Chị Dâu: Bất ngờ lớn nhất của điện ảnh Việt 2024
Bộ phim mới nhất của đạo diễn Khương Ngọc mang đến một câu chuyện hấp dẫn, cảm xúc cùng phần diễn xuất nhập tâm của dàn diễn viên.
Khương Ngọc là một ẩn số khá thú vị của showbiz Việt khi từng tham gia đủ các vai trò diễn viên, ca sĩ, người dẫn chương trình, nhạc sĩ… Không những thế, anh còn thử sức với vai trò đạo diễn qua nhiều tác phẩm như Rừng Xanh Kỳ Lạ Truyện (2017), Live – #PhátTrựcTiếp (2023)… Các bộ phim do Khương Ngọc thực hiện đều có chất riêng dù còn gặp nhiều vấn đề. Nhưng với Chị Dâu, anh đã có thấy độ chín trong tay nghề qua một tác phẩm trọn vẹn cảm xúc và nội dung.
Chị Dâu xoay quanh một gia đình gồm anh trai và bốn cô em gái. Người anh đột ngột qua đời, để lại vợ là Hai Nhị ( Việt Hương) quán xuyến toàn bộ việc nhà. Vào ngày giỗ mẹ chồng, cô tụ họp toàn bộ làng xóm cùng các em gồm Ba Kỳ (Hồng Đào), Tư Ánh (Đinh Y Nhung), Năm Thu ( Lê Khánh) và Út Như ( Ngọc Trinh) về tham dự, đồng thời công bố việc sẽ sửa nhà từ đường. Đây cũng là lúc những mâu thuẫn giữa các chị em bộc lộ.
Nội dung gần gũi, kịch bản tròn trịa
Chị Dâu có nhiều nét tương đồng với Đêm Tối Rực Rỡ (2022). Cả hai đều xoay quanh một sự kiện ma chay trong văn hóa Việt Nam với bối cảnh diễn ra trọn vẹn trong một đêm và những mâu thuẫn giữa các thành viên chực chờ bùng nổ. Cả hai đạo diễn đều có sự tìm hiểu kỹ lưỡng và xây dựng được câu chuyện, tình tiết rất quen thuộc, dường như có thể xảy ra với mọi gia đình người Việt.
Ban đầu, khán giả được giới thiệu sơ qua về dàn nhân vật. Hai Nhị là chị dâu, sống cô độc vì chồng mất và người con trai du học nước ngoài. Cô cũng là người giàu có nhất khi cùng chồng tay trắng dựng nên một tiệm vàng lớn. Ba Kỳ là bác sĩ thẩm mỹ thành đạt, lối sống hiện đại khi nói chuyện thường xuyên pha tiếng Anh tiếng Việt, Tư Ánh là người đồng tính và sống ở nhà từ đường lo hương quả, Năm Thu là kế toán có người chồng lười biếng, thường xuyên xúi vợ đòi chia gia tài, Út Như xinh đẹp nhất nhà nhưng đang phải còng lưng như trả nợ cho chồng.
Những mầm mống mâu thuẫn được khơi mào từ các tình huống nhẹ nhàng như Út Như gọi điện thoại mượn tiền trả nợ nhưng các chị ruột đều thoái thác và kêu cô năn nỉ chị dâu như một cứu cánh. Hôm đám giỗ cũng tuyệt nhiên không có một người con rể nào tham dự mà chỉ có chị dâu và những người em gái góp mặt. Từ đây, phim bắt đầu đưa vào những chi tiết nhỏ nhặt và quen thuộc nhất để dần đẩy sự xung đột lên cao trào.
Từ việc đám giỗ tổ chức lớn hay nhỏ, sửa nhà chung nên như thế nào đều có thể bắt gặp trong bất kỳ gia đình nào. Cách chia công việc trong đám giỗ, người bưng bê thức ăn, nấu nướng, rửa chén, kẻ đi tiếp khách rồi chỉ tay năm ngón, những câu hỏi vô duyên của lối xóm về đời tư, cách hành xử tưởng như thân thiết nhưng thực chất là soi mói, đụng chạm hay thậm chí cách từng thành viên trong gia đình phản ứng cũng có sự trái ngược và đẩy sâu khoảng cách các chị em.
