Chế tạo thêm tàu ngầm hạt nhân, Mỹ có sai lầm?
Hải quân Mỹ từ lâu đã “đóng đinh” với quan điểm “hạt nhân là tốt hơn”. Tuy nhiên, trên thực tế, có phải tàu ngầm hạt nhân tốt hơn tàu ngầm diesel-điện?
Website của The Motley Fool, công ty dịch vụ tài chính đa phương tiện tại Mỹ, đăng tải một bài viết đặt vấn đề: Trong bối cảnh hiện nay, việc Mỹ chế tạo thêm tàu ngầm tấn công hạt nhân có phải là một bước đi sai lầm? Liệu Mỹ có nên chuyển hướng đóng tàu ngầm diesel-điện hay không?
Dưới đây là nội dung bài viết:
Khi nói đến công nghệ quân sự, đặc biệt là công nghệ hải quân, phần lớn người ta đều nhất trí rằng “Tương lai là hạt nhân”. Những tàu sân bay tiên tiến nhất trên thế giới đều do người Mỹ nắm giữ và chúng được chạy bằng năng lượng hạt nhân. Những chiếc tàu ngầm nhanh và uy lực nhất là những tàu hạt nhân do các nhà thầu quốc phòng của Mỹ như General Dynamics và Huntington Ingalls chế tạo.
Hiện tại, Hải quân Mỹ sở hữu 72 tàu ngầm đang hoạt động và tất cả số này đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo sau Mỹ, Hải quân Nga, Pháp, Anh và thậm chí cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng lựa chọn gia tăng số lượng tàu ngầm hạt nhân cho hạm đội của mình. Liệu có phải tàu ngầm hạt nhân tiên tiến hơn so với những thế hệ tàu ngầm chạy bằng diesel-điện trước đó?
Trên thực tế, ngày càng có nhiều hải quân nước ngoài đi đến kết luận rằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là con đường sai lầm, và có tin hay không, năng lượng diesel mới là “tương lai”.
Video đang HOT
Hãy lấy Úc làm một ví dụ. Hồi đầu tháng này, Úc đã ký kết một thỏa thuận với Nhật Bản, trong đó hai quốc gia sẽ hợp tác phát triển một lớp tàu ngầm tàng hình mới chạy bằng động cơ diesel-điện. Sử dụng các hệ thống đẩy không khí độc lập AIP tương tự như các hệ thống được Nhật Bản phát triển để trang bị cho các tàu ngầm lớp Soryu, Úc dự định thay thế hạm đội 6 chiếc tàu ngầm đã cũ lớp Collin bằng khoảng 12 chiếc tàu ngầm mới.
Tàu ngầm JS Hakuryu (SS-503) lớp Soryu của Nhật Bản
Lớn hơn các tàu ngầm Collin, tàu ngầm mới của Úc có khả năng trang bị nhiều vũ khí, từ tên lửa hành trình tới các phương tiện không người lái hoạt động dưới nước để sử dụng cho lực lượng tác chiến đặc biệt. Theo trang tin DefenseNews, điều này sẽ tăng cường đáng kể năng lực của Úc trong khu vực. Úc hi vọng sẽ sở hữu các tàu ngầm mới vào trước năm 2030 và đã dành ra khoản ngân sách 33 tỷ USD cho dự án này.
Mặc dù 33 tỷ USD là một số tiền lớn nhưng may mắn cho Úc, dự án trên có thể chỉ tiêu tốn một phần ngân sách chi ra.
Mỹ đã phải bỏ ra 2,7 tỷ USD để hãng đóng tàu General Dynamics hoặc Huntington Ingalls chế tạo một tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh lớp Virginia. Và như vậy, nếu chế tạo 12 chiếc thì khoản chi phí sẽ là 32,4 tỷ USD, tương đương với khoản tiền Úc đã quyết định bỏ ra. Tuy nhiên, các tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản mà Úc có thể dựa vào đó để thiết kế các tàu ngầm mới có giá chỉ 540 triệu USD/chiếc, tương đương với khoảng 20% chi phí của một tàu ngầm hạt nhân mới. Với lượng giãn nước 3.000 tấn, tàu Soryu có kích thước chỉ bằng một nửa tàu ngầm lớp Virginia. Nếu so sánh về mặt này, Úc vẫn đạt được một thương vụ có lợi.
