Chỉ số CA 19-9 tăng cao có phải đã mắc ung thư tụy?
Chỉ số CA 19-9 là dấu ấn ung thư đầu tiên của ung thư tụy, tuy nhiên nó cũng tăng cao trong một số bệnh lý không phải ung thư như xơ gan, viêm tụy, viêm túi mật.
Ở người lớn CA 19-9 chỉ có một lượng nhỏ trong một số cơ quan như tụy, gan, bàng quang và phổi. CA 19-9 là dấu ấn ung thư đầu tiên của ung thư tụy. CA 19-9 cũng là dấu ấn ung thư hữu ích trong chẩn đoán ung thư đường mật, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư gan. CA 19-9 cũng tăng trong một số bệnh lý đường tiêu hoá lành tính như: viêm gan, xơ gan, viêm tụy…
Xét nghiệm CA 19-9 được chỉ định khi nào?
Bệnh nhân nghi ngờ mắc ung thư tụy
Theo bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), tuyến tụy nằm sau dạ dày, nên triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng khó phát hiện, chẩn đoán. Khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện thường thì bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, khó chữa trị.
Vì vậy khi có các biểu hiện lâm sàng như cơ thể suy nhược, ăn không ngon, chán ăn, mệt mỏi kéo dài, cổ trướng, vàng da, nước tiểu sẫm màu, phân trắng, bạc màu, sốt liên tục không rõ nguyên nhân, đau co thắt vùng ổ bụng thường xuyên, liên tục,… bệnh nhân nên làm xét nghiệm CA 19-9 để phát hiện sớm ung thư tụy.
Theo dõi và điều trị ung thư tụy
Xét nghiệm này được thực hiện thường xuyên, kiểm tra chỉ số CA 19-9 có trong huyết tương, mức độ giảm của CA 19-9 sau phẫu thuật thể hiện đáp ứng điều trị và tỷ lệ thuận với thời gian sống của bệnh nhân và ngược lại. Từ đó có thể đưa ra các biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.
Theo dõi tái phát ung thư
Sau khi điều trị (cắt bỏ tụy, hóa trị liệu) cần làm các xét nghiệm này để xác định chỉ số CA 19-9 có trong huyết tương, xác định tái phát ung thư, mức độ khả quan sau điều trị của bệnh nhân. Đối với chỉ số CA 19-9 ở mức dưới 37 UI/ml thì thời gian sống trung bình của bệnh nhân 32-36 tháng, cao hơn 37 UI/ml thời gian sống của bệnh nhân chỉ còn 12-15 tháng.
Chỉ số CA 19-9 sau điều trị của bệnh nhân trở về giá trị an toàn hoặc giảm từ 20% đến 50%, có liên quan đến thời gian sống kéo dài hơn so với khi CA 19-9 không trở về bình thường hoặc tăng lên.
Nguyên nhân tăng nồng độ CA 19-9
Các nguyên nhân do ung thư
- Ung thư tụy: 80%.
- Ung thư đường mật (hepatobiliary cancer): 22 – 51%.
- Ung thư dạ dày: 42%
- Ung thư đại trực tràng: 20% và kết hợp với tiên lượng rất xấu.
- Ung thư túi mật.
Các nguyên nhân không phải là ung thư: viêm túi mật, sỏi ống mật chủ, xơ gan, xơ hóa thành nang (cystic fibrosis), viêm gan, viêm tụy.
Video đang HOT
Nguyên nhẫn dẫn đến ung thư tụy
Ung thư tụy là một ung thư thường gặp, có tỉ lệ tử vong rất cao, lên đến 95% đối với trường hợp mắc bệnh. Sau đây là những nguyên nhân thường gặp có thể gây ung thư tụy như:
Sử dụng các chất kích thích kéo dài, thường xuyên, liên tục như: rượu, bia, thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất, thuốc diệt cỏ,…
Người có tiền sử mắc các bệnh: đái tháo đường, viêm gan B,…
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: ăn nhiều thức ăn nhanh, chứa nhiều dầu mỡ, thừa chất béo, ít rau xanh và trái cây,…
Trong gia đình có người mắc ung thư tụy.