Đạo diễn Khương Ngọc khéo léo giữ một mạch phim ổn định với các biến cố liên tục ập đến để người xem tò mò liên tục chứ không sa đà vào tình tiết nào. Một vài phân đoạn dài hơn để tập trung vào yếu tố hài hước và cảm xúc vẫn có sự tiết chế nhất định, không hề mang đến cảm giác dài dòng, lê thê. Theo thời gian, những mâu thuẫn của các chị em, quá khứ và bí mật trong cuộc sống của họ dần được vạch trần để đẩy đến một cái kết bùng nổ cảm xúc.
Mọi thứ trong phim đều được sắp xếp hợp lý. Nút thắt nào xuất hiện cũng đều được gỡ rối sau đó. Quá trình đan xen tạo nên một câu chuyện đầy đặn, lôi cuốn đến phút cuối. Tiếc thay, cái kết phim còn khá nặng tính sắp đặt. Chi tiết cơn bão đổ bộ và những gì diễn ra sau đó là thứ mà Khương Ngọc “mượn” để giải quyết vấn đề đã quá lớn mà thôi. Lẽ ra, anh có thể xử lý khéo léo hơn để các nhân vật tự nhận ra mọi thứ. Nhiều câu thoại phim vẫn còn giống trong sách giáo khoa chứ không phải cách con người nói chuyện ngoài đời thực với nhau.
Video đang HOT
Dàn nhân vật có chiều sâu
Cái hay của Chị Dâu là các nhân vật không bị lệch khỏi tính cách được xây dựng từ đầu. Cách họ phản ứng với một sự kiện nào đó đều thể hiện được bản chất của từng người. Hai Nhị là chị dâu, lại tay trắng lập nghiệp nên luôn bảo bọc các em trong nhà. Cô tự mình đưa ra mọi quyết định trong âm thầm vì không muốn ai phải bận lòng và luôn đứng ra giải quyết rắc rối. Ba Kỳ là chị lớn, chỉ nhỏ hơn Hai Nhị nên luôn có sự chống đối ngấm ngầm. Cô cũng là người có ăn có học nhất nên luôn coi thường chị dâu bán vàng và hay áp đặt suy nghĩ lên người khác.
Năm Thu nhanh mồm nhanh miệng, thích nói xấu sau lưng nhưng trước mắt lại không dám thừa nhận. Cô tham gia mọi cuộc cãi vã nhưng chỉ là hùa theo, xúi người khác làm chứ chẳng dám nói lên chính kiến. Năm Thu cũng là kế toán nên tính tình keo kiệt, luôn tính toán thiệt hơn trước khi làm. Út Như vì thiếu nợ nên chẳng dám cãi ai, nhất là chị Hai Nhị giàu có luôn giúp cô tiền bạc. Còn Tư Ánh vì mặc cảm về giới tính và sự cưu mang của các chị em mà cũng không có ý kiến gì. Nhưng khi gặp biến cố, bản tính nam nhi khiến cô nhận hết những việc nặng nhọc nhất thay cho họ.
Đến lúc mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, mỗi người đều có cơ hội để tỏa sáng, để nói lên tiếng lòng của mình. Phim khéo léo cho người xem cảm nhận hết suy nghĩ và góc nhìn của từng người. Ở câu chuyện của mình, ai cũng là kẻ bị hại, ai cũng bị người khác ức hiếp. Để rồi khi nghe đối phương giải thích, ta lại phải thay đổi quan điểm thêm một lần nữa. Cuối cùng chợt nhận ra mọi thứ không hề có đúng có sai, chỉ là cách hành động, suy nghĩ của mọi người khác nhau. Nếu coi nhau là một gia đình, ta buộc phải nhường nhịn và chấp nhận đối phương.
