Chỉ số điện tăng gấp đôi, giá điện lên gấp ba?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) vừa cho biết, sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống tăng mạnh thời gian gần đây. Trước thông tin này, nhiều người dân lo lắng hóa đơn tiền điện tháng 7 sẽ tiếp tục tăng bởi biểu giá của “nhà đèn”.
Theo báo cáo của EVN, chỉ tính riêng ngày 2/7 vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống đạt kỷ lục với 535 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện tiêu thụ ở TP Hà Nội là 64,6 triệu kWh, vượt TPHCM – khu vực trước đây thường xuyên dẫn đầu cả nước về lượng tiêu thụ điện. Cũng như nhiều lần lý giải trước đó, nguyên nhân khiến những hóa đơn điện tăng đột biến là do nắng nóng kéo dài và diễn ra trên diện rộng.
Trước những “cảnh báo” về việc hóa đơn điện có thể tăng cao hơn nữa trong tháng 7 này, rất nhiều người dân đã phản ứng về cách tính tiền điện, đáng nói nhất là biểu giá. Trên thực tế, giá điện tăng vọt không chỉ đợt điều chỉnh giá điện vào tháng 3/2015 đã tăng tới 7,5% mà còn dobiểu giá điện lũy tiến có độ cách biệt khá lớn về giá.
Anh Nguyễn Văn Bình, nhân viên Công ty Cung cấp dụng cụ thể thao Tâm Chính (đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội) bức xúc: “Hiện nay, biểu giá điện mới từ 7 bậc rút lại chỉ còn 6 bậc, thêm vào đó, lượng điện giá rẻ bị khống chế thấp xuống chỉ còn 50kWh thay vì 100kWh như trước đây. Khoảng cách tính giá cao cũng được nới rộng ra và tính lũy tiến. Nói đơn giản, nếu gia đình tôi dùng một lượng điện như trước đây thì vẫn phải trả tiền nhiều hơn trước”.
Đúng như anh Bình phản ánh, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành chia làm 6 bậc thang. Trong đó: Bậc 1 cho từ 0-50 kWh giá 1.484 đồng/kWh; bậc 2 từ 51-100 kWh là 1.533 đồng/kWh; bậc 3 từ 101-200 kWh là 1.786 đồng/kWh; bậc 4 từ 201-300 kWh là 2.242 đồng/kWh; bậc 5 từ 301-400 kWh là 2.503 đồng/kWh; bậc 6 từ 401 kWh trở lên giá 2.587 đồng/kWh.
Nhiều “cảnh báo” được đưa ra, giá điện tháng 7 sẽ tăng vọt. Ảnh: H.Phương
Ông Hồ Đức Hiền, cán bộ hưu trí ở khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa nhẩm tính với mức luỹ tiến hiện nay của EVN, từ số điện 401 trở lên, người dân sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh. “Sẽ xảy ra trường hợp chỉ số điện năng có thể tăng gấp đôi nhưng số tiền điện người dân phải trả có thể tăng gấp 3, thậm chí 4 lần. Vấn đề là biểu giá này đã phù hợp với thực tế đời sống người dân hay chưa? Chúng tôi lo rằng EVN tự đưa ra biểu giá thì phần thiệt sẽ chỉ có người dân phải chịu”, ông Hiền phân tích.
Trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, cách tính giá điện như ở Việt Nam hiện chỉ áp dụng cho các nước đang thiếu điện.
Video đang HOT
Nhiều bất cập
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt là do biểu giá lũy tiến đang áp dụng hiện nay. Người dân sử dụng điện nhiều thì đơn giá bị đội lên cao. “Biểu giá lũy tiến chúng ta đã áp dụng từ lâu và phổ biến với các mặt hàng mà cung lớn hơn cầu, không chỉ với mặt hàng điện mà với cả nước sinh hoạt. Tiền điện tăng cao do nắng nóng, người dân sử dụng nhiều nên theo biểu giá điện lũy tiến, số tiền phải trả tăng lên”, bà Nga nói
Bà Nga cũng khẳng định rằng: “Nếu có sai sót kỹ thuật trong việc ghi chỉ số điện thì ngành điện phải kiểm tra và xử lý. Còn nếu cách tính giá điện theo lũy kế bậc thang có vấn đề bất hợp lý thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét để sửa đổi trong biểu giá điện thời gian tới”.
