Chia sẻ của nữ phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp BV Bệnh Nhiệt đới TƯ hơn 1 tháng chưa về nhà
Ths.BS Đỗ Thị Phương Mai – Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp (BV Bệnh Nhiệt đới Trung Ương) cho biết, kể từ đầu tháng 3 đến nay, bà chưa về thăm gia đình vì sợ nếu bản thân có bệnh sẽ lây cho mọi người.
Bệnh nhân mắc COVID-19 có nhiều thay đổi bất thường
Chiều 7/4, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội có 11 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, xuất viện.
Chia sẻ với PV sau khi các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, Ths.BS Đỗ Thị Phương Mai – Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp (BV Bệnh Nhiệt đới Trung Ương) cho biết: Trong những đợt dịch trước, đơn vị tham khảo một số phác đồ điều trị của nước ngoài.
Sau đó, đơn vị cùng với hội đồng chuyên môn nghiên cứu đưa ra những phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Thời gian vừa qua, khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp đã và đang băn khoăn, trăn trở rất nhiều để có phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh, không phải đưa xuống khoa Cấp cứu.
Ths.BS Đỗ Thị Phương Mai trong cuộc trao đổi với PV chiều 7/4.
Theo Ths.BS Phương Mai, trên thực tế, các bệnh nhân mắc COVID-19 có nhiều thay đổi bất thường trong quá trình điều trị.
Cụ thể, xét nghiệm Realtime-PCR có thể cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng sau đó lại cho kết quả dương tính. Quá trình điều trị, bệnh nhân có thể sốt hoặc gặp phải các tác dụng phụ của thuốc….
Vì thế, đơn vị luôn cố gắng giúp đỡ bệnh nhân không gặp phải những tác dụng phụ của thuốc hoặc chấp nhận tác dụng phụ của thuốc một cách nhẹ nhàng hơn.
Các y, bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lấy mẫu bệnh phẩm về chiều 7/4.
Ths.BS Đỗ Thị Phương Mai cho biết, toàn bộ những người tham gia vào điều trị cho bệnh nhân ngày nào cũng phải ngồi cùng với nhau hội ý về từng trường hợp, từng bệnh nhân và có sự hỗ trợ của hội đồng chuyên môn Bộ Y tế.
Video đang HOT
Mẫu bệnh phẩm được đưa về BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chiều 7/4.
Thuốc điều trị HIV được sử dụng cho bệnh nhân mắc COVID-19
Bà nói, thời gian qua, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tìm những loại thuốc và liều lượng thích hợp với người Việt Nam, có tác dụng phụ phù hợp.
Ví dụ như thuốc Aluvia là thuốc được dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Đây là 1 trong những loại thuốc được sử dụng trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện.
Hiện, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã và đang phát triển việc định lượng virus SARS-CoV-2. Nếu định lượng được virus thành công, các bác sỹ sẽ xác định được bệnh nhân nhiễm virus dương tính yếu đến mức độ nào, đánh giá được phác đồ điều trị có đáp ứng với tình trạng bệnh và có hiệu quả hay không.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh
Ths.BS Đỗ Thị Phương Mai nói rằng, tại giai đoạn 2 của dịch COVID-19, lượng bệnh nhân tăng lên rất nhiều, nhanh, bệnh cảnh lâm sàng cũng nặng hơn.
Có bệnh nhân phải thở máy, lọc máu, hồi sức tích cực…. Vì thế, khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp luôn phải cố gắng để giữ gìn cho bệnh nhân không bị những tác dụng phụ của thuốc làm nặng thêm và làm nặng gánh cho khoa hồi sức Cấp cứu.
Tại khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp hiện đang có 39 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, nên các cán bộ, nhân viên của khoa phải chia thành 2 tốp để thay đổi nhau.
Mỗi tốp sẽ làm trong vòng 14 ngày thì nghỉ, 1 tốp có 3 bác sỹ và 8 điều dưỡng, mọi người làm việc liên tục trong 14 ngày.
“Hoàn toàn cả 2 tốp này đều ăn nghỉ tại bệnh viện. Bởi sau khi làm xong 14 ngày sẽ ra cách ly 14 ngày.
Sau 14 ngày cách ly đảm bảo thì lại vào làm việc tiếp để thay cho tốp kia. Hiện, chúng tôi vẫn có 1 đội ở bên ngoài chuẩn bị tinh thần, nếu cả 2 tốp trong viện đều mệt mỏi thì tốp dự phòng sẽ vào để thay…”, Ths.BS Phương Mai chia sẻ.
Các bệnh nhân xuất viện sẽ được cách ly, theo dõi sức khoẻ 14 ngày tới.
Ths.BS Đỗ Thị Phương Mai tâm sự, hơn 1 tháng nay bà chưa về nhà vì sợ nếu trong người có bệnh sẽ lây nhiễm sang hàng xóm, rồi người thân trong gia đình.
Một ngày làm việc, Bác sỹ Phương Mai và các đồng nghiệp sẽ mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang gần như 24/24.
Chia sẻ về trường hợp bác sỹ đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương mắc COVID-19 và đã được công bố khỏi bệnh trong chiều 7/4, Ths.BS Đỗ Thị Phương Mai nói, từ ngày bác sỹ đầu tiên của bệnh viện mắc COVID-19, có rất nhiều vấn đều xung quanh việc này.
Tuy nhiên, bác sỹ mắc COVID-19 luôn áy náy, trăn trở về việc để bản thân lây bệnh. Thời gian mới phát hiện bệnh, bác sỹ này rất lo lắng xem có đồng nghiệp nào bị lây không.