Không những thế, mâu thuẫn của những người phụ nữ trong phim còn để lại nhiều điều phải suy ngẫm. Những người chồng không hề xuất hiện trong đám giỗ mẹ vợ nhưng họ lại là nguồn cơn của sự đau khổ. Kẻ thì nợ nần, người thì lười biếng, xem vợ như con hầu, kẻ lại dối trá phản bội. Các chị em không dám trách chồng mà lại đem sự phẫn uất đó trút lên chính người thân của mình. Để rồi cuối cùng, Hai Nhị là người tứ cố vô thân nên luôn xem các em chồng như em ruột nhưng lại bị chính họ xem là người dưng khác họ, khác dòng máu.
Dàn diễn viên hợp vai ấn tượng
Dàn diễn viên của Chị Dâu là sự lựa chọn tốt nhất cho nhân vật. Từ Việt Hương, Hồng Đào, Lê Khánh, Đinh Y Nhung, Ngọc Trinh hay những nhân vật ít xuất hiện như Khương Ngọc, Trung Dũng đều có màn trình diễn ấn tượng. Việt Hương và Hồng Đào là hai cái tên gạo cội nhất nên Hai Nhị và Ba Kỳ cũng là những người có đất diễn nhiều và mâu thuẫn nặng nề nhất. Màn đối đầu cả về lời thoại lẫn diễn xuất của hai ngôi sao tạo nên nhiều phân đoạn lôi cuốn.
Lê Khánh là điểm sáng trong phim và gánh hầu hết các yếu tố hài hước. Nhiều phân đoạn gây cười duyên dáng, quăng miếng nhả miếng rất hiệu quả đều là nhờ tài năng của cô. Nếu không có Lê Khánh, Chị Dâu sẽ là một bộ phim vô cùng nặng nề và thiếu mất rất nhiều tính giải trí. Đinh Y Nhung và Ngọc Trinh dù có phần lép vế nhưng vẫn trọn trịa, thể hiện được cảm xúc của nhân vật.
Chấm điểm: 3,5/5
Chị Dâu có thể nói là một bất ngờ của điện ảnh Việt năm 2024. Trước khi ra mắt, bộ phim không được đánh giá nhưng cuối cùng lại chạm đến cảm xúc của khán giả. Sau Đêm Tối Rực Rỡ, tác phẩm của Khương Ngọc đã chứng tỏ chúng ta vẫn còn rất nhiều đề tài gần gũi nhưng chưa được khai thác hết. Cái mà các đạo diễn cần là một kịch bản chắc tay và cảm xúc là có thể chạm đến trái tim khán giả thay vì tìm kiếm những thứ “đao to búa lớn” và xa vời rồi không làm đến nơi đến chốn.
'Chị dâu': Việt Hương tiết chế, Hồng Đào 'bùng nổ'
Phim hài đen của đạo diễn Khương Ngọc khai thác những mâu thuẫn âm ỉ trong mối quan hệ chị dâu - em chồng, dành nhiều đất diễn cho hai diễn viên gạo cội Việt Hương và Hồng Đào.
Chị dâu là phim điện ảnh thứ ba của đạo diễn/diễn viên Khương Ngọc, sau Rừng xanh kỳ lạ truyện (2017) và phim kinh dị Live: Phát trực tiếp (2023). Trả lời truyền thông, anh nói bản thân cố gắng dung hòa giữa cái tôi nghệ thuật và tính giải trí, mang đến một tác phẩm chiếu rạp có điểm chạm hơn, song đồng thời cũng cài cắm chất "hài đen" vốn là sở trường của mình.
Phim xoay quanh Kiều Nhị (Việt Hương), bà chủ tiệm vàng, đồng thời cũng là người bảo bọc 4 cô em chồng và quán xuyến những việc hệ trọng trong gia đình sau khi chồng bà qua đời. Trong buổi đám giỗ quy tụ đủ hàng xóm láng giềng, bà Nhị tuyên bố bỏ tiền sửa sang nhà từ đường của gia tộc. Điều này trái ngược quan điểm của 4 cô em, từ đó giữa họ xảy ra nhiều mâu thuẫn, các bí mật đen tối cũng dần bị hé lộ.
