[Chế biến] – Lẩu riêu cua bắp bê ngon mê người
Trời lạnh mà được thưởng thức nồi lẩu cua bắp bê nóng hổi, hấp dẫn thế này thật tuyệt!
Để có một nồi lẩu ngon cần có bí quyết chế biến nước dùng, lựa chọn nguyên liệu và cả cách trang trí bắt mắt nữa. Về cơ bản, cách làm lẩu riêu cua bắp bê cũng gần như với lẩu riêu cua bắp bò, chị em hãy tham khảo cách nhé.
Nguyên liệu: (cho 6 người ăn)
- Xương cục: 1kg
- Cua đồng: 1kg
- Bắp bê: 1kg (chọn bắp hoa thịt mềm và bì giòn)
- Đậu phụ: 5 bìa – 10 bìa
- Mẻ, dấm bỗng hoặc me chua, quả dọc: tùy khẩu vị.
- Mắm tôm: 1 muỗng nhỏ (có thể bỏ qua nếu bạn không thích), nhưng mắm tôm và dấm bỗng cùng với mẻ làm nên mùi vị rất đặc trưng cho món lẩu riêu cua, khiến cho nước lẩu đậm đà, vị chua ngọt thanh hơn. Nếu nêm mắm tôm thì phải nêm lúc chưa nấu.
- Cà chua: 5 quả thái miếng cau. Gọt một số quả lấy vỏ để làm hoa trang trí.
- Rau sống và rau để nhúng: hoa chuối, thân chuối non, xà lách, mùi tàu, hành lá, tía tô, kinh giới, giá đỗ, chanh, ớt…Thêm ít rau muống nhỏ ngọn để nguyên hoặc chẻ nhỏ, rau mồng tơi hoặc các loại rau khác tùy theo sở thích. Nhưng rau muống và mồng tơi là hợp vị nhất.
- Bún sợi nhỏ/ miến dong hoặc bánh đa đỏ.
- Gia vị chanh, ớt hoặc xì dầu, nước mắm để chấm thêm.
Cách làm:
I. LÀM NƯỚC DÙNG
- Xương cục ninh nhừ lấy nước trong làm nước dùng.
- Cua làm sạch, cho vào một chút muối giã nhuyễn hoặc xay bằng máy xay sinh tố rồi lọc lấy nước, gạch cua khều riêng ra một bát nhỏ. Nêm một muỗng nhỏ mắm tôm và gia vị vào nồi nước cua bắc lên bếp, khuấy nhẹ đều tay cho đến khi gạch cua nổi lên và canh sôi hẳn thì vặn nhỏ lửa. Dùng muôi gạt hết riêu cua vào cạnh nồi cho kết lại thảnh từng mảng rồi tắt bếp. Bạn có thể vớt riêu cua ra một cái bát để chế vào nồi lẩu sau hoặc để ăn đến đâu thả dần vào nồi nước lẩu đến đó cho riêu khỏi bị vỡ.
- Cho dầu ăn vào chảo, phi hành khô băm nhỏ cho thơm vàng, cho gạch cua vào xào chín cùng một xíu nước mắm rồi trút ra bát. Tiếp tục cho cà chua thái miếng cau vào xào chín tới, không nên xào chín và nát quá cho đẹp mắt.
- Mẻ đã ngấu lọc lấy nước để vào một bát con, có thể dùng quả dọc hoặc quả me thay thế.
Video đang HOT
- Chế nước canh cua và nước xương ninh vào nồi lẩu cùng với cà chua đã xào chín. Cho mẻ vào, nêm thêm dấm bỗng rồi đun sôi, nêm lại gia vị cho vừa ăn, tiếp tục thả riêu cua vào, rưới gạch cua lên riêu cua cho dậy màu.
II. SƠ CHẾ MÓN ĂN
- Bắp bê thái mỏng bày ra đĩa. Trước khi thái cho thịt bê vào ngăn đá khoảng 30 phút thái sẽ dễ dàng hơn và trình bày cũng đẹp mắt hơn.
- Đậu khuôn cắt miếng nhỏ rán vàng, bày ra đĩa.
- Rau sống rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng rồi vớt ra rổ để ráo nước, khi ăn bày ra đĩa. Hoa chuối thái nhỏ cùng các loại rau khác dùng để nhúng dần trong khi ăn.
- Khi ăn thả thêm chút hành lá, gốc hành hoặc củ hành tươi cắt lát mỏng, một ít đậu đã rán vàng sẽ được nổi lẩu thật sinh động.
- Nhúng thịt bê ăn kèm với bún và các loại rau thơm, rau sống, rất tuyệt!
