Chỉ cần ngồi cạnh nhau, bữa cơm nào cũng ngon, ngày nào cũng sẽ là ngày hạnh phúc
Với em, nấu ăn đã không còn là một cuộc chiến, bởi vì em đã tìm thấy niềm hạnh phúc bé con đến từ bữa cơm giản dị hằng ngày.
Em nổi tiếng vụng về khoản bếp núc còn anh thì ngược lại, anh thích vào bếp và nấu ăn cực ngon. Em điềm nhiên cho rằng, người nào nấu ăn giỏi hơn thì người đó phải vào bếp. Anh đi chợ và làm đồ ăn, em dọn dẹp chén đũa. Vậy là công bằng. Thi thoảng, anh vẫn nhắc khéo, rằng anh thèm ăn một bữa cơm em nấu, dở một tí cũng được. Bạn bè em khen em tốt số. Bạn bè anh thì nói anh gặp em là “tới số” rồi. Em cười trừ rồi quẳng cho anh cục lơ.
Có một lần anh sốt, phải nghỉ làm gần một tuần. Em vào bếp, vật lộn với thịt, rau, hành ngò suốt cả buổi sáng để nấu cháo cho anh. Anh nằm trên giường nhưng thi thoảng vẫn nói vọng ra: “Luộc sơ thịt rồi hãy nấu cháo em nhé”, “Bỏ hai nắm gạo thôi”, “Cho muối hạt và chút bột nêm, đừng cho nước mắm”… Mất vài ngày như thế, em mới thấy nấu nướng quả thực chẳng đơn giản tẹo nào. Anh phải chỉ em cách chọn thịt tươi, loại rau nào ít phun thuốc, cách chế biến sao cho chất dinh dưỡng không bị mất đi, cả cách kết hợp các loại thực phẩm sao cho phù hợp. Rồi anh bảo, nấu nướng cần nhất là sự tập trung, vì chỉ cần lơ là một chút là món ăn sẽ trở thành thảm họa.
Rồi chúng mình có con. Anh thì bận việc ở công ty, có hôm anh phải tăng ca đến tận chín mười giờ tối. Việc bếp núc anh đành “chuyển nhượng” hết sang cho em. Chiều, em tranh thủ về sớm để tạt qua chợ mua đồ ăn. Ngày nào đi chợ, em cũng phải “cân não” để các món ăn không trùng nhau và ngân quỹ không bị lạm phát. Nấu ăn ngày ba bữa cho hai vợ chồng đã cực, đến khi con bước vào tuổi ăn dặm, em lại càng xì-trét hơn. Em chăm chỉ lên mạng để nghiên cứu công thức chế biến các món ăn dặm cho con. Nào thịt, cá, tôm, cua; nào súp lơ, rau cải, bí xanh bí đỏ bí vàng. Cu Sóc trộm vía khá dễ ăn, con gần như ăn được tất cả những gì em nấu, dù nhiều hôm em biết chúng chẳng ngon lành gì. Có một lần con bị tiêu chảy do ăn cháo ghẹ vào buổi tối, em đã lo đến xanh mặt và lén giấu anh. Cả bữa em vừa đút cho con muỗng cháo đầu tiên thì con phun ra phè phè. Em nếm thử cháo một lần nữa rồi lẳng lặng đem đi… đổ vì cháo quá mặn. Có những ngày con đổ bệnh rồi quấy khóc liên miên, em vừa làm đồ ăn vừa chạy đi chạy lại dỗ con, áp lực và mệt mỏi tới mức em đã nghĩ: “Hay là chạy ra ngoài mua đồ ăn cho khỏe? Có bao nhiêu người vẫn mua đồ ăn dặm cho con bên ngoài đó thôi”. Được vài bữa “khỏi phải nấu ăn” thì em bỏ cuộc. Đồ ăn ở ngoài tuy ngon miệng nhưng lại nêm nếm quá nhiều muối, bột ngọt và dầu ăn. Thương con, em lại tiếp tục hành trình làm đầu bếp tập sự.
Một năm trôi qua yên ả. Bây giờ, con đã có thể ăn cơm cùng mình. Em đi chợ và nấu nướng đã thành thục, dù vẫn chẳng nấu ăn ngon bằng anh. Buổi sáng, em cố thức dậy sớm một chút, chuẩn bị sẵn một hộp cơm với đầy đủ món mặn, canh và một món xào để anh đem đi làm. Anh bảo, ở công ty, ai cũng ăn cơm ngoài, chỉ có duy nhất một mình anh vẫn được ăn cơm vợ nấu. Em nghe anh nói mà hai cánh mũi nở phập phồng. Những bữa tối muộn, dù biết em đã ăn cơm rồi, anh vẫn lấy thêm chén, xới cơm cho em và bảo em ngồi xuống cạnh anh, ăn cùng anh cho vui.
Nhiều ngày như thế, nhiều bữa cơm như thế, em dần nhận ra hạnh phúc đến từ những bữa cơm giản dị hằng ngày. Không cần đẹp mắt hay thịnh soạn, cũng chẳng nhất thiết cứ phải đúng giờ. Chỉ cần là cơm do em hoặc anh nấu, chỉ cần em, anh và con ngồi cạnh nhau, là bữa cơm nào cũng ngon, là ngày nào cũng sẽ là ngày hạnh phúc. Cuối cùng thì cô vợ vụng về là em đã không còn cảm thấy sợ hãi mỗi khi bước vào căn bếp nhỏ. Với em, nấu ăn đã không còn là một cuộc chiến, bởi vì em đã tìm thấy niềm hạnh phúc bé con đến từ bữa cơm giản dị hằng ngày.
Theo Anhtuyet/Afamily