Việt Hương vào vai người chị dâu quán xuyến mọi việc nhà chồng, trong phim điện ảnh thứ ba Khương Ngọc đạo diễn. Ảnh: CJ
'Đám giỗ bên cồn' với nhiều điểm chạm
Ngay từ đầu phim, Khương Ngọc dành thời lượng giới thiệu từng thành viên trong gia đình toàn nữ, với các câu chuyện riêng biệt. Bà Hai Nhị trong mắt các cô em là "người dưng" nhưng lại thích thể hiện quyền lực, độc tài, hay "hành" người khác. Trên thực tế, nhân vật thường âm thầm giúp đỡ, tìm cách bảo vệ các em cũng như giữ hòa khí trong nhà. Cô ba Kỳ (Hồng Đào) là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có cái nhìn cay độc về đàn ông, nghiện rượu, luôn là người đầu têu cạnh khóe với chị dâu. Cô tư Thu (Lê Khánh) là kế toán với tính tình ba phải, gió chiều nào theo chiều nấy. Ánh (Đinh Y Nhung) sở hữu tính cách lầm lì, không có tiếng nói trong gia đình, còn cô út Như (Ngọc Trinh) thì lệ thuộc chị dâu do nợ nần chồng chất.
Từng thành viên nữ trong gia đình được hé lộ với tính cách, câu chuyện hấp dẫn. Ảnh: CJ
Lấy bối cảnh chính là buổi đám giỗ, nhà làm phim mang đến một câu chuyện vừa lạ, vừa quen, mà có lẽ không ít người xem từng trải qua. Đám giỗ là dịp con cháu cùng tề tựu để tỏ lòng yêu kính ông bà, nhưng cũng là lúc các vết thương tâm hồn âm ỉ cứ chực chờ trỗi dậy. Những câu hỏi rất đỗi riêng tư về tiền lương, hạnh phúc gia đình, giới tính con cái,... tưởng như là phép xã giao đối với người miền quê, nhưng trở thành vết dao cứa vào tim người trong cuộc. Chẳng hạn, Kỳ cảm thấy bực tức, bất mãn khi cô con gái 16 tuổi Nhi (Khazsak) liên tục bị người lạ đụng chạm, chất vấn. Hay cô út Như luôn thấy lép vế, tủi nhục vì mang danh "gánh nặng" của gia đình.
Nhằm đẩy mâu thuẫn lên đến cao trào, kịch bản Chị dâu đầu tư phần thoại nặng tính châm biếm, đả kích. Mỗi cô em chồng đều cho mình là nạn nhân, song lại vô tình hay cố ý làm tổn thương người khác vì những ẩn ức của mình. Người xem được đặt mình vào góc nhìn của bà Nhị, từ đó thấy được bức tranh toàn cảnh vừa hỗn độn nhưng cũng rất chân thực, dễ tìm thấy ở nhiều gia đình Việt Nam đông con.
Những tình tiết trái khoáy trong một buổi đám giỗ miền quê được cài cắm khéo léo, tạo sự châm biếm sâu cay. Ảnh: CJ
Tuy nhiên, nhà làm phim không cố gắng bi kịch hóa, hay tạo "drama" để câu dẫn cảm xúc khán giả. Giữa những khoảnh khắc căng thẳng, nhân vật Lê Khánh thực hiện tốt vai trò "cây hài", mang đến tiếng cười qua các câu thoại "ba phải", "thảo mai" của mình. Tương tác giữa các chị em dù "khắc khẩu", nhưng thỉnh thoảng vẫn ẩn chứa các tình huống dở khóc dở cười, làm dịu cảm xúc của người xem.
Việt Hương - Hồng Đào tỏa sáng khi vào vai đối trọng
Trong vài tác phẩm điện ảnh gần đây, Việt Hương có sự tiết chế trong diễn xuất. Nữ nghệ sĩ thôi vào vai ồn ào, bổ bã, thay vào đó dành nhiều khoảng lặng, giúp người xem dễ nhìn ra tâm tình của nhân vật hơn. Đến Chị dâu, Việt Hương chọn lối diễn cân bằng cảm xúc, khắc họa tâm lý bà Nhị qua lời thoại, biểu cảm từ khóe miệng, đôi mắt, mang đến chiều sâu cho vai diễn.
