Chỉ cách ăn uống trị COVID-19 bậy sẽ bị phạt nặng
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều phương pháp chữa COVID-19. Tuy nhiên, những phương pháp này là không có căn cứ.
Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trường hợp đăng tin là ăn tỏi, uống nước thường xuyên hay uống nước trà gừng, hoặc dùng thực phẩm chức năng sẽ trị được dịch COVID-19. Tuy nhiên, những lời thông tin này hoàn toàn chưa có căn cứ khoa học.
Không có bằng chứng cho thấy một loại thực phẩm cụ thể nào có thể giúp chống lại COVID-19. Ảnh: Internet
Dân hoang mang vì nhiều “thần dược” trị COVID-19
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng vì hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để phòng bệnh. Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện không ít trường hợp đăng tin cách trị COVID-19.
Những thông tin này làm không ít người dân hoang mang, cũng không ít người tin tưởng mà áp dụng.
Anh Nguyễn Hồng Hải (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Vừa qua, có một người trên Facebook lan truyền thông tin uống nước trà gừng sẽ ngừa nhiễm COVID-19, mẹ tôi thấy vậy cũng làm theo. Tuy nhiên, tôi cũng không rõ công dụng thật sự có đúng hay không”.
Chị Lê Thị Lệ (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cho hay: “Nhiều người lan truyền trên mạng là nếu ăn nhiều tỏi, nước sả sẽ chống được COVID-19, vì vậy hầu như món ăn nào gia đình tôi cũng cho rất nhiều tỏi và sả.
Cũng có nhiều người giới thiệu rằng: Nên cho người già bổ sung thêm các thực phẩm chức năng để chống COVID-19, nhưng tôi cũng không hoàn toàn tin vì nghĩ họ quảng cáo để bán được hàng” – chị Lệ chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Những bài thuốc này có giúp chống bệnh?
Những “bài thuốc” mà nhiều người chia sẻ trên các trang mạng xã hội hiện nay để phòng chống, chữa COVID-19 là hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Vì hiện nay chưa có loại thuốc đặc trị nào được xác nhận có khả năng phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19.
Theo nhiều bác sĩ, không có cơ sở nào khẳng định gừng, sả, tỏi có thể diệt virus gây bệnh này. Mặc dù ăn tỏi có thể giúp điều trị cảm lạnh thông thường, chúng có đặc tính kháng khuẩn nhưng cách này không thể ngăn nhiễm COVID-19.
Gừng và sả cũng tương tự như thế, gừng hay sả có những công dụng như tăng khả năng miễn dịch chứ không thể ngăn nhiễm COVID-19.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – thần kinh, BV Nhi đồng 1, cho biết: Uống nước ấm, nước trà, nước gừng… không thể loại được virus Corona. Tuy nhiên, nếu uống nước ấm thường xuyên, virus (nếu có) trong vùng hầu, họng có thể sẽ bị trôi xuống dạ dày, dẫn đến khó nhiễm hơn, do chúng ta nuốt chúng xuống dạ dày thì chúng sẽ khó tấn công vào đường hô hấp hơn. Uống nước ấm cũng sẽ kìm hãm được phần nào một số virus, do virus sợ nhiệt độ cao.
Chính vì thế, thay vì tin các bài thuốc trên mạng xã hội, chúng ta hãy thực hiện theo các hướng dẫn được Bộ Y tế công bố. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện này là hạn chế tụ tập nơi đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng…
Theo luật sư Trần Vân Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Việc đăng thông tin việc ăn uống một số loại thực phẩm có khả năng ngăn ngừa, thậm chí sẽ trị được COVID-19, có thể gây ra hậu quả gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng làm cho cơ quan có thẩm quyền mất thời gian, công sức để xác minh hoặc người dân quá tin tưởng vào việc ăn một số loại thực phẩm trị được bệnh nên chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Mặc dù một số người đăng những thông tin này về ý thức chủ quan không nhằm mục đích xấu. Chỉ do nhận thức về tác hại của việc sử dụng mạng xã hội còn hạn chế, thích thể hiện mình trên mạng xã hội, thích chia sẻ những vấn đề không rõ thực hư thế nào.
