Chia sẻ “lạnh người” của một thợ săn rắn độc
“Để “thu phục” rắn độc, chẳng những phải học nghề hẳn hoi mà còn phải thử thách chính tính mạng của mình bằng cách cho rắn độc cắn rồi tự lấy thuốc chữa trị. Nếu 3 lần đều qua khỏi thì coi như “ra trường” – một thợ săn rắn độc tiết lộ.
Bái sư học nghề câu rắn độc
Sau một ngày đi cắm câu rắn (chủ yếu là biểu diễn tài nghệ), anh Lê Thanh Hiền (tên nhân vật đã được thay đổi) ở Hậu Giang – một “sư phụ” trong nghề cắm câu rắn hổ mang, chia sẻ về cái duyên đến với nghề “độc” này.
Anh Hiền cho biết: “Trước đây gia đình chủ yếu làm nghề bán vôi nên cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày. Trong một lần cho ông thầy bắt rắn đi nhờ ghe, tôi quen ông và được ông cho theo học nghề. Mới đầu tôi chưa nhận lời nhưng sau một chuyến đi cắm câu rắn với ông, tôi quyết định bái sư học nghề. Vì một là để mưu sinh, hai là để cứu người bị rắn độc cắn”.
Khi được thầy chỉ dạy, bài học đầu tiên anh Hiền học là cách nhận biết các loại thảo dược và cách phân biệt chúng với các loài tương tự. Phải khắc sâu vào trí nhớ vì nếu không, khi gặp tình huống bị rắn độc cắn, không giữ được bình tĩnh sẽ dễ hái nhầm thuốc, khi đó rất nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, theo anh Hiền, bài học đầu tiên tuy đơn giản nhưng lại quan trọng nhất trong các bài học là “thu phục” rắn độc.
Nghề cắm câu rắn độc phải băng đồng, lội ao, vượt đường xa hàng chục kilomet…
Sau khi thông thạo các bài thuốc, đến phần thực tập. Đến phần này, anh Hiền phải tự đi bắt rắn độc bằng cách cắm câu, đào hang hay nhử thuốc… Khi bắt được rắn, anh để rắn cắn rồi tự hái thuốc chữa trị. Cũng may những bài thuốc của sư phụ truyền lại, anh Hiền nhớ như in nên sau 3 lần “thử độc”, anh Hiền đều qua khỏi, không cần đến sư phụ ra tay cứu chữa.
Trải qua hơn 2 tháng học nghề, anh Hiền tỏ tường các bài thuốc chữa rắn độc cắn và cách bắt rắn. Sư phụ của anh Hiền sau đó đã đi nơi khác truyền nghề, đến nay anh Hiền cũng không gặp lại nữa. Cũng từ đó, anh Hiền bắt đầu sống chết với nghề câu rắn độc.
Kể lại câu chuyện thập tử nhất sinh khi bị rắn độc cắn trong một lần đi cắm câu, anh Hiền nói: “Làm nghề này tôi biết trước sau gì cũng bị nạn, nhưng không ngờ chỉ trong thời gian ngắn mà tôi bị rắn độc cắn đến 3 lần. Trong những lần đó có lần bị rắn cắn ở giữa đồng lại có một mình nên tôi đã tự chạy chữa để giành giật mạng sống cho mình. Không có vật dụng nên tôi đã dùng hàm răng làm thẳng lưỡi câu rồi lấy bớt máu độc, sau đó lấy thuốc mang theo bên mình đắp vào vết cắn. Đến nhà dân tôi hái thuốc đắp tiếp vào vết thương. Lúc đó, cơ thể tôi đã gần như tê cứng, lồng ngực nóng ran, nếu chậm vài phút là mất mạng như chơi”.
Việc cắm câu rắn phải lội đồng xa hàng chục cây số mỗi ngày và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Muốn có thu nhập đều từ nghề này, phải đi làm ở các tỉnh như Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ; mỗi ngày phải lội bộ từ 40 – 50 cây số. Ngoài rắn hổ đất còn nhiều loại rắn độc khác và mỗi loại rắn độc lại có bài thuốc chữa nọc rắn khác nhau. Anh Hiền nói vui: Học nghề bắt rắn độc mà còn yếu nghề thì đừng “ra gió”!
Tối đi ngủ lo bị rắn trả thù!
Anh Hiền chia sẻ: “Nguy hiểm nhất là các trường hợp rắn theo cặp. Tức con cái dính câu còn con đực nằm ngoài chờ đến khi nào mình tới là nó cắn liền. Và không ít trường hợp người câu rắn đã bỏ mạng vì gặp trường hợp này. Do vậy, khi đi thăm câu, khi còn cách cần câu hơn 1m, tôi đạp nhẹ dấu chân để nếu rắn nằm ở đó thì dễ phát hiện và bắt nó trước, sau đó mới gỡ con ăn câu”.
Bởi theo anh Hiền, rắn hổ chúa (đực) thường nằm cuộn tròn và đợi sẵn ở dấu chân hôm trước mình để lại khi đi cắm câu. Nó đánh hơi và nằm cạnh nơi con rắn cái mắc câu. Mỗi năm, khi cắm câu, anh Hiền gặp được gần chục trường hợp như thế.
Video đang HOT
Không chỉ vậy, có hôm vội vàng để mồi thuốc trong nhà không buộc kín, rắn độc cũng tìm đến. Đối với loài rắn chúa, khi mình bắt một con thì con còn lại sẽ tìm đến để trả thù. Do vậy làm nghề này đến khi đi ngủ cũng phải hết sức cẩn thận.
“Nhiều lúc đi làm nghề, tối về ngủ treo thuốc trên vách cạnh mùng. Đêm đến rắn tìm đến để tha thuốc đi. Nếu mình không phát hiện rắn đã lấy hết thuốc và sẽ quay lại tấn công thì vô phương cứu chữa”.
Vì tính chất quá nguy hiểm của nghề nên anh Hiền đã bỏ nghề bắt rắn, chỉ chuyên tâm cứu chữa cho người bị rắn độc cắn
Một quy tắc nữa là trên đường đi tìm chỗ cắm câu phải để ý tìm cây thuốc dọc đường để nếu có bị rắn cắn còn biết chỗ tìm đến. Điều đặc biệt nữa là trước khi đi làm đừng quên tha thuốc vào cổ tay áo, để đề phòng rắn hổ chúa cắn và một số loài rắn khác tấn công. Lúc điều trị rắn cắn, người bị cắn không được tiếp xúc với thuốc lá trong 24 tiếng đồng hồ vì nếu hút thuốc, đờm giữ ở cổ và nọc độc rút vào trong cơ thể sẽ dẫn đến tử vong.
Làm nghề cắm câu rắn đến nay đã gần 20 năm, nhắc lại câu chuyện bắt rắn ở Hậu Giang, anh Hiền vẫn thấy rùng mình: “Nhớ cách nay hơn 10 năm, chỉ trong một bữa về nghĩa trang thuộc thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành cắm 20 cần câu mà tôi bắt được tới 15 con rắn to, nhiều nhất là rắn hổ đất, thu nhập cũng gần 20 triệu đồng. Nhưng khi tôi đến đó, xung quanh toàn da rắn mới lột mà chân tôi không dám bước. Rậm rạp quá nên không dám liều vô chứ không còn bắt được nhiều hơn số đó”.
Hiện tại, biết nghề bắt rắn độc của mình vừa nguy hiểm, vừa vi phạm pháp luật nên anh Hiền đã bỏ nghề. Nay anh chỉ tập trung chữa rắn cắn cho bà con trong vùng. Cũng có khi anh phá lệ đi bắt rắn khi hay tin ở đâu đó có con rắn độc hoành hành, thường tấn công người dân…
Nguyễn Hành – Nhân Nguyễn
Theo Dantri
Rùng mình theo chân thợ "săn" rắn độc miền Tây
20 năm làm nghề cắm câu rắn, anh Lê Thanh Hiền (tên nhân vật được thay đổi) ở tỉnh Hậu Giang bắt được hàng ngàn con rắn từ loại kịch độc như hổ mang chúa, hổ đất... đến loại bình thường, như hổ hành, hổ lãi, hổ ngựa, rắn trun...
