Chi hàng trăm tỉ để bảo vệ, rừng vẫn “chảy máu”
Nhiều chủ rừng, chính quyền địa phương hằng năm vẫn nhận kinh phí bảo vệ rừng nhưng lại liên tục để xảy ra nạn phá rừng
Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên liên tục phát hiện nhiều vụ việc phá rừng quy mô lớn. Điều đáng nói, mỗi năm các chủ rừng, UBND xã để mất rừng lại nhận tiền dịch vụ môi trường rừng và các nguồn ngân sách khác để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Liên tục bị tàn phá
Tại khu rừng thuộc địa phận xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, phát hiện điểm khai thác rừng trái phép và vận chuyển công khai qua trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba nên phóng viên đã báo cho chính quyền địa phương.
Sau đó, UBND huyện Krông Pa đã cho đoàn liên ngành đi kiểm tra và xác định có 49 gốc cây bị đốn hạ trong tháng 8 vừa qua. Qua đợt truy quét, đoàn liên ngành đã bắt giữ 1 ôtô và 12 xe máy độ chế đang vận chuyển gỗ. Bị phát hiện, các đối tượng bỏ tang vật, phương tiện chạy trốn. Cùng thời gian này, đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai cũng kiểm tra tại vùng rừng giáp ranh 2 huyện Ia Pa và Kông Chro, phát hiện hơn 200 gốc cây lớn bị cưa hạ trái phép. Số gỗ này được xác định khai thác tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa quản lý. Tại hiện trường, lực lượng chức năng còn phát hiện rất nhiều gỗ vừa mới khai thác trái phép đã xẻ thành hộp. Trong khi đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV-PTR) tỉnh Gia Lai trong năm 2018, đã chi hơn 132 tỉ đồng cho dịch vụ môi trường rừng. Nhiều chủ rừng, chính quyền địa phương hằng năm vẫn nhận kinh phí bảo vệ rừng nhưng lại liên tục để xảy ra nạn phá rừng.
Còn theo Quỹ BV-PTR tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2018, quỹ này đã chi gần 74 tỉ đồng cho 173 chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ 228.600 ha rừng. Thế nhưng, rừng ở Đắk Lắk vẫn đang “chảy máu”. Năm 2018 và quý I/2019, lực lượng chức năng phát hiện 1.359 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 2.000 m3 gỗ, xử lý hình sự 23 vụ với 34 bị can. Nổi cộm là rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar) quản lý liên tục để xảy ra phá rừng quy mô lớn nhưng chủ rừng không có giải pháp ngăn chặn. Mới đây, vào cuối tháng 8, lực lượng công an đã triệt phá đường dây khai thác gỗ lậu quy mô lớn, thu giữ hơn 300 m3 gỗ lậu. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp cả về tính chất và mức độ vi phạm. Các công ty lâm nghiệp dù đã được sắp xếp lại nhưng chưa bảo vệ tốt tài nguyên rừng, đất rừng; việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng cũng chưa kịp thời, đồng bộ.
Hơn 200 cây gỗ bị triệt hạ tại khu rừng giáp ranh 2 huyện Kong Chro và Ia Pa. Ảnh: HOÀNG THANH
Nhiều biểu hiện sai phạm
Ông Ksor Run, Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, cho biết mỗi năm xã nhận hơn 300 triệu đồng để chi trả cho các nhóm hộ hằng tuần tổ chức đi thực địa kiểm tra và bảo vệ rừng. Theo ông Siu Sứ, Chủ tịch UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa, mỗi năm xã này cũng nhận gần 2 tỉ đồng để phân bổ đều cho 6 cộng đồng thôn chung tay quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế trên địa bàn, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra.
Video đang HOT
Ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ BV-PTR tỉnh Gia Lai, nhìn nhận kinh phí cho dịch vụ môi trường rừng tại một số xã ở tỉnh này có nhiều biểu hiện sai phạm như: mở nhiều tài khoản trung gian, chi trả thiếu tiền khoán bảo vệ rừng của dân và chưa tuân thủ quy định khi mở sổ theo dõi. Tại xã Ia Tul, huyện Ia Pa, trong 3 năm (2016-2018), chi trả tiền cho 6 cộng đồng nhận khoán thiếu gần 2 tỉ đồng. Thanh tra huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã phát hiện UBND xã Hà Tây (huyện Chư Pah) quản lý, sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng tùy tiện, lập khống chứng từ để thanh toán 22 triệu đồng tổ chức hội nghị tuyên truyền; hợp thức hóa chứng từ thanh toán với số tiền hơn 271 triệu đồng. Trong khi huyện này đã để mất 850 ha rừng. Bên cạnh đó, UBND xã Hà Tây còn tự ý trích lại phần trăm (hơn 624 triệu đồng) kinh phí của 3 làng và 2 nhóm hộ được thụ hưởng tiền nhận khoán bảo vệ rừng. Ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, giải thích số tiền trích lại này là để chi bồi dưỡng cho cán bộ tham mưu, làm thủ tục thanh toán hợp đồng bảo vệ rừng, chi tiếp khách. Số tiền này được giao cho kế toán giữ, khi cần thì ông Thaoh chỉ đạo chi, không ghi vào sổ sách. “Các đơn vị phải chi đúng, chi đủ số tiền trên diện tích mà các đơn vị chủ rừng quản lý. Còn việc quản lý, bảo vệ các diện tích rừng này là trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” – ông Hạnh nói.
Trách nhiệm không cao vì… tiền ít!
Ông Trương Văn Nam, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết hiện việc giao khoán bảo vệ rừng cho các nhóm hộ còn nhiều lỗ hổng. Cụ thể, các hộ nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng, hằng năm nhận tiền đều đặn nhưng không có chế tài ràng buộc khi để mất rừng. Ngoài ra, tiền nhận khoán bảo vệ rừng (tùy khu vực, từ 120.000 đồng đến 400.000 đồng/ha/năm) quá ít nên người nhận khoán không mặn mà, bỏ bê nhiệm vụ.
Hoàng Thanh – Cao Nguyên
Theo nld.com.vn
Đại gia gỗ mua siêu xe trong chớp mắt và con đường ra vành móng ngựa
Vào khoảng những năm 2010, đến huyện Krong Pa không ai là không biết tới Thiết "ngữ" bởi Thiết bất ngờ nổi lên là đại gia lắm tiền nhiều của, một tay chơi khét tiếng.
Ngày 16/8, Tòa án nhân dân thị xã Ayun Pa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Thiết (tên thường gọi Thiết ngữ, SN 1975, ngụ phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) về tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" và tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Bị cáo Trương Thiết bị tuyên phạt mức án 8 năm tù giam. Ảnh: Văn Ngọc
Mua siêu xe trong chớp mắt
Vào khoảng những năm 2010, đến huyện Krong Pa không ai là không biết tới Thiết "ngữ" bởi Thiết bất ngờ nổi lên là đại gia lắm tiền nhiều của, một tay chơi khét tiếng. Thiết từng mua lại chiếc xe Posche nằm trong bộ siêu xe của Cường "đô la", một đại gia nổi tiếng phố núi chỉ trong chớp mắt.
Thiết giàu lên nhanh chóng là bởi, vào khoảng những năm 2009 tới năm 2013, thời điểm đó bên phía Trung Quốc "ăn hàng" trắc dây (hay còn gọi là gỗ trắc gai có tên khoa học là Daibergia tonkinensis). Lúc đó, tại thị trường Tây Nguyên gỗ trắc dây dường như không được giới buôn bán gỗ để ý.
Qua mối làm ăn, Thiết tìm được mối hàng xuất bán ra Bắc Ninh, rồi từ Bắc Ninh có đầu mối xuất hàng đi Trung Quốc. Ngày ấy, tại thị trường Gia Lai giá trắc dây thu mua chỉ từ 3.000- 5.000 đồng/kg, nhưng đem bán ra ngoài Bắc với giá dao động từ 27.000 - 30.000 đồng/kg.
Có những ngày Thiết chuyển đi vài ba container hàng. Với lượng hàng đi như vậy, tiền của Thiết xếp thành chồng, có khi bạn hàng giao tiền xong, Thiết chỉ cần bỏ vào tủ mà không cần đếm lại. Chính việc kiếm tiền quá dễ dàng khiến Thiết cũng bắt đầu lao đầu vào những trò cá cược đá bóng trên mạng. Có thời điểm, Thiết nướng hàng chục tỉ đồng vào trò đỏ đen.
Năm 2014, việc làm ăn rơi vào khó khăn. Thiết đã phải bán đi chiếc siêu xe của mình. Rồi sau đó người vợ "đầu ấp tay gối" của Thiết cũng bỏ đi sang Mỹ định cư. Thiết gần như phải bắt đầu lại với hai bàn tay trắng. Việc Thiết trắng tay khiến nhiều người thì bảo "tại lúc có không biết giữ", nhiều người lại bảo "ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Của rừng trả về rừng".
Con đường từ đại gia tới vành móng ngựa
Theo hồ sơ, năm 2009, Thiết cùng với anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1971, ngụ tổ 8, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) góp vốn cùng nhau đứng tên đăng ký thành lập Công ty TNHH Duy Nguyên, có địa chỉ trụ sở chính tại số 45 Hàm Nghi, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán gỗ có nguồn gốc hợp pháp, do Trương Thiết làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty. Đến năm 2012, anh Sơn rút vốn và được Thiết hoàn vốn.
Sau đó, Thiết tiếp tục điều hành công ty và có thuê một số người làm việc cho mình gồm: Lê Viết Thuận (SN 1979, trú tại phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) làm bảo vệ kho bãi của Công ty Duy Nguyên tại thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa; Nguyễn Minh Tiến (SN 1992, trú tại phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa); Nguyễn Văn Minh (SN 1994, trú tại phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) và Lê Thanh Dũng (SN 1985, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) để phụ giúp một số việc cho Thiết như lái xe, đo đếm kiểm tra hàng lâm sản. Khoảng đầu tháng 3/2018, Thiết liên hệ với Tăng Văn Tuấn (SN 1984, ngụ buôn Phu Ma Nher 1, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) để hỏi mua gỗ.
Sau đó, Tuấn chở gỗ đến kho bãi và bán cho Thiết với số lượng khoảng 2m3 gỗ kháo. Số gỗ này khai thác tại khu vực rừng thuộc tiểu khu 1297, xã Ia Sao, Ayun Pa. Sau đó, Thiết tiếp tục mua gỗ khai thác trái phép của những người dân tộc thiểu số không rõ nhân thân lai lịch. Những người này vận chuyển gỗ nhiều lần bằng xe công nông đến kho bãi của Công ty Duy Nguyên tại thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa để bán cho Thiết.
Khi các xe chở gỗ đến vào ban đêm, Thiết đều nói Thuận mở cửa cho xe vào đổ gỗ, Thiết trực tiếp thực hiện việc giao dịch và trả tiền cho những người chở gỗ đến bán. Sau khi gỗ được đưa vào kho bãi, Tiến và Minh đến kho bãi thực hiện việc đo đếm lại khối lượng gỗ để báo lại cho Thiết. Đến giữa tháng 4/2018, Thiết dừng việc thu mua gỗ không có nguồn gốc hợp pháp.