Tuy nhiên, hành vi đăng những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố là vi phạm quy định của pháp luật, bởi một người có đầy đủ năng lực hành vi thì có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và buộc phải biết hành vi như vậy là trái pháp luật. Trước một thông tin, một sự việc mà chưa biết đúng, sai thì người đó phải thận trọng, phải tìm hiểu hoặc được sự tư vấn để quyết định có đăng hay không.
Do đó, việc đưa thông tin không có căn cứ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả do hành vi trái pháp luật đó gây ra để có hình thức xử lý phù hợp, việc đăng tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính.
Theo Điều 101 về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:
Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
CHÂU NGUYÊN
Cẩn trọng với các sản phẩm chống vi-rút
Thời gian gần đây, rất nhiều sản phẩm như mũ chống vi-rút, ngăn giọt bắn; thẻ đeo diệt vi-rút; bút diệt khuẩn... đều được quảng cáo sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo cần cẩn trọng, đừng quá tin vào tác dụng "thần kỳ" của sản phẩm để không phải "tiền mất, tật mang".
Nhiều người chọn mua mũ chống giọt bắn để phòng dịch Covid-19.
Những ngày gần đây, tầm 19 giờ trên nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh như: 3-2, Thành Thái (quận 10), Nguyễn Trãi (quận 5), An Dương Vương (quận Bình Tân)... xuất hiện sạp hàng bán mũ chống dịch, ngăn giọt bắn.
Chị Thu Dung, chủ một quầy hàng bán mũ chống giọt bắn trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) cho biết: "Mũ này xuất xứ từ Hàn Quốc. Tôi thấy hay hay nên đặt một xưởng may ở quận 12 gia công theo mẫu. Sau vài chỉnh sửa mẫu mã, tấm chống dịch, tôi đem sản phẩm ra bán thử không ngờ khách đến xem và mua rất đông. Trung bình một ngày bán được vài trăm cái".
Lựa năm cái mũ cho các thành viên trong gia đình, chị Nguyễn Hoài Anh (nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh) kể: "Từ lúc bùng phát dịch Covid-19 đến giờ hễ đi ra đường là mình đều đem theo khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, nước súc miệng. Giờ có thêm mũ ngăn dịch, ngăn giọt bắn này lại càng thêm yên tâm khi đi chợ, đi làm, tiếp xúc với mọi người".
Thoạt nhìn các loại mũ kính này cũng giống như những chiếc mũ bình thường khác, ngoại trừ miếng nhựa được thiết kế bao trùm vùng mắt hoặc che toàn bộ gương mặt ngăn giọt bắn. Giá sản phẩm từ 40.000 đến 179.000 đồng/chiếc. Về nguồn gốc của sản phẩm, đa số chủ cửa hàng bán loại mũ này đều khẳng định hàng Việt Nam sản xuất và gia công, bởi hiện tại tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể nhập được hàng từ nước ngoài về.
Trên nhiều trang thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, các sản phẩm quảng cáo có tác dụng ngừa vi-rút xuất hiện ngày càng nhiều. Đơn cử như thẻ đeo diệt vi-rút được nhiều phụ huynh tìm mua cho con trong thời gian gần đây. Với lời rao "có cánh": Sản phẩm diệt khuẩn có thể mang theo bên người, thay thế vắc-xin kháng khuẩn, thuốc kháng sinh, khẩu trang chống khuẩn; chỉ cần đeo thẻ có thể đánh bay 99,99% vi-rút, vi khuẩn lây bệnh, diệt khuẩn, khử mùi, chống ẩm mốc, siêu tiện lợi, mang theo bên người mọi lúc mọi nơi và tự tin giao tiếp...
Những loại sản phẩm kiểu này được chỉ dẫn là chỉ cần đeo ở cổ, cài vào quần áo, ba-lô là phát huy hiệu quả phòng, chống bệnh, có giá từ 120.000 đến 390.000 đồng/sản phẩm, thời gian sử dụng từ 30 đến 90 ngày (tùy loại). Hay sản phẩm xịt kháng khuẩn vào khẩu trang, có tác dụng ngăn vi-rút, vi khuẩn đến 24 giờ. Hàng Nhật Bản sản xuất, giá chỉ 357.000 đồng.
