Chi vài chục tỷ đồng chưa chắc đã tạo được một bản hit
“Nếu không có tiền đừng mơ làm nhạc. Chi đậm nhưng chẳng ai kiếm được tiền từ các bản ghi âm. Nghệ sĩ nên sớm dừng lại việc sáng tạo” – Một người làm việc trong ngành âm nhạc nói.
Nhận xét trên có phần chua chát nhưng là thực tế diễn ra ở ngành công nghiệp ghi âm từ nhiều thập kỷ trước. Để cho ra đời một album, hay ca khúc, nhiều nghệ sĩ và hãng đĩa phải chi mạnh tay nhưng kết quả đôi khi lại… mất trắng.
Đầu tiên là tiền đâu
Năm 1972, ban nhạc Rolling Stones cho ra mắt album Exile on Main Street. Họ bắt đầu ghi âm các ca khúc đầu tiên trong một studio ở London, Anh. Sau đó, nhóm di chuyện đến miền Nam nước Pháp để tìm cảm hứng sáng tạo và thu âm tiếp tại đây. Cuối cùng, album được hoàn thành tại một phòng thu ở Los Angeles, Mỹ.
Toàn bộ quá trình sản xuất, từ việc lên ý tưởng, sáng tác, ghi âm, hoàn thiện “ngốn hết” 3 năm làm việc miệt mài của Rolling Stones với số tiền được chi ra là 2 triệu USD.
Giới phê bình đánh giá Exile On Main Street là album xuất sắc không chỉ của riêng Rolling Stones mà là đĩa nhạc rock xuất sắc mọi thời đại. Để đạt được thành tựu đó, các nghệ sĩ đã phải bỏ ra đủ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng về tiền bạc, mồ hôi và nước mắt. Thứ mà Rolling Stones nhận lại nhiều nhất chính là tình yêu của người hâm mộ đối sản phẩm này qua thời gian.
Ban nhạc Rolling Stones bỏ ra 3 năm, 2 triệu USD để thu âm đĩa nhạc Exile on Main Street.
Video đang HOT
Sau 40 năm kể từ album này của Rolling Stones ra mắt, ngành công nghiệp giải trí có những thay đổi hoàn toàn khác. Đĩa CD và nhạc số đã thay thế hoàn toàn những chiếc đĩa nhựa. Kèm theo đó, việc hoàn vốn và sinh lãi từ sản xuất album là điều không dễ đối với nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ mới.
Một người làm nhạc lâu năm chia sẻ: “Nếu không có tiền đừng mơ làm nhạc. Chi đậm nhưng chẳng ai kiếm được tiền các bản ghi âm. Nghệ sĩ nên sớm dừng lại việc sáng tạo”.
Ngày nay, chuyện chi đậm tiền để ghi âm ca khúc không có gì là lạ hay bí mật. Điều đầu tiên và bắt buộc nếu như các nghệ sĩ muốn được ghi nhận và hâm mộ là phải có tiền, từ chính họ hoặc hãng đĩa. Giá thành để thực hiện một album cũng nhiều hạng mức khác nhau nhưng chưa bao giờ là rẻ.
Album đầu tay của Nirvana – Bleach được thu âm với chi phí khoảng 600 USD. Trong khi đó, đĩa nhạc gần nhất của Guns N’ Roses, Chinese Demoncracy có giá khoảng 13 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền trung bình mà một nghệ sĩ hay hãng đĩa bỏ ra để ghi âm 1 album từ 150 nghìn USD đến 1 triệu USD.
“Đồng tiền là đầu câu chuyện” cũng như “Tiền đi liền khúc ruột” nhưng ngành công nghiệp ghi âm vẫn không ngừng lớn mạnh, các nghệ sĩ vẫn không ngừng ra mắt các sản phẩm âm nhạc. Cuộc chạy đua để tạo được một bản hit của các ngôi sao nhạc pop đương đại càng khiến cho người hâm mộ phải điên đầu.
Chi 24 tỷ để tạo hit
Người hâm mộ sẽ sốc nặng khi biết được cái giá để ghi âm một ca khúc tầm trung đến hit ngày nay là từ vài trăm nghìn đến cả triệu USD. Thời điểm năm 2012, nhà sản xuất âm nhạc Timbaland một đêm có thể kiếm được 250 nghìn USD để tạo ra một ca khúc nằm trong top 40. Hãng đĩa cũng như ca sĩ Aaliyah đã bỏ ra số tiền đậm đó để thực hiện ca khúc Are You That Somebody.
Nhưng số tiền đó cũng chẳng là gì bởi hãng Def Jam đã chi ra hơn 1,078 triệu USD (gần 24 tỷ đồng) chỉ để ghi âm ca khúc Man Down (nằm trong album Loud, 2010) của Rihanna. Daniels, người viết ca khúc này tiết lộ: “Đó là cuộc chơi của toàn những ngôi sao. Bạn có những nghệ sĩ tốt nhất, bạn sẽ làm ra những bản ghi âm tốt nhất”.
