Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội phải thu hồi 287 triệu đồng
Mới nghỉ hưu từ đầu tháng 8 vừa qua, nhưng ông Lê Thiết Cương- nguyên Giám đốc Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ phải có trách nhiệm thu và nộp lại ngân sách nhà nước gần 287 triệu đồng.
Trụ sở Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội.
Ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa ký văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xác minh một số nội dung có liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý tài sản, tài chính tại Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội.
Qua đó phát hiện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho thuê trụ sở làm việc tại 35 Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tuy chưa có biểu hiện tư lợi cá nhân, tham nhũng nhưng việc làm này đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Số tiền cho thuê trụ sở gần 287 triệu đồng, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã chi vào hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao của cơ quan; hỗ trợ một phần chi phí nghỉ mát hàng năm cho cán bộ và người lao động không đúng quy định.
“Trách nhiệm này trước hết thuộc về Chi cục trưởng Lê Thiết Cương trong công tác quản lý tài sản từ tháng 4/2009 đến tháng 12/2012″- thông báo nêu rõ.
Để khắc phục vi phạm, Bí thư Chi bộ- Chi cục trưởng Lê Thiết Cương và ông Phùng Quốc Huy- Chủ tịch Công đoàn Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã kiểm điểm và nhận trách nhiệm trước tập thể đơn vị; nghiêm túc rút kinh nghiệm để tập trung khắc phục vi phạm trong công tác quản lý tài sản, chấm dứt cho thuê tại 35 Tạ Quang Bửu.
Tuy nhiên sau nhiều năm yêu cầu, đến nay Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội vẫn chưa nộp số tiền đã thu từ việc cho thuê tài sản công và sử dụng không đúng quy định vào ngân sách nhà nước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu ông Lê Thiết Cương (mới nghỉ hưu từ đầu tháng 8/2018) có trách nhiệm thu và nộp lại gần 287 triệu đồng.
Không đủ cơ sở để khẳng định có tham nhũng, tư lợi cá nhân?
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã làm rõ việc sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ mô hình phát triển nghề do Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thực hiện ở một số xã trên địa bàn các huyện, thị xã “vướng” nhiều đơn thư, tố cáo trong thời gian qua.
Sau một thời gian thực hiện, đến thời điểm kiểm tra đã có hộ không tiếp tục tham gia mô hình với lý do như chuyển đổi nghề, đi làm việc khác có thu nhập cao hơn hoặc ốm đau bệnh tất, thậm chí đã chết,…
Video đang HOT
Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế chỉ đáp ứng được một phần (50-70% giá trị) để mua các vật tư, trang thiết bị thô sơ và có thời gian sử dụng ngắn (cưa, đục, khoan, bào, lò sấy, giá sắt, túi nilon,…) nên một số hộ tham gia mô hình không có nguồn kinh phí bổ sung để sửa chữa, bảo quản thiết bị hoặc mua sắm vật tư, thiết bị để tiếp tục phục vụ sản xuất.
Lãnh đạo UBND xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) khẳng định không biết và không uỷ quyền cho Trung tâm nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề ký hợp đồng để mua các vật tư gỗ, các thiết bị cưa, bào đục,… Người đã ký vào hoá đơn mua hàng (bên mua) là kế toán- đại diện UBND xã, không phải đại diện của Trung tâm nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề ký.
“Không có cơ sở để khẳng định đơn vị này được hưởng 40% giá trị hợp đồng (giá trị hợp đồng là 120 triệu đồng để mua gỗ và 180 triệu đồng để mua cưa, bào, đục, khoản,…) như nội dung công dân phản ánh”- thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay.
Đoàn kiểm tra cũng đã đối chiếu tài liệu, hoá đơn chứng từ do Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội và 16 xã, các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp; kết quả kiểm tra xác minh đối với 7 tổ chức, hộ kinh doanh vật tư, thiết bị và 33 mô hình, 326 hộ gia đình tham gia mô hình là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội.
“Hiện không có đủ cơ sở để khẳng định có tham nhũng, tư lợi cá nhân trong sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố do Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện”- thông báo nêu rõ.
Tuy vậy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội được yêu cầu phải xây dựng văn bản quy định rõ trách nhiệm của các phòng, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng; không được cho thuê, mượn tài sản, trụ sở làm việc trái quy định pháp luật. Qua một số tồn tại, vướng mắc trong thực tế triển khai hỗ trợ các mô hình thời gian qua cần rút kinh nghiệm và chủ động đề xuất sửa đổi những bất cập, hạn chế.
Thế Kha
Theo Dantri
Kiên Giang quyết liệt ngăn chặn nạn khai thác thủy sản bất hợp pháp
Nhằm góp phần chung tay cùng cả nước gỡ bỏ "thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, tỉnh Kiên Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo cũng như không theo quy định (IUU).
Đồng bộ các giải pháp
Thống kê từ tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có 10.780 chiếc tàu cá, công suất bình quân 257 CV/tàu, trong đó khai thác xa bờ gần 4.500 chiếc, với 20 loại nghề, nhưng tập trung 4 nghề chính là lưới kéo, lưới rê, lưới vây, nghề câu.
Chuyển sản từ tàu cá lên bờ tại Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành.
Hầu hết những phương tiện này đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn theo quy định. Sản lượng khai thác thủy sản hơn 545.000 tấn/năm, chiếm 16% tổng sản lượng thủy sản cả nước, hơn 40% sản lượng khai thác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn khẳng định, tỉnh không dung túng, bao che cho hoạt động khai thác IUU ở các vùng biển trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, tỉnh đã tiến hành thực hiện các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên vùng biển Kiên Giang. Điều này không những thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, thông qua các biện pháp này sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Kiên Giang khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước, hướng tới việc EC xem xét và sớm thu hồi thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Không những thế, kiểm soát chặt chẽ khai thác IUU sẽ góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên và hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo nghề cá phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh về những giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của EC.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường các giải pháp tổng thể, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, ở cảng cá, bến cá, chợ cá.
Mặt khác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm để chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và vùng biển quốc tế; xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban ngành có liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố để xảy ra việc tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài.
Điều tra, xác minh, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng hệ thống thông tin giám sát tàu cá hoạt động trên biển; xây dựng lộ trình bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tất cả các tàu cá hoạt động xa bờ, vận hành thiết bị này kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản Kiên Giang 24/24 giờ theo quy định.
Bắt buộc chủ tàu cá hoạt động trên biển hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, nhật ký tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và báo cáo khai thác, dịch vụ theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang, nâng cấp cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) đáp ứng nhu cầu hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá.
Đáng lưu ý, tỉnh cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan đẩy mạnh việc ngoại giao, đàm phán và ký kết hợp tác nghề cá với các nước đưa tàu cá của tỉnh sang khai thác hợp pháp ở vùng biển quốc tế và các nước trong khu vực theo đề án khai thác viễn dương.
Ngoài ra, tỉnh thiết lập đường dây nóng để xử lý các tình huống, sự cố xảy ra trên các vùng biển giáp ranh, chồng lấn và phối hợp với các Viện, Trường điều tra, đánh giá trữ lượng, xác định khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản phục vụ quy hoạch, quản lý cường lực khai thác tại vùng biển Kiên Giang.
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông về phòng chống khai thác IUU tại các địa phương trọng điểm ven biển phát triển mạnh nghề cá kết hợp cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời.
Nhiệm vụ cụ thể
Để giải quyết triệt để và hiệu quả tình trạng tàu cá và ngư dân Kiên Giang khai thác thủy sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, Tổ công tác 689 tỉnh Kiên Giang đã chủ động làm việc với các địa phương trọng điểm để xảy ra tình trạng hoạt động khai thác IUU nhằm cảnh báo và có hướng xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, Sở đã chủ trì phối hợp các cơ quan hữu quan và địa phương xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, chỉ đạo đơn vị thanh tra chuyên ngành tăng cường thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên vùng biển Kiên Giang; đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài, loại bỏ khai thác IUU.
Mặt khác, tăng cường năng lực kiểm soát, thanh tra tàu cá, xác nhận sản lượng thủy sản lên bến tại các cảng cá, bến cá cũng như hướng dẫn, kiểm tra chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tất cả các tàu cá hoạt động xa bờ và vận hành thiết bị, ghi nhật ký và báo cáo khai thác; thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp...
Cùng với đó, tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi tàu cá khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ hợp lệ và trang thiết bị theo quy định.
Riêng với đồn, trạm biên phòng nào để xảy ra vi phạm thì người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan chú trọng tuần tra, kiểm soát xử lý tàu cá vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, ngăn chặn tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân về những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề phân định vùng biển giữa Việt Nam và một số quốc gia láng giềng, nhất là các vùng biển chưa phân định, chồng lấn với các nước.
Mặt khác, tuyên truyền các quy định pháp luật trong hoạt động thủy sản của Việt Nam, quốc tế và các nước thường có tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm.
Các địa phương phối hợp với sở, ngành hữu quan lập danh sách quản lý chặt chẽ, tổ chức xử lý theo quy định, kiểm điểm công khai hóa chủ tàu, thuyền trưởng, phương tiện hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp và bị nước ngoài bắt giữ trên phương tiện thông tin đại chúng và trước cộng đồng địa phương. Đặc biệt, bắt buộc chủ tàu cá vi phạm khai thác IUU phải trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước...
Từ đầu năm đến nay, tình trạng tàu cá của ngư dân Kiên Giang hoạt động khai thác IUU có chiều hưởng giảm nhưng vẫn còn vi phạm, với 28 tàu cá và khoảng 200 người bị lực lượng các nước có vùng biển lân cận bắt giữ.
Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Bão số 4 sẽ gây mưa lớn, Chương Mỹ nguy cơ tiếp tục ngập lụt Hiện chưa xác định được chính xác bão số 4 sẽ đổ bộ vào tỉnh nào ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng khẳng định, cơn bão này sẽ gây mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nơi vừa trải qua chuỗi ngày ngập lụt sẽ tiếp...