Cụ thể, sau khi xịt nó sẽ tạo thành một lớp trên bề mặt khẩu trang, chống bám dính hoàn toàn của vi-rút, vi khuẩn, nấm mốc, phấn hoa, bụi mịn... Mỗi chai xịt dùng được 230 lần. Có lọ này thì hai ngày mới cần thay khẩu trang - người bán chào mời. Cửa hàng trực tuyến Hangnhat247 tung bút diệt khuẩn, diệt vi-rút có giá 356.000 đồng. Theo quảng cáo, đây là sản phẩm của Nhật Bản. Đối tượng được sử dụng thường là trẻ nhỏ vốn không chịu đeo khẩu trang. Chỉ cần ghim cây bút này ngay trước áo, bảo đảm sẽ không sợ nhiễm vi-rút.
Trên mạng xã hội còn xuất hiện những lời tư vấn, loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ, sản phẩm chống vi-rút được ví như những "thần dược" chống lại Covid-19. Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trẻ em cũng nhiều vô kể như thuốc tăng đề kháng, sữa tắm "chống cảm cúm, phòng ốm vặt", sữa tắm "ngừa cảm lạnh" của Nga...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định: Những chiếc mũ hay kính có miếng nhựa trong suốt trước mặt không có khả năng chống được vi-rút. Trong y học, việc nhân viên y tế dùng các sản phẩm mũ có nhựa chắn trước mắt trong phẫu thuật để tránh dịch tiết từ bệnh nhân vào mặt khi điều trị, tuy nhiên những sản phẩm này thường có những thông số theo tiêu chuẩn riêng của ngành y tế.
Cũng theo bác sĩ Khanh, việc đội những chiếc mũ có miếng nhựa chắn trước mặt cũng khá cản trở khi ra ngoài, đặc biệt trong văn hóa giao tiếp cộng đồng. Thế nên, để phòng, chống dịch hiệu quả nhất trong thời điểm này, theo bác sĩ Khanh, cần rửa tay thường xuyên và sử dụng khẩu trang khi cần thiết như: mang ở những nơi công cộng hoặc cá nhân có dấu hiệu bệnh nên mang để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Bộ môn Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng Trường đại học Hoa Sen khuyến cáo, người dân nên thận trọng khi sử dụng loại thẻ đeo ngừa vi-rút này. Theo TS Đồng, thẻ đeo được quảng cáo chứa chất chlorine dioxide (Clo2) và sẽ từ từ phát tán ra môi trường, bán kính 1 m giúp diệt khuẩn. Thực tế, hợp chất Clo chỉ diệt khuẩn tốt nếu ở dạng dung dịch. Còn ở dạng không khí thì tác dụng rất ít, thậm chí không có nếu người đeo túi ở trong môi trường có gió.
Ngược lại, nếu hít phải khí Clo nhiều còn có khả năng gây kích ứng, giống như hít phải nhiều nước tẩy javen - vốn là loại có nồng độ Clo cao. Với người hen suyễn, hít phải Clo sẽ gây khó thở, thậm chí khởi phát cơn hen. Người dân cần thận trọng, không nên tin vào những lời chia sẻ trên mạng xã hội để tránh "tiền mất, tật mang" - TS Phan Thế Đồng lưu ý.
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) Bộ Công thương cảnh báo về việc một số đối tượng lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo. Trong đó, Cục lưu ý người dân không nên mua và sử dụng các loại thẻ "chống vi-rút Covid-19" có khả năng kháng khuẩn, làm sạch không khí và vắc-xin có khả năng phòng, chống dịch. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã phát hiện và đưa ra lời cảnh báo đối với nhiều trang web quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung lừa dối hoặc gây hiểu lầm là có tác dụng chữa bệnh.
Bài và ảnh: PHƯƠNG VY
BS Trương Hữu Khanh: Có nên mở dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cho người cách ly tại nhà? Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, rất nhiều người đang cách ly tại nhà đang cảm thấy cuộc sống bị kỳ thị, xa lánh. Bị kỳ thị, xa lánh Anh K.H.C (quê Thái Bình) 1 du học sinh từ Daegu, Hàn Quốc về Việt Nam vào cuối tháng 2. Ngay sau đó anh...