Chia lửa với chiến trường từ trong ngục tù: Nước mắt ngày trở về
Từ trên thuyền, họ nhào xuống sông, bơi về phía bờ Bắc, những người đồng chí của họ cũng nhào xuống sông ra đón. Những nụ cười, những cái ôm, những cái siết tay thật chặt, nước mắt ai cũng giàn giụa, rưng rưng. Họ biết rằng, ngày sum họp Bắc – Nam thống nhất sẽ không còn xa nữa…
Cuộc đấu tranh của người lính Lê Văn Long (SN 1950, quê xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An) và các đồng đội, đồng chí của mình trong nhà lao kéo dài cho đến khi Hiệp định Pari được ký kết. Theo nội dung đã được thống nhất trong Hiệp định Pari, những tù nhân sẽ được trao trả cho hai bên. Tuy vậy, cuộc đấu tranh của những người lính sa vào tay giặc vẫn chưa kết thúc.
Cựu chiến binh Lê Văn Long có hơn 2 năm chiến đấu trong nhà ngục của Mỹ – Ngụy
Trước thời điểm được trao trả, các tù nhân được chuyển về nhà giam Biên Hòa. Tại đây, họ được tổ chức cho đi tham quan, thay quần áo mới, được ăn uống thịnh soạn. Nhận định đây chỉ là thủ đoạn nhằm che mắt các tổ chức quốc tế giám sát việc thực hiện Hiệp định Paris của địch nên các tù nhân nhất quyết không thực hiện. Họ tiếp tục với chuỗi ngày nhịn đói, mặc rét chờ đến ngày trở về đã đến rất gần.
Một ngày tháng 3/1973, họ được chở bằng máy bay từ trại giam Biên Hòa ra Huế, tiếp tục một chặng đường ô tô đến bờ nam sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Từ đây, họ có thể nhìn thấy ở bờ bên kia những đồng đội, đồng chí, đồng bào của mình và những lá cờ đỏ sao vàng tung bay đang đón chờ.
Những chiến sĩ bị địch bắt tù đày được trao trả vào ngày 9/3/1973 tại sông Thạch Hãn (ảnh Chu Trí Thành)
Thuyền ra giữa dòng, cách điểm phân giới vài mét, những người tù rút lá cờ nửa xanh, nửa đỏ có ngôi sao vàng (cơ Măt trân Dân tôc giai phong miên Nam Viêt Nam) kỳ công chuẩn bị và giấu trong người ra vẫy lên trời. Nhiều người không thể chờ đợi hơn được nữa, từ trên thuyền, họ nhào xuống sông, bơi về phía bờ Bắc. Trên bờ, những người đồng chí của họ cũng nhào xuống sông, ra đón.
Riêng ông Long và một số người bị thương nặng không thể nhảy xuống sông bơi, đành phải chờ thuyền cập bờ và được cõng lên. Những nụ cười, những cái ôm, những cái siết tay thật chặt, nước mắt ai cũng giàn giụa, rưng rưng. Họ biết rằng, cuộc sum họp Bắc – Nam như Bác Hồ mong mỏi sẽ không còn xa nữa. Và đúng 2 năm sau, non sông Việt Nam đã liền một dải sau cuộc tổng tấn công nổi dậy Mùa xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ông Long và đồng đội, đồng chí của mình được các chị, các mẹ Quảng Trị đưa về nhà nuôi nấng, chăm sóc. Một thời gian ngắn sau, họ được chuyển ra Thanh Hóa an dưỡng. Tại đây, người thương binh mất một chân ấy gặp và bén duyên với một nữ cựu thanh niên xung phong. Họ đến với nhau bằng tình yêu, bằng sự cảm phục và thấu hiểu…
Video đang HOT
Những chiến sĩ bị địch bắt tù đày trở về trong vòng tay của đồng chí, đồng đội và nhân dân (ảnh Chu Trí Thành)
Hai năm sau, ông đưa vợ về quê. Cuộc sống sau ngày giải phóng khó khăn trăm bề, đặc biệt là với một thương binh nặng như ông. Bản lĩnh người lính thêm một lần nữa được thử thách trong cuộc chiến chống đói nghèo.
4 người con lần lượt ra đời, cố quên nỗi đau vết thương tái phát và nỗi ám ảnh những năm tháng bị tra tấn trong ngục tù, ông quần quật đào đất san hố gạch làm ruộng, chống nạng đi xây để kiếm tiền lo cho các con ăn học. Ở cái tuổi này, ông có thể tự hào vì những gì mình đã sống, đã cống hiến cho Tổ quốc, đã có thể yên tâm khi các con đã phương trưởng, có vị trí ổn định trong xã hội.
Hiện ông Lê Văn Long là Phó Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Hưng Nguyên. Bằng uy tín và nhiệt huyết trong công tác, ông kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ cho các hội viên. Thỉnh thoảng, từ những đóng góp của các mạnh thường quân, ông Long tổ chức cho các hội viên trở về thăm các trại giam.
Cựu chiến binh Lê Văn Long (bên trái, hàng thứ 2) cùng các đồng chí, đồng đội về thăm nhà tù Phú Quốc (ảnh nhân vât cung câp)
Mọi thứ ở đó vẫn được giữ nguyên, tố cáo tội ác của Mỹ – Ngụy đối với những người bị giam cầm. Những hình ảnh đó cứ xoáy mãi vào tim ông, gợi nhắc về những cuộc đấu tranh cam go, không khoan nhượng với kẻ thù, gợi nhắc về những người đã ngã xuống, ngay trong nhà giam…
“Trong các nhà tù, do yêu cầu của chiến đấu, nhiều người không được giữ đúng cái tên của mình. Chúng tôi cũng chỉ biết nhau bằng cái tên ở trong trại giam nhưng tất cả anh em đã đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua những giây phút cam go nhất trong đấu tranh với kẻ thù. Những cuộc chiến đấu khốc liệt đã diễn ra, nhiều người trong số họ đã ngã xuống, như những người lính vô danh… Đau lắm!”, người lính già nghẹn ngào.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Những người lính mổ bụng đấu tranh và cuộc chiến không tiếng súng trong lao tù
Hơn 3 năm, chuyển qua 2 nhà lao, người lính Lê Văn Long đã trải qua tổng cộng 2 tháng tuyệt thực, đợt lâu nhất kéo dài đến 9 ngày. Cuộc chiến trừ gian, diệt bạo vẫn diễn ra sôi nổi, gây sự khiếp sợ cho kẻ thù ngay trong sào huyệt của chúng.
Sau một thời gian sử dụng nhiều thủ đoạn dã man nhưng vẫn không thể lấy thêm được bất kỳ thông tin nào, tháng 4/1970, địch chuyển ông Lê Văn Long (SN 1950, trú xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An, dưới cái tên Nguyễn Văn Nguyện) từ bệnh viện sang giam giữ ở nhà lao Non Nước (Đà Nẵng). Từ đây, người lính trẻ này đã bước vào một cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến không tiếng súng nhưng không kém phần quyết liệt và đầy rẫy những hiểm nguy.
Cựu chiến binh Lê Văn Long tái hiện khí thế đấu tranh của anh em trong nhà lao
Trước khi vào lính, ông Lê Văn Long đã hoàn thành chương trình phổ thông. Ở nhà lao Non Nước, ông được tổ chức phân công phụ trách dạy các môn xã hội cho các đồng chí của mình.
Ở đây, tù nhân được chia làm hai khu. Một khu dành cho những kẻ chiêu hồi, đang được cải tạo để tung vào các đội hình tấn công hay các chính quyền tay sai. Ở khu này, các tù nhân được đối xử tốt hơn. Còn khu kia là nơi giam giữ những "tên tù cộng sản", "lính Bắc Việt cứng đầu". Điều kiện sinh hoạt, chế độ ăn uống ở đây cực kỳ kham khổ chưa kể địch luôn tìm cách trấn áp, khủng bố nhằm làm nao núng tinh thần của những người cộng sản.
Với những người lính vào sinh ra tử, thử thách này không quá khó khăn để vượt qua. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà lao Non Nước, những người lính sa vào tay giặc vẫn vững vàng trước những đòn hiểm hóc của quân thù, trong đó có thủ đoạn cài cắm, trà trộn những tên chiêu hồi vào đây để moi móc thông tin, đồng thời phá hoại khối đoàn kết của anh em trong tù.
"Ở trong tù, Đảng ủy nhà lao cũng thành lập các tòa án để xét xử những kẻ phản bội, chiêu hồi. Có thể xử một cách hợp pháp bằng cách dàn dựng thành các vụ tự tử nhưng cũng có những vụ bất hợp pháp là sau khi xử tử, một người đứng ra nhận trách nhiệm. Những người nhận nhiệm vụ này cũng cầm chắc cái chết trước sự trả thù tàn độc của những tên quân cảnh, của bộ máy cai ngục", ông Long nhớ lại.
Trong hơn 3 năm bị giam cầm, ông Long đã trải qua tổng cộng 60 ngày tuyệt thực, trong đó có đợt tuyệt thực 9 ngày
Để phản đối các chính sách hà khắc, tàn ác của quân cảnh và bọn cai ngục, các tù nhân được Đảng bộ nhà lao tổ chức tuyệt thực. Có những cuộc tuyệt thực kéo dài nhiều ngày. Những người tù chỉ uống từng ngụm nước nhỏ để cầm hơi. Ruột gan cồn cào, miệng nhớt lại, không thể mở ra, môi ai cũng lợt lạt, nứt nẻ. Có những lúc tự thỏa hiệp với mình nhưng rồi lại gạt phắt ra. Đó là cuộc chiến chung của anh em đâu phải của riêng người nào?
