Chi tiêu dùng mạnh giúp kinh tế Mỹ giữ nhịp tăng trưởng
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh tăng trưởng, nhờ chi tiêu dùng mạnh mẽ, ngay cả trong bối cảnh lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ ngày 10/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/10 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2024 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã điều chỉnh các yếu tố lạm phát và mùa vụ. So với quý II/2024, mức tăng trưởng giảm nhẹ 0,2%. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ vẫn duy trì được đà phục hồi, dù tốc độ tăng trưởng chưa đạt được như kỳ vọng.
Trước đó, các nhà kinh tế học được Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng trưởng của quý III/2024 sẽ là 3,1%. Báo cáo vừa được công bố chỉ là dữ liệu sơ bộ và sẽ có hai lần điều chỉnh nữa theo thông lệ.
Đà tăng trưởng trong quý III/2024 của Mỹ có sự đóng góp lớn từ chi tiêu dùng, với tốc độ tăng trưởng đạt 3,7% sau khi đã điều chỉnh yếu tố lạm phát, giúp GDP có thêm 1,25 điểm phần trăm tăng trưởng. Tiền công lao động tăng, cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp cho phép người tiêu dùng Mỹ tiếp tục có được nguồn thu nhập tốt hơn trong khi lạm phát tiếp tục giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý III/2024 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ mới vài tuần trước đây, nhiều nhà kinh tế còn lo ngại chi tiêu dùng của Mỹ sẽ mất đà, khi thị trường lao động suy yếu, còn tiết kiệm hộ gia đình có khả năg sụt giảm. Nhưng số liệu điều chỉnh công bố vào tháng 9/2024 cho thấy cả thu nhập và tiết kiệm tại cường quốc lớn nhất thế giới đều mạnh hơn so với các dự báo ban đầu. Dữ liệu gần đây về việc làm cũng tích cực.
Điều này cho thấy tiêu dùng có thể tiếp tục tăng, đặc biệt là khi khảo sát do tổ chức nghiên cứu Conference Board công bố trong tuần này cho thấy người tiêu dùng Mỹ ngày một tin tưởng hơn vào triển vọng nền kinh tế quốc gia.
“Đa phần người tiêu dùng tiếp tục làm việc. Và một khi bạn là người tiêu dùng có công ăn việc làm, bạn sẽ chi tiêu”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Conference Board, Dana Peterson, phân tích.
Các lĩnh vực khác của nền kinh tế Mỹ cho thấy những tín hiệu pha tạp hơn. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang mở rộng đầu tư vào tài sản cố định và tài sản trí tuệ. Theo một số nhà kinh tế, nguyên nhân là do gia tăng nhu cầu đối với chất bán dẫn (chip) và sản phẩm phần mềm có liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Chi tiêu chính phủ cũng có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2024. Riêng chi cho quốc phòng đã tạo ra 0,5% tăng trưởng GDP trong quý này.
Nhưng các doanh nghiệp đang thu hẹp đầu tư vào bất động sản xây mới, thị trường nhà đất rơi vào tình trạng tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp – tín hiệu cho thấy lãi suất cao tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực bất động sản. Sau giai đoạn giảm khá mạnh vào hồi mùa Hè, lãi suất cho vay mua nhà đã tăng trở lại trong vài tuần gần đây. Theo chuyên gia Jay Bryson, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Wells Fargo, lãi suất cho vay mua nhà gần như chắc chắn sẽ không sớm về ngưỡng 3% và sở hữu nhà ở gia đình đơn lẻ sẽ vẫn nằm ngoài tầm với của phần lớn người dân Mỹ.
Tăng trưởng GDP trong quý III/2024 được hưởng lợi một phần từ việc các công ty tăng cường đầu tư ngay trước thời điểm nổ ra một cuộc đình công ở các cảng bờ Đông và vịnh Mexico. Cuộc đình công kéo dài chỉ trong ba ngày. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị cho một đợt đóng cửa kéo dài hơn – mà trên thực tế có thể đã đẩy một số hoạt động kinh tế từ quý IV/2024 sang quý III/2024.
