Chỉ phát hiện 1 ứng viên PGS không đạt chuẩn, 93 ứng viên kia ở đâu?
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, có 94 hồ sơ giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cần xác minh thêm sau kết quả rà soát đợt 1. Trong khi đó, tại các hội đồng ngành lại chỉ phát hiện 1 hồ sơ ứng viên chưa đạt chuẩn. Vậy 93 ứng viên kia ở đâu?
Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2016.
GS.TSKH Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành y học – cho biết: Tại cuộc họp của các thành viên Hội đồng chức danh GS nhà nước ngày 27.2, có 27/28 hội đồng ngành bảo lưu, không thay đổi kết quả công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trước đó. Chỉ duy nhất Hội đồng Chức danh GS liên ngành Hóa học – Công nghệ thực phẩm báo cáo có một hồ sơ ứng viên chưa đạt chuẩn.
Một Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS liên ngành khác chia sẻ với PV Lao Động, tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng Chức danh GS nhà nước thống nhất chủ trương chia làm 2 danh sách. Ứng viên nào đáp ứng đầy đủ tiêu chí, hồ sơ không có vấn đề gì, không có đơn kiện cáo, không thuộc diện cán bộ quản lý thì sẽ đề nghị công nhận ngay. Còn danh sách thứ 2 sẽ đề nghị tiếp tục được rà soát. Hồ sơ các ứng viên để lại, thành viên Hội đồng Chức danh GS nhà nước không biết chi tiết.
Theo vị chủ tịch này, 93 ứng viên kia có thể là do có đơn thư hoặc do bộ phận thanh tra phát hiện có điểm cần rà soát, cần làm rõ. Khả năng nhiều hơn là do có đơn thư. Tuy nhiên, không phải tất cả các hồ sơ đó đều có vấn đề. Cần thêm thời gian để làm rõ vấn đề khiếu nại trong đơn thư.
Sau khi có đơn tố cáo đạo văn, một tân PGS của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã xin rút khỏi danh sách đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2017. Người này thừa nhận những thiếu sót trong quá trình nghiên cứu đã không cẩn thận rà soát kỹ, các thành viên nhóm có sử dụng tài liệu của công trình nghiên cứu trước đây mà không ghi rõ nguồn trích dẫn.
Video đang HOT
Theo thông tin từ Hội đồng Chức danh GS liên ngành Hóa học – Công nghệ thực phẩm, trường hợp ứng viên PGS đã đạt chuẩn sau khi thẩm tra kỹ hồ sơ lại theo đơn thư phản ánh phát hiện thiếu hướng dẫn thạc sĩ.
Như vậy, nếu không có đơn thư phản ánh, không có yêu cầu rà soát của Thủ tướng thì trường hợp thiếu tiêu chuẩn này vẫn đạt PGS.
Theo PGS.TS Phan Quang Thế – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên: Không còn cách nào hay hơn là công khai hồ sơ khoa học của các ứng viên GS và PGS năm 2017 trên website của HĐCDGS Nhà nước ít nhất 1 tháng để xã hội có ý kiến.
Như vậy, xã hội sẽ biết, ai là người làm việc thực chất, công khai, minh bạch. Chính nhân dân mới là người có sức mạnh để đánh giá. Cách này sẽ “vạch mặt” những kẻ gian dối, những PGS, GS “rởm”, bởi chỉ những người tử tế mới thích công khai. Đừng vì bản thân 1 cá nhân nào mà làm hỏng sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Theo Laodong
Vì sao kiểm duyệt chặt vẫn lọt 94 hồ sơ ứng viên GS, PGS... có vấn đề?
94 hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư nghi là chưa đủ điều kiện là kết quả rà soát vừa được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước báo cáo Thủ tướng. Con số này khiến dư luận đặt lại câu hỏi về quy trình xét duyệt vì sao bỏ sót?
Theo người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sau khi rà soát trong số 1.226 ứng viên GS, PGS, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đã để lại 94 ứng viên nghi chưa đủ điều kiện. Trong số này có những ứng viên bị phản ánh về hồ sơ chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học, hồ sơ có kiện cáo... Ông Dũng cũng cho biết thêm: "Mặc dù, Bộ GD ĐT đã báo cáo nhưng Thủ tướng cho biết, tới đây, tại phiên họp thường trực Chính phủ cần báo cáo lại với tinh thần rõ ràng".
Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã để lại 94 hồ sơ tiếp tục rà soát. Ảnh minh họa: IT.
Sau kết quả này, nhiều ý kiến cho rằng việc để lại một số lượng hồ sơ không hề nhỏ sau khi rà soát đã thể hiện tinh thần cầu thị của HĐCDGSNN. Tuy nhiên, điều đó cũng khẳng định quy trình bình xét, công nhận các chức danh GS, PGS của các hội đồng ngành là rất... có vấn đề.
Theo một GS trong ngành Ngôn ngữ: "Số lượng 94 hồ sơ nghi có vấn đề được HĐCDGSNN để lại cho thấy Hội đồng này đã "dám làm" và dám chịu trách nhiệm về việc thiếu chính xác trong quá trình xét duyệt để "sót" 94 hồ sơ nghi không đạt chuẩn. Nếu như không có sự vào cuộc của Thủ tướng thì những hồ sơ thiếu chuẩn này sẽ "lọt lưới" ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và uy tín của những người đủ tiêu chuẩn thực sự" - vị này nói.
Vậy vì sao quy trình công nhận GS, PGS phải qua 3 vòng xét duyệt, thẩm định ở hội đồng cấp cơ sở, cấp ngành, liên ngành rồi cấp Nhà nước với nhiều lần bỏ phiếu mà vẫn để lọt 94 hồ sơ không chuẩn? Nhiều chuyên gia cho rằng, có một số vấn đề trong việc xây dựng các tiêu chí tạo "kẽ hở" khiến các ứng viên có thể "lách luật". Ngoài ra, quy định về bỏ phiếu kín cũng nảy sinh tiêu cực "xin - cho".
Thừa nhận điều này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý Thủ tướng cho biết: "Về tiêu chí giờ giảng dạy, ngay cả khi ứng viên nói đủ giờ giảng thì cũng phải làm rõ giảng ở đâu, giáo trình nào, hợp đồng giảng dạy ra sao, thỉnh giảng thế nào, có xin tiền hay không xin tiền? Không phải giảng nhưng lại viết tờ giấy nói ủng hộ nhà trường rồi không lấy tiền, không có chuyện đó. Những kiểu "lách luật" như vậy Thủ tướng biết hết".
Trong khi đó, ở khâu bỏ phiếu kín, PGS Vũ Hào Quang - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Mội trường (Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, đã có hiện tượng rất nhiều người giỏi chuyên môn, điểm nghiên cứu cao nhưng bị trượt ở khâu bỏ phiếu vì "cảm tình".
"Khi đã xác định làm hồ sơ xét duyệt thì không được làm mất lòng vị nào có lá phiếu trong tay. Bởi lẽ phải đủ số phiếu mới được thông qua" - ông Quang chia sẻ.
Tương tự, GS Vũ Văn Hóa - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, quy trình xét duyệt, bỏ phiếu chưa thực sự chặt chẽ. Theo ông Hóa, Chủ tịch HDCDGS phải là người biết được tên thành viên bỏ phiếu để làm rõ trách nhiệm của họ với lá phiếu của mình trong trường hợp phản đối những hồ sơ tốt hay bầu cho những hồ sơ chưa chuẩn.
Để khắc phục những kẽ hở này, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất, cần trả lại việc đánh giá, công nhận và bổ nhiệm các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS về cho trường ĐH theo lộ trình.
Ngoài ra, cần xây dựng lại quy chế xét duyệt, công nhận và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS theo hướng bỏ HĐCDGS nhà nước, chỉ cần HĐCDGS của các trường ĐH và HĐCDGS ngành (trợ giúp về mặt chuyên môn cho Hội đồng trường, danh sách Hội đồng có thể thay đổi hàng năm tùy theo yêu cầu chuyên môn).
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thanh tra hậu kiểm của Bộ GD ĐT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện quy chế, chỉ tiêu, quá trình xét công nhận và bổ nhiệm của các trường.
Theo Danviet
Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã hết nhiệm vụ lịch sử? Mỗi năm, hàng trăm giáo sư, phó giáo sư làm hồ sơ để được công nhận và hàng chục hội đồng xét duyệt chức danh gây tốn kém cho xã hội, trong khi hiệu quả không cao. Những ngày qua, vấn đề công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận....