, lõi rễ nhỏ, chẻ ra sẽ cảm nhận được ruột mềm do thường trồng một năm là thu hoạch. Khi ngâm rượu, ba kích sẽ phai ra màu tím rất đẹp mắt, nhưng khi uống thử rượu sẽ không thơm ngon như rượu ngâm ba kích rừng.
Lưu Minh
Theo_VietNamNet