Chị tôi
Người xưa có câu “ Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục”. Anh em như thể tay chân. Có được anh chị em để thương yêu nhau là phúc phận. Với riêng tôi, tình chị em tôi còn đặc biệt hơn nhiều.
Ngày cha tôi mất, chị vừa tròn sáu tuổi, còn tôi mới giáp thôi nôi. Cha tôi mất đi, cả nhà thiếu một bờ vai chống đỡ. Mẹ tôi như một thân cây đổ ập xuống sau cơn giông tố, suốt ngày mẹ nằm rũ riệt trên giường mặc dù không bệnh tật gì. Tôi mỗi lần đói sữa lại ngằn ngặt khóc vì rúc mãi mà vú mẹ không ra một giọt sữa nào. Chị tôi thương em không biết làm sao chỉ biết khóc theo.
Không biết bao lâu thì cả ba mẹ con mới vượt qua được khoảng thời gian khủng khiếp ấy. Mẹ trở dậy tảo tần nuôi hai chị em khôn lớn. Sáng sớm mẹ bắc nồi cơm lên bếp rồi ra khỏi nhà lúc tôi còn ngủ say, chiều mẹ về thì trời đã nhá nhem tối.
Vì thế, tôi lớn lên hầu như ở bên cạnh chị nhiều hơn là cạnh mẹ. Lên tám tuổi chị mới được đến trường. Đi học, chị dắt tôi theo, dặn tôi chỉ được chơi loanh quanh ở sân trường để chị có thể trông thấy. Trong khi đợi chị, tôi thường ngồi ở góc sân ngóng tai nghe cô giáo giảng bài. Có khi về nhà tôi còn nhắc lại cho chị. Chị khen tôi sáng dạ. Tôi theo chị không chán là vì vậy.
Tôi lớn lên hầu như ở bên cạnh chị nhiều hơn là cạnh mẹ (ảnh minh họa)
Bao giờ tiếng trống tan trường với tôi cũng là thứ âm thanh rộn ràng nhất, mong đợi nhất. Chị ôm cặp sách, cõng tôi trên lưng, băng qua những cánh đồng, đôi chân trần giẫm lên gốc rạ đi tắt về nhà. Bỏ tôi xuống, chị vội vả bắc nồi cơm lên bếp, tiếng củi khô kêu lắc rắc, tôi thích thú ngồi nhìn say sưa những cái hoa lửa bám vào đít nồi nhấp nháy vụt tắt, vụt xòe quên luôn cả tiếng sôi ùng ục của cái bụng lép kẹp. Đó là một trong không biết cơ man nào kỷ niệm mà tôi có được với chị.
Ngày đầu tiên tôi đi học cũng là ngày chị từ giã mái trường. Chị cõng tôi trên lưng tới lớp. Tôi lớn thêm một chút, chị dắt tay, lớn thêm một chút nữa, chị đèo sau chiếc xe đạp cũ mỗi ngày đưa tôi đi học.
Nghỉ học ở nhà, chị phụ mẹ đi làm thuê, làm mướn. Rồi chị trở thành thiếu nữ, đẹp lạ lùng. Tóc chị bóng mượt và dài đến tận thắt lưng. Da trắng, má lúm đồng tiền, chỉ có đôi mắt của chị lúc nào cũng ướt và buồn, kể cả khi chị cười ánh mắt vẫn cứ xa xăm.
Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của tôi, hai hàng nước mắt chị lặng lẽ lăn dài. Chị chạy lòng vòng khắp mấy chỗ chị hay làm thuê, lấy tiền cũ, mượn tiền mới, gom góp sắm sửa mấy thứ vật dụng cần thiết chuẩn bị cho tôi lên thành phố nhập học.
Video đang HOT
Chị là đứa trẻ bị bỏ rơi, được cha mẹ tôi lượm về nuôi từ lúc còn đỏ hỏn (ảnh minh họa)
Sang năm ba, tôi vào chuyên ngành, chương trình học rất vất vả và tốn kém. Chị vẫn đều đặn gửi tiền lên cho tôi trang trải. Chị dặn tôi phải lo học, không phải lo gì cho mẹ và chị, chị lo được hết. Tôi biết, để tôi được học hành tới nơi tới chốn, mẹ và chị phải vất vả rất nhiều. Tôi chưa kịp đền đáp thì mẹ tôi bị tai biến phải nằm một chỗ. Bao nhiêu vất vả lại đổ trút hết lên đôi vai nhỏ bé của chị.
