Chi 8.500 tỷ nhập trái cây Thái Lan: Sự thật nhập về làm gì?
Theo thống kê sơ bộ của Bộ NNPTNT, 6 tháng qua Việt Nam đã nhập 507 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) mặt hàng trái cây. Trong đó, giá trị trái cây nhập khẩu từ Thái Lan lên tới hơn 8.500 tỷ đồng. Vì sao nước ta – một nước sản xuất trái cây nhiều, có nhiều loại ngon và giá trị cao, lại phải nhập lượng trái cây lớn như vậy, nhất là từ Thái Lan?
Giá rẻ, chất lượng “tin được”
Cuối tuần qua, dạo một vòng quanh các khu chợ đầu mối nông sản và các điểm kinh doanh trái cây lớn tại TP.HCM, phóng viên NTNN ghi nhận các sản phẩm trái cây nhập khẩu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ được bày bán la liệt, cạnh các sản phẩm trái cây truyền thống của Việt Nam. Đơn cử như tại các con đường lớn Điện Biên Phủ (quận 3), Thành Thái (quận 10), Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), gần đây các cửa hàng chuyên nhập khẩu, kinh doanh sỉ và lẻ các loại trái cây mọc lên dày đặc. Khách có thể dễ dàng chọn mua các sản phẩm trái cây có nguồn gốc từ Úc, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc… với giá vài chục ngàn đến cả triệu đồng/kg, tùy loại.
Bòn bon có xuất xứ Thái Lan bán tại cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh,TP.HCM). Anh: T.H
Tại siêu thị BigC An Phú (quận 2, TP.HCM), kệ hàng trái cây ôn đới luôn đầy ắp các sản phẩm nhập khẩu, được bảo quản lạnh, bao gói và tem nhãn cẩn thận, bắt mắt. Bên cạnh một số loại quen thuộc, còn có thêm nhiều loại trái cây mới như nho tiêu không hạt (loại nho chùm, trái nhỏ như hạt tiêu, không hạt), nho mẫu đơn từ Nhật Bản… với giá lên tới gần 1 triệu đồng/kg.
Nếu trước đây, trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có một số sản phẩm đặc trưng như chôm chôm, me, bòn bon, mây, thì nay chủng loại đã tăng lên nhiều. Các loài trái cây Thái như xoài, quýt, sapôchê (hồng xiêm), sầu riêng, mít, và cả táo xanh… đều có nhiều ở chợ và các cửa hàng. Ông Mười Hai – chủ vựa trái cây E3 tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, mỗi ngày ông tiêu thụ khoảng 1 tấn măng cụt nhập từ Thái Lan, còn các loại trái cây Thái Lan khác như bòn bon, chôm chôm, mỗi loại khoảng 2 – 3 tấn/ngày… Vào đầu mùa mưa, khi giá thành hạ, lượng bán ra sẽ tăng lên nữa. Các sản phẩm trái cây này còn được ông bán sỉ về tận các tỉnh thuộc “vương quốc cây ăn trái” Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang… Theo ông Mười Hai, dù giá trái cây Thái Lan cao hơn trái cây nội song người tiêu dùng lại chuộng các loại bòn bon, măng cụt nhập khẩu hơn sản phẩm nội địa do trái to, cơm dày, chất lượng cũng đáng tin…
Ảnh: Hồng Liên
Tương tự, tại địa bàn Hà Nội, hàng trăm loại hoa quả nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, New Zealand… đang tràn ngập các siêu thị, cửa hàng trái cây nhập khẩu với giá bán không cao hơn giá bán lẻ ngoài chợ truyền thống là mấy. Tại một siêu thị ở quận Cầu Giấy, trái cây nhập khẩu có giá rẻ giật mình so với các siêu thị khác, cũng như các cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu. Cụ thể, táo Queen được ghi xuất xứ New Zealand niêm yết giá 39.900 đồng/kg; táo Mỹ đỏ giá 39.900 đồng/kg; táo Fuji Pháp 45.900 đồng/kg; lê Nam Phi giá 79.900 đồng/kg; kiwi vàng New Zealand 135.000 đồng/kg; một số loại nho nhập khẩu giá cũng chỉ từ 40.000- 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các siêu thị, cửa hàng hầu như không thấy bóng trái cây Thái Lan.
Video đang HOT
Trái cây Thái Lan thường có mẫu mã rất đẹp.
Nhập khẩu rồi tái xuất?