Như là một phần của hệ quả trên, đa số giới chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong quý IV/2024. Theo kế hoạch, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố dữ liệu về chi tiêu và lạm phát tháng 9/2024 trong ngày 31/10. Đến ngày 1/11, Bộ Lao động Mỹ sẽ cập nhật thông tin về việc làm, tiền lương và thu nhập của tháng 10/2024.
Nền kinh tế Mỹ liên tục nhận thử thách trong vài năm gần đây, đầu tiên là đại dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra. Tiếp đến là lạm phát tăng, đi kèm lãi suất cao. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, nền kinh tế số một thế giới vẫn vững vàng vượt qua mọi dự báo về suy thoái.
Tuy nhiên, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với các cơn gió nghịch trong những tháng tới, sau khi cuộc bầu cử Tổng thống (dự kiến diễn ra ngày 5/11) kết thúc và một chính phủ mới sẽ được thành lập, với triển vọng sẽ có sự thay đổi trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Nhưng kinh tế Mỹ cũng hội tụ một số nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng. Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, mở đường để Cục Dự trữ liên bang (Fed) tiếp tuc cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 11 tới. Chi tiêu chính phủ vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở, năng lượng xanh và đầu tư tư nhân trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang chảy mạnh vào các doanh nghiệp và cuối cùng tác động tới người lao động.
IMF điều chỉnh nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống mức 2,6%
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 27/6 nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn một chút so với dự báo trước đó, song vẫn duy trì mức độ "mạnh mẽ, năng động và có thể thích ứng với các điều kiện thay đổi trên toàn cầu".
Người dân mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ, ngày 15/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4 của cơ quan này (2,7%).
Trong tuyên bố đi kèm với bản dự báo kinh tế cập nhật, IMF đánh giá: "Nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ được sự mạnh mẽ, năng động và thích ứng với các điều kiện thay đổi trên toàn cầu", bên cạnh hoạt động của nền kinh tế và thị trường việc làm "tiếp tục vượt kỳ vọng".
Mặc dù vậy, kinh tế Mỹ vẫn tồn tại tình trạng "thâm hụt tài chính quá lớn", dẫn đến "quỹ đạo tăng không ngừng đối với tỷ lệ nợ công trên GDP (Tổng sản phẩm quốc nội)".
IMF đánh giá mức độ thâm hụt tài chính và nợ cao "gây ra rủi ro ngày càng lớn cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu, có nguy cơ dẫn đến chi phí tài chính cao hơn và rủi ro ngày càng tăng đối với việc chuyển đổi suôn sẻ các nghĩa vụ đáo hạn".
Ngoài ra, IMF còn cảnh báo về tác động tiêu cực của xu hướng "mở rộng các biện pháp hạn chế thương mại".
IMF kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đạt được mục tiêu lạm phát 2% vào giữa năm 2025, sớm hơn một chút so với dự báo của ủy ban ấn định lãi suất thuộc Fed (năm 2026). Báo cáo dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng dự báo của cơ quan này về lạm phát ở Mỹ có phần lạc quan hơn dự báo của Fed bởi vì xu hướng bùng nổ chi tiêu tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang lắng xuống. Theo bà, Fed có thể cắt giảm lãi suất 1 lần trong năm 2024 và các lần tiếp theo trong năm 2025.
Fed vẫn để ngỏ khả năng giảm lãi suất dù lo ngại lạm phát Tại cuộc họp lãi suất vào tháng 3 vừa qua, các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương Mỹ) đã nêu lo ngại về lạm phát tăng cao "trên diện rộng" thời gian gần đây, nhưng vẫn để ngỏ khả năng giảm lãi suất bắt đầu trong năm nay. Đây là nội dung biên bản cuộc...