[Chế biến] – Chả phượng đẹp lung linh cho mâm cỗ ngày Tết
Khi nói đến “nem công, chả phượng” bạn nghĩ đó là những món ăn cầu kỳ dùng để tiến vua chúa ngày xưa, nhưng ngày nay bạn có thể tự làm với những nguyên liệu đơn giản mà lại rất đẹp mắt.
Phượng thuộc nhóm tứ linh vì vậy chỉ cần chăm chút thêm cho món ăn này, chả phượng hy vọng sẽ là một món ăn mang lại may mắn, an lành cho gia đình trong mâm cỗ ngày Tết.
Cách làm chả phượng không quá khó như nhiều chị em từng nghĩ:
PHẦN 1: HƯỚNG DẪN TỈA ĐẦU PHƯỢNG
Để tỉa được đầu Phượng bạn chuẩn bị nguyên liệu sau: 1 củ cà rốt, củ hành tây, một ít rau mùi, 2 hạt tiêu đen.
Dụng cụ tỉa: 1 dao đầu nhọn, 1 dao bào vỏ, 1 xúc hình chữ V nhỏ.
Thực hiện:
Bước 1: Bào sạch vỏ cà rốt, cắt một đoạn cà rốt từ gốc lên trên khoảng 12-13cm. Cắt vát chéo hai bên cạnh từ đầu nhỏ xuống đầu to. Phía đầu nhỏ, cắt vát một đoạn tạo hình chữ V, kéo dài khoảng 4cm để tạo phần đầu và mỏ của Phượng.
Bước 2: Đặt dao bắt đầu từ phần đầu nhọn, lùi xuống khoảng 6mm, khứa lượn hình chữ C tạo phần thon của cổ Phượng. Ở phần thân, cũng dùng dao nhọn khứa chữ C thon ngược lại với chữ C trước như trong hình để tạo sự uốn lượn của thân Phượng.
Bước 3: Dùng dao nhỏ khứa phần mỏ Phượng, phần đầu gọt tròn. Lấy dao bào bào mịn các góc vuông cho mịn màng, hình dáng con công được hình thành như trong hình.
Bước 4: Cắt một lát cà rốt dày khoảng 4mm, dùng dao đầu nhọn khứa tạo hình uốn lượn cho phần lông của đầu Phượng.
Bước 5: Dùng mẩu tăm nhỏ cắm phần cong vừa tạo lên đầu Phượng. Đầu dao nhọn khoét hốc mắt rồi ấn hạt tiêu đã chuẩn bị để tạo mắt cho chim. Sau đó dùng dao xúc hình chưa V nhọn khắp lên phần thân củ cà rốt để tạo lông vũ cho chim Phượng. Như vậy là hình chú chim Phượng đã được tạo hình xong.
Bước 6: Đặt đầu chim phượng vào đĩa bầu dục hoặc đĩa tròn to, cắt vài lát hành tây bao quanh tạo cánh chim Phượng. Đặt vài lát cà rốt bào mỏng phía trước và đặt rau mùi phía sau để tạo độ mềm mại khi tạo hình chim Phượng.
Video đang HOT
PHẦN 2: LÀM CHẢ PHƯỢNG
Nguyên liệu làm chả phượng rất đơn giản dễ kiếm và bạn cần chuẩn bị những thứ sau:
- 4-5 quả trứng vịt, tùy thuộc vào kích cỡ của của trứng
- Giò sống từ 400-500gr
- Một thìa bột năng hòa tan với ít nước
- Cà rốt, đậu cove (hoặc đậu đũa), 4-5 miếng rong biển khô (nếu bạn không thích mùi vị rong biển thì bạn dùng mộc nhĩ ngâm nở, cắt gốc, rửa sạch và để nguyên bản để thay thế).
Thực hiện:
Bước 1: Đập trứng ra bát rồi đánh trứng với phần bột năng đã hòa với nước trước đó. Dùng bột năng khi đánh trứng sẽ làm cho lát trứng khi tráng mỏng vẫn có được độ dai, mịn. Nếu bạn thích trứng có màu đậm bạn có thể pha thêm ít dầu điều khi đánh trứng.
Bước 2: Cho chảo chống dính lên bếp, chảo nóng, cho dầu ăn láng mặt chảo rồi đổ phần dầu thừa ra bát. Trứng sau khi đánh đã tan hết bọt, bạn múc một thìa trứng sao cho lượng trứng đủ láng một lớp mỏng kín mặt chảo. Để láng được đều trước khi đổ trứng bạn phải hạ nhỏ lửa, cho trứng vào phải cầm cán chảo lắc tròn để trứng chạy láng được kín mặt chảo. Thấy bề mặt trên của trứng khô thì nhấc chảo lắc nhẹ để trứng đổ ra đĩa. Làm tiếp tục như vậy cho đến khi hết trứng.
Bước 3: Giò sống bạn trộn đều với một thìa hạt tiêu, một ít hạt nêm, Đậu cove tước sơ, rửa sạch đem luộc chín. Cà rốt gọt vỏ, cắt miếng vuông khổ khoảng 6mm, độ dài bằng đường kính của miếng trứng thì càng tốt và đem luộc chín. Trứng tráng sau như vậy các nguyên liệu đã đầy đủ trước khi bọc chả.
Bước 4: Trải miếng trứng tráng mỏng ra đĩa, để phần mịn hơn ra ngoài, múc một thìa con giò sống láng một lớp thật mỏng lên trên để tạo độ kết dính cho các lớp tiếp theo.
Bước 5: Đặt miếng rong biển tiếp lên trên rồi quết một thìa giò sống dày hơn vào giữa và đặt miếng cà rốt luộc như trong hình.
Bước 6: Phủ lên miếng cà rốt vừa đặt một ít giò sống rồi đặt tiếp lên trên đấy đậu cove luộc.
Bước 7: Gập đôi miếng trứng đã được đặt nhân, sao cho cà rốt và đậu cove được bọc kín bởi lớp giò sống. Dùng tay ấn chéo miếng trứng để miếng chả khi cắt ra có hình giọt nước. Làm như vậy cho đến khi hết nguyên liệu. Thông thường 1 lát trứng tráng sẽ dùng 100gr giò sống gói bên trong.
Bước 8: Sau khi gói xong cho chả vào nồi hấp từ 15-20 phút thì chín.
Bước 9: Chả chín, cắt chả thành từng miếng dày khoảng 1cm để chuẩn bị bày.
Bước 10: Xếp các miếng chả chạy dọc hai bên thành đĩa như trong hình. Bạn sẽ thấy màu vàng của trứng, màu xanh của đậu, màu cam của cà rốt cùng với màu sáng của giò sống, màu sẫm của rong biển đan xen nhau sẽ tạo ra hình những chiếc lông chim Phượng vô cùng bắt mắt.
Chỉ cần bạn dành chút thời gian trong kỳ nghỉ Tết của mình cho món chả Phượng thì bạn sẽ thấy mâm cỗ Tết của mình thêm phần trang trọng.
Chúc bạn và gia đình thành công với món chả phượng hấp dẫn, bắt mắt trong ngày Tết!
Theo Trịnh Thùy Linh
Khám phá
[Chế biến] - Giò gà cho ngày Tết
Thay cho giò thủ thông thường, hãy làm mới món giò bẳng giò gà xào nấm, cũng vẫn cách thực hiện như gói giò chả, nhưng đổi nguyên liệu để tạo sự mới lạ cho món quen.
Ngày nay, khi mà mâm cỗ Tết ngày càng được vun đầy bởi nhiều món ngon hấp dẫn thì những khoanh giò dai ngon, đậm vị, thơm hương lá chuối tươi vẫn được xếp vào hàng mỹ vị và là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết 3 miền.
Bên cạnh giò thủ, bạn có thể làm mới món giò bằng giò gà xào nấm. Hương vị lôi cuốn của thịt gà, nấm hương, ít mỡ heo... chắc chắn sẽ mang đến cho người thưởng thức một trải nghiệm ẩm thực thú vị cho ngày Tết.
Giò gà xào nấm
Khẩu phần: 2 cây giò 500g
Thực hiện: 2 giờ
Nguyên liệu
3 cái đùi gà (hoặc 600g ức gà)
400g giò sống
1 cái tai heo
100g nấm hương
100g nấm mèo
1 nhánh gừng
Lá chuối, dây buộc
Gia vị: nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, tiêu sọ, bột bắp, dầu ăn.
Thực hiện
Đùi gà rửa sạch, dùng dao sắc lọc bỏ xương để lấy phần thịt gà, xắt miếng dày 2cm. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập giập, băm nhỏ. Tai heo chần qua nước sôi pha chút muối, dùng dao cạo sơ cho sạch, luộc lại lần nữa, xắt miếng vừa ăn.
Nấm hương, nấm mèo ngâm nở, xắt sợi. Làm nóng chảo bằng 1 muỗng canh dầu ăn, cho gừng vào phi thơm, trút phần thịt gà và tai heo vào xào lửa lớn, nêm 1 muỗng canh mắm ngon, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê tiêu đập giập vào, xào khoảng 3 phút đến khi thịt gà và tai heo săn lại.
Cho thêm khoảng 2 muỗng canh nước vào đảo đều, cho tiếp nấm hương vào xào. Khi nước xào gần cạn cho nấm mèo vào đảo nhanh, đều tay đến khi nước cạn, rắc hạt tiêu rồi tắt bếp, để nguội hẳn.
Cho hỗn hợp vừa xào vào giò sống, chia làm nhiều phần, cho vào cối lớn giã nhuyễn cho quyện lại. Thêm 1 muỗng canh bột bắp, 1 muỗng cà phê hạt nêm và 1 muỗng canh nước mắm ngon vào giã thêm khoảng 10 phút nữa.
Lá chuối rửa sạch, cắt thành từng miếng cỡ 30cm x 30cm. Xếp 2 lá dọc, 2 lá ngang, quết ít dầu ăn ở lớp trong cùng để chống dính. Chia giò xào thành 2 phần, lần lượt cho từng phần vào lá chuối, ép hai đầu cuộn giò sống, gấp mép rồi lăn qua lại cho cuộn giò tròn đều, cột lại bằng dây lạt hoặc dây nilon.
Cho giò gà vào nồi đun sôi khoảng 40-45 phút. Giò gà chín lấy ra, xối nước lạnh, để nguội và cất vào tủ lạnh dùng dần.
Khi ăn lột lớp vỏ bên ngoài ra, dùng dao cắt giò gà thành khoanh vừa ăn, chấm kèm nước mắm ngon.
Theo PNO
[Chế biến] - Ngô chiên bơ nóng hổi, giòn thơm Nhâm nhi từng hạt ngô chiên nóng hổi, giòn giòn thật hấp dẫn. Ngô ngọt chiên bơ một món ăn đã được rất nhiều người ưa thích. Món ăn không chỉ là một món ăn vặt mà đã được đưa vào rất nhiều những bữa tiệc. Vậy bạn hãy thử làm cho gia đình mình nhé! Cách làm ngô chiên bơ rất đơn...