Rihanna và hãng đĩa bỏ ra gần 24 tỷ đồng chỉ để thu âm và quảng bá ca khúc Man Down.
Trước khi Rihanna bước vào phòng thu, khoảng 53 nghìn USD đã được chi ra để đảm bảo rằng Man Down có thể thành hit. Để nghe hướng dẫn cách nhấn nhá làm sao cho bài hát hiệu quả nhất, nữ ca sĩ phải chi ra thêm 10-15 nghìn USD cho người hướng dẫn và cũng thêm một khoản tiền tương tự như vậy cho người chịu trách nhiệm mix/master.
Như vậy, Rihanna và hãng đĩa của cô đã tiêu tốn khoảng 78 nghìn USD để hoàn thành ca khúc Man Down. Mọi chuyện chưa dừng ở đó vì muốn ca khúc thành hit, hãng đĩa phải làm việc hơn thế. Từ việc được phát sóng liên tục trên radio, các biển quảng cáo trên phố, các vị trí đẹp trên iTunes hay BXH đều phải có tiền. Và con số đội lên khoảng 1 triệuUSD.
Nữ ca sĩ người Barbados và hãng đĩa đã bỏ ra gần 24 tỷ đồng với kỳ vọng ca khúc Man Down sẽ trở thành hit. Tuy nhiên ca khúc này không hề thành công và đó là một thất bại khá đau. Rất may cho Rihanna là albumLoud tiêu thụ rất tốt, khá thành công với các bản hit khác.
Sự bất công của ngành giải trí
Bỏ ra số tiền lớn như vậy nhưng lợi nhuận mà các nghệ sĩ có thể nhận ra có thể gấp hàng chục lần như thế. Đứng ở góc độ thương mại, những nghệ sĩ thực sự là những người tiếp thị và bán hàng xuất sắc. Nếu không làm được như vậy, họ sẽ phải nhanh chóng rút khỏi giới giải trí.
Robin Thicke, Pharell Williams thu về hơn 16 triệu USD chỉ riêng với bản ghi âm nổi tiếng Blurred Lines.
Ngày nay, nhiều nghệ sĩ vẫn kiếm tiền đậm từ các sản phẩm âm nhạc mà họ tạo ra. Rihanna được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc số” bởi không có bất cứ nghệ sĩ nào lại có lượt nghe và tải nhạc nhiều như cô. Số tiền mà cô và hãng đĩa bỏ ra là một cuộc đầu tư có lãi.
Những tên tuổi khác có khả năng bán đĩa nhạc và ca khúc “siêu khủng” như Adele, Taylor Swift, Beyonce… cũng ăn nên làm ra vì họ biết “chi tiêu” đúng đắn.
Cả Robin Thicke lẫn Pharell Williams chưa từng tiết lộ họ chi ra bao nhiêu để ghi âm bản hit Blurred Lines nhưng số tiền kiếm được không hề nhỏ. Doanh thu chỉ tính riêng từ ca khúc khúc này (cho nhà sản xuất, người sáng tác) là 16 triệu USD. Nhưng rất tiếc, gần nửa số đó phải chia sẻ cho gia đình nghệ sĩ quá cố Marvin Gaye khi họ đâm đơn tố cáo đạo nhạc và thắng kiện.
Có thể những tên tuổi lớn dễ kiếm tiền nhưng với những hãng đĩa nhỏ, nghệ sĩ mới hay những nghệ sĩ hoạt động ngầm (indie/underground) lại khó hơn rất nhiều. Ngay cả một người có thu nhập thuộc hàng cao nhất tại Hollywood như Taylor Swift cũng phải lên tiếng về điều này.
Nữ ca sĩ Taylor Swift.
Cô từng chia sẻ trên Wall Street Journal vào năm 2014: “Âm nhạc là nghệ thuật và nghệ thuật rất quý hiếm nên chúng rất có giá trị. Những thứ giá trị nên được người ta trả tiền để mua nó phải không? Theo tôi, âm nhạc không nên được chia sẻ miễn phí. Tôi dự đoán là sẽ có một ngày, nghệ sĩ và hãng đĩa được tự quyết định giá bán album của mình. Hy vọng họ sẽ không tự đánh giá thấp bản thân cũng như đánh giá thấp nghệ thuật của họ”.
Chính vì điều này, ngành công nghiệp âm nhạc không những không lụi tàn mà càng ngày càng phát triển hơn. Và vì thế âm nhạc thay vì là những kiệt tác, có thể chỉ đơn thuần là thứ hàng hóa nhằm phục vụ khán giả để kiếm tiền?!