[Chế biến]- Gỏi rau câu giòn giòn đẹp mắt, lạ miệng
Món gỏi này sẽ giúp “trung hòa” các món nhiều đạm trong bữa ăn.
Nguyên liệu:
100gr rau câu sợi
100gr tôm to
100gr mực ống
1 quả dưa leo
1 củ cà rốt nhỏ
Nước mắm, tỏi, ớt, chanh, giấm, muối, đường
Ngò (rau mùi), húng lủi.
Cách làm:
Rau câu sợi mua về xả nhiều lần cho sạch cát rồi ngâm vào nước lạnh. Tuyệt đối không ngâm vào nước nóng sẽ làm tan rau câu.
Cà rốt, dưa leo gọt sơ vỏ để lên rổ cho ráo nước. Bỏ hết ruột dưa leo để món gỏi được giòn ngon hơn.
Video đang HOT
Tôm, mực rửa sạch, để lên rổ cho ráo nước. Với món này bạn chưa cần bóc vỏ tôm vội nhé.
Làm nóng chút dầu trong chảo, phi thơm tỏi rồi đổ tôm vào đảo đều. Tôm chín hồng, hơi xém cháy phía ngoài vỏ thì bạn lấy ra bóc vỏ, bỏ chỉ đen trên lưng cho sạch. Với cách làm này tôm sẽ ngọt và thơm hơn.
Dùng chảo đó đổ tiếp mực vào. Đậy kín nắp đun đến khi mực chín thì bạn thái nhỏ đầu và thân mực.
Rau câu mềm bạn vớt ra rổ cho ráo nước.
Rau mùi, húng lủi rửa sạch, thái nhỏ. Bạn có thể thêm rau răm hoặc rau thơm tùy theo sở thích.
Pha 3 thìa cà phê nước lọc,1 thìa đường, 2 thìa nước mắm ngon. Tỏi, ớt giã nhuyễn, chanh bóc lấy tép chanh rồi trộn vào hỗn hợp nước mắm chua ngọt đã pha.
Dưa leo cắt sợi, trộn với chút muối, đường, giấm, nêm hơi chua chua ngọt ngọt.
Cà rốt cũng cắt sợi, trộn với chút muối, đường, giấm, nêm hơi chua chua ngọt ngọt.
Dùng tay vắt cà rốt, dưa leo cho thật ráo nước rồi trộn đều dưa leo, cà rốt, mực, tôm, rau câu, húng lủi, rau mùi đổ vào thố lớn, trộn đều. Trước khi ăn bạn từ từ thêm nước mắm đã pha vào, trộn đều, nêm nếm lại tùy theo sở thích.
Một điều lưu ý là trước khi ăn bạn mới trộn nước mắm chua ngọt ở bước 3 vào vì trộn sớm sẽ không ngon. Món này dùng làm món khai vị, ăn kèm với bánh phồng tôm sẽ rất ngon bạn nhé!
Cách làm đơn giản mà lại đẹp mắt, rau câu giòn giòn, được trộn cùng các loại hải sản như tôm, mực, thêm dưa leo cà rốt giúp “trung hòa” các món nhiều đạm trong bữa ăn. Nếu bạn cần ăn kiêng giảm cân thì đây cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời vì món này vừa đủ chất, dễ ăn lại không hề béo.
Theo PNO
Bún Thái, món ăn sáng tạo ở Sài Gòn
Không như bún bò Huế, bún Thái có vị cay nồng, vị chua thanh và vị ngọt của hải sản rất đặc trưng.
Nghe đến tên bún Thái có lẽ nhiều người sẽ thấy lạ, nhưng thực chất đây là món ăn được biến tấu từ món lẩu Thái nổi tiếng. Trong bát bún Thái, ngoài nước dùng chua cay đặc trưng của lẩu Tom Yun, thực khách còn có thể nhận thấy các thành phần quen thuộc khi ăn lẩu như: tôm, mực, bò, nấm rơm, rau muống, giá đỗ...
Bát bún Thái hấp dẫn sẽ làm hài lòng những người trót yêu món lẩu Tom Yun.
Khác với bún bò Huế có vị cay xé lưỡi hay bún mắm với vị nồng đặc trưng, bún Thái đơn giản với hai vị chính là cay và chua. Nước lèo được chế biến theo công thức riêng để vị chua cay phù hợp với người Việt, vừa giữ được vị chua ngọt đặc trưng của ẩm thực Thái Lan. Dù đã được chế biến cho hợp với khẩu vị của người Việt nhưng bún Thái không thể thiếu được gói gia vị dùng để nấu bún, lẩu Thái... tạo nên một hương vị đặc trưng riêng.
Bát bún Thái với những con tôm chín đỏ tươi, thịt bò, mực ống... cùng nước lèo đậm màu có vị chua cay và hơi nồng. Bên cạnh đó là rau muống, bắp chuối được chần chín và cho vào chung với các nguyên liệu khác, bên trên được rắc thêm một ít hành và tiêu cho dậy mùi thơm... Chỉ chừng đó thôi cũng đủ sức hấp dẫn cho những thực khách trót yêu món lẩu Tom Yun nổi tiếng.
Muốn thưởng thức món bún Thái này, bạn có thể đến quán Út Hiếu nằm trong khu chợ Vườn Chuối (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), cách cổng chính khoảng 100m về phía tay trái. Mặc dù là một quán ăn nằm trong chợ, nhưng từ vật dụng, thức ăn cho đến chổ ngồi đều rất sạch sẽ, thu hút rất đông thực khách đến ăn vào mỗi buổi trưa. Mỗi bát bún Thái ở đây có giá 30.000 đồng, một mức giá không quá mắc cho một bữa trưa ngon miệng.
Theo Ngôi sao
[Chế biến]-Chả mực Để có loại chả ngon, mực phải tươi, dày thịt, gia giảm gia vị phù hợp. Nguyên liệu - 1 con mực ống to - 3 muỗng canh giò sống - 2 thìa cà phê nước mắm - 1/2 thìa cà phê đường - 1 ít tiêu - 2 củ hành hương - 2 củ tỏi nhỏ - 2 thìa cà phê dầu...