Chỉ có một người con ở bên khi NSƯT Phạm Bằng lâm chung
Chị Hiền là người trực tiếp đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đi cấp cứu và cũng là người con duy nhất được nhìn mặt ông lúc lâm chung.
Sáng 1/11, nhà riêng NSƯT Phạm Bằng trên phố Hàng Giầy một màu tĩnh lặng. Gia đình chưa cáo phó nên chỉ một vài người hàng xóm thân thiết sang hỏi thăm. Chia sẻ với Zing.vn, chị Hiền – con gái cố nghệ sĩ cho biết: “Gia đình hiện rất rối bời vì bố tôi mới mất ngày hôm qua. Chúng tôi đang chọn ngày nên chưa cáo phó”.
NSƯT Phạm Bằng có bốn người con, 3 con gái, một con trai. Ông sống với con trai út và con gái cả hơn 40 tuổi chưa lập gia đình. Hai người con gái còn lại, một người lấy chồng sống ở nước ngoài, một người sống trong TP.HCM.
NSƯT Phạm Bằng. Ảnh: Hoàng Hà.
Chị Hiền là người trực tiếp đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đi cấp cứu và cũng là người con duy nhất được nhìn mặt ông lúc lâm chung.
Khi nam nghệ sĩ mất, cô con gái thứ 2 vừa trở về Sài Gòn. Cậu con trai út – người sống gần ông nhất cũng mới nhận chuyến công tác sang Malaysia cách đây 4 ngày. Còn cô con gái lấy chồng ở Đức đang đáp chuyến bay về Việt Nam.
Video đang HOT
Tuy nhiên, chị Hiền cho biết, đến sáng 1/11, bốn người con ruột của NSƯT Phạm Bằng đều đã về đông đủ và túc trực bên lĩnh cữu cha mình. Nhiều hàng xóm thân thiết sang hỏi thăm nên chị Hiền phải ở nhà để tiếp đón.
Cuộc sống trên phố Hàng Giầy vẫn diễn ra như mọi ngày nhưng trong câu chuyện của những người dân có nhắc lại kỷ niệm và cảm nhận về NSƯT Phạm Bằng.
Hai cụ ông cao tuổi ngồi uống nước trước cửa nhà đối diện số 30, Hàng Giầy từ sớm. Họ cho biết, dù đều đã lớn tuổi nhưng vẫn là bậc đàn em của NSƯT Phạm Bằng vì ông là một trong những người cao tuổi nhất phố.
“Tôi biết bác ấy từ khi còn nhỏ, chúng tôi đều là người gốc ở đây. Dù là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng bác rất thân thiện và hòa đồng với mọi người. Bác ấy cũng bận nên chúng tôi không gặp nhau thường xuyên. Nhưng khi gặp đều niềm nở, bắt tay chào hỏi” – cụ ông hơn 70 tuổi nói.
Cụ ông cũng cho biết hiếm có nghệ sĩ nào được như Phạm Bằng. Là người nổi tiếng nhưng Phạm Bằng vẫn bán bánh trôi tàu. Cửa hàng của ông rất đông khách đến ăn, có cả người nước ngoài. Ông chỉ mới nghỉ thời gian gần đây vì sức khỏe yếu hơn.
Nghệ sĩ Phạm Bằng miệt mài làm nghề đến những năm tháng cuối đời. Ảnh: Đoàn phim cung cấp.
Một cụ ông khác vừa nhấc chén trà nóng vừa chia sẻ: “Bác ấy được hàng xóm láng giềng nể trọng không chỉ vì bác ấy là một trong những người cao tuổi nhất phố mà còn vì bác ấy bình dị, đàng hoàng, chỉn chu và biết trước biết sau”.
“Đằng sau sân khấu Phạm Bằng là một người hết sức bình thường. Bác ấy bán hàng chân chính, tự lo cho bản thân. Hơn 80 tuổi, bác ấy vẫn chạy xe máy đi diễn, đi chơi trong Hà Nội” – cụ ông nói thêm.