Ngày 25/4/2018, Thiết giao kho bãi cho Thuận trông coi rồi về quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế để giải quyết công việc riêng. Ngày 03/5/2018, khi Thiết về lại thị xã Ayun Pa thì bị Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa phối hợp với Công an thị xã Ayun Pa tiến hành kiểm tra tại kho bãi của Công ty Duy Nguyên. Kết quả kiểm tra phát hiện trong kho bãi đang tàng trữ 138 hộp gỗ xẻ gồm các loại gỗ xoan, kháo, dổi, có tổng khối lượng 63,548 m3.
Tại thời điểm kiểm tra, Thiết không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của gỗ, cơ quan chức năng đã tạm giữ toàn bộ số gỗ nêu trên để xác minh làm rõ. Qua điều tra xác định 138 hộp gỗ xẻ có tổng khối lượng là 63,548 m3, quy tròn là 101,6768 m3, gồm: 47 hộp gỗ xoan (nhóm 6) khối lượng 29,182 m3; 38 hộp gỗ kháo (nhóm 6) khối lượng 13,121 m3; 53 hộp gỗ giỗi (nhóm 3) khối lượng 21,245 m3.
Sau khi bị Cơ quan chức năng tạm giữ số gỗ không có nguồn gốc hợp pháp nêu trên, Thiết liên hệ với 1 đối tượng tại TP. Hồ Chí Minh mua 1 bộ hồ sơ mua bán lâm sản với số tiền 50 triệu đồng gồm có 1 hợp đồng kinh tế giữa Công ty Cổ phần xây dựng Mạnh Hùng Cường, địa chỉ số 11A/L3, đường Trung Mỹ Tây, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Duy Nguyên, trong hợp đồng có chữ ký của Giám đốc và con dấu của Công ty Mạnh Hùng Cường thể hiện ở phần bên bán, còn bên mua để trống; 1 hóa đơn giá trị gia tăng ký hiệu HC/15P, số 0000262 ngày 10-4-2018 của Công ty Cổ phần xây dựng Mạnh Hùng Cường và bảng kê lý lịch gỗ kèm theo có xác nhận của Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh.
Sau khi nhận được bộ hồ sơ trên, Thiết ký tên mình và đóng dấu Công ty TNHH Duy Nguyên vào phần bên mua trong hợp đồng kinh tế để hoàn chỉnh hồ sơ. Đến ngày 08/5/2018, Thiết đem bộ hồ sơ này giao nộp cho Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa để chứng minh nguồn gốc số gỗ bị các cơ quan chức năng tạm giữ.
Qua điều tra xác định Công ty Cổ phần xây dựng Mạnh Hùng Cường không ký hợp đồng mua bán lâm sản với Công ty TNHH Duy Nguyên; bộ hồ sơ mua bán lâm sản Thiết giao nộp cho Hạt kiểm lâm thị xã Ayun Pa không phải do Công ty cổ phần xây dựng Mạnh Hùng Cường và Chi cục kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh phát hành.
Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã kết luận chữ ký của Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Mạnh Hùng Cường, mẫu dấu của công ty; chữ ký của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh, mẫu dấu của Chi cục Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh đăng ký sử dụng thực tế với các chữ ký, mẫu dấu trong hồ sơ do Thiết giao nộp không phù hợp với nhau.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Thiết 5 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" và 3 năm tù về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", tổng hình phạt là 8 năm tù. Các đối tượng Tuấn, Phước, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành xử lý ở một vụ án khác về hành vi khai thác, mua bán lâm sản trái phép.
Uyên Thu
Theo phapluatplus
Đắk Lắk: Tạm giữ hình sự 4 đối tượng khai thác gỗ trái phép quy mô lớn Ngày 19/8, thương ta Nguyên Văn Dân - Trương Công an huyên Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) xác nhận, đơn vi đang phôi hơp vơi Công an tinh Đăk Lăk, Hat kiêm lâm huyện Ea Kar đê điêu tra vu khai thac gô trai phep quy mô lơn xay ra tai đia ban, qua đó tạm giữ hình sự 4 đối tượng. Một...