Lười vận động, thừa cân, béo phì,…
Ung thư tụy khó phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong cao
Triệu chứng của ung thư tụy giai đoạn sớm thường nghèo nàn. Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất.
Ung thư tuyến tụy là gì?
Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, nằm sau phúc mạc, sát thành bụng sau, phía trước tụy được che phủ bởi dạ dày. Tụy được chia thành 3 phần chính lần lượt từ phải qua trái gồm: đầu tụy, thân tụy, đuôi tụy. Tụy có 2 chức năng chính:
- Chức năng ngoại tiết: tiết ra men tụy đổ vào tá tràng giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non. Khối mô chính của tụy là mô tụy ngoại tiết, đảm nhiệm chức năng tụy ngoại tiết.
- Chức năng nội tiết: tiết ra hormone insulin và glucagon đi thẳng vào máu để tham gia quá trình chuyển hóa glucose của cơ thể. Chức năng nội tiết do các tế bào nội tiết của tụy đảm nhiệm, các tế bào này nằm xen kẽ với các nang tuyến của tụy ngoại tiết và được gọi là các tiểu đảo langerhans.
Ung thư tụy khó phát hiện sớm, điều trị khó. Ảnh minh họa.
Ung thư tuyến tuỵ xảy ra khi tế bào ung thư phát triển trong chủ mô của tuyến tụy. Tụy là một tuyến nằm phía sau dạ dày và phía trước cột sống. Tụy sản xuất ra dịch tiêu hoá và các hormon điều hoà lượng đường huyết trong máu. Tế bào của tụy ngoại tiết sản xuất ra dịch tiêu hoá thức ăn, còn tế bào của tụy nội tiết sản xuất insulin và một số hormones khác.
Đa số các trường hợp ung thư tuỵ đều khởi phát từ những tế bào của tụy ngoại tiết.
Triệu chứng của ung thư tuyến tụy?
Theo BS Lê Công Định, Khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, triệu chứng của ung thư tuyến tụy giai đoạn sớm thường nghèo nàn. Khi bệnh lan tràn, triệu chứng lâm sàng khá đa dạng, thay đổi tùy theo vị trí khối u và mức độ lan rộng của nó.
Theo thống kê, 60-70% u nằm ở vùng đầu tụy, 20-25% nằm ở thân/đuôi tụy, u chiếm toàn bộ thể tích của tụy chiếm tỉ lệ thấp.
Các triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến tụy:
Đau bụng: là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất. Đau bụng thường bắt đầu xuất hiện trước khi phát hiện bệnh khoảng 1-2 tháng và tăng dần theo tiến triển của bệnh nhưng ban đầu thường chỉ đau thoáng qua vùng thượng vị nên dễ nhầm với viêm dạ dày.
Đau thường khởi phát ở vùng thượng vị. Khi bệnh tiến triển thường lan sang 2 bên và/hoặc xuyên ra sau lưng, cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa khiến người bệnh phải nằm tư thế cuộn tròn cho đỡ đau; đau nhiều ra sau lưng thường gặp khi khối u nằm ở vùng thân hoặc đuôi tụy hơn là vùng đầu tụy.
Thông thường đau bụng trong ung thư tụy xuất hiện từ từ, tăng dần theo kiểu "vết dầu loang" theo tiến triển của bệnh, song cũng có trường hợp người bệnh đột ngột đau một cách dữ dội do u làm tắc ống tụy gây viêm tụy cấp.
Hội chứng tắc mật: vàng da, nước tiểu sẫm màu. Vàng da do ung thư tụy là vàng da liên tục, tăng dần do u gây tắc ống mật chính làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng, hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da và nước tiểu sẫm màu. Vàng da thường gặp và xuất hiện sớm với những khối u vùng đầu tụy.
Đi ngoài sống phân: u gây cản trở men tụy xuống ruột non tiêu hóa thức ăn. Đây là một trong những nguyên nhân làm người bệnh ung thư tụy bị suy kiệt rất nhanh, do vậy cần bổ sung men tụy kịp thời.