Từ ngày mẹ bệnh, tôi thường về nhà hơn. Trong một lần như vậy, nhân lúc chị vắng nhà, mẹ kêu tôi lại dặn dò đủ thứ chuyện. Mẹ luôn dặn đi dặn lại, tôi phải thương yêu, quý trọng chị, chị đã hy sinh cho tôi rất nhiều. Sinh ra chị đã phải chịu cảnh côi cút, về ở với cha mẹ chị lại chịu tiếp cảnh mồ côi, nghèo khó. Mẹ thấy rất có lỗi với chị.
Tôi nghĩ mẹ bệnh tật, bị ám ảnh bởi cái chết nên đôi khi đầu óc không còn minh mẩn nên nói vậy. Nhưng không phải, sau đó, mẹ đã cho tôi biết một sự thật mà tôi không bao giờ ngờ tới. Chị không phải là chị ruột của tôi. Chị là đứa trẻ bị bỏ rơi, được cha mẹ tôi lượm về nuôi từ lúc còn đỏ hỏn. Thương chị, đến năm năm sau cha mẹ mới quyết định sinh tôi.
Có được anh chị em để thương yêu nhau là phúc phận. Với tôi, tình chị em tôi còn đặc biệt hơn nhiều.
Mẹ ngậm ngùi kể lể, đời chị chưa có một ngày thảnh thơi sung sướng, vì phải lo nuôi tôi ăn học mà chị đã bỏ lỡ mấy cơ hội lập gia đình. Nay mẹ thế này không biết chừng chị ở giá. Mẹ dặn tôi cố gắng học, sau này có công việc làm kiếm được tiền nhất định phải chăm lo cho chị. Chẳng may về già mà chị vẫn sống một mình thì phải nuôi chị đến hết đời…
Tôi ngồi nghe mẹ nói mà đứt từng đoạn ruột. Người xưa có câu “Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục”. anh em như thể tay chân. Có được anh chị em để thương yêu nhau là phúc phận. Với tôi, tình chị em tôi còn đặc biệt hơn nhiều. Nhất định tôi sẽ kính trọng, thương yêu và chăm sóc chị tôi đến hết cuộc đời.
Theo thegioitiepthi.vn
Tết thơm mùi gánh ve chai của mẹ tôi
Buổi sáng cuối cùng của chuyến công tác Hà Thành, tôi dậy thật sớm chạy bộ vài vòng quanh Hồ Gươm rồi trở về khách sạn. Từ Hồ Gươm về khách sạn khá gần nên tôi tản bộ sẵn tiện ngắm mảnh đất Kinh kỳ mấy ngàn năm vào độ xuân về.
Hà Nội cũng như bất cứ nơi nào ở dọc mảnh đất chữ hình chữ S này, cứ vào cuối năm khi đất trời phả những con gió xuân đầu tiên vào da thịt đất nước, thì không ai bảo ai, nhà nhà cứ đua nhau dọn nhà ăn Tết.
"Nồi đồng, quạt cháy, máy bơm, đồ lâu cũ hỏng thành hàng bán đêrrrr".
Tiếng rao như rót vào tai tôi cả một dòng kí ức sóng sánh những kỷ niệm tuổi thơ. Trong cái tiết trời Hà Nội những ngày hăm bốn Tết, người đốt chân nhang của một năm đã cũ, người thì cúng đưa ông Táo về trời, người tưới bón những cây mai đã lúp xúp nụ to nụ nhỏ và những chiếc xe đạp nhẹ tênh chở những cành đào ngược gió lấp phất thơm, kí ức trong tôi lại líu ríu dắt nhau tìm về cái Tết của những năm tháng cũ.
Mọi người đổ ra Hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh dịp Tết. Ảnh: IT.
Cái Tết xưa trong miền nhớ của tôi là những ngày tiếng rao của mẹ vang ở mọi ngõ đường trong con xóm nhỏ: "Ai thau bể, mũ bể, sắt vụn, lông gà, lông vịt, bán khôngggg?" Và, cả căn nhà nhỏ ven sông lúc nào cũng sực nức mùi nước tương nước mắm trong đống đồ phế liệu người ta bán đi, mùi lông gà lông vịt ẩm ương phơi chưa kịp ráo.
Mẹ tôi là người đi mua ve chai, mỗi mùa Tết về, mẹ bận rộn hẳn ra, mẹ mua được nhiều đồ ve chai lắm. Có lần tôi hỏi mẹ: "Sao Tết năm nào mẹ cũng đi gom đồ nhiều thế, con thấy mẹ thằng Tin cứ ở nhà cúng ông Táo thôi". Mẹ tôi cười rồi phe phẩy cái nón lá trưng ra gương mặt đỏ lơ đỏ lửng lấm tấm mồ hôi: "Mẹ đi gom nhiều hơn thường ngày để có tiền mua vài bộ đồ Tết cho con". Nghe đến đồ Tết thì tôi đã hoa cả mắt, mừng quýnh nhảy tưng lên, quên bẵng những giọt mồ hôi đang đẫm đầy lưng áo mẹ.