Việt Hương có lối diễn tiết chế, nặng lời thoại hơn là ngôn ngữ hình thể. Ảnh: CJ
Ngược lại, nghệ sĩ Hồng Đào vào vai có nhiều sự bùng nổ, tựa như "bom nổ chậm" không biết khi nào sẽ vỡ òa. Từ Thưa mẹ con đi (Trịnh Đình Lê Minh) đến Mai (Trấn Thành), Hồng Đào mang đến những sắc thái khác nhau cho hình tượng người mẹ. Vẫn là sự yêu thương, khắc nghiệt vì thương con như các phiên bản trước, nhưng vai diễn Kỳ lần này có sự cực đoan, cay độc do không còn có thể nương tựa vào người chồng, người cha. Hồng Đào có lối diễn nội lực và ám ảnh, nhiều phân cảnh "chiếm sóng" nhờ những màn độc thoại đầy chua xót.
Hồng Đào đột phá, tạo áp lực cho người xem. Ảnh: CJ
Công bằng mà nói, tuyến phụ Lê Khánh, Ngọc Trinh, Đinh Y Nhung có lối diễn chủ động, tự nhiên, đủ sức thuyết phục người xem. Tuy nhiên, "ánh đèn sân khấu" chỉ thực sự thuộc về hai vai chính Việt Hương - Hồng Đào, với những màn tranh cãi nảy lửa trở thành tâm điểm của phim.
Tuy nhiên, kịch bản không biến ai trở thành "kẻ phản diện" trong câu chuyện. Đằng sau các cuộc cạnh tranh như sóng ngầm giữa những người phụ nữ, là trái tim đã bao lần tan vỡ, chỉ chờ nhau một tiếng giảng hòa để lành lại như ngày đầu. Khương Ngọc chọn cách tiếp cận văn minh, khi để các chị em ngồi lại chất vấn, nói về nỗi niềm của nhau, thay vì lao vào chì chiết, ẩu đả, như vài phim Việt lấy chủ đề gia đình thường làm. Cách giải quyết mâu thuẫn ôn hòa, song vẫn đủ kịch tính, các phim Hollywood làm về gia đình châu Á, từ đó mang đến giá trị "độc, lạ" cho tác phẩm.
Tất nhiên, phim vẫn có những điểm trừ đáng tiếc. Trong khi loay hoay "tẩy trắng" cho bà Nhị để dẫn đến cái kết êm đẹp cuối phim, Khương Ngọc để bà Nhị phải tự bộc bạch, "minh oan" quá nhiều. Các tình huống từ hồi ba của tác phẩm bỗng trở nên nặng tính sắp đặt, cốt là để tìm cớ cho các chị em cùng trải qua thách thức, từ đó mới nối lại tình xưa. Lẽ ra, nhà làm phim có thể tạo ra một nhân vật trung gian, đóng vai trò hàn gắn nhóm nhân vật chính, thay vì cứ để mỗi vai diễn phải tự nói ra nỗi khổ, niềm đau chôn giấu của mình - làm cho thông điệp vốn nhân văn, nhưng cách truyền tải lại cồng kềnh.
Nhìn chung, Chị dâu là phim thuộc chủ đề gia đình có chất lượng kịch bản tốt, cùng phần nhìn chỉn chu, thể hiện được sự cầu thị của nhà làm phim. Giữa các tác phẩm Việt Nam khác cùng đề tài, phim chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng mà sâu cay, từ đó dễ "chạm" vào trái tim người xem.
Phim 'Live - Phát trực tiếp' do Khương Ngọc đạo diễn ra rạp ở Mỹ Phim Live - Phát trực tiếp do Khương Ngọc đạo diễn sẽ trình chiếu tại các rạp ở Mỹ, theo thông tin từ công ty phát hành 3388 Films. Live - Phát trực tiếp sẽ trình chiếu tại rạp ở Mỹ bắt đầu từ ngày 17.11.2023. Bộ phim đã ra mắt khán giả với tư cách là phim Việt Nam tiêu điểm -...