Chi tiêu cho năng lượng toàn cầu dự kiến đạt 2.100 tỷ USD năm 2022
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông – Bắc Phi dẫn báo cáo mới nhất của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết, chi tiêu cho năng lượng của thế giới sẽ đạt mức kỷ lục 2.100 tỷ USD trong năm 2022, đồng thời cho rằng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Các bể chứa dầu tại kho dự trữ dầu của Mỹ ở Carson, bang California, ngày 25/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Rystad Energy, lạm phát hậu đại dịch COVID-19 do chi phí lao động và giá cước vận chuyển gia tăng cũng sẽ khiến nhiều quốc gia tăng chi tiêu trong lĩnh vực năng lượng để đảm bảo nguồn cung. Ông Audun Martinsen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dịch vụ năng lượng của Rystad Energy, nhận xét: “Thế giới hiện đang chi tiêu cho năng lượng nhiều hơn bao giờ hết. Năm 2014 là lần cuối cùng chúng ta chứng kiến những con số tương tự. Thế giới có thể chứng kiến sự thay đổi lớn trong chi tiêu cho năng lượng xanh, với chi tiêu cho dầu mỏ và khí đốt giảm sút. Tuy nhiên, chi tiêu cho các nhiên liệu hóa thạch khác, chẳng hạn như than đá, vẫn không thay đổi”.
Chi tiêu cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu mỏ dự kiến sẽ tăng 16% lên 658 tỷ USD trong năm 2022. Con số này trong lĩnh vực khai thác và sản xuất khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến tăng 15%, đạt 401 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, chi tiêu cho lĩnh vực năng lượng xanh sẽ tăng 24%, đạt 125 tỷ USD.
Lạm phát gia tăng trên toàn cầu đã khiến chi tiêu cho dự án dầu khí trong năm ngoái tăng 10-20% so với năm 2020, do giá thép cao hơn và thị trường ngày càng thắt chặt hơn. Còn chi tiêu cho các dự án xanh cũng đã tăng 10-35%, do giá lithium, niken, đồng và polysilicon – những vật liệu chủ chốt trong sản xuất pin và điện Mặt Trời – leo thang.
Các số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy EU cũng đạt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Năm 2021, EU đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối và gần 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt của toàn EU.
Rystad Energy đánh giá: “Việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu hóa thạch từ các nhà cung cấp thay thế Nga chỉ là giải pháp tạm thời vì EU có mục tiêu rõ ràng là giảm sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu hóa thạch nói chung. Năng lượng xanh – thông qua năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cùng với sáng kiến hydro và sáng kiến CCS (thu hồi và lưu trữ carbon) – sẽ là chìa khóa không chỉ để cải thiện an ninh năng lượng, mà còn thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của các nước thành viên EU”.
Theo Rystad Energy, chi tiêu cho năng lượng Mặt Trời của thế giới trong năm nay sẽ tăng 64% lên 191,47 tỷ USD, trong khi chi tiêu cho năng lượng gió (các dự án được thực hiện trên đất liền) dự kiến tăng 24%, đạt 209 tỷ USD. Rystad Energy nhận định các thị trường năng lượng đang lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm trật bánh quá trình chuyển đổi năng lượng, song các dữ liệu mới nhất cho thấy chi tiêu cho năng lượng xanh sẽ tăng nhanh hơn so với nhiên liệu hóa thạch.
Các tập đoàn năng lượng gặp 'bão' chỉ trích khi thu lợi nhuận lớn
Giá năng lượng tăng vọt đã mang đến những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các công ty khai thác dầu mỏ trên toàn cầu ở thời điểm mà người tiêu dùng tại nhiều nước đang phải trả các hóa đơn tiền điện cao hơn.
Các bể chứa dầu tại Carson, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuần qua, các tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, TotalEnergies của Pháp cùng với Shell và BP của Anh đã công bố lợi nhuận năm 2021 đạt tổng cộng 66,7 tỷ USD. Nhìn chung các tập đoàn đều kinh doanh khởi sắc hơn so với năm 2020, năm thua lỗ do đại dịch COVID-19 gây gián đoạn hoạt động kinh tế thế giới và khiến giá dầu thô giảm mạnh. Giá dầu và khí đốt đã tăng mạnh vào năm ngoái, lên tới 70 USD/thùng, sau một thời gian giảm sâu trong năm 2020. Tháng 1/2022, giá dầu của Mỹ giao dịch tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua và hiện có giá khoảng 90 USD/thùng. Trong khi đó, giá khí đốt cũng tăng lên các mức cao kỷ lục ở châu Âu.
Chuyên gia Moez Ajmi tại công ty tư vấn EY cho biết các công ty dầu mỏ được hưởng lợi nhờ "sự kết hợp bất thường của nhiều yếu tố". Bên cạnh việc giá năng lượng tăng cao, các công ty năng lượng còn bán gần hết tài sản và chỉ giữ lại những tài sản sinh lời cao nhất. Ngoài ra, các công ty cũng đẩy mạnh cắt giảm chi phí vốn được triển khai từ năm 2014. Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC , nâng dần sản lượng cũng giúp tăng lợi nhuận của các công ty.
Các báo cáo doanh thu "màu hồng" của các tập đoàn năng lượng đang làm dấy lên những lời kêu gọi phải áp thuế đối với lợi nhuận của các công ty năng lượng tại Anh. Chuyên gia Kate Blagojevic thuộc tổ chức khí hậu Greenpeace tại Anh cho rằng những khoản lợi nhuận này là không thể chấp nhận khi hàng triệu người Anh đang phải chật vật chi trả các hóa đơn tiền điện. Bà nhấn mạnh BP và Shell đã thu được hàng tỷ USD từ cuộc khủng hoảng giá khí đốt, trong khi được hưởng một trong những chính sách thuế ưu đãi nhất trên thế giới đối với một công ty khai thác dầu mỏ ở nước ngoài.
Nga tìm ra biện pháp mới đối phó lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của EU Nga muốn chuyển hướng xuất khẩu than từ châu Âu sang châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh EU áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới trong lĩnh vực năng lượng. Báo Vedomosti (Nga) ngày 8/4 dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này có thể chuyển hướng xuất khẩu than từ Liên minh châu Âu...