[Chế biến] – Chả mực Hạ Long
Hẳn bạn đã từng biết đến món chả mực Hạ Long trong top 50 món ăn nổi tiếng Việt Nam. Hãy cùng trổ tài theo cách làm chả mực Hạ Long với công thức thật chuẩn này nhé!
Cách làm chả mực Hạ Long theo công thức này đòi hỏi bạn chuẩn bị những nguyên liệu như sau:
- 1kg mực mai: Chọn loại mực mai (không nên chọn mực lá và càng không nên dùng mực ống) còn tươi sống, mực dầy mình, khi cầm vào râu mực bạn sẽ thấy các xúc tu còn bắt dính chặt vào da tay bạn, lớp da mực còn bắt sáng óng ánh như nhũ. Khâu chọn mực tươi có thể gọi là quan trọng nhất cho việc quyết định chất lượng chả mực Hạ Long.
- 100g mỡ khổ hoặc thịt mông ít nạc nhiều mỡ (đã lọc bì), nếu muốn gia tăng hương vị hải sản bạn có thể thêm 100g tôm biển bóc nõn và 100g cá biển phi-lê (cá biển lọc bỏ xương)
- 3 củ hành khô, 3 củ tỏi, 30ml nước mắm cá biển nguyên chất (không dùng nước mắm công nghiệp đã pha chế nhiều vị ngọt và các chất tạo mùi), 1 thìa canh đầy hạt tiêu nguyên hạt (đã rang chín), 1 nắm nhỏ thì là (nếu thích, thường những người sành ăn không thích cho thêