Chênh lệch trên 37 lần, thoát lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc có dễ?
Thừa nhận thực tế chênh lệch quá lớn trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc, song Viện Chiến lược phát triển vẫn lạc quan, “chẳng có lý do gì để không vượt qua được những khó khăn do trục trặc trong hệ kinh tế do Trung Quốc gây ra”.
Theo kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 (dự kiến diễn ra tại Ninh Bình trong hai ngày 27-28/9), PGS.TS Bùi Tất Thắng (Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển) và Chuyên gia Bùi Trinh (từ Tổng cục Thống kê) sẽ góp các phần tham luận quan trọng đánh giá nhân tố Trung Quốc với nền kinh tế Việt Nam.
Ông Bùi Trinh dẫn đề: Gần đây, nhiều ý kiến lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tổn thương nếu quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng hơn do sự hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nhập khẩu, từ 16% năm 2005 đến năm 2012 tăng hơn 25%; nếu tính cả Đài Loan và đặc khu hành chính Hồng Kông thì tỷ trọng nhập khẩu từ khối này lên tới 34% trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu. Theo tính toán của Viện Nghiên cưu Quản lý kinh tế TW, tới 60% nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên vật liệu cho sản xuất, hơn 30% là máy móc thiết bị và gần 10% cho tiêu dùng cuối cùng.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam năm cao nhất cũng chưa đầy 0,7% giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong khi giá trị xuất khẩu hàng Trung Quốc trên tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam lên tới trên 25%
Bàn về vấn đề này, TS.Bùi Tất Thắng cho rằng, gói gọn lại, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, có 3 đặc điểm lớn. Một là, hiện tại Việt Nam là nước nhập siêu với giá trị lớn (năm 2013 là 23,7 tỷ USD). Hai là, đối với một số lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu của Việt Nam đang phải phụ thuộc nhiều vào máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu đầu vào và công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Video đang HOT
Ba là, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ các loại giá trị lớn như thiết bị điện, đồ dùng gia đình… cho đến các loại đồ dùng thông dụng như thực phẩm, đồ da, túi xách, đồ may mặc, văn phòng phẩm, các sản phẩm của đời sống tinh thần, tâm linh, đồ chơi trẻ em… vẫn thấy đủ các loại sản phẩm của Trung Quốc với khối lượng lớn.
Theo phân tích của Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc, tương quan vị thế rất khác nhau.
Nếu như mức độ ảnh hưởng của xuất – nhập khẩu của Trung Quốc đối với tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam rất lớn, thì mức ảnh hưởng của xuất – nhập khẩu của Việt Nam đối với tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của Trung Quốc lại rất nhỏ. Hàng xuất khẩu của Việt Nam năm cao nhất cũng chưa đầy 0,7% giá trị nhập khẩu của Trung Quốc so với mức trên 25% của giá trị xuất khẩu hàng Trung Quốc trên tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam (mức chênh lệch lên tới trên 37 lần).
Phân tích nguyên nhân tình trạng nhập siêu từ thị trường này, ông Thắng cho rằng, “cái gọi là sản phẩm chủ chốt của các loại công nghiệp phụ trợ cho nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà Việt Nam thiếu vắng thì hầu như được “bù đắp” bởi hàng công nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc”
Cụ thể, đó các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên phụ liệu… để tạo ra rất nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, như hàng dệt may, giầy dép, đồ điện tử gia dụng… Hơn nữa, trên thị trường Việt Nam đâu đâu cũng có thể tìm ra những sản phẩm công nghiệp phục vụ đời sống thường ngày của nền công nghiệp đang được coi là “đại công xưởng” của thế giới với chất lượng chấp nhận được, mẫu mã phong phú, tiện dụng và nhất là giá cả phải chăng.
Ngay cả trong lĩnh vực nông nghiệp thì Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu một phần giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc.
