Chỉ số giá tiêu dùng Việt Nam tăng 8 tháng liên tiếp
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016 của cả nước đã tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 2,28% so với cùng tháng năm trước, theo số liệu do Tổng cục thống kê vừa công bố.
Như vậy, tính dồn sau 5 tháng đầu năm, so với tháng 12 năm trước CPI cả nước đã tăng 1,88%.
CPI binh quân năm tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,59%.
Tin tức trên báo Vietnamnet, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất ở mức 2,39% trong 11 nhóm hàng chính.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5 tăng chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu: Giá xăng dầu trong nươc được điều chỉnh tăng vào ngày 20/4/2016 và ngày 5/5/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước. Giá vé ô tô khách tăng 0,1% so với tháng trước do ngày nghỉ lễ kéo dài nên nhu cầu đi lại của người dân tăng.
Mức tăng cao thứ hai thuộc về nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,88%. Giá gas bán lẻ liên tục điều chỉnh tăng mạnh trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính làm chỉ số giá nhóm hàng này tăng mạnh.
Ngoài ra, việc giá bán lẻ dầu hỏa được điều chỉnh tăng theo giá các mặt hàng xăng dầu khác cũng góp phần đáng kể vào mức tăng trên.
Diễn biến CPI qua các tháng – Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Video đang HOT
Tuy không phải mức tăng cao nhất nhưng nhờ có quyền số lớn nhất, nên ảnh hưởng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lên chỉ số chung là không nhỏ.
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 0,36%, trong đó lương thực tăng 0,68%, thực phẩm tăng 0,38% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%.
Lương thực đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong và ngoài nước.
Trong nước, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã khiến tâm lý lo ngại nguồn cung bị hạn chế trong tương lai đã đẩy giá thu mua lương thực tăng lên. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn sang Trung Quốc và Indonesia nên cũng tác động khiến giá gạo tăng cao.
Tuy nhiên, với động thái xả kho gạo mới đây của Thái Lan chắc chắn khiến giá gạo trong nước và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng.
Tính từ đầu năm, giá các mặt hàng lương thực đã tăng 3,19%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của chỉ số chung.
Cũng trong diễn biến tăng giá, các mặt hàng thực phẩm đã bật tăng trở lại sau khi giảm theo quy luật ở hai tháng trước.
Các nhóm hàng còn lại đều tăng nhẹ trong đó tăng thấp nhất là nhóm giáo dục với mức 0,02%.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ lại diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức tăng 1,45% và giảm 0,1%.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2016 cũng đã tăng 1,78% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Ngoài ra, so cùng kỳ năm trước giá lúa gạo hiện tại vẫn cao hơn khoảng 300 đồng/kg. Chủ yếu là do thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký và tác động của khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Thông tin trên VnEconomy, việc CPI tăng liên tiếp trong 8 tháng gần đây đã dấy lên những lo ngại về việc lạm phát sẽ quay trở lại vào năm nay. CPI năm nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng mạnh do tác động của thị trường thế giới về giá lương thực, nhiên liệu.
Mặt khác, mặt bằng giá năm ngoái ở mức thấp kỷ lục nên càng tạo cơ hội cho giá các mặt hàng tăng mạnh trong năm nay.
Xét trong dãy số liệu lịch sử, CPI tháng này được ghi nhận là tháng 5 có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
Theo_Đời Sống Pháp Luật
CPI tháng 5 tiếp tục tăng cao
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016 của cả nước đã tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 2,28% so với cùng tháng năm trước. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số giá đi lên.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong tháng 5/2016, tất cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ nằm trong rổ tính CPI đều có mức giá tăng so với tháng 4/2016.
Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với mức 2,39% do chịu tác động động từ việc tăng giá liên tục của các mặt hàng xăng dầu trong thời gian qua. Cụ thể, trong các ngày 20/4 và 5/5 giá xăng đã tăng với mức tổng là 640 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.150 đồng/lít khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,21%.
Đứng thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,88%. Đứng ở vị trí thứ ba là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%.
Trong 8 nhóm hàng còn lại có mức tăng nhẹ hơn gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,36% (lương thực tăng 0,68%, thực phẩm tăng 0,38%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,03%;
Đáng chú ý, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép và nhóm giáo dục đã đứng trong danh sách nhóm có mức tăng thấp nhất trong các nhóm tính CPI tháng 5, khi đều có mức tăng 0,02%.
Mặc dù không nằm trong nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI, nhưng Tổng cục thống kê cũng cho biết, chỉ số giá vàng tháng 5/2016 tăng 1,45% so với tháng 4/2016, còn chỉ số giá USD lại giảm 0,1%.
Yến Nhi
Theo_VnMedia
Lợi nhuận ngân hàng đã thực chất hơn Sự phân hóa đang thể hiện rõ nét trong bức tranh kinh doanh quý I/2016 của các ngân hàng. Trong khi lợi nhuận của một số ngân hàng tăng trưởng khả quan, thì không ít nhà băng lại bị sụt giảm mạnh vì chi phí dự phòng tăng. Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong 3 năm gần...