Chi 3 tỷ đồng phát triển 2.000 m2 xà lách thủy canh
Để có đủ 3 tỷ đồng vốn đầu tư trồng rau thủy canh công nghệ cao, chị Nguyễn Thị Hoàn không ngần ngại thế chấp nhà cửa, tài sản, đồng thời vay mượn thêm bạn bè và người thân.
Khởi nghiệp từ năm 2012, chị Nguyễn Thị Hoàn – chủ Công ty cổ phần đầu tư Song Hành ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thu được thành công bước đầu với sản phẩm rau an toàn như rau ăn lá các loại, rau mầm, rau củ, dưa lưới… Khi sản lượng tiêu thụ của cơ sở ngày một tăng, chị bắt đầu thử nghiệm trồng xà lách thủy canh với mục đích đa dạng hóa sản phẩm rau củ quả của cơ sở, đồng thời gia tăng giá trị kinh tế.
Xà lách tại cơ sở của chị Hoàn phát triển đồng đều. Ảnh: Rau sạch Song Hành.
Ban đầu, dù trồng thử nghiệm xà lách thủy canh trên một diện tích nhỏ nhưng chị Hoàn thu được kết quả khá khả quan. Từ đây, chị dự tính đầu tư thêm 2.000 m2 trồng các loại xà lách theo mô hình thủy canh. Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống của cơ sở, khoản chi phí ban đầu bỏ ra khá lớn.
Theo tính toán của chị Hoàn thời điểm đó, với 1.000 m2 nhà trại, chị cần 1,2 đến 1,5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, trong đó có cả trang thiết bị ngoại nhập. Do vậy, muốn mở rộng diện tích 2.000 m2 trồng rau thủy canh, chị cần tới 3 tỷ đồng tiền vốn đầu tư. “Không có vốn, không thể đầu tư công nghệ, không thể áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, vậy chúng tôi chẳng khác gì những người làm nông truyền thống trên những thửa ruộng cũ như trước đây”, chị Hoàn chia sẻ.
3 tỷ đồng là khoản chi phí lớn đối với một cơ sở sản xuất còn non trẻ và vốn chưa dày. Chị Hoàn tính tới chuyện vay ngân hàng để tiếp tục hiện thực hóa mô hình xà lách thủy canh. Tuy nhiên, dù “gõ cửa” nhiều ngân hàng nhưng chị đều thất bại vì không có tài sản thế chấp để vay số tiền lớn như thế. Đề xuất vay vốn của chị với gói tín dụng 50.000 tỷ của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ưu tiên cho phát triển nông nghiệp sạch cũng không gặp may mắn. Lý do là phần diện tích một ha làm trang trại rau an toàn mà chị định thế chấp là đất thuê 50 năm của địa phương; 20 ha còn lại lại là đất thuê của dân.
Video đang HOT
Theo chị Hoàn, muốn phát triển nông nghiệp hiện đại, người nông dân phải có vốn để đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ sản xuất. Ảnh: Rau sạch Song Hành.
Bước đầu gặp khó nhưng chị Hoàn vẫn không nản lòng. Sau khi bị các ngân hàng từ chối, chị xoay vốn bằng cách thế chấp nhà cửa và tài sản để vay mượn ngoài, đồng thời huy động thêm tài chính từ người thân, bạn bè. Có tiền trong tay, chị đầu tư mua sắm thiết bị cho vườn trại, trong đó, một số phải nhập từ Thái Lan. Hạt giống của các loại xà lách được chị mua từ một địa chỉ tin cậy tại Hà Nội.
Với mô hình này, toàn bộ xà lách được trồng trên giàn, với nguồn dinh dưỡng được chuyển trực tiếp qua nguồn nước. Theo chị Hoàn, so với các phương pháp canh tác khác, rau trồng thủy canh sẽ giảm sâu bệnh, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho rau cũng được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, do không sử dụng bất kỳ loại phân hóa học nào trong quá trình trồng nên rau thành phẩm luôn được đảm bảo an toàn.
Trồng 2.000 m2 xà lách thủy canh vào cuối năm 2016, dự kiến vào giữa tháng 3 năm nay, cơ sở sẽ tiến hành thu hoạch lứa rau thủy canh đầu tiên. Theo tính toán, sản lượng có thể đạt tới một tạ xà lách các loại mỗi ngày.
Hiện tại, trang thiết bị của vườn thủy canh đã được đầu tư đầy đủ, bài bản. Do vậy, thời gian tới, cơ sở cần sát sao hơn trong việc chọn hạt giống và vận hành đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản lượng đề ra.
Chị Hoàn cho biết, chị may mắn vì nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về vốn của người thân, bạn bè để có được trang trại ngày hôm nay. Theo chị, vốn đầu tư cũng là một bài toán nan giải, cản trở không ít ước mơ của người dân giữa bối cảnh nông nghiệp đòi hỏi công nghệ cao.