Sau những lần hẹn, chúng tôi được anh Hiền cho đi theo để tận mục nghề cắm câu rắn độc là như thế nào. Hơn 5 giờ sáng, chúng tôi xuất phát và khi đến nơi cắm câu, trời cũng vừa sáng. Lúc này chúng tôi thấy rõ trên vai anh Hiền mang một túi đựng câu, cùng cây mác nhọn hoắt (để cắt dây câu khi dính rắn) và không trang bị thêm bất kỳ đồ bảo hộ nào.
Vừa đi, anh Hiền vừa kể, mồi cắm câu rắn phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Mồi câu là chuột lứa (to nhất bằng ngón chân cái), con nhỏ thì để nguyên, con lớn hơn thì cắt ra làm 2 hoặc 3 sau đó tẩm với thuốc rắn. Khi tìm chỗ thích hợp thì móc mồi vào lưỡi câu, cắm xuống và đến sáng hôm sau thì đi thăm câu.
Theo quan sát của chúng tôi, cần câu rắn được làm bằng những thanh tre vuốt tròn, chiều dài khoảng 50 - 60 cm. Một đầu dây câu được buộc vào đoạn giữa của cần câu, đầu dây câu còn lại mắc vào lưỡi câu rất sắt nhọn. Dây câu dài trên 1,2m. Riêng về bài thuốc trộn vào mồi thì anh Hiền xin "cho qua" không thể cho biết vì đây là lời hứa với sư tổ. Tuy nhiên anh Hiền cho biết sức mạnh của loại thuốc này, trong bán kính 200 -300m sẽ thu hút con rắn tìm đến ăn mồi.
Địa hình chọn cắm câu rắn thường là những vườn cây tạp có cây cối um tùm, hoang du nhiều lau sậy. Thông thường một khu vườn rộng lớn cả 1.000m nhưng chỉ cắm được 3 cần câu. Khi chọn được địa thế cắm câu, anh Hiền bắt đầu làm trống cỏ rồi dùng chân tô láng bãi đất, sau đó cắm cần câu xuống đất, đặt miếng mồi lên bãi đất được tô láng. Kế đến, anh Hiền lấy những chiếc lá cây, cỏ xung quanh phủ sơ lại (không kín quá) để rắn "an tâm" ăn mồi.
Vừa cắm xong cần câu thứ 3 tại một bụi tre, anh Hiền trở ra cho biết: "Bụi tre gai đó được trồng trên cái hầm bí mật đã bỏ hoang, năm nào nơi đó cũng bắt được những con rắn hổ đất từ 1 - 2 kg". Tiếp tục len lỏi, lội qua nhiều cánh đồng, bờ kênh, khi trời đứng bóng là lúc anh Hiền đã cắm xong phần câu còn lại. Trên đường lội về nhà, anh Hiền nói tiếp: "Hôm nay, mồi ít nên chỉ có 30 cần câu được cắm, nhưng đi không dưới 30 cây số. Còn nếu như mọi ngày cắm 45 - 50 cần là phải lội trên 40 cây. Do vậy, sáng mai mình đi thăm câu cũng phải vượt quãng đường chừng đó".
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi cùng đi thăm câu với anh Hiền. Hai cần đầu tiên mồi vẫn còn nguyên, đến cần thứ 3, bước xuống lội sang con mương rộng hơn 2m, tôi thấy anh khom mình lấy ngón tay búng vào sợi dây câu, nói vọng lên: "Chắc chắn cần này dính được con "đen" (rắn hổ đất). Như vậy, hôm nay rắn đi ăn, thế nào bên kia cũng dính thêm vài con nữa". Ngay lập tức anh lấy cây mác cắt dây câu, trong chớp nhoáng đã bỏ gọn con rắn vào túi lưới mà không hề buộc miệng túi lại.