Tết của những năm ấy đối với tôi thật sự là những ngày sướng nhất trên đời. Không phải đến lớp, mỗi ngày đều bám theo để được đi mua ve chai cùng mẹ trên chiếc xe đạp cà tàng mà khi ấy tôi vẫn gọi là "chú ngựa sắt". Những ngày thường, cách một ngày mẹ mới phân loại ve chai rồi mang ra chợ bán lại cho vựa, nhưng mấy ngày giáp Tết ngày nào mẹ cũng đi chợ tận hai lần và lần nào cũng chở những bao tải cồng kềnh đồ phế liệu. Tôi khi ấy được dịp nên ngày nào cũng quấn lấy mẹ để được cùng đi chợ Tết.
Trên chiếc xe đạp cũ kĩ, mẹ chở tôi cùng lỉnh khỉnh đồ ve chai, băng qua con chợ hoa những ngày giáp Tết vàng rực những cúc mâm xôi, vạn thọ, cát tường, phản phất cái mùi đặc trưng của Tết. Lượt về, lần nào tôi cũng nài nỉ mẹ chạy ngang chợ hoa để ngắm thêm lần nữa, mãi chẳng chán.
Người mẹ già tranh thủ thu nhặt ve chai để con có một cái Tết ấm no. Ảnh: IT.
Để được ngắm chợ hoa mỗi ngày tôi phải phụ mẹ phân loại ve chai. Ngôi nhà nhỏ của tôi khi đó dường như lúc nào cũng thoang thoảng mùi hăng hăng nồng nồng của đủ thứ đồ phế liệu. Đến nỗi tôi chợt thấy thân quen quá đỗi, cho đến khi mẹ không còn đi mua phế liệu nữa, mỗi dịp Tết về tôi lại cứ thấy thiếu thiếu và nhớ đáo để cái cảm giác được ngồi lọt thỏm giữa những chai nước ngọt, những lon sữa bò, những chai nước tương, nước mắm để phân loại cùng mẹ. Cũng nhớ những buổi trưa phơi lông vịt, cứ ngồi canh sợ gió thổi bay những sợi lông trắng bồng bềnh.
Cứ thế những ngày Tết xưa không ồn ào, cứ bình đạm mà trôi qua.
Hai bảy, hai tám Tết hằng năm là những ngày tôi thích nhất. Mẹ sau khi bán lại đồ phế liệu cho vựa thì sẽ chở tôi đi sắm đồ Tết. Tôi được mua tận ba bộ cho ba ngày Tết.
Tết của những năm ấy gia đình tôi không sắm sửa quá nhiều, nhà nội sẽ nấu bánh tét vào đêm hai chín và cho nhà tôi vài đòn. Tôi thích trải chiếu ngồi canh nồi bánh cùng các chị các cô, nghe mọi người kể chuyện rồi ngủ thiếp đi bên ánh lửa hồng của nồi bánh tét. Đến khi tôi nghe được mùi của chảo mứt gừng đang sên dở cùng những làn khói nóng hổi phả ra từ nồi bánh tét thì trời đã sáng.
Cái Tết cũ ở miền quê nghèo không có lấy những ngọn đèn xanh đỏ đủ màu như nơi tôi đang đứng. Tết của những năm ấy trong tâm trí của những đứa trẻ khi ấy chỉ vỏn vẹn là nồi bánh nhà nhà đều nấu, là chảo mứt gừng tự tay chị sên, là mùi của cúc mâm xôi quyện vào những chậu vạn thọ những ngày giáp Tết hay mùi của bộ quần áo Tết với cái áo đỏ lè như bao lì xì và cái quần ống loe đang là mốt. Nhưng cái Tết trong trí nhớ tôi còn là mùi hăng hăng từ đống ve chai của mẹ, là làn gió mang hương hoa Tết phả từng đợt vào gương mặt ngây ngô những ngày được mẹ đèo ngang chợ hoa Tết, cái thứ hương vị và thanh sắc mà bây giờ tôi chẳng còn tìm thấy nữa.
MỸ XUYÊN
Theo thegioitiepthi.vn
Mùi hạt tiêu của mẹ những ngày giáp Tết Vì cuộc sống và theo đuổi đam mê, tôi đã lập nghiệp trên thành phố, mùi hạt tiêu rang cay nồng mỗi tối chỉ còn trong ký ức vì tôi về quê đón Tết cũng là phiên chợ cuối cùng của mẹ, tức 29 Tết âm lịch. Những ngày tháng Chạp, Hà Nội lạnh lắm! Cái lạnh làm người ta co rúm lại...