Hàng tiểu ngạch cũng phải kiểm soát
GS-TS Bùi Chí Bửu – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cho rằng đa phần trái cây Thái Lan vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch qua khu vực biên giới với Campuchia. Nhưng hàng rào kỹ thuật của Việt Nam còn mỏng và chưa bài bản, bộ phận kiểm dịch thực vật phía Nam chủ yếu chỉ hoạt động ở các cửa khẩu khu vực TP.HCM, các nơi khác còn rất yếu. Do đó, phải quản lý được chất lượng của hàng tiểu ngạch.
Theo TS Lương Ngọc Trung Lập – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam), đối với các loại trái cây ôn đới như táo, lê… Việt Nam không sản xuất được nhưng nhu cầu sử dụng khá cao, do đó việc nhập khẩu và nhập nhiều là điều dễ hiểu. Nhưng có nghịch lý là ngay cả các loại trái cây nhiệt đới trong nước sản xuất được, thậm chí sản lượng rất lớn, song Việt Nam vẫn nhập khẩu từ các nước, như Thái Lan.
Theo ông Lập lý giải, lượng hàng trái cây Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ trong nước không nhiều, phần lớn là theo dạng tạm nhập tái xuất. Ông Lập cho biết, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn trái cây Thái Lan, là thị trường dễ tính, không yêu cầu cao về chất lượng. Do Thái Lan muốn “nâng tầm” sản phẩm trái cây của nước này để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính nên bắt đầu thu hẹp sản xuất đại trà, tập trung tăng chất lượng sản phẩm, giảm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc luôn “đói hàng”, nhiều thương lái và các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội này đã tăng nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó thay đổi tem, nhãn mác để xuất khẩu vào Trung Quốc.
“Trái cây Thái Lan kích cỡ đồng đều, chất lượng ổn định nên dễ bán hơn so với hàng nội địa của Việt Nam, giá cũng rất tốt. Dù vậy, số lượng nhập về để tiêu thụ trong nước không nhiều” – ông Lập phân tích.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc Công ty T&T Vina (chuyên xuất khẩu trái cây) cũng cho biết, doanh nghiệp của ông từng gặp trường hợp thương lái “đánh tráo” xuất xứ trái cây để xuất khẩu. Ông Tùng kể, tháng trước, nhãn Việt Nam mất mùa nên giá rất cao, doanh nghiệp “đứt hàng”. Do đó, một số thương lái đã nhập khẩu nhãn Thái Lan, sau đó tráo thành nhãn Việt Nam để cung cấp cho doanh nghiệp của ông để xuất khẩu.
Ông Tùng cũng cho rằng hiện tại là mùa chính vụ thu hoạch các sản phẩm trái cây Thái Lan như nhãn, chôm chôm, sầu riêng… nên giá bán rất rẻ, trong khi đó hệ thống kiểm soát chất lượng trái cây nhập khẩu còn khá lỏng lẻo. /.
Theo Danviet
Trái cây theo đại gia Thái đổ bộ vào Việt Nam
Sản phẩm chế biến từ trái cây Việt đơn điệu, bao nhiêu năm vẫn chỉ quanh quẩn với mít, nhãn... sấy khô.
Sau nhiều năm xếp sau Trung Quốc, nay Thái Lan đã vượt mặt để trở thành nước xuất khẩu rau quả vào Việt Nam nhiều nhất. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan vào nước ta đạt gần 60 triệu USD trong ba tháng đầu năm nay, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
"Rau quả nhập khẩu từ Thái Lan đã chiếm tới 38% tổng giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Trong khi đó, rau quả Trung Quốc từ mức 27% nay chỉ còn chiếm hơn 24% thị phần" - ông Kỳ phân tích.
Ngày càng nhiều trái cây Thái
Khảo sát một số chợ trên địa bàn TP HCM như Phạm Văn Hai, Bà Chiểu, cho thấy các loại trái cây Thái Lan như bòn bon, măng cụt, me, xoài... đang được bày bán khá nhiều. Giá trái cây Thái có loại cao hơn, có loại thấp hơn trái cây Việt. Ví dụ, xoài Thái 40.000-60.000 đồng/kg, xoài Việt Nam 60.000-70.000 đồng/kg; me Thái giá 40.000-60.000 đồng/kg trong khi không thấy me Việt. Riêng với mặt hàng trái cây chế biến, sản phẩm Thái phong phú hơn hẳn so với hàng Việt.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thông tin do lo ngại trái cây Trung Quốc độc hại nên gần đây nhiều người chuyển sang ăn trái cây Thái.
Phân tích thêm về vấn đề này, TS Võ Mai, nguyên Cục phó Cục bảo vệ thực vật, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: "Nguyên nhân chính khiến trái cây Thái Lan nhập khẩu ngày càng nhiều vào Việt Nam do lòng tin của người tiêu dùng Việt dành cho hàng Thái đã được tích lũy qua nhiều năm, từ hàng công nghệ đến đồ gia dụng cho đến thực phẩm, rau quả. Đặc biệt khi các đại gia Thái thâu tóm hệ thống bán lẻ tại Việt Nam thì hàng hóa Thái Lan nói chung và trái cây nhập theo chân họ vào nước ta ngày càng nhiều" - bà Mai lý giải.