- Cho cà chua vào cho màu lẩu đẹp hơn.
III. CÁCH TRANG TRÍ MÓN ĂN VỚI GỐC CẢI CHÍP
- Rau cải chip chọn cây to đều nhau, gốc tròn và không bị dập, lá rau xanh và không bị rách, thủng.
- Dùng dao cắt rời phần gốc chừng 3cm, ngâm cả rau và gốc vào chậu nước, để riêng phần gốc ra một góc.
Cầm từng “bông hoa” xả trực tiếp dưới vòi nước, dùng ngón tay út khẽ lách vào từng khe để lau cho sạch rồi vẩy cho hoa ráo nước.
Xếp phần bẹ cải chip vòng quanh vào một chiếc đĩa sâu lòng hoặc rá nhỏ bằng inox, rồi xếp xen kẽ những bông hoa lên, kết hợp thêm ít bông hoa làm từ vỏ cà chua cho thêm phần sinh động.
Cũng có thể xếp “hoa cải chip” lên đĩa thịt trang trí cho đẹp.
Chúc các bạn và gia đình có bữa lẩu cua bắp bê thật ngon miệng nhé!
Theo Xuna Nguyen
Khám phá
[Chế biến] - Thịt chân giò nấu giả cầy
Món thịt chân giò giả cầy vừa thơm, mềm, nóng hổi thật hấp dẫn cho bữa cơm chiều mùa đông.
Thời tiết se lạnh nên các món béo ngậy, nhiều năng lượng sẽ là những món được ưa thích. Vào thời tiết này thỉnh thoảng mình mua chân giò để nấu giả cầy. Món ăn này hợp ăn với bún lá hoặc ăn cùng với cơm nóng cũng được.
Cách nấu thịt chân giò giả cầy chị em có thể tham khảo tại đây nhé!
Nguyên liệu:
- Chân giò thui (Thui bằng rơm là tốt nhất, không có thể dùng giấy báo hoặc bếp ga để thui)
- Riềng giã nhỏ
- Củ sả
- Mẻ, mắm tôm, nước mắm ngon và một thìa bột nghệ.
Thực hiện:
Bước 1: Đồ nấu kèm là măng củ cắt miếng bằng ngón tay cái rồi đem luộc kỹ với nước có thả chút muối ít nhất là 3 lần trước khi đem chế biến.
Bước 2: Chân giò thui, sau khi rửa sạch, thấm khô, chặt miếng vừa ăn, bạn đem ướp như sau:
Với 2 cái chân giò to bạn ướp với một bát con riềng giã nhỏ, 3 củ sả lấy phần non băm nhỏ, một thìa canh mẻ, 3 thìa con mắm tôm và 1 thìa canh nước mắm loại ngon. Trộn đều các nguyên liệu này lên và ướp khoảng 1 tiếng cho ngấm vị.
Bước 3: Cho nồi chân giò đã ướp lên bếp, bạn cho 1 thìa canh dầu ăn vào nồi, và bắt đầu xào chân giò.
Bước 4: Trong lúc xào bạn thêm 1 thìa con bột nghệ để món giả cầy của bạn có màu vàng đẹp nhé!
Bước 5: Sau khi xào chân giò hơi săn, bạn trút phần măng củ mà bạn đã luộc kỹ vào xào cùng cho măng ngấm vị.
Bước 6: Măng vào chân giò đã xào săn, bạn cho nước vào nồi sao cho lượng nước sâm sấp bề mặt chân giò. Mình dùng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian ninh nấu.
Bước 7: Sau khi ninh trong nồi áp suất từ 20-30 phút bạn mở nắp, nêm nếm lại vị cho vừa miệng rồi có thể múc ra bát và ăn nóng.
Trời lạnh bạn nên ăn ngay lúc nóng tránh để nguội sẽ làm đông lớp mỡ sẽ không ngon.
Món ăn kèm phù hợp với thịt chân giò nấu giả cầy bạn nên chuẩn bị là bún lá và rau húng.
Chúc các bạn và gia đình ngon miệng với thịt chân giò nấu giả cầy!
Theo Thùy Linh
(Khám phá)
Điểm danh 10 món bún trứ danh khắp 3 miền Bún cá, tôm, đậu, riêu, thang, chả... là những món ăn ngon mang theo hương vị vùng miền, trở thành những thức quà đặc sắc của ẩm thực Việt Nam. Trong hành trình khám phá nền ẩm thực đa dạng đất Việt, bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi chỉ riêng món bún thôi đã có rất nhiều biến tấu khác nhau, hợp phong...