Theo Phong Vân (VNE)
Chi vài chục tỷ đồng trồng rau sạch ăn ngay tại vườn
Không chỉ cho phép người dùng ăn rau ngay tại vườn, chủ đầu tư còn lắp đặt hệ thống live camera tại các trang trại, nhà máy, cửa hàng để truyền hình ảnh trực tiếp 24/24 đến người tiêu dùng.
Ông Lương Trọng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp kỹ thuật Việt cho biết, ước mơ trồng rau sạch đã được ông ấp ủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng tới thời điểm này ông mới có khả năng thực hiện.
Đặc biệt, hiện nay thị trường tràn ngập thông tin về tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, dư lượng chất bảo quản vượt quá chỉ tiêu an toàn, ngộ độc thực phẩm... càng khiến ông mong muốn làm cho ra sản phẩm có thể ăn ngay tại vườn như cách mà người Nhật đã làm tại Đà Lạt.
Vườn rau sạch của ông Khoa tại Đà Lạt.
"Tôi cùng 3 người nữa trong Hội đồng quản trị của công ty quyết định góp vốn làm mô hình trồng rau sạch đạt tiêu chuẩn Global GAP để cung ứng cho thị trường. Veeteq Farm được thành lập dựa trên vốn góp của 4 cá nhân. Chúng tôi vận dụng thế mạnh công nghệ nông nghiệp tiên tiến và cam kết đầu tư dài hạn vào mô hình khép kín từ trang trại tới cửa hàng", ông Khoa nói và cho biết vì làm theo tiêu chuẩn Global Gap nên quá trình gieo trồng từ khâu lựa chọn hạt giống tới phương pháp gieo trồng tiên tiến giá thể và thuỷ canh rất kỹ càng nhằm kiểm soát dinh dưỡng, phòng ngừa cách ly mầm bệnh, khả năng theo dõi và truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch nhất. Sản phẩm sau thu hoạch đi qua dây chuyền sơ chế được thiết kế nhiều bước nhằm đảm bảo sản phẩm đầu ra ở cuối dây chuyền đạt chất lượng an toàn, có thể sử dụng ngay mà không cần rửa lại.
Ngoài ra, để chủ động khép kín mô hình cũng như kiểm soát tốt nhất chất lượng sản phẩm, công ty ông còn đầu tư phát triển kênh phân phối riêng với hệ thống chuỗi cửa hàng, website và hotline đặt hàng. Hơn thế nữa, với phương châm minh bạch hóa mọi thông tin vận hành, hệ thống live camera lắp đặt tại các trang trại, nhà máy, cửa hàng sẽ truyền hình ảnh trực tiếp 24/24 đến người tiêu dùng.
Rau, trái được trồng trong nhà màng và được chăm sóc kỹ càng nên khách có thể ăn ngay tại vườn.
"Với số vốn đầu tư ban đầu xấp xỉ 30 tỷ đồng, chúng tôi kỳ vọng mở 3 cửa hàng ở TP HCM trong năm nay, đồng thời, phân phối hàng cho các hệ thống nhà hàng khách sạn lớn. Ngoài ra, công ty còn kỳ vọng sẽ mở một chợ đầu mối chuyên cung cấp nông sản sạch trong tương lai. Nếu kế hoạch thuận lợi và được người tiêu dùng tin tưởng, sau 4 năm chúng tôi có thể hòa vốn", ông Khoa nói và cho biết, công ty đã có một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ (quận 10) với 450 mặt hàng rau củ, quả sạch. Ban đầu mỗi ngày đơn vị này đặt mục tiêu bán 2 tấn rau, củ, quả với mức giá cao hơn các loại rau trồng theo cách thông thường 10-40%.
Chia sẻ về vùng nguyên liệu, vị này cho hay công ty có hơn 30ha trên Đà Lạt và Củ Chi. Đa phần các vùng nguyên liệu này do doanh nghiệp kết hợp với các đơn vị chuyên sản xuất rau. Theo đó, phía Veeteq Farm sẽ cung cấp vốn, công nghệ, còn phía đơn vị chuyên sản xuất thì cung cấp đất trồng và kỹ thuật. Trong số 30ha trồng nông sản thì hơn 20ha đặt tại Đà Lạt, còn tại Củ Chi đa phần là các loại rau nhiệt đới và nhà xưởng sơ chế. Do vậy, toàn bộ sản phẩm tại nông trại Đà Lạt sẽ được vận chuyển bằng xe lạnh đến Củ Chi (TP HCM) sơ chế.
Theo Thi Hà (VnExpress)
Rau bồ ngót ở Ia Sol Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân ở xã Ia Sol (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã đầu tư trồng chuyên canh cây rau bồ ngót, loại cây dễ trồng và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Trung bình 1 ha rau bồ ngót đạt sản lượng 8-10 tấn, giá bán bình quân 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tấn....