[Chế biến] – Lẩu gà lá é nỏng hổi, đậm đà hương vị vùng đất Phú Yên
Lẩu gà lá é với vị ngọt thanh của nước dùng hòa cùng vị cay cay nồng nồng của lá é, ớt xiêm xanh tạo nên một hương vị rất riêng vừa hấp dẫn vừa khó quên.
Lá é là một loại gia vị đặc trưng của các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đặc biệt là vùng đất Phú Yên. Người dân nơi đây sử dụng lá é trong rất nhiều các món ăn, phổ biến là giã nhuyễn để làm muối ăn với cơm nóng, hay làm thức chấm cho các món hải sản, thịt nướng.
Nhưng có một món bạn không thể bỏ qua khi đến Phú Yên đó là món lẩu gà lá é. Với vị ngọt thanh, hương thơm dịu nhẹ đặc trưng của lá é thực sự hấp dẫn bạn đặc biệt trong những ngày se lạnh như thế.
PHẦN 1: CHUẨN BỊ NGUYÊN LIỆU
- Thịt gà: khoảng 1-1,2kg
- 200g lá é trắng
- 7-8 trái ớt xiêm xanh
- 1 lít nước khoáng nhạt
- Bún tươi
- 3-4 cây sả, muối, đường phèn.
PHẦN 2: CÁCH LÀM LẨU GÀ LÁ É
Bước 1: Gà làm sạch, dùng muối chà xung quanh phần da gà, sau đó rửa lại thật sạch, để ráo. Chặt gà thành những miếng nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Ớt bỏ cuống, rửa sạch. Cho 1 thìa ớt hạt cùng 4-5 trái ớt và 5-6 ngọn lá é vào cối giã nhuyễn. 3-4 trái ớt còn lại xắt lát. Sả cây rửa sạch, đập giập.
Bước 3: Ướp thịt gà đã chặt ở trên cùng 1/2 chỗ muối ớt đã giã nhuyễn trên, để khoảng 30 phút cho gà ngấm gia vị.
Bước 4: Đặc trưng của món này là dùng lá é trắng, thoạt nhìn lá é trông như húng quế nhưng màu trắng và có mùi thơm như lá hương nhu. Lá é nhặt bỏ cọng già, lá giập nát, rửa sạch, để ráo nước.
Bước 5: Món lẩu này bạn sẽ không dùng nước hầm xương như các món lẩu thông dụng khác mà sẽ sử dụng nước khoáng nhạt để nấu. Nước khoáng giúp thịt gà nhanh chín, không có vị gắt của gia vị, vừa có nhiều muối khoáng nên khi ăn không chỉ có vị ngọt mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Cho nước khoáng và sả đập giập vào nồi đun sôi, khi sôi cho thịt gà đã ướp gia vị vào nấu chín, sôi trở lại thêm chút đường phèn cho vị dịu, nêm nếm vừa ăn và hớt bọt cho nước dùng được trong.
Bước 6: Sau đó bạn vò lá é (chỉ vò hơi giập, không vò nát) cho vào nồi nước dùng. Chỉ bỏ một lượng vừa đủ dậy hương nồng thơm ngon là được, nếu ít quá thì nhạt, nhiều thì có vị cay nồng khó ăn, sau đó cho vào nồi ít ớt xiêm xanh là bạn đã có một nồi lẩu ngon để thưởng thức. Khi ăn dọn cùng bún và chén muối ớt lá é ở trên.
Vị ngọt thanh của nước dùng hòa cùng vị cay cay nồng nồng của lá é, ớt xiêm xanh tạo nên một hương vị rất riêng vừa hấp dẫn vừa khó quên.
Chúc các bạn thành công với cách làm lẩu gà lá é bổ dưỡng cho gia đình trong những ngày lạnh này!
Theo Chun Chun Mai
Khám phá
5 món lẩu "thần thánh" cứ đông về là lại thèm da diết
Sẽ thật tiếc nếu để mua đông qua đi mà chưa thưởng thức hết 5 món lẩu nóng hổi, đậm đà ngon xuất sắc này!
Món lẩu nào cũng thơm ngon, nóng hổi
1. Cách nấu lẩu lòng bò
Video đang HOT
Nguyên liệu(phần ăn 4-5 người)
-Lòng bò non: 600-700gr(lá lách, gan, đuôi, dạ dày...)
-Nước dừa tươi: 1 trái
-Nước dashi hoặc nước hầm xương bò: 1lít
-Gừng 1 nhánh, hành tây 1 củ, sả vài tép, 2 thanh quế, 2 miếng hoa hồi
-Gia vị: thìa cà phê ngũ vị hương, 1 thìa nhỏ bột cà ri, muối, đường, mì chính, hạt nêm, nước mắm, 1 thìa hành tím băm, 1 thìa riềng xay, 1 chút sa tế.
-Rau củ ăn kèm: bắp cải, nấm các loại, đậu hũ...
Lẩu lòng bò
Cách thực hiện:
-Làm sạch lòng bò, bóp thật kỹ với muối rồi xả lại với nước sạch. Đun nước sôi với một ít gừng rồi trụng sơ qua, sau đó rửa lại với muối một lần nữa, để ráo.
-Rau củ rửa sạch, cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn.
-Chuẩn bị một âu lớn, cắt lòng bò thành những khúc vừa ăn sau đó ướp với các gia vị đã chuẩn bị sẵn trong khoảng 30 phút.
-Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tím cùng chút ớt rồi cho lòng bò đã ướp vào xào hơi săn lại.
-Sử dụng một nồi lớn, cho nước dùng, nước dừa tươi vào đun sôi, cho sả, quế, hoa hồi vào cùng, nêm lại gia vị cho vừa miệng rồi cho lòng bò vào đun tiếp một lúc. Khi ăn cho rau củ vào nấu một lúc là có thể thưởng thức.
Nước lẩu lòng bò có mùi thơm dễ chịu, vị ngọt thanh hơi cay cay rất thích hợp ăn cùng với bún tươi.
2. Cách nấu lẩu gà:
Nguyên liệu (2 người ăn)
-Thịt gà: 500-600gr
-Đậu phụ: 1 miếng
-Cải thảo: 1/8 bắp
-Hành lá
-Rau cải
-Hành tây: 1 củ
-Gừng: vài lát
-Cà chua: 1 quả
-Nấm hương
-Sả: vài nhánh
-Nước: 1500ml
-Gia vị
Lẩu gà
Cách làm:
-Gà rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi để khử bớt mùi hôi. Cho thịt gà, hành tây, gừng, vào một nồi áp suất, hầm trong vòng 10 phút, có thể gạt bỏ bớt bọt để nước được trong hơn, sau đó vớt gà ra đĩa riêng. Trong trường hợp nước cạn đi nhiều có thể cho thêm nước sôi với lượng vừa đủ.
-Sơ chế các loại rau, cắt ngắn khoảng 4cm.
-Khi ăn thì cho nước dùng vào nồi, cho thêm một nhánh sả đập dập, cà chua vào trước. Tiếp theo có thể thêm tương ớt, gia vị tùy thích, nêm lại nước dùng gà cho vừa miệng, thêm gà vào sau cùng.
Đợi nước sôi trở lại một lần nữa thì nhúng rau vào và thưởng thức.
3. Cách làm lẩu Thái
Nguyên liệu:
- 6 con tôm sú
- 10 quả cà chua bi (cắt đôi)
- 6-8 cái nấm rơm
- Nước dùng: 15-20 con tôm cỡ vừa; 5-6 lá chanh; 2 quả chanh vắt nước; 20g rau mùi; 1 nhánh riềng thái lát; 3 cây sả; 2 tép tỏi; 2 quả ớt đỏ; 500ml nước
- Gia vị: 45g sốt Thái Tom Yum; 45g tương ớt Thái; 15ml nước mắm (các nguyên liệu Thái có thể mua ở siêu thị)
Lẩu Thái
Cách làm:
Bước 1: Nấm rơm, cà chua rửa sạch, bổ đôi.
Bước 2: Sả đập dập rồi băm nhỏ.
Bước 3: Chuẩn bị nước dùng tôm: Tôm rửa sạch cho vào trong chảo có chút dầu xào qua sau đó thêm 500ml nước vào. Đun sôi rồi nấu thêm 20 phút nữa.
Bước 4: Đun nóng một chảo, thêm ít dầu rồi cho tỏi, sốt Thái Tom Yum, tương ớt Thái, lá chanh, ớt đỏ, vào xào.
