Chỉ 3 giờ chăm sóc dế mỗi ngày, nông dân Kiếm lãi 1 triệu đồng/tuần
Từ một ổ dế mua của người bạn với giá 250.000 đồng, anh Cao Hoàng Kiếm (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã mày mò, học hỏi thực hiện mô hình nuôi dế thương phẩm chỉ với 50m2 đất. Mỗi ngày anh Kiếm bỏ ra 3 giờ để chăm sóc dế, anh thu lãi 1 triệu đồng/tuần.
Trao đổi với chúng tôi, anh Kiếm cho hay: Khoảng tháng 7.2016, tôi biết đến mô hình nuôi dế và mong muốn thực hiện để tăng thu nhập gia đình. Sau đó tôi tìm hiểu qua báo đài rồi dần tích lũy kiến thức. Ban đầu tôi chỉ mua từ người bạn 1 ổ dế với giá 250.000 đồng. Sau đó, từ ổ dế này nở ra hơn 100 con dế và bắt đầu nuôi dần đến nay.
Dế dễ nuôi lại cho thu nhập khá.
Bắt tay vào thực hiện mô hình, anh Kiếm tự làm các thùng nuôi bằng vật liệu dễ tìm, với khoản đầu tư ban đầu chỉ 4 triệu đồng. Ngoài tự làm thùng nuôi, anh Kiếm tận dụng những thùng xốp cũ, bên trong lót các vỉ giấy tạo thành ổ cho dế trú ngụ.
Theo anh Kiếm, vòng đời của một con dế chỉ khoảng 60 ngày, từ lúc nở đến lúc sinh sản là khoảng 40 ngày. Khi dế đạt độ tuổi phù hợp, mình lựa chọn những đàn dế khỏe mạnh, đẹp để ra thùng riêng, sau đó chăm sóc để dế đẻ trứng. Sau khi dế đẻ 24 giờ thì lấy ổ trứng để ra thùng xốp. Sau khoảng từ 7-10 ngày chăm sóc, trứng bắt đầu nở, từ lúc nở đến lúc bán (dế sữa) là 30 ngày.
Hiện mỗi tuần anh Kiếm xuất ra khoảng 20kg, thu lãi khoảng 1 triệu đồng.
Video đang HOT
Anh Kiếm chọn nuôi dế Thái vì loại dế này thích nghi với điều kiện tại địa phương và ít hao hụt. Anh chia sẻ: “Nuôi dế không tốn nhiều công chăm sóc và không cần nhiều diện tích. Bên cạnh đó, dế là loài ăn tạp, nguồn thức ăn của dế dễ tìm, thức ăn chính là thức ăn dành cho gà, ngoài ra có thể bổ sung thêm đọt lá khoai mì, củ sắn để dế nhanh lột xác”.
Thức ăn cho dế dễ kiếm, lại nhẹ công chăm sóc.
Trung bình mỗi kg dế khoảng 1.000 con, có giá khoảng 100.000 đồng, mỗi ổ dế nếu phát triển tốt sẽ cho ra khoảng 10kg dế con. Hiện nay, với diện tích nuôi chỉ khoảng 50m2, anh Kiếm có khoảng 35 thùng dế, có khoảng 1 triệu con dế mỗi tháng.
“Mỗi ngày tôi chỉ bỏ ra khoảng 3 giờ đế chăm sóc dế, mỗi tuần xuất bán 2 lần, khoảng 20kg dế, trừ các khoản chi phí tôi lãi khoảng 1 triệu đồng/tuần. Dế sữa được bán cho các cửa hàng nuôi chim cảnh hoặc quán câu cá ở TP.Cà Mau và huyện Thới Bình, lượng hàng hiện có chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong tương lai tôi sẽ mở rộng mô hình vì tiềm năng tiêu thụ còn khá lớn” – anh Kiếm bộc bạch.
Anh Kiếm chăm sóc đàn dế.
Nhờ mô hình nuôi dế đạt hiệu quả đã giúp cho kinh tế gia đình anh Kiếm ổn định, không còn phụ thuộc vào vuông tôm. Từ đó, anh yên tâm theo đuổi con đường học tập của mình. Hiện tại, anh Kiếm đang học lớp Quản lý Văn hoá tại trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau.
Theo Danviet
Đến lạ: Bỏ chức Trưởng phòng lương 20 triệu về chăn...đàn dế
Tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh-Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phạm Duy Phong, chàng trai sinh năm 1983 đã có hơn 5 năm làm việc ở Sài Gòn và lên đến vị trí Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty Hàn Quốc chuyên về máy móc tự động hóa với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng. Song vì lý do gia đình, Phong đã quyết định về lại Gia Lai khởi nghiệp từ việc...nuôi dế.
Sinh ra tại Hải Phòng, năm 1984, khi Phong vừa tròn 1 tuổi thì gia đình anh vào Tây Nguyên lập nghiệp và Ayun Pa là mảnh đất được chọn làm quê hương thứ 2. Tốt nghiệp THPT rồi tốt nghiệp đại học, Phong ở lại làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Anh Phong bên trại dế của mình. Ảnh: H.Đ.T
Yêu và lập gia đình với một cô gái ở huyện Đak Đoa, Phong bắt đầu nghĩ đến việc về quê làm lại từ đầu, bởi ở thành phố lớn tuy mức lương cao nhưng chi phí đắt đỏ thì cũng chẳng còn dư dả bao nhiêu. Năm 2011, Phong về xin việc tại cửa hàng Honda Đức Dung-Chi nhánh huyện Đak Đoa. Thấy thu nhập không đủ chi phí cho gia đình, Phong quyết định sẽ làm thêm gì đó để cải thiện.
Sau một thời gian tìm hiểu ở địa phương và qua internet, thấy mô hình nuôi dế Thái ở địa phương chưa phát triển, anh tìm hiểu cách nuôi và bắt đầu thử nghiệm. Lúc đầu Phong lấy giống ở Hà Nội, tuy nhiên do điều kiện khí hậu không phù hợp và chưa có kinh nghiệm nên 2 năm đầu anh nuôi đâu... chết đó.
Không nản lòng, với quyết tâm phải làm bằng được, anh gặp gỡ các bậc "tiền bối" trong nghề nuôi dế Thái để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tìm hiểu qua mạng xã hội. Nhờ vậy, đến nay trại dế của Phong (206 Trần Phú, huyện Đak Đoa) đã trở thành một trong những trại dế lớn nhất tỉnh.
Ngoài niềm đam mê, Phạm Duy Phong chia sẻ: Bí quyết thành công của anh nằm ở sự kỳ công trong việc hoàn thiện quy trình chăm sóc từng loại dế. Để dế phát triển tốt, ngoài việc tạo ra môi trường nuôi gần giống với tự nhiên, anh còn đa dạng hóa nguồn thức ăn (chủ yếu là rau, cỏ). Sau khi tách đàn, mật độ dế nuôi trong chuồng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với quá trình tăng trọng của từng loại. Với sự kỳ công ấy, dế phát triển nhanh và ít bị bệnh.
Nuôi dế-mô hình được nhiều người lựa chọn, trong đó có chàng trai Phạm Duy Phong. Ảnh: Hữu Danh.
Phong cho biết, để nuôi dế, vốn ban đầu chỉ cần khoảng vài triệu đồng đầu tư mua con giống và dụng cụ nuôi. Sau đó, người nuôi sẽ tự tạo giống bằng cách cho dế đẻ trứng và để trứng tự nở. "Dế Thái rất dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn có thể tận dụng được ngay trong vườn nhà hoặc mua thì cũng giá rất rẻ vì dế chỉ ăn cám gạo, cám bắp và các loại rau. Trừ khi thời tiết quá lạnh thì dế sinh trưởng chậm, còn lại cứ 2 tháng là có thể cho xuất chuồng"-anh Phong chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện anh chàng 8X này đang đầu tư xây dựng trại dế của mình với diện tích 100 m2, có hệ thống làm mát và ánh sáng phù hợp với điều kiện sinh sản của dế. Hàng tháng, Phong xuất khoảng 50 thùng dế với đầu ra rất ổn định, chủ yếu là xuất ra các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An...
Theo tính toán của Phong, mỗi thùng dế có giá xuất là 1 triệu đồng, mỗi năm trại dế của anh xuất khoảng 600 thùng, trừ chi phí cho mỗi thùng dế sau khi xuất khoảng 30%, như vậy bình quân mỗi năm trại dế đã mang về cho anh nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng. Hiện nay trại dế Duy Phong cung cấp giống cho cả nước, ngoài ra anh còn bao tiêu sản phẩm giúp người nuôi dế trên địa bàn tỉnh có đầu ra cũng như làm công tác hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con.
Kinh nghiệm khởi nghiệp của PHẠM DUY PHONG: Thất bại cũng là thứ kinh nghiệm rất đáng quý.* Không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức.* Hãy khởi nghiệp ngay tại quê hương mình.
Theo Hà Đức Thành (Báo Gia Lai)
"Hoa hậu quý bà" bán nhà phố về ngoại thành nuôi, trồng như nông dân Vì đam mê nông nghiệp sạch, chị Nguyễn Thị Thu Hường, ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) từng bị cả gia đình "từ mặt" khi dám bán đi căn nhà biệt thự tại trung tâm Sài Gòn, dồn tiền chỉ để về ngoại thành lọ mọ chăn dê, chăn bò, trồn nấm...như nông dân. Giấc mơ làm nông...