Liên quan đến biểu tính giá điện lũy tiến do Bộ Công Thương ban hành, ông Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, biểu tính giá này được đưa ra và căn cứ trên quy định pháp luật, cũng như chủ trương chính sách của Bộ Công Thương.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cho rằng, EVN chỉ nên có một chức năng ưu đãi là chức năng điều tiết điện. Các chức năng khác phải đưa được thông tin công khai mới thúc đẩy được quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, mang lại giá điện rẻ cho người tiêu dùng.
Theo lộ trình, từ năm nay sẽ thực hiện thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2017- 2021. Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu biểu giá điện mới, dự kiến trong năm 2015 sẽ trình Chính phủ. Phương án biểu giá điện mới theo đó sẽ giảm số bậc thang tính giá thay vì 6 bậc như hiện nay. Tuy nhiên, mức thang 50 KWh đầu vẫn được giữ nguyên để hỗ trợ cho người dân nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy EVN vẫn đang vướng mắc giữa vai trò xã hội và kinh doanh.
Nhiều chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng, lý do đó làm chậm lộ trình bán buôn điện cạnh tranh. Khi EVN khoác vai trò bảo đảm an sinh xã hội, dù là doanh nghiệp nhà nước, trong thời điểm hiện nay là không phù hợp. Thay vì nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, doanh nghiệp lại phải vay tiền hoặc tăng giá điện lấy tiền đầu tư hạ tầng, phát triển lưới điện ở vùng sâu, vùng xa. Cuối cùng, lợi ích của số đông người tiêu dùng không được bảo đảm. Cho nên nếu chỉ số công tơ của khách hàng tháng 7 này tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 là điều không ngạc nhiên.
Theo_Eva
Nếu có 67.000 công nhân đi ghi công tơ thì giá điện sao có thể rẻ?!
EVN đã từng công bố con số hàng chục nghìn công nhân chỉ đi làm công việc ghi công tơ, thu tiền điện. Và khi hóa đơn điện của người dân tăng vọt bất thường, người ta mới vỡ lẽ có nhiều lỗi ở công đoạn ghi - thu thủ công này.
Ngành điện cũng không nắm rõ
Còn nhớ cuối năm 2014, EVN đã công bố trước Thủ tướng Chính phủ con số hàng chục nghìn người, cụ thể là 67.000 người (con số mà sau đó một số lãnh đạo ngành điện không thừa nhận) làm trong ngành điện chỉ đi ghi công tơ, thu tiền điện. Con số này đã khiến dư luận giật mình. Còn Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu EVN giảm bớt số con số này và yêu cầu EVN phải bố trí họ làm việc khác, tăng mua thiết bị thay thế.
Để tìm hiểu cụ thể về con số này trong những ngày dư luận "nóng cùng hóa đơn tiền điện", phóng viênDân Việt đã liên hệ với EVN để xác nhận lại thông tin nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm của ngành điện.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một công ty điện lực cho biết: Rất khó để thống kê chính xác số lượng công nhân đi ghi công tơ và thu tiền điện trong toàn bộ ngành điện. Bởi mỗi công ty điện lực đều hoạt động độc lập, tự hạch toán kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về nhân lực. Nếu chỉ thống kê số lượng nhân viên ghi công tơ, thu tiền điện thì sẽ phải tập hợp con số từ từng công ty điện lực. Điều này không thể ngày một ngày hai làm được.
"Nhưng có một điều chắc chắn là số lượng người này hoàn toàn là người của ngành điện, làm trong ngành điện hoặc trong biên chế của ngành điện chứ không phải là những người thuê bên ngoài hay làm thời vụ. Và con số này trên cả nước chắc chắn không phải là số nhỏ" - vị này cho biết.
Trong khi nhiều nước trong khu vực đã hiện đại hoá quy trình, thủ tục đo đếm lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng bằng công tơ điện tử, có thể chuyển dữ liệu từ xa về trung tâm và kiểm tra thông tin từng giờ một cách chính xác thì ngành điện lực Việt Nam vẫn hoạt động kiểu thô sơ, tốn kém nhân lực như trên. Và một điều chắc chắn khó tránh khỏi đó là sai sót (có thể vô tình hoặc hữu ý) xảy ra từ cách làm thủ công này.
Trước đó, qua các thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về hóa đơn tiền điện, ngành điện đã phát hiện hàng chục trường hợp nhân viên ngành điện nhầm lẫn khi ghi chỉ số công tơ khiến tiền điện ghi trong hóa đơn tăng hoặc giảm so với thực tế. Nguyên nhân là do công nhân đọc, ghi nhầm chỉ số hoặc khi nhập số liệu vào hệ thống bị nhầm lẫn. Song, chỉ những hộ dân phát hiện sự bất thường, làm đơn khiếu nại tới ngành điện mới được bồi hoàn lại tiền. Còn những người không để ý, không biết cách tính giá điện hoặc xuề xòa cho qua thì đành chịu thiệt.