“Tôi chưa lúc nào thấy bác sỹ Th. (bác sỹ mắc COVID-19 -PV) than thở, lo lắng về việc bị bệnh này sẽ nặng, nguy hiểm đến bản thân như thế nào.
Bác sỹ Th. luôn luôn chỉ nghĩ cho các đồng nghiệp của mình…”, Ths.BS Phương Mai nói.
Theo bà, lúc nghe tin đồng nghiệp nhiễm bệnh bà và nhiều người cũng có phần lo lắng.
Tuy nhiên, các cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương không thấy sợ mà phải rà soát lại toàn bộ quy trình chống nhiễm khuẩn, để làm sao phải làm chặt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa. Bởi đây là cả một tập thể, có thể 1 người nhiễm sẽ lây sang nhiều người khác.
“ Các nhân viên của tôi cũng có phần lo lắng khi bác sỹ Th. nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu khi biết có dịch và dịch ở các nước trên thế giới đáng sợ thì bệnh viện chúng tôi đã phát động ngay phong trào tập huấn cho cán bộ công nhân viên quy trình chống nhiễm khuẩn.
Ví dụ thời gian đầu khi chưa đón bệnh nhân thì giám đốc bệnh viện đã đưa ra 1 yêu cầu là phải tập huấn cho tất cả các cán bộ, công nhân viên bệnh viện phải lấy được dịch tỵ hầu.
Ngay lập tức, khi mà bệnh nhân tăng lên đông, lượng cách ly đông thì chúng tôi đã thành thục trong việc lấy dịch tỵ hầu cho tất các bệnh nhân và việc lấy trong điều kiện phải đảm bảo vô khuẩn, chống lây chéo”, Ths.BS Đỗ Thị Phương Mai chia sẻ.
Bà cũng cho biết thêm, trong số 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh chiều 7/4, có nhiều người bị tổn thương phổi, trong đó có bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mắc COVID-19.
Hoàng Hải
Kết quả xét nghiệm Covid-19 của 87 người tiếp xúc với ca mắc thứ 50 tại Hà Nội
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả xét nghiệm bước đầu cho thấy 87 người tiếp xúc gần và tiếp xúc gián tiếp với bệnh nhân 50 đều âm tính.
Cụ thể, CDC Hà Nội cho biết những người này tiếp xúc với bệnh nhân thứ 50 trong cuộc họp của đơn vị bệnh nhân số 50 công tác.
Trước đó, Bộ Y tế công bố bệnh nhân số 50 ở Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội. Bệnh nhân đi công tác tại Paris và về nước ngày 9/3. Ngày 11/3 bệnh nhân có sốt nóng, ho khan, không tức ngực khó thở. Ngày 13/3 bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, được xét nghiệm và chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2. Tối ngày 13/3 mẫu bệnh phẩm bệnh của nhân được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Số người cách ly vì Covid-19 ở Nghệ An đang giảm dần
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến sáng 15/3, toàn tỉnh Nghệ An có tổng số 729 người đang được cách ly, giảm 105 trường hợp so với ngày 13/3. Trong đó, cách ly tại gia đình và nơi cư trú 706 trường hợp; cách ly tập trung tại tuyến huyện 22 trường hợp; cách ly tại bệnh viện 1 trường hợp.
Tổng số trường hợp được cách ly thì có 23 người trở về từ Hàn Quốc; 13 người về từ Trung Quốc; 257 người về từ Hàn Quốc; 212 người về từ Đài Loan; 11 người về từ Đức; 5 người về từ Úc...
Tất cả những trường hợp cách ly hiện sức khỏe tốt, kết quả xét nghiệm cho thấy âm tính với Covid-19. Nghệ An đang trong tình huống 1 (chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh).
Cách ly 4 người Hà Tĩnh đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 51
Sáng ngày 15/3, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh Nguyễn Lương Tâm cho hay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid - 19 vừa tiến hành cách ly, theo dõi sức khỏe cho 4 trường hợp đi trên chuyến bay QR 968 từ Doha Qatar (Nhật Bản) về Việt Nam 13/3/2020.
Trong chuyến bay này có nữ bệnh nhân 22 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, đây là trường hợp thứ 51 ở Việt Nam.
4 người đang được cách ly y tế gồm: T.V. P.; P.H. T. (trú huyện Cẩm Xuyên) và T.N.D.; T.V. Q. (trú huyện Kỳ Anh).
Theo đó, 2 trường hợp ở Cẩm Xuyên, ngành y tế đã nhanh chóng đưa lên Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa huyện để cách ly theo dõi. Còn 2 trường hợp ở huyện Kỳ Anh đã được cán bộ y tế hướng dẫn cách ly, theo dõi tại nhà.
"Hiện cả 4 trường hợp đều có sức khỏe ổn định, chưa có biểu hiện gì bất thường. Chúng tôi đã tiến hành điều tra kỹ lưỡng toàn bộ quá trình dịch tễ học của 4 trường hợp và đưa vào khu cách ly y tế tập trung", Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Tĩnh thông tin thêm.
TRƯỜNG PHONG - HOÀI NAM - CẢNH HUỆ (tienphong.vn)
Phỏng vấn trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19 Quan sát các ca bệnh từ đầu vụ dịch, thời gian ủ bệnh thường từ 2 - 14 ngày. Các thông tin mới đây từ tâm dịch đã quan sát thấy có ca bệnh thời gian ủ bệnh dài hơn rất nhiều, thậm chí hàng tháng. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những ngày qua, Báo điện tử Đảng...