Theo anh Hiền, vùng này xưa kia rắn dữ lắm nhưng từ khi cái lung này bị phá nên rắn hổ đất tản đi khắp nơi nên câu phải cắm nhiều chỗ. Đến thăm cần câu tại bụi tre, anh Hiền tự tin bảo: "Chú em cứ đứng ở ngoài, đợi tin vui". Đúng như anh Hiền dự đoán, khi anh Hiền bước ra chúng tôi thấy chiếc túi lưới đã cuộn to, nặng hơn. Anh Hiền, cười xòa nói: "Con rắn bên bụi tre kia có màu sậm hơn và nặng hơn con vừa rồi một chút. Chắc cũng được khoảng 1,5 kg. Nếu anh qua trễ tí là nó sẩy rồi vì nhả mồi nhưng lưỡi câu bén nên dính cạn".
Lúc này anh em chúng tôi bắt đầu thấy tim đập nhanh khi cái túi lưới của anh Hiền có 2 con rắn hổ đất. Lần lượt chúng tôi ghé thăm những cần câu còn lại và chỉ bắt được thêm một chú rắn hổ đất chưa đầy một ký và một con rắn hổ hành nặng hơn 1 kg. Như vậy, chỉ trong một ngày mà anh bắt được 4 con rắn (3 hổ đất, 1 hổ hành) nặng hơn 4 kg. Nếu bán hết cũng được hơn 2 triệu đồng.
Cũng theo anh Hiền, chi phí đầu tư cả tiền thuốc, mồi rắn chưa đến 150.000 đồng. Rắn hổ đất trước khi bán cho bạn hàng thì được ép lấy nọc độc, vừa để người mua không bị cắn, vừa để làm thuốc. Cứ 5 lít rượu lấy 8 nọc rắn hổ đất và vài xác rắn đem ngâm 3 tháng, uống sẽ trị tê bại, nhức mỏi.
Thông qua anh Hiền, chúng tôi tìm đến bà L.T.U, một thương lái chuyên mua rắn ở Hậu Giang. Theo bà U., tùy theo từng thời điểm mà giá thu mua rắn khác nhau. Cụ thể, từ tháng 1 - 6 (âm lịch) rắn hổ đất loại nhất (1,2 kg trở lên) có giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg, từ tháng 8 - 12 có mức giá từ 700.000 - 900.000 đ/kg, còn các loại hổ hành, hổ lãi, rắn trun có giá từ 180.000 - 400.000 đ/kg. Mỗi ngày, tiền tôi mua rắn của chú Hiền thấp nhất là 1,5 triệu đồng, nhiều nhất lên đến trên chục triệu đồng.
Mặc dù, nghề bắt rắn độc là nghề nguy hiểm, không ít người bỏ mạng vì nghề này, nhưng vì lợi nhuận quá lớn mà anh Hiền và một số thợ săn khác vẫn đeo đuổi, bất chấp việc săn bắt động vật hoang dã là trái với quy định pháp luật.
Mồi cắm câu rắn độc là chuột lứa, to bằng ngón chân cái sau đó được trộn với một loại thuốc để thu hút rắn đến ăn mồi
Nơi cắm câu rắn thường là những vườn cây tạp, cỏ mọc um tùm...
Anh Hiền cắm 30 cần câu rắn nhưng phải cuốc bộ khoảng 30km
Dây câu dài trên dưới 1m
Nơi đặt mồi rắn thường được dọn trống như thế này
Một cần câu hết mồi không dính rắn
Một con rắn hổ đất bị dính câu
Thông thường với 30 cần câu rắn, anh Hiền bắt được 3 - 4 con rắn hổ đất
Hiện nay 1kg rắn hổ đất thấp nhất cũng 1,2 triệu đồng, trong khi tiền mồi chỉ bỏ ra 150.000 đồng
Ngoài các loài rắn độc thì luồng câu của anh Hiền còn bắt được những con rắn hổ lãi to như thế này.
Nguyễn Hành - Nhân Nguyễn
Theo dantri
Cái chết tức tưởi của người đàn ông nhận rắn độc là... con trai Từ ngày con mất, chẳng hiểu sao rắn học trò thường xuyên bò vào nhà. Đứt ruột nhớ con, hễ thấy rắn quanh quẩn trong nhà, ông bà lại nghĩ đứa con trai tuổi Tỵ về thăm. Cái chết tức tưởi của người đàn ông nhận rắn độc là... con trai (Ảnh minh họa) Sau cơn bạo bệnh, đứa con trai mới hơn...