‘Chi 150 tỷ lấy nước sông Hồng làm sạch Tô Lịch khác nào trò chơi’
Theo chuyên gia, việc lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch có thể làm được nhưng không mang tính chất khoa học và căn cơ, giải pháp chỉ như một trò chơi.
Về đề xuất chi 150 tỷ đồng lấy nước sông Hồng làm sạch hồ Tây và sông Tô Lịch, theo Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng, nếu được TP chấp thuận, công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm công suất 156.000 m3/h, dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào hồ Tây.
Khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ qua 2 cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.
Ông Hùng lý giải, việc phải bổ cập nước hồ Tây vào sông Tô Lịch giải quyết cho vấn đề hồ Tây vào mùa khô nước cạn kiệt, gây ra ô nhiễm. Việc bổ cập nước cho hồ Tây là hết sức cần thiết. Nguồn nước từ nước mặt sông Hồng dễ xử lý và tiết kiệm chi phí.
Hà Nội định chi 150 tỷ lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch
Ông cho biết, trước đây có đề xuất lấy nước sông Nhuệ làm sạch sông Tô Lịch, tuy nhiên phương án này chỉ giúp cải thiện môi trường của sông mà không điều tiết được mực nước hồ Tây nên không tối ưu.
Lãnh đạo công ty Thoát nước nêu, hiện nay không bổ cập thì nước thải vẫn thường xuyên chảy xuống hạ lưu. Hà Nội đã làm việc với các tỉnh yêu cầu đóng cửa đập, dùng bơm để hạn chế tối đa nước thải đưa xuống Hà Nam qua sông Nhuệ.
“Bổ cập nước đương nhiên nước thải được pha loãng, đỡ hơn không được pha loãng”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay TP đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hệ thống tách nước thải ra khỏi dòng sông Tô Lịch. Khi hệ thống xử lý nước thải này hoàn thành, tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch sẽ được giải quyết.
Tốn kém
Video đang HOT
GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi bày tỏ đồng tình với giải pháp được công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra.
Theo ông, hiện nay tất cả các ý kiến đều có một điểm chung cho rằng phải có nước sông cho vào sông Tô Lịch để giảm bớt ô nhiễm. Với nguồn nước hồ Tây thì không đủ vì nó chỉ được xả khi nước hồ dâng cao.
Ông đưa ra lưu ý, sông Hồng là sông cổ, luôn luôn biến đổi dòng nên dễ bị bồi lấp hoặc xói lở, vì vậy vị trí chọn xây dựng trạm bơm cần ổn định, ít bị thay đổi, tránh việc xây dựng chỉ khoảng 3 năm lại phải thay đổi thì rất tốn chi phí.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi chia sẻ với nhiều ý kiến băn khoăn rằng nếu chỉ lấy nước sông Hồng vào thì sẽ đẩy ô nhiễm xuống sông Nhuệ, từ sông Nhuệ ra sông Đáy rồi trở lại chính sông Hồng.
Để giải quyết vấn đề trên, theo GS Hồng, trước tiên phải nạo vét sông Tô Lịch và Hà Nội phải tìm một khu nào đó để chôn lấp số bùn đó, vì bùn này không phải chất độc hay phóng xạ nên không quá lo ngại.
Sau khi nạo vét bùn thì mới cho nước vào sông Tô Lịch. Tất cả các họng ống xả phải được xử lý, nối về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoặc có thể xử lý nước thải tại chỗ.
PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, giải pháp này có thể làm được nhưng không mang tính chất khoa học và căn cơ.
“Tôi không muốn ủng hộ, cũng không thích giải pháp này. Tôi muốn giải pháp triệt để và căn cơ hơn chứ không thể hôm nay thế này, hôm sau thế kia, tốn tiền thuế của dân”, ông Côn nêu quan điểm.
Ông Côn đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng phương án này chỉ giống như pha loãng nước thải tại vị trí đó và đẩy chất thải xuống hạ lưu.
“Tất cả giải pháp đó như một trò chơi”, ông Côn nói.
Hiến kế làm sạch sông Tô Lịch, PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, thứ nhất là không xả nước thải vào sông nữa; thứ hai là phải giữ mực nước sông từ 1-1,5m thì lúc đó nó tự làm sạch.
Đồng thời nguồn nước thải ra sông có độ ô nhiễm không vượt quá ngưỡng tự làm sạch của con sông thì tự nhiên sông sẽ sống lại. Khi đó nó có thể trở thành đường giao thông, thành nơi ngắm cảnh.
Hương Quỳnh
Theo vietnamnet
Yêu cầu phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố đề nghị phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Nước sông Nhuệ đen như mực. (Ảnh: P.V/Vietnam )
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, gần đây, môi trường nước lưu vực sông Nhuệ-Đáy liên tục bị ô nhiễm, thậm chí có xu hướng gia tăng mức độ ô nhiễm đối với một số thông số, không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường trong năm 2018, cho thấy, có đến 57% cơ sở qua thanh tra đã bị xử phạt. Trong đó, xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải là hành vi vi phạm phổ biến nhất.
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy là do nước thải chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Các cụm công nghiệp đã và đang xây dựng trạm xử lý tập trung chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 30%), trong khi nước thải làng nghề cơ bản không được thu gom và xử lý.
Theo Tổng cục Môi trường, nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất là nước thải sinh hoạt, chiếm tỷ lệ lên tới 70% tổng lượng nước thải vào lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy nhưng không được thu gom, xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận.
Một trong những nguyên nhân cơ bản khác gây ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ-Đáy là dòng chảy trên sông không đáp ứng được khả năng tự làm sạch chất ô nhiễm, đặc biệt là đối với sông Nhuệ. Việc lấy nước chỉ thực hiện được trong các đợt các hồ chứa phía thượng lưu xả theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Các ngày còn lại trong tháng 11 đến tháng 5 năm sau hầu như phải đóng cống để tránh chảy ngược nước từ trong hệ thống ra sông Hồng.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc khai thác cát cũng diễn ra gần khu vực lấy nước của cống, dẫn đến tình trạng hạ thấp lòng dẫn, suy giảm mực nước sông Hồng, gây ảnh hưởng đến việc lấy nước trong mùa cạn của cống.
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, đồng thời cải thiện chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, đảm bảo đáp ứng cho mục đích sử dụng theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trong lưu vực, đề nghị cùng phối hợp xử lý ô nhiễm.
Sông Tô Lịch. (Ảnh: P.V/Vietnam )
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, và các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có lưu lượng xả thải lớn ra lưu vực sông.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị có biện pháp chặt chẽ kiểm soát nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, mương tưới tiêu thủy lợi trên lưu vực sông; phối hợp đẩy mạnh công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào các công trình thủy lợi thuộc lưu vực sông Nhuệ-Đáy, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm, nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng ngừa ô nhiễm...
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án cải thiện nguồn nước sông Nhuệ-Đáy, các dự án xử lý nước thải, dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; chỉ đạo việc vận hành các nhà máy xử lý nước thải, các công trình điều tiết nguồn nước hiện hữu nhằm đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm nước.
Đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường sông Tô Lịch, chất lượng các hồ trên địa bàn, đặc biệt là các hồ nội đô; quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn; chấm dứt và xử lý nghiêm tình trạng thải chất thải rắn bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả nước thải và chất lượng nước sông Nhuệ, sông Đáy trước khi chảy vào địa bàn các tỉnh phía hạ lưu.
Đối với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn, đặc biệt là những nguồn xả thải lớn (trên 200 m3/ngày đêm), xả thải trực tiếp ra lưu vực sông; tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung...
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh trong lưu vực sông Nhuệ-Đáy phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào các công trình thủy lợi và công tác hậu kiểm nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa ô nhiễm; đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động trên hệ thống sông Đáy../.
Theo Hùng Võ (Vietnam )
Đề xuất bơm nước để đi thuyền trên sông Tô Lịch Công ty Thoát Nước Hà Nội vừa trình thành phố phương án tạo sông Tô Lịch. Theo đó, một "siêu" trạm bơm ngầm được đặt trong lòng đất để bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, sau đó tạo dòng chảy xuôi cho sông Tô Lịch. Khi có dòng chảy, sông Tô Lịch không những được hồi sinh mà còn có thể...