Trong cuộc trò chuyện, hai người hàng xóm lâu năm của cố nghệ sĩ Phạm Bằng cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi ông chưa được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân dù hơn 20 năm trước đã được trao danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931. Ông được khán giả biết đến qua chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV và nhiều vai diễn truyền hình ấn tượng. Ông là nghệ sĩ đa năng khi vừa đóng kịch, đóng phim, diễn hài. Ông từng đoạt hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc với vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và vai Thương trong Mớ đời Thương. Với điện ảnh, ông ghi dấu trong phim Ngày lễ thánh, Đất mẹ. Ngoài nghề diễn, Phạm Bằng còn mở quán bán bánh trôi tàu ở phố Hàng Giầy, Hà Nội. Tuy nhiên, khi bị bệnh, ông đã nghỉ bán quán.
Theo Zing
Thông tin chính thức về lễ viếng NSƯT Phạm Bằng
Sáng nay (2/11), gia đình NSƯT Phạm Bằng phát đi thông báo lễ viếng NSƯT Phạm Bằng sẽ được tổ chức từ 12h30 - 14h ngày 4/11 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Sau Lễ truy liệu, NSƯT Phạm Bằng sẽ được điện táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ Hà Nội.
NSƯT Phạm Bằng (sinh ngày 25/10/1931) tại Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến bởi các vai diễn trong các tác phẩm hài kịch, chính kịch và trên màn ảnh nhỏ. Năm 1993 Phạm Bằng được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vì những cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Ông còn được người hâm mộ nhớ đến bởi quán bánh trôi tàu tại nhà riêng ở 30 Hàng Giầy, Hà Nội.
Nhắc về sự nghiệp diễn xuất của ông người ta vẫn nhớ những vai diễn để đời của ông từ chính kịch đến những vai diễn hài trên các tiểu phẩm của truyền hình. Từ vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo Đêm tháng 7 (đạo diễn Dương Linh) đến vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong Mớ đời Thương (của Tất Đạt). Có thể nói đây là hai vai diễn để đời của ông, với một vai phản diện, một vai bi hài mà không ai có thể thay thế được.
NSƯT Phạm Bằng
Vào những năm 2000, ông nổi tiếng với các vai "sếp đầu hói" trong chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3. Với lối diễn hài tưng tửng, tỉnh queo, ông đã định hình được một phong cách hài rất riêng mang thương hiệu Bằng "hói" trong các tiểu phẩm trên truyền hình. Chương trình Gặp nhau cuối tuần là nơi thực sự đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với công chúng một cách sâu rộng.
Trước khi sức khỏe suy yếu vì căn bệnh viêm túi mật, viêm gan, NSƯT Phạm Bằng vẫn miệt mài đi diễn bằng xe máy. Phạm Bằng không còn nhớ nổi mình đã đóng bao nhiêu vở kịch, tiểu phẩm. Ông nói, cỡ khoảng trên dưới 300 vai diễn, cả trên sân khấu và truyền hình...
Chia sẻ về lễ viếng NSƯT Phạm Bằng, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho hay: "Sáng 4/11 đoàn chúng tôi sẽ khởi quay Chôn nhời 4. Quay xong, trưa ngày 4/11, cả đoàn sẽ tới nhà tang lễ để vào viếng NSƯT Phạm Bằng và tiễn đưa chú tới nơi an nghỉ cuối cùng".
Theo Theothaovanhoa
NSND Khải Hưng kể nỗi sợ lớn nhất cuộc đời của nghệ sĩ Phạm Bằng NSND Khải Hưng được coi là người đưa tên tuổi của nhiều nghệ sĩ sân khấu thành danh hài trên sóng truyền hình. NSƯT Phạm Bằng là một trong những người như vậy khi thực hiện hàng trăm tiểu phẩm hài với đạo diễn Khải Hưng. "Đời tôi chỉ vui khi còn được đóng phim" Nhân vật "ông sếp" cũng từ đó gắn...