Còn độc quyền, còn chậm đổi mới!
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Tây Ninh) từng phải thốt lên với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: "Điện là mặt hàng kỳ lạ, chỉ tăng giá, tăng giá và tăng giá". Không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân trực tiếp điện luôn tăng giá, đội giá và thất thoát là do công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới.
Một chuyên gia trong ngành CNTT cho biết, tại Mozambique - một nước nghèo ở châu Phi, người dân ở đây có thể mua điện và trả tiền điện giống như việc sử dụng điện thoại di động. Một gia đình cào thẻ dùng điện trả trước, hết tiền hệ thống quản lý tự động cắt điện, nếu muốn dùng tiếp hộ này chỉ cần nạp thẻ qua di động là xong.
Còn ở ta thì sao? Nhân viên đi thu tiền điện vẫn phải gõ cửa từng nhà thu từng đồng, có khi đi đi lại lại vài lần mới thu xong tiền điện của một hộ do họ không phải lúc nào cũng ở nhà. Lại có cảnh người dân một số địa phương phải xếp hàng để trả tiền điện như thời bao cấp...
Lao động thủ công dẫn đến chi phí phải đội lên. Công đi thu tiền điện của dân lại phải tính vào giá điện. Giá điện vì thế phải cõng đủ loại chi phí, làm sao có thể rẻ?!
Người dân kêu thì ngành điện đề nghị hãy đi giám sát cùng ngành điện khi chốt chỉ số công tơ. Có thể tới đây, người dân lại phải bỏ công bỏ việc để đi... leo cột điện cùng nhà đèn. Mà leo cột điện cùng nhà đèn cũng chưa chắc hết được sai sót vì công tơ chốt ở cột điện là một chuyện, đến lúc chỉ số điện đưa về còn phải được tra cứu, nhập máy bởi hàng trăm nhân viên khác. Ai đảm bảo lại không có sự sai sót ở các khâu này?!
Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN từng phát biểu rằng, một trong những yêu cầu của việc ghi chỉ số công tơ là phải ghi đúng chu kỳ, ghi đủ, ghi chính xác. Để nâng cao trách nhiệm đối với nhân viên ghi chỉ số công tơ, nhiều đơn vị điện lực đã áp dụng cách thức trả lương căn cứ vào khối lượng và chất lượng ghi chỉ số công tơ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cũng vẫn xảy ra một số trường hợp sai sót do nhân viên đọc nhầm số hoặc ghi nhầm số.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội vẫn khẳng định không có sai sót trong việc ghi điện hay tính giá và khẳng định: Bất cứ khách hàng nào nghi ngờ, khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng cùng với khách hàng kiểm tra. Chúng tôi đã công bố số điện thoại đường dây nóng, có tên và số điện thoại đội ghi chỉ số trên hoá đơn. Rất nhiều điểm đã sử dụng camera chụp ảnh công tơ của khách hàng lúc chốt chỉ số, có thể mang ra đối chiếu. Nhiều công ty điện lực trước khi đi chốt chỉ số cũng đã nhắn tin cho khách hàng để cùng giám sát. Các chuyên gia CNTT cho rằng, trên thực tế ngành điện có thể áp dụng chính sách bán điện giống như các nhà mạng đang áp dụng đối với thuê bao trả trước và trả sau. Thậm chí, ngành điện có thể áp dụng chính sách bán điện giá cao ở lúc cao điểm và giá thấp vào giờ thấp điểm để tránh làm quá tải mạng lưới và tăng cường hiệu quả kinh doanh. Nếu áp dụng chính sách này, những khách hàng có điều kiện sẽ sử dụng điện theo nhu cầu, còn ai muốn tiết kiệm chi phí có thể chọn thời điểm thấp điểm, giá điện thấp hơn để sử dụng các thiết bị điện như bình nóng lạnh, điều hòa...
Theo Mai Hương
Dân Việt
Chìm tàu cá, 8 ngư dân được cứu thoát Một tàu đánh cá của ngư dân huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển đã bị gió lốc đánh chìm, rất may cả 8 ngư dân trên tàu đều được cứu thoát. Vụ tai nạn chìm tàu xảy ra vào khoảng 20h ngày 4/7. Vào thời gian trên, tàu cá mang số hiệu TH 90653-TS đang...