Suy nhược, sụt cân
Chán ăn
Nôn
Tiêu chảy
Đái tháo đường: Đái tháo đường có thể xuất hiện đồng thời nhưng có khoảng 25% bệnh nhân ung thư tụy có khởi phát bệnh tiểu đường trước khi phát hiện ung thư tụy trong thời gian dưới 2 năm
Nguyên nhân của ung thư tuyến tụy là gì?
Hiện nay nguyên nhân cụ thể của ung thư tuyến tụy vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết tới cơ chế bệnh sinh của ung thư tụy.
Yếu tố di truyền: Khoảng 10-15% ung thư tụy có liên quan tới yếu tố di truyền. Sự liên quan của yếu tố di truyền với ung thư tụy có thể được chia thành 2 nhóm:
- Người mắc hội chứng di truyền liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy. Ví dụ người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng do di truyền (có đột biến gen BRCA1, BRCA2) có nguy cơ bị ung thư tuyến tụy theo thời gian là 3-5%. Hoặc người bị ung thư đại tràng không polyp có tính chất gia đình- hội chứng Lynch II (do đột biến gen sửa chữa ghép cặp sai-dMMR) có nguy cơ bị ung thư tuyến tụy theo thời gian là 4%, người bị viêm tụy do di truyền có nguy cơ bị ung thư tụy là 24-40% do có đột biến gen PRSS1, SPINK1.
- Ung thư tụy có tính chất gia đình: được xác định khi trong gia đình cặp có bố/mẹ -con hoặc cặp anh/chị-em cùng bị ung thư tuyến tụy. Đột biến mầm của gen BRCA1, BRCA2 được phát hiện trong khoảng 13-19% bệnh nhân ung thư tụy có tính chất gia đình.
Bệnh lý mãn tính ở tụy: một số bệnh lý mãn tính ở tụy làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy gồm:
- Đái tháo đường: rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bệnh đái tháo đường và ung thư tụy có quan hệ mật thiết với nhau, theo đó đái tháo đường vừa là yếu tố nguy cơ vừa là hậu quả của ung thư tuyến tụy.
- Viêm tụy mạn
- Bệnh xơ nang tụy
Yếu tố môi trường: các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tụy
- Hút thuốc lá
- Béo phì, ít hoạt động thể lực
- Nghiện rượu
Chẩn đoán ung thư tuyến tụy
Thông thường các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, khám lâm sàng và chỉ định làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân bệnh lý và kiểm tra độ lan rộng của khối u như
- Chụp cắt lớp bụng
- Chụp cộng hưởng từ
- Siêu âm qua nội soi - Nội soi ổ bụng chẩn đoán
- Nội soi chụp mật tuỵ ngược dòng
- Chụp đường mật xuyên gan qua da để kiểm tra gan và đường mật bằng X-quang
- Sinh thiết (lấy mẫu mô xem dưới kính hiển vi tìm tế bào ung thư)
Điều trị ung thư tuyến tụy như thế nào?
Có nhiều cách thức để điều trị ung thư tuyến tụy bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến tụy
- Hoá trị liệu và xạ trị.
Hoá trị liệu dùng thuốc hoá chất để diệt tế bào trong khối u. Xạ trị dùng tia X-quang hoặc các tia phóng xạ khác để tiêu diệt tế bào ác tính. Phẫu thuật được dùng để cắt bỏ khối u hoặc điều trị các triệu chứng của ung thư tụy.
Tiên lượng của bệnh nhân ung thư tuyến tụy
Tiên lượng của bệnh nhân ung tuỵ dù đã được tích cực điều trị bằng các phương pháp hiện đại nhưng vẫn còn rất kém. Theo báo cáo của Hiệp Hội Ung Thư Mỹ, tỷ lệ bệnh nhân ung thư tụy ngoại tiết sống sót sau chẩn đoán 1 năm chỉ khoảng 23% và sau chẩn đoán 5 năm, chỉ còn 4% bệnh nhân sống sót.
7 nguyên nhân của căn bệnh nhạc sĩ Phó Đức Phương đang phải chống chọi Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư hình thành tại một số tế bào của tuyến tụy. Các tế bào ung thư có khả năng xâm lấn vào các bộ phận khác của cơ thể. Vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư này sẽ giúp bạn một phần biết được cách phòng tránh kịp thời....