[Chế biến] – Lẩu bò nhúng giấm
Cuối tuần cùng cả nhà thưởng thức món lẩu bò nhúng giấm nhé!
Món lẩu bò nhúng giấm được rất nhiều người ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon hấp dẫn của nó.
Đặc điểm nổi bật của món lẩu này là nước dùng được chế bằng giấm và nước dừa non. Mùi thơm ngon, ngòn ngọt của nước dừa hòa quyện với vị chua chua nửa giấm tạo nên một thứ nước dùng tuyệt hảo, ăn một lần bạn có thể ấn tượng mãi.
Lẩu bò nhúng giấm có nguyên liệu rất đơn giản. Tùy vào số lượng người ăn trong gia đình, bạn có thể mua thịt bò phi lê cho đủ dùng, chuốt chát, khế chua, dưa leo, giá, củ cải trắng, bánh tráng, mắm nêm, thơm, dừa xiêm, hành tây, các loại rau sống, giấm và gia vị nêm…
Giữa tiết trời lạnh lẽo của mùa đông, được ngồi bên gia đình, nhúng những miếng thịt bò thăn nõn tươi ngon vào nổi lẩu đang bốc hơi nghi ngút, rồi cuộn với các loại rau ăn kèm cảm giác thật là thú vị.
Mùi thơm ngon, ngòn ngọt của nước dừa hòa quyện với vị chua chua nửa giấm tạo nên một thứ nước dùng tuyệt hảo, ăn một lần bạn có thể ấn tượng mãi (Ảnh minh họa)
Cách chế biến lẩu bò nhúng kiểu này không khó, chỉ với vài thao tác là bạn đã có ngay một bữa ăn thịnh soạn cho cả nhà.
Nguyên liệu:
- 800 gr thăn bò nõn
- 500 ml giấm
- 2 trái chanh
- 1 quả dứa
- Nước mắm chấm
- Bánh tráng
- Rau sống (dưa chuột bao tử, rau thơm, xà lách, giá sống, chuối chát, khế chua,… tùy ý nhé!)
Video đang HOT
Cách Làm:
- Thịt bò xắt lát mỏng (cố gắng xắt thật mỏng, đừng để cho thịt vụn). Ướp thịt với hành củ xắt mỏng và chút gia vị rồi để thấm chừng 30 phút).
- Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, băm nhỏ rồi để ra một tô lớn. Giã tỏi cùng với thơm vào quậy đều. Nêm nếm xem vị mặn, ngọt của mắm rồi chia đều ra 4 chén nhỏ.
- Xà lách tách từng bẹ, rau thơm nhặt bỏ cọng, giá sống chặt bỏ mũi, dưa chuột bao tử, chuối chát và khế xắt lát mỏng ngâm với nước cho trắng. Rửa sạch rau sống rồi vẩy nước cho thật khô.
- Đổ nước của trái dừa non cho vào nồi lẩu cùng với ít giấm, đường, gia vị đun sôi, đặt ra giữa bàn. Xếp thịt bò xung quanh cùng với rau sống, mắm, bánh tráng.
- Để lửa vừa phải cho nồi lẩu sôi, nhúng thịt bò vào nồi để chín gắp ra cuộn ăn cùng với bánh tráng, rau sống, dưa chuột, bún.
Theo Tạp Chí Gia Đình
Những món lẩu Sài Gòn nghe tên là thèm
Lẩu cua biển thơm nồng, lẩu cá lăng chua nhẹ hay lẩu gà thanh ngọt... đều là những món ngon rất được người Sài Gòn ưa thích.
1. Lẩu cua biển
Lẩu cua biển là một trong những món phổ biến và được nhiều người ưa thích. Nguyên liệu chính là cua biển, hay còn gọi là cua bể, cua xanh... còn sống, chắc thịt được rửa sạch, tách yếm, cắt làm 2, đập dập càng. Phi thơm màu dầu điều với hành tỏi băm, cho cua vào đảo sơ rồi cho nước dùng vào nấu chín, nêm lại gia vị vừa ăn là được. Rau ăn kèm với món này có thể là bầu, hay các loại đậu bắp, rau nhút, ray muống... Chỉ chừng đó thôi là đủ để mang đến cho bạn một món lẩu thơm ngon trong ngày trời chuyển mưa.
2. Lẩu ếch lá giang măng chua
Trong cái lạnh của thời tiết, không gì ngon miệng bằng khi được quây quần cùng bạn bè hoặc người thân bên nồi lẩu ếch lá giang bốc khói nghi ngút. Thịt ếch thường có mùi tanh, nên luôn được chế biến trước khi nấu chung với lẩu. Những con ếch được lột da, làm sạch, phần thân được tẩm ướp với gia vị, xào chín sơ. Nước dùng lẩu ếch có vị chua thanh của măng tươi và lá giang, tùy theo ý thích mà có thể ăn cay hoặc không. Ngoài ra, rau ăn kèm còn có thêm giá, đầu hành và bắp chuối bào mỏng.
