Chi hơn 70 tỉ đồng làm kỉ niệm chương: TKV không đấu thầu
Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam ( TKV) là đơn vị 100% vốn nhà nước thì việc bỏ ra số tiền lớn như vậy để làm logo phải thông qua đấu thầu. Các vị nguyên đại biểu Quốc hội thì cho rằng, việc TKV chi hơn 70 tỉ đồng làm logo là quá lãng phí.
Chi hơn 70 tỉ đồng làm logo kỉ niệm chương, có bị đội giá?
Liên quan đến việc TKV bỏ ra trên 70 tỉ đồng để làm hơn 12 vạn kỉ niệm chương, mỗi chiếc trị giá 640 nghìn đồng, phóng viên Dân trí, đã đem những tấm logo kỉ niệm chương các công nhân được tặng nhân dịp 80 năm kỷ niệm ngành than đến một số cửa hàng bán hàng kinh doanh vàng bạc, đá quí trên địa bàn TP Hạ Long (Quảng Ninh) để tìm hiểu giá trị thực của nó.
Các cửa hàng vàng bạc cho rằng, chiếc logo kỉ niệm chương bằng bạc này có giá tối đa khoảng 300 nghìn đồng/chiếc.
Tại cửa hàng vàng bạc đá quý H.L. (đường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long), nhân viên cửa hàng sau khi tiến hành cân đồng bạc có logo tên của công ty than Hà Lầm, đã xác định đồng bạc trên nặng 4,3 chỉ, hàm lượng bạc đạt 92%. Theo nhân viên cửa hàng, họ sẽ thu mua đồng bạc này với giá 170 nghìn đồng/tấm.
Cụ thể, chiếc logo của TKV có hàm lượng bạc 92%, cửa hàng sẽ mua với giá 40 nghìn đồng/chỉ. Còn với những logo hàm lượng bạc chỉ đạt 80% chỉ mua với giá hơn 30 nghìn đồng/chỉ. Công chế tác thì tùy thuộc vào nơi chế tác.
Còn theo cửa hàng kinh doanh vàng bạc L.C. (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long), đồng bạc trên chỉ có thể thu mua với giá 160 – 170 nghìn đồng. Chủ cửa hàng L.C. còn cho hay, để chế tác ra đồng xu bạc có trọng lượng 4,3 chỉ, hàm lượng bạc 92% và có khắc tên TKV hay các công ty than như trên, nếu đặt từ 1.000 sản phẩm trở lên chỉ mất tối đa hơn 300 nghìn đồng/logo. “Thậm chí sản phẩm do thợ lành nghề của cửa hàng chế tác còn đẹp hơn những đồng bạc này rất nhiều”, chủ cửa hàng nói.
Ông Vũ Xuân Trường, nguyên Đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) nhận định, sản phẩm lưu niệm tặng cho các công nhân là món quà tặng ý nghĩa, tình cảm trân trọng của lãnh đạo công ty dành tặng mọi người. Nhưng nên cân đối mức chi phí cho hợp lý, đầy đủ ý nghĩa.
Video đang HOT
“Trong lúc đời sống cần phải thực hành tiết kiệm thì số tiền chi ra như vậy cũng lớn, sản phẩm mang giá trị tinh thần thì không nhất thiết phải quá đắt đỏ, xa hoa. Một tặng phẩm nhân ngày kỉ niệm ở giá trị hơn 600 nghìn đồng là cao. Nếu cân đối để số tiền chi cho việc chế tạo sản phẩm mang giá trị tinh thần này thấp hơn, số tiền thừa lo cho đời sống công nhân có hoàn cảnh khó khăn thì hợp lý hơn. Mọi cái chăm lo cho đời sống công nhân một cách thiết thực, trong đó có kinh tế sinh hoạt là việc nên làm. Đừng để một việc làm có ý nghĩa trở thành những câu chuyện không hay”, ông Trường chia sẻ thêm.
Kỉ niệm chương 80 năm Ngày truyền thống công nhân ngành than của TKV đang bị dư luận lên án về sự lãng phí.
Cũng liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Đại biểu Quốc hội (tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, kỷ niệm 80 ngày truyền thống công nhân vùng mỏ và truyền thống ngành than là một sự kiện lớn. Tuy nhiên, bỏ ra số tiền lớn như vậy cho việc làm logo là lãng phí. Thay vào đó nên sử dụng số tiền để giúp đỡ về nhà ở, tăng thêm thu nhập cho những công nhân nghèo, hộ gia đình chính sách đang làm việc cho tập đoàn thì thiết thực hơn.
Lách luật đấu thầu?
Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc TKV chi ra hơn 70 tỉ đồng làm logo kỉ niệm chương nhưng không thông qua đấu thầu, luật sư Lê Văn Thiệp (Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, TKV là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư và nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ. Như vậy, việc mua sắm của TKV là đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 vì tiền chi trả là tài sản của Nhà nước.
Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng: Theo quy định, việc TKV phải bỏ ra số tiền lớn để làm logo kỉ niệm chương cần phải thông qua đấu thầu để đảm bảo tính khách quan, lựa chọn được hàng hóa có giá trị tốt và giá cả hợp lý.
Với giá trị hàng hóa là trên 70 tỷ đồng, theo quy định là phải đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp để đảm bảo tính khách quan và lựa chọn được sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả phù hợp.
