Chi tiền tỷ mua laptop, Đại biểu HĐND “chê” không xài
Dù máy tính xách tay được trang bị riêng cho từng đại biểu nhưng đã hai kỳ họp Hội đồng Nhân dân (HĐND) trôi qua, văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình vẫn phải phát tài liệu photo, mỗi bộ hàng trăm trang giấy.
Ngày họp cuối cùng kỳ họp thứ 8 (18/7), HĐND tỉnh Quảng Bình khoá 16 vẫn phải tiếp tục photo tài liệu gửi đến các đại biểu, mặc dù trước đó họ được HĐND tỉnh trang bị máy tính xách tay.
Theo văn phòng HĐND tỉnh Quảng Bình cho biết, 60 máy tính xách tay đã được trang bị cho 50 đại biểu và các thành viên khác, với giá 20 triệu đồng/máy.
Tổng số tiền cho dự án này khoảng 1,4 tỉ đồng, lấy từ ngân sách. Các đại biểu đã được nhận máy tính xách tay từ kỳ họp trước, và đây là kỳ họp thứ 2 nhưng không được đại biểu đem ra sử dụng mà yêu cầu phát tài liệu photo, mỗi bộ hàng trăm trang giấy.
Một chuyên viên của HĐND tỉnh Quảng Bình, giải thích: “một số đại biểu biết sử dụng khi được tập huấn, nhưng đa số không thành thạo nên phải photo tài liệu phát tận tay”.
Mua iPad xịn hơn, nhẹ hơn thì sẽ dùng?
Thực tế này có thể dễ thấy tại nhiều địa phương trên cả nước. Hiện đã rất nhiều địa phương mạnh tay móc hầu bao đầu tư khoản ngân sách không nhỏ để trang bị đồng bộ công nghệ iPad cho đại biểu HĐND như: Hà Nội, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…
Họ cho rằng, đây là một hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp các đại biểu hoạt động hiệu quả. Lý do được các tỉnh đưa ra là để tránh tốn kém, vất vả, mất thời gian cho việc in ấn, phát tài liệu nhưng xem ra trường hợp như ở Quảng Bình đang là tốn gấp đôi.
Video đang HOT
Không ít đại biểu do tuổi cao, ít tiếp xúc với công nghệ hiện đại nên chưa tận dụng hết tính năng của laptop, iPad
Theo tính toán, mỗi năm HĐND họp 2 kỳ nên việc in, sao tài liệu mỗi lần tiêu tốn trên dưới 100 triệu đồng cho khoảng 100 đại biểu. Trong khi đó, số tiền dành cho cả trăm chiếc iPad đã ngốn đến 3 tỉ đồng kinh phí của địa phương.
Như vậy, hoàn toàn có thể dùng số tiền này để in giấy, tài liệu cho các cuộc họp HĐND gần 15 năm.
Ông Võ Hồng Hải, đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh, khóa XVI, thẳng thắn góp ý kiến:”Được trang bị máy tính bảng giúp đại biểu tiếp nhận thông tin một cách thuận lợi hơn rất nhiều, họ có thời gian để đọc và tham khảo tài liệu trước ở nhà, tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho ngân sách địa phương trong việc in ấn tài liệu.
Bên cạnh đó, việc trang bị iPad còn giúp tiết kiệm được rất nhiều sức khỏe bởi trước kia mỗi lần đi họp phải ôm vài kg tài liệu từ nhà đến, đến nơi chẳng còn tinh thần để họp vì mệt. Thế nhưng, cũng có bất cập là nhiều đại biểu lớn tuổi, không am hiểu về công nghệ thông tin, được trang bị iPad như một đồ chơi.
Thậm chí có người còn chưa một lần chạm tay vào chiếc máy tính bảng thì biết mặt ngang mũi dọc như thế nào mà sử dụng. Ở Hà Tĩnh chỉ mới áp dụng trang bị laptop cho các đại biểu chứ chưa sử dụng iPad vào các kỳ họp HĐND”.
Về tính năng của những công nghệ này, ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc công ty CP Truyền thông VMH Việt Nam nói thẳng: Thật ra không phải ai cũng có thể sử dụng iPad một cách thành thạo, chưa nói đến việc sử dụng các ứng dụng tra cứu, chỉnh sửa, ghi chú….
Có nhiều người sử dụng điện thoại cũng chỉ để nghe, gọi còn không thể sử dụng hết các chức năng. Vậy dùng iPad sẽ làm khó cho chính các đại biểu.
Điều sợ nhất là việc bảo mật thông tin, nếu iPad chứa tài liệu của các đại biểu HĐND bị mất. Chưa kể đến, thiết kế của iPad chỉ có đến 20% là hỗ trợ công việc, còn 80% là giải trí, rồi các tính năng như nghe nhạc, xem phim, lướt web…
Bên cạnh đó, nếu người lớn tuổi ít tiếp xúc với công nghệ thông tin còn phải tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng sử dụng máy tính bảng như thế nào và đạt cho hiệu quả.
Theo Đất Việt
Tuần này, Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 18 lãnh đạo chủ chốt
Các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND thành phố, trưởng các ban HĐND thành phố, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND thành phố và các thành viên UBND Hà Nội sẽ được lấy phiếu tín nhiệm theo 3 hình thức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp tại kỳ họp thứ 7 HĐND Hà Nội khoá XIV lần này.
Bắt đầu từ hôm nay (1/7) đến hết ngày 8/7, Hội đồng Nhân dân (HĐND) Hà Nội sẽ khai họp kỳ họp thứ 7 khoá XIV để đánh giá lại tình hình phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô thời gian qua và đưa ra phương hướng phấn đấu trong thời gian tới.
Trọng tâm tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND Hà Nội sẽ xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2013; chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội; sửa đổi bổ sung các nghị quyết HĐND thành phố về hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với UBND, MTTQ, Ban thanh tra nhân dân và các tổ chức, đoàn thể tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn; việc quy định mức phụ cấp với cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội; về một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND thành phố; về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, HĐND Hà Nội sẽ thảo luận, quyết nghị các vấn đề thực hiện Luật Thủ đô; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo nghị quyết của Quốc hội.
uần này, Hội đồng Nhân dân Hà Nội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 18 lãnh đạo chủ chốt. Ảnh: internet.
Theo dự kiến, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành với 18 chức danh do HĐND thành phố bầu và phê chuẩn gồm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND thành phố, trưởng các ban HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND và các thành viên UBND thành phố.
Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện dưới ba hình thức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố công khai tới từng con số để cử tri và nhân dân biết. Những trường hợp 2 năm liên tục tín nhiệm thấp, sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, HĐND thành phố cũng sẽ thực hiện quyền giám sát thông qua chất vấn tại kỳ họp về tình hình thực hiện các nghị quyết của HĐND, các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, tình hình giải quyết các vấn đề bức xúc được dư luận, cử tri và đại biểu quan tâm.
Đáng chú ý, trong số các nghị quyết được xem xét, thảo luận và thông qua tại kỳ họp này, có nghị quyết ban hành quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo giục phổ thông công lập chất lượng cao; chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, tham gia thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô; các biện pháp đảm bảo việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư quan trọng; biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác trước năm 1954, quy định cụ thể tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại; quy định diện tích bình quân nhà ở; cơ chê, chính sách khuyên khích đâu tư xây dựng, khai thác bên xe, bãi đô xe ô tô, xe cơ giới...
Theo vietbao
Vì sao Quốc hội "siết" Luật Biểu tình? Sau khi khai mạc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, người thay mặt cho Ủy ban Pháp luật của cơ quan dân cử tối cao này là ông Phan Trung Lý đã lập tức "bác" khá nhiều đề xuất từ phía Chính phủ. Những đề xuất trên nằm trong 7 nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và thuộc...