Trước những đợt tuyệt thực kéo dài, biết không thể khuất phục những người lính này, bộ máy cai ngục đã chấp nhận nới lỏng một số chính sách cho tù nhân, một số quyền dân sinh được đảm bảo hơn trước.
Sau 2 năm bị giam giữ tại Non Nước, tháng 3/1972, ông Lê Văn Long bị chuyển ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, các điều kiện sống, lương thực, đặc biệt là nước uống cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Những cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh diễn ra quyết liệt hơn.
Từ trên giường bệnh đến nhà lao Non Nước, nhà tù Phú Quốc đã diễn ra những cuộc chiến đấu hết sức quyết liệt và anh dũng của những người lính sa vào tay giặc. Những cuộc chiến đấu trong chốn lao tù đã chia lửa với các chiến trường để góp phần cùng dân tộc đi đến ngày toàn thắng.
Ở đây, ông Long tiếp tục được Đảng ủy nhà lao phân công dạy văn hóa cho anh em. "Sáng đó, tôi đang dạy cho anh em tù nhân người Quảng Ngãi tập đọc. Tôi dạy anh em đọc bài thơ chúc Tết năm 1968 của Bác Hồ thì hai tên quân cảnh xông vào. Chúng bảo tôi tuyên truyền chính trị nên một tên túm cổ áo tôi, lẳng lên sạp.
Tôi tức quá, cố sức tung một cú đấm vào mặt hắn nhưng hắn né được. Người bạn tù Nguyễn Ngọc Ký (lúc đó lấy tên là Quý, quê Hà Tĩnh, bị cụt cánh tay trái), vớ được chiếc gậy của tôi, nhằm vào cổ tên quân cảnh phang mạnh. Máu từ cổ tên quân cảnh tuôn xối xả, tên đi cùng lập tức kéo đồng bọn ra khỏi buồng giam.
Sau khi ông Long và ông Quý đánh quân cảnh bị thương, bọn cai ngục càng đàn áp tù nhân dữ dội hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà lao, 11 người đã đứng ra tự rạch bụng đấu tranh, đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt cũng như các quyền dân sinh khác
Trưởng liên khu trại giam lên loa thông báo tù nhân tấn công quân cảnh, yêu cầu giao nạp 2 người này cho ban chỉ huy liên khu. Không muốn liên lụy đến anh em, tôi và anh Quý xin ra nhận nhưng Đảng ủy trại giam không đồng ý", ông Long kể tiếp.
Không bắt được 2 người đánh quân cảnh, địch cắt toàn bộ khẩu phần ăn, nước uống của tù nhân, thực hiện một cuộc ngưng thực để trừng phạt tập thể. Sau 5 ngày bị ngưng thực, Đảng ủy nhà lao phát động các tù nhân mổ bụng đấu tranh.
11 Đảng viên ưu tú nhất được lựa chọn. Tù nhân tập trung ra sân, tố cáo tội ác của quân cảnh và cai ngục. Bọn cai ngục tìm cách thương lượng với các tù nhân, tránh sự chú ý của các tổ chức nhân quyền quốc tế đang giám sát hoạt động của các trại giam. Đại diện tù nhân yêu cầu chấm dứt các hành động tra tấn, vô cớ đánh đập tù nhân, cải thiện các điều kiện sinh hoạt... nhưng không được chấp nhận.
7 trong số 11 người tù đã tự dùng dao rạch bụng mình để thể hiện sự phản đối một cách cao nhất. Trước khí thế đấu tranh của những người lính này, địch đành phải nhượng bộ, đồng ý không truy cứu vụ 2 lính quân cảnh bị đánh kia nữa, đồng thời cung cấp lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết cho các tù nhân và tổ chức đưa những người bị thương đến bệnh viện chữa trị.
Cuộc đấu tranh trong nhà lao kéo dài cho đến khi Hiệp định Pari được ký kết. Theo nội dung đã được thống nhất trong Hiệp định Pari, tù nhân sẽ được trao trả cho hai bên. Tuy vậy, cuộc đấu tranh của những người lính sa vào tay giặc vẫn chưa kết thúc...
Hoàng Lam
(Còn nữa)
Theo Dantri
Người lính mất một chân và cuộc đấu trí trên giường bệnh Từ trên giường bệnh đến nhà lao Non Nước, nhà tù Phú Quốc đã diễn ra những cuộc chiến đấu hết sức quyết liệt và anh dũng của những người lính sa vào tay giặc. Những cuộc chiến trong chốn ngục tù đã chia lửa với các chiến trường để góp phần cùng dân tộc đi đến ngày toàn thắng. Chỉ còn một...