Sau đó đổ nước dùng tôm vào cùng nước cốt chanh, nước mắm, riềng, sả và rau mùi.
Bước 5: Đun sôi nồi nước lẩu, thêm cà chua, nấm vào nấu thêm 10-15 phút.
Cuối cùng thêm tôm sú vào, nếu thêm 7-10 phút cho tôm sú chín. Đổ nồi nước lẩu Tháu chua cay ra nồi lẩu chuyên dụng rồi thưởng thức nhé!
Lưu ý, bạn có thể điều chỉnh độ chua, cay sao cho phù hợp với khẩu vị gia đình.
4. Cách nấu lẩu hải sản
Nguyên liệu (2 người ăn):
-Tôm: 8~10 con
-Mực: 1 con to
-Cá tùy thích: 1~2 miếng
-Nghêu: 10 con
-Rau các loại ăn kèm tùy thích như: bắp cải, súp lơ, rau cần...
-Nấm các loại: nấm hương, nấm kim châm...
-Củ sen: 1 khúc 5~6cm
-Đậu hũ: 1 miếng
-Hành, tỏi, sả, ớt, cà chua, dứa
-Phô mai
Nước súp:
-Nước dashi: 1600~1800ml
-Rượu trắng : 6 thìa
-Rượu ngọt mirin: 6 thìa
-Nước tương Nhật: 4 thìa
Cách nấu lẩu hải sản:
Chuẩn bị:
-Tôm lột vỏ, lấy gân ra, rửa sạch rồi để ráo nước. Mực sơ chế, cắt miếng vừa ăn, nghêu, cá rửa sạch.
-Nấm các loại cắt chân, có thể tỉa nấm hương thành hình ngôi sao, rửa sơ qua với nước muối pha loãng rồi để ráo.
-Củ sen, đậu hũ cắt khúc nhỏ.
Lẩu hải sản
Cách chế biến:
-Phi thơm hành, tỏi băm nhỏ rồi cho nước súp vào đun nóng, cho 1 nhánh sả đập dập vào.
-Cắt cà chua, dứa, ớt thả vào nồi nước dùng để tăng độ chua cay, nêm lại gia vị cho vừa miệng.
-Khi nồi nước lẩu sôi thì lần lượt cho tôm, cá mực, nghêu vào trước sau đó mới cho nấm, rau... vào sau. Có thể thêm sốt cà chua để nồi lẩu được bắt mắt.
-Cuối cùng, cho phô mai vào nấu khoảng 2~3 phút là đã có thể thưởng thức được nồi lẩu thơm lừng, béo ngậy rồi.
5. Cách nấu lẩu kim chi
Nguyên liệu (phần ăn cho 2 người)
-Kim chi cải thảo: 150-200gr
-Thịt lợn: 200gr
-Đậu hũ
-Nấm hương
-Nấm kim châm
-Lá hẹ
-Giá đỗ
-Hành lá
-Hành tây: củ
-Tỏi: vài tép
-Gừng: vài lát
-Nước dùng gà: 500ml
-Bún, mì ăn kèm
Lẩu kim chi
Cách thực hiện:
-Cắt kim chi, thịt bò thành những miếng nhỏ khoảng 4cm, nấm kim châm, giá đỗ, lá hẹ rửa sạch cắt khúc nhỏ, nấm hương cắt tỉa trang trí hình bông hoa.
-Cho dầu vào nồi, phi thơm hành, tỏi, gừng rồi đổ nước dùng gà vào. Nước sôi thì cho hành tây, kim chi, nêm lại gia vị vừa ăn, nếu thích cay có thể cho thêm ớt. Khi dùng thì mới cho thịt, rau, mì vào nước lẩu. Cho từ từ từng ít một để ăn dần.
Theo Danviet.vn
[Chế biến] - Lẩu gà ớt hiểm dân dã miền Tây tuyệt ngon cho ngày se lạnh Những ngày trời se lạnh như thế này được quây quần bên nhau, xì xụp với món lẩu này thì còn gì tuyệt hơn. Lẩu gà ớt hiểm là một món ăn đặc trưng của người dân vùng sông nước miền Tây. Điều đặc biệt của món lẩu này là dùng nước dừa tươi làm nước lẩu nên có vị ngọt, thanh, thơm...