Trái cây Thái xuất hiện ngày càng nhiều trên các sạp bán trái cây tại Việt Nam.
Để cạnh tranh với trái cây Thái
Để đấu với trái cây Thái đang ồ ạt tràn vào cũng như tăng sức cạnh tranh cho trái cây Việt, TS Võ Mai cho rằng, ngành sản xuất trái cây của Việt Nam phải xây dựng mối liên kết chuỗi giá trị từ nông trại sản xuất đến bàn ăn. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần quy định cụ thể các vùng nguyên liệu trái cây theo tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalG.A.P... Từ đó sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn và giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Đặc biệt phải ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, kết hợp công nghệ chế biến hiện đại, trong đó tập trung đẩy mạnh công nghệ xử lý, bảo quản và chế biến trái cây. Khi đó mới đảm bảo được đầu ra, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm để cạnh tranh với trái cây Thái.
"Nhờ làm tốt khâu bảo quản, chế biến... nên Chile đã làm được ít nhất 10 sản phẩm từ trái thanh long, trong khi Việt Nam có diện tích trồng thanh long lớn, năng suất cao nhưng chỉ bán để ăn tươi. Thế nên mỗi khi Trung Quốc ngừng mua thì thanh long Việt Nam lại ế ẩm, rớt giá" - bà Mai dẫn chứng.
Để giảm thiểu tình trạng trên, mới đây một số doanh nghiệp Việt đã nghiên cứu và sản xuất thành công rượu vang thanh long, và bước đầu được thị trường đón nhận. Tuy vậy, sản phẩm chế biến từ trái cây Việt nhìn chung vẫn còn đơn điệu, bao nhiêu năm cũng chỉ quanh quẩn với mít, nhãn... sấy khô. Do vậy theo TS Mai, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến như làm nước trái cây lên men, trái cây sấy.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng đề xuất các cơ quan chức năng, Bộ NN&PTNT xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản với các thương hiệu nổi tiếng như bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), bưởi da xanh (Bến Tre), quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), thanh long (Tiền Giang, Long An)... Song song đó, xây dựng các trung tâm chiếu xạ tại các vùng nguyên liệu chuyên canh trái cây đủ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trái cây xuất khẩu.
"Nhà nước cũng nên ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ trái cây sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế để cạnh tranh với trái cây Thái nói riêng và trái cây các nước nói chung; xúc tiến thương mại, quảng bá tiếp thị trái cây Việt tại thị trường thế giới cũng như nội địa" - đại diện một doanh nghiệp kiến nghị.
Coi chừng chất lượng trái cây Thái Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết mới đây báo chí Thái Lan thông tin, Hệ thống cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) công bố hơn 57% rau quả các loại của Thái Lan đã được Văn phòng Quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và tiêu chuẩn thực phẩm dán nhãn "Q" công nhận đạt chất lượng, nhưng bị phát hiện chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt mức an toàn. "Đây là hồi chuông cảnh báo về chất lượng trái cây nhập từ Thái Lan. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây Thái, đặc biệt là trái cây Thái nhập qua tiểu ngạch. Đồng thời các chợ đầu mối phải có các phòng phân tích, kiểm nghiệm chất lượng để kịp thời phát hiện những lô hàng nhập khẩu vi phạm về chất lượng" - ông Kỳ kiến nghị. 204 triệu USD là số tiền người Việt bỏ ra nhập khẩu rau từ nhiều nước trên thế giới trong bốn tháng đầu năm nay. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, con số này tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp thị, quảng cáo tốt Nếu so về chất lượng thì một số loại trái cây Việt như sầu riêng, xoài, thanh long... không thua trái cây Thái. Tuy nhiên, nhờ tiếp thị, quảng bá và bảo quản tốt nên trái cây Thái xâm nhập mạnh vào nước ta. Và đây cũng là bài học cho Việt Nam. Ông Huỳnh Thanh Hồng, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp
Theo Quang Huy (PLO)
Trái cây Thái tràn thị trường Việt: Kiến nghị tăng tần suất kiểm tra Câu chuyện trái cây Thái Lan tấn công thị trường Việt Nam, tràn về các vườn cây ăn trái nổi tiếng các tỉnh phía Nam không phải là chuyện mới. Từ 2 năm trước, trên báo NTNN/Dân Việt, TS Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) đã cảnh báo về tình...