Chỉ vì một câu nói tôi đâm đơn ly hôn với chồng
“Sau ngày cưới của chúng tôi anh nói với bạn: “Vợ tao còn trinh nên tao mới cưới chứ léng phéng là cho ra đường ngay”. Câu nói ấy như giọt nước tràn ly, tôi âm thầm viết đơn để thoát khỏi cuộc hôn nhân như địa ngục ấy”, chị H. chia sẻ.
Chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, vợ chồng chị H. (trọ tại Mỹ Đình, Hà Nội) đã kéo nhau ra tòa “đường ai nấy đi”. Chị H. kể, chồng hơn chị 2 tuổi, cùng quê, mới yêu nhau được 3 tháng cả hai đã nghĩ đến hôn nhân. Gia đình chồng cũng giục cưới vì anh là con trai trưởng, phải lập gia đình để chăm lo công việc dòng họ. Thế là chị nhắm mắt đưa chân, tính từ lúc yêu đến ngày cưới là vẻn vẹn quen nhau được 7 tháng.
Từng đọc những câu chuyện về những ông chồng gia trưởng, coi vợ như osin trong nhà, H. rất sợ và “dị ứng” với những người đàn ông như thế. Nhưng chị không ngờ mình lại rơi vào bi kịch ấy. Hồi yêu nhau, thời gian gặp gỡ ít nên chị không hiểu rõ tính cách của anh. Đến càng sát ngày cưới, bản tính của một người đàn ông gia trưởng càng lộ rõ khiến H. chán nản.
“Anh tự mình quyết định mọi chuyện, ngay cả việc chụp ảnh cưới ở đâu, mặc bộ váy gì, cặp nhẫn bao nhiêu tiền…những góp ý của tôi anh đều bỏ ngoài tai. Tôi đã ngờ ngợ rằng chồng không coi trọng vợ”.
Video đang HOT
Sau đó, cuộc sống sau hôn nhân càng bồi đắp suy nghĩ tiêu cực của chị. Chồng đi làm về là ngồi trà đá, bia rượu với bạn, đến giờ cơm mới chịu về. Hôm nào về sớm, thấy chị loay hoay trong bếp anh cũng không ra phụ chỉ ngồi chơi game trên máy tính, không động chân động tay vào bất cứ việc gì. Chị lên tiếng nhờ chồng thì anh thản nhiên bảo “đó là việc của phụ nữ mà”. Vợ chồng chị thường xuyên to tiếng với nhau cũng vì những chuyện vặt vãnh ấy.
Cho đến sau đó, một lần anh gọi điện buôn chuyện với bạn, chị nghe chồng nói chắc như đinh đóng cột rằng: “Vợ tao phải còn trinh nên tao mới cưới, léng phéng là tao đuổi ra đường ngay”. Câu nói ấy như giọt nước tràn ly, người phụ nữ ấy âm thầm viết đơn ly hôn.
Nghiên cứu quốc gia về gia đình chỉ ra rằng, lối sống và ngoại tình là hai nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ly hôn.
Chị nói: “Tôi chấp nhận sống trong địa ngục gần nửa năm trời để cha mẹ không mang tiếng là chúng nó vừa cưới xong đã ly dị. Khi tôi đề cập chuyện ly hôn, anh đã cho tôi một cái tát trời giáng bảo tôi không được phép làm chuyện đó, bảo dòng họ anh chưa bao giờ có tiền lệ. Nhưng tôi vẫn quyết, tôi không thể sống với một con người không coi trọng mình”, chị quả quyết.
Cứ 3 cặp kết hôn là có 1 cặp ra tòa
Vấn đề ly hôn ở các gia đình trẻ Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Số lượng các vụ ly hôn tăng nhanh qua các năm.
Theo thống kê của ngành tòa án, nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ; đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ. Đối chiếu với tỷ lệ kết hôn thì cứ 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì có 1 đôi đưa nhau ra tòa và khoảng 30% số này là các đôi chung sống với nhau dưới 3 năm. Đáng lưu ý là người vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần so với người chồng.
Ở TP.HCM, theo nghiên cứu của tiến sĩ xã hội học của TS. Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP HCM), 60% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ ở độ tuổi dưới 30, 70% số vụ ly hôn sau khi kết hôn từ 1-7 năm và hầu hết đã có con, tỷ lệ ly hôn/kết hôn là 31,4%, tức là cứ 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn.
Theo số liệu của ngành tòa án TP.HCM, hiện có khoảng 40% các cuộc kết hôn kết thúc bằng ly hôn (tăng gấp đôi so với năm 1998). Nếu so sánh thì tỷ lệ này của nước Mỹ la 49%, cao nhất thế giới. Ở các nước phát triển khác cũng khoảng trên 40%.
Nghiên cứu quốc gia về gia đình mới nhất đã chỉ ra bốn nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn là mâu thuẫn về lối sống, ngoại tình, kinh tế và bạo lực gia đình, nhưng nguyên nhân chủ yếu là lối sống và ngoại tình.
Đàn ông Việt vẫn có tư tưởng chăm con, việc nhà là “thiên chức” của phụ nữ. Họ không chịu chia sẻ với vợ. Trong khi, hầu hết phụ nữ đều đi làm ngoài xã hội như chồng, không ít trường hợp có địa vị xã hội và thu nhập bằng hoặc hơn chồng. Khi không nhận được sự chia sẻ của chồng, họ cảm thấy chán nản và muốn được tự do.
“Khi đi sâu phân tích các nguyên nhân để làm giảm tỉ lệ này, chúng tôi thấy các cặp vợ chồng đang rất thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống chung đầy khó khăn và nhiều khác biệt trong sinh hoạt”, PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ.
Theo K. Minh/Vietnamnet