3. Lẩu măng chua cá lăng
Đây là một đặc sản của vùng đất Tây Nguyên rất được người Sài Gòn ưa thích. Món ăn là sự kết hợp giữa vị béo của cá cùng vị chua thoang thoảng của măng rừng tạo nên một hương vị rất hài hòa, thơm ngon. Cá lăng sau khi làm sạch được để nguyên con hoặc thái thành lát tùy theo sở thích của từng người. Cá được chần sơ qua nước sôi để thịt cá được săn lại. Phi thơm một ít dầu với hành băm và tỏi, tiếp đến cho cà chua, măng tươi và cá vào đảo sơ, nêm ít gia vị rồi để nhỏ lửa cho cá được thấm. Tiếp đến cho nước hầm xương đã đun sôi vào nồi lẩu rồi tiếp tục đun sôi. Khi ăn, chỉ cần cho thêm ít cà chua, rau muống, rau nhút... là đủ vị ngon cho món lẩu này.
4. Lẩu thả
Nguyên liệu chính của món lẩu này là các loại cá mai, cá thu, cá trích, cá đục, cá điêu hồng... được làm sạch, lóc thịt phi lê rồi thái thành từng lát mỏng dính. Ăn kèm là thịt ba chỉ, trứng chiên được thái thành sợi vừa ăn. Lá xoài, dưa leo, khế, xà lách, rau thơm... được thái sợi nhỏ rồi xếp lên trên các bẹ bắp chuối nhìn rất đẹp mắt. Nước lẩu được nấu từ nước hầm xương cùng các phụ liệu khác như tôm tươi xay nhuyễn, cà chua bằm... vừa tăng vị ngọt thanh cho nước dùng, vừa giúp nước lẩu có màu đỏ tự nhiên đẹp mắt. Khi ăn, chỉ cần bạn thả từng lát cá vào trong nước dung đang sôi, cho vào bát, trộn chung với các nguyên liệu khác là bạn có một món ăn vừa nóng hổi lại có vị ngọt thanh dịu rất thú vị.
5. Lẩu cá kèo
Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang - loại lá có nhiều ở miền Nam và Trung, có vị chua chua, chát chát đặc trưng. Nhưng món lẩu cá kèo cũng được biến tấu với vị chua chua của măng, thoang thoảng hương thơm của sả và cay nồng của lá é rất lạ miệng. Cá kèo nấu lẩu phải là những con cá còn tươi sống. Khi nước lẩu sôi mới mở vung nồi và cho cá vào. Khi cá không còn quẫy là cá đã chín, và ngay sau đó bạn có thể cho rau vào nồi lẩu. Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, hoa chuối... Mùi thơm từ nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên.
6. Lẩu gà lá é
Lẩu gà lá é là một món lẩu ít được biết đến ở Sài Gòn nhưng ai đã ăn một lần sẽ khó có thể quên được hương vị thơm ngon của món ăn này. Thành phần chính của món ăn này là gà ta và lá é (một loại lá tương tự húng quế, có nhiều ở các tỉnh miền Trung). Gà thả vườn, làm sạch, thái thành từng khúc vừa ăn rồi ướp gà với ít muối, hạt nêm, đường, tỏi băm rồi để một lúc cho gà thấm gia vị. Cái hay của món này là nước dùng được nấu từ nước khoáng lạt, vừa giúp thịt gà nhanh chín, không có vị gắt của gia vị, vừa có nhiều muối khoáng nên khi ăn không chỉ có vị ngọt mà còn rất tốt cho sức khỏe. Sau khi gà chín bạn chỉ cần vò lá é (chỉ vò hơi dập, không vò nát) cho vào nồi nước dùng là có thể thưởng thức. Vị ngọt thanh của nước dùng hòa cùng vị cay cay nồng nồng của lá é tạo nên một hương vị rất riêng vừa hấp dẫn vừa khó quên.
7. Lẩu gà hấp hèm
Hèm chính là bã rượu, được dùng làm nguyên liệu chính để chế biến nên món lẩu gà hấp hèm vừa thơm ngon vừa lạ miệng. Trước khi nấu lẩu, lấy một lượng hèm vừa phải, vắt lấy nước, bỏ bã. Nước hèm để lắng, lọc lại một lần nữa để bỏ đi phần lợn cợn của bã hèm còn sót lại. Cho nước hèm vào nồi và đun sôi, nêm đường và các loại gia vị vừa ăn. Gà ta sau khi làm sạch, chặt thành từng lát vừa ăn, cho vào nồi, để lửa vừa cho đến khi thịt chín là được. Rau ăn kèm chỉ có cải bẹ xanh, cải thảo và hành lá thái khúc.