“Vậy là, tuy trình độ công nghệ không phải loại tiên tiến nhất thế giới (nhưng cao hơn hẳn trình độ công nghiệp của nền công nghiệp bản địa Việt Nam), cơ cấu kinh tế và sản phẩm cơ bản không khác nhau nhiều, nhưng do nắm được những bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị của mỗi loại sản phẩm, sản xuất công nghiệp Việt Nam “sống nhờ” nhiều hơn vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu trung gian, đã qua chế biến… từ Trung Quốc” – Viện trưởng Thắng nhận xét. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu theo chiều ngược lại (Việt Nam xuất sang Trung Quốc), hầu hết đều là sản phẩm nguyên liệu thô, không có khả năng ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất.
Ngoài ra, trong số một loạt các nguyên nhân dẫn tới nhập siêu lớn từ Trung Quốc được TS.Thắng chỉ ra còn phải kể đến hoạt động buôn bán tiểu ngạch qua biên giới, cách thức tiếp thị, cách thức làm thương mại…
Việt Nam có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc dài gần 1.450 km, trong đó phía Việt Nam là 7 tỉnh và phía Trung Quốc là 2 tỉnh, với 9 cặp cửa khẩu. Những tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc của Việt Nam đều là những địa điểm tiến hành buôn bán tiểu ngạch, trao đổi các loại hàng hóa.
TS. Bùi Tất Thắng (ảnh: VCCI)
“Chẳng có lý do gì để không vượt qua”
Liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, PGS.TS Bùi Tất Thắng nhấn mạnh, đây là hành động có chủ ý, có tính toán, nằm trong chuỗi các hoạt động xâm lấn Biển Đông.
Trước đó, Trung Quốc đã từng cắt cáp tàu Viking II (6/2011) và tàu Bình Minh 02 (12/2012). Vì vậy, có thể nhận định chung rằng, sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sẽ là một thời kỳ quan hệ phức tạp, đấu tranh và hợp tác trong căng thẳng, khác hẳn giai đoạn “bình thường hóa” quan hệ từ 1991 đến nay, cho dù vẫn mang danh nghĩa “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.
Mặc dù vậy, đại diện Viện Chiến lược Phát triển vẫn cho rằng, “chẳng có lý do gì để không vượt qua được những khó khăn do trục trặc trong hệ kinh tế do Trung Quốc gây ra”.
Để lý giải cho nhận định này, vị chuyên gia lật lại vấn đề: Trong mọi lĩnh vực quan hệ kinh tế với Trung Quốc đều cho thấy tính hai mặt rõ rệt. Chẳng hạn, nếu khối lượng buôn bán suy giảm, nhiều loại máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu cho sản xuất của Việt Nam sẽ không được cung cấp từ Trung Quốc, không lẽ các doanh nghiệp không tái cơ cấu (đành rằng không dễ) để tồn tại và phát triển? Và có thể vì vậy mà nhập siêu từ Trung Quốc sẽ giảm!
Còn về FDI của Trung Quốc, với mức đã giải ngân khoảng 2 tỷ USD so với tổng mức FDI đã giải ngân gần 100 tỷ USD, chỉ chiếm 2%, cũng không phải có ảnh hưởng lớn. Mức độ ảnh hưởng của suy giảm khách du lịch từ Trung Quốc cũng tương tự như vậy. Tất nhiên, với từng doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng lớn – nhỏ còn tùy thuộc vào mức độ và quy mô quan hệ kinh doanh trực tiếp với Trung Quốc.
GS.TS Bùi Tất Thắng dẫn số liệu thống kê cho biết, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam không thuộc loại lớn. Tính đến hết tháng 12/2013, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam gần 1.000 dự án với gần 6 tỷ USD vốn đăng ký, đứng thứ 9/100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Số vốn đã giải ngân khoảng gần 1/3 số vốn đăng ký. Về quy mô vốn đầu tư bình quân trên 1 dự án, các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam thuộc loại nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/2 mức bình quân chung (7,1 USD/1 dự án so với gần 15 USD/1 dự án). Phần lớn FDI của Trung Quốc được đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp và trải rộng trên địa bàn của 55/63 tỉnh/thành phố trên cả nước, tạo ra khoảng 100 ngàn chỗ làm việc trực tiếp. Phần đầu tư gián tiếp chính thức của Trung Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam quy mô còn nhỏ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam mới có 13 dự án đầu tư sang Trung Quốc với 16 triệu USD.
Bích Diệp
Theo dantri