Với Mỹ, các tàu ngầm diesel-điện có phải là một bước đi có lợi?
Lầu Năm Góc đã nhiều lần phải lắng nghe câu hỏi này. Với áp lực cắt giảm ngân sách, triển vọng thay thế một số tàu ngầm hạt nhân cũ với các tàu ngầm diesel-điện hiện đại có chí phí chỉ bằng 20% cũng rất đáng quan tâm.
Nhiều nhà chiến lược Hải quân cho rằng tàu ngầm diesel-điện không chỉ ít tốn kém hơn tàu ngầm hạt nhân mà khi được trang bị hệ thống AIP, chúng có thể vượt trội hơn các tàu ngầm hạt nhân ở khía cạnh “tàng hình”, đặc biệt là rất khó bị phát hiện trong những vùng biển nông duyên hải (ví dụ như ven biển Triều Tiên, Trung Quốc và Iran). Ngoài ra, với tầm hoạt động được tăng cường, chúng có thể di chuyển yên tĩnh dưới nước trong thời gian một tuần trong một lần triển khai.
Những lập luận như trên mang lại rất nhiều ý nghĩa đối với các nhà chiến thuật Hải quân. Nó cũng đáng quan tâm đối với những người dân phải nộp thuế và lo ngại về quy mô ngân sách quốc phòng ngày càng tăng của Mỹ, đồng thời cũng có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư. Nước Mỹ chưa từng chế tạo một tàu ngầm diesel-điện mới nào trong vòng 55 năm qua và đã có rất nhiều biến đổi được tạo ra trong hơn một nửa thế kỷ đó.
USS Barbel (SS-580), tàu ngầm diesel-điện hàng đầu do Mỹ chế tạo
Qua thời gian, lực lượng Hải quân hạt nhân của Mỹ đã “đóng đinh” với quan điểm “hạt nhân là tốt hơn”, tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường quốc phòng tại công ty phân tích hàng hải AMI International nhận định rằng có một thị trường với 300 tàu ngầm diesel-điện mới đang chờ được chế tạo trong vòng 20 năm tới đây, trong đó có 100 chiếc được chế tạo ở các thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Với chi phí khoảng 540 triệu USD/chiếc thì chi phí cho 300 chiếc vào khoảng 162 tỷ USD.
Nếu như vậy, các hãng đóng tàu ngầm của Mỹ như General Dynamics và Huntington Ingall sẽ để tuột mất rất nhiều tiền vào tay các hãng nhỏ hơn như ThyssenKrupp, DCNS và Mitsubishi Heavy, đây là những hãng chuyên chế tạo tàu ngầm diesel-điện. Đó là chưa kể đến khoản tiền hàng tỷ USD mà họ có thể kiếm được thông qua việc chế tạo các tàu ngầm diesel-điện cho Hải quân Mỹ nếu như Mỹ quyết định thay đổi quan điểm về hạt nhân của mình.
Đã có thời điểm nước Mỹ rất giỏi trong việc chế tạo các tàu ngầm diesel-điện. Vậy trong bối cảnh hiện nay, liệu Mỹ có cần cân nhắc lại ý tưởng này một cách nghiêm túc?
* The Motley Fool là công ty dịch vụ tài chính đa phương tiện được thành lập từ năm 1993 tại Alexandria, bang Virginia, Mỹ. Với hàng triệu lượt người ủng hộ mỗi tháng thông qua website và các xuất bản phẩm cũng như dịch vụ cung cấp bản tin tài chính khác, công ty này ngày càng chứng tỏ được uy tín của mình với tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước Mỹ.
Theo Tri Thức