8. Lẩu cháo cá miền Bắc
Mới nghe qua tên món ăn này, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món cháo cá lóc nổi tiếng của miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, đây là một món ăn hoàn toàn khác biệt từ nguyên liệu, cách chế biến cho đến hương vị, đậm nét đặc trưng của ẩm thực miền Bắc. Thành phần của món ăn này cũng khá đơn giản, chỉ gồm cá điêu hồng, cháo và rau, nấm. Cá được làm sạch và luộc chín, thái phi lê thành từng lát mỏng rồi để lên đĩa cùng với ít tôm và mực. Cháo được nấu riêng với nước hầm từ xương cá, nấm hương nên có vị thanh ngọt tự nhiên. Khi ăn, nồi lẩu cháo bốc khói được để giữa bàn. Bạn chỉ cần cho cá, tôm, mực vào nồi lẩu cùng với các loại rau là có thể thưởng thức nồi lẩu cháo cá bốc khói thơm ngon này.
9. Lẩu riêu cua bắp bò
Có nguồn gốc từ miền Bắc, món lẩu riêu cua bắp bò giờ cũng khá phổ biến ở Sài Gòn hay miền Trung nhờ vị thanh ngọt thơm mùi cua đồng. Được chế biến từ cua đồng và bắp bò tái, món ăn còn có thêm các nguyên liệu như: đậu phụ, cà chua, giò, trứng vịt lộn sống cùng các loại rau... Tất cả đều pha trộn một cách khéo léo giúp món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng, lại rất thích hợp trong những buổi tối trời mưa lạnh.
10. Lẩu vịt om sấu
Thành phần chính của món ăn này là vịt và sấu, ngoài ra còn có khoai môn, rau muống và bún tươi (hoặc mì). Vịt phải là vịt cỏ, chọn con mập thịt và hơi già, để khi nấu cho vị ngọt, thịt dai và không bị hôi. Vịt sau khi làm sạch được thái thành khúc vừa ăn, ướp với một ít gia vị rồi để thấm trong khoảng 30 phút. Đặt nồi lên bếp, khử thơm dầu rồi cho vịt vào xào sơ để thịt vịt săn lại rồi cho nước vào đun chín. Tiếp đến cho sấu tươi, khoai môn vào rồi đun sôi. Khi ăn, dằm sấu ra để nước dùng có vị chua thanh nhẹ là được.
11. Lẩu bò sa tế
Món ăn có vị cay nồng đặc trưng của nước dùng, vừa lạ vừa ngon miệng. Thành phần chính đơn giản là thịt bò và nước dùng sa tế nhưng lại hấp nhờ vị cay đặc trưng của sa tế (có thể gia giảm theo ý thích của thực khách). Bên cạnh nước dùng, các thành phần ăn kèm là thịt bò, bánh phở tươi cùng đĩa rau sống xanh mướt của cải xanh, rau tần ô giúp người ăn thêm ngon miệng và không bị ngấy.
12. Cá chép om dưa
Đây là món ăn được nhiều người ưa thích nhờ sự bổ dưỡng và tươi ngon của cá chép. Hương vị đặc trưng của món này là thịt cá chép thơm ngọt hòa quyện với vị chua thanh của dưa, cà chua, vị thơm thoang thoảng của hành hoa, thì là... tất cả kết hợp vào nhau tạo nên một món ăn đậm đà, ngon miệng. Chính nhờ hương vị thơm ngon nên cá chép om dưa có thể làm món chính trong bữa cơm gia đình hay món lai rai đều thích hợp. Đặc biệt, trong mùa mưa Sài Gòn, nồi cá chép om dưa nghi ngút khói dậy mùi thơm càng thêm hấp dẫn người ăn.
Ngoài những món lẩu kể trên, ở Sài Gòn còn khá nhiều món lẩu thơm ngon khác mà bạn cũng nên thưởng thức như: lẩu cá thác lác khổ qua, lẩu chua cá, lẩu hải sản, lẩu Thái... Trong những ngày cuối mùa mưa như hiện nay, được ngồi thưởng thức một món lẩu bốc khói là điều tuyệt vời nhất mà bạn khó có thể bỏ qua.
Huấn Phan
Theo Ngôi Sao
[Chế biến] - Lẩu cháo chim Thời tiết hay thay đổi dễ làm người ta mệt mỏi, cuối tuần này bạn đã dự định làm món gì chưa? Hãy vào bếp với lẩu cháo chim ngon mà bổ dưỡng để thiết đãi cả nhà nhé. Nguyên liệu: 2 con chim bồ câu 100g nấm kim châm 100g nấm hương tươi 100g nấm mỡ 100g nấm rơm 100g nấm châm...