Tuy nhiên, việc giải thích từ ngữ của Luật Đấu thầu chưa được rõ ràng và có phạm vi điều chỉnh hẹp, do vậy, khi xử lý vụ việc này sẽ rất khó quy trách nhiệm cho Ban lãnh đạo.
Còn theo Luật sư Vũ Biên (Văn phòng Luật Khoa Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Việc một số tiền chi cho chế tạo một chiếc logo với số tiền lúc bán đi có sự chênh lệch cũng không khó hiểu. Số tiền nhận được khi bán sản phẩm là cửa hàng họ mua về khối lượng thực của sản phẩm, đương nhiên để tạo ra được một sản phẩm thì cần quá trình chế tác nên sẽ tốn kinh phí hơn”.
Theo ông Biên, cấn đề cần làm rõ ở đây là, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam 100% vốn nhà nước. Do vây, khi chi ra một số tiền lớn cho việc chế tạo logo thì cần phải thông qua đấu thầu. Đấu thầu thì có nhiều hình thức, chỉ định hoặc chào mời công khai. Nếu số tiền lớn như vậy mà chỉ mua bán thông qua một bản hợp đồng mua bán là không hợp lý.
Tuấn Hợp – An Nhiên
Theo Dantri
Đề nghị Bộ Công Thương có kế hoạch lưu trữ than cho nhu cầu sau năm 2020
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có công văn phúc đáp về kế hoạch xuất khẩu than của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, trong đó Bộ Công Thương xin ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan được tăng xuất khẩu thêm 2 triệu tấn than/năm vào kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020.
Theo văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu trả lời, Bộ KH&ĐT thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về kế hoạch số lượng và chủng loại than xuất khẩu giai đoạn 2017 - 2020 của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công Thương lưu ý tính toán việc xuất khẩu thêm 2 triệu tấn than cám, có hàm lượng lưu huỳnh cao, chất bốc thấp tại khu vực Vàng Danh - Uông Bí, bởi hiện nhu cầu thị trường trong nước đang sử dụng loại than này.
Đề nghị Bộ Công Thương có kế hoạch dự trữ than cho kế hoạch sử dụng sau năm 2020, khi Việt Nam dự kiến sẽ phải nhập khẩu số lượng lớn để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, tiêu hao nhiên liệu
Thứ trưởng Hiếu đề nghị: "Bộ Công Thương đánh giá lợi ích xuất khẩu so với tiêu thụ trong nước. Nếu trường hợp đánh giá cho thấy việc xuất khẩu mang lại lợi ích cao hơn, Bộ sẽ nhất trí cho phép TKV xuất khẩu 2 triệu tấn than trong năm 2017".
Đặc biệt, Bộ KH&ĐT yêu cầu TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cần tập trung vào chế biến những loại than mà trong nước đang có nhu cầu sử dụng, có yêu cầu cao thay vì chỉ tập trung khai thác, xuất khẩu. Về lâu dài, các đơn vị trọng điểm này cần phải có phương án khai thác hợp lý, phù hợp với đặc điểm phân bố trữ lượng, tài nguyên. Đặc biệt phải có kế hoạch lưu trữ cho nhu cầu sau năm 2020.
Theo thông tin, hiện ngoài việc khai thác than trong nước, các doanh nghiệp thuộc ngành than đều nhập than có lưu huỳnh cao, chất bốc cao để phối trộn với than trong nước có chất bốc thấp, bán lại cho các DN trong nước cần, trong đó có các nhà máy nhiệt điện, xi măng, hóa chất, sơ sợi và các lò công nghiệp...
Hiện nhu cầu loại nguyên liệu này khá cao, trong khi đó than nhập từ nước ngoài như Nga, Indonesia cũng đều là loại than hỗn hợp như này, hoặc than kém hơn nhưng giá rẻ hơn trong nước. Tuy nhiên, việc phối trộn các loại than để bán lại đem lại giá trị không cao bằng khai thác than xuất khẩu.
Trong thời gian qua, nhiều nhà máy nhiệt điện, doanh nghiệp trong nước thay vì chọn than trong nước đã trực tiếp nhập khẩu than từ nước ngoài. Đây là một nghịch lý, bởi trong khi than trong nước tồn kho lớn, nhiều loại than có hiệu năng tương tự thì sản xuất bị ngưng trệ do không có đầu mối tiêu thụ thì than nhập từ nước ngoài lại ùn ùn vào Việt Nam với số lượng cực lớn. Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/10, than nhập khẩu về Việt Nam đã đạt hơn 11 triệu tấn, tăng gấp gần 4 lần so với kế hoạch và tăng hơn 20 lần so với lượng than nhập cả năm 2015.
Bối cảnh sản xuất, xuất khẩu chậm, than tiêu thụ trong nước khó khăn, mới đây Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết sẽ cắt giảm hơn 4.000 lao động trong ngành vì doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm...
Phát biểu tại buổi Tọa đàm "Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia" do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay (24/10) ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV cho biết: "Hiện toàn ngành than tồn kho 12 triệu tấn, trong đó các DN thuộc TKV là 11 triệu tấn. Tồn kho lớn, giá than trong nước cao ảnh hưởng đến sản xuất của ngành than, đặc biệt là việc làm của lao động toàn ngành".
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Chuyển dấu hiệu hình sự tại Tập đoàn Than và Khoáng sản sang Bộ Công an Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 27/10, ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã chuyển hồ sơ về dấu hiệu sai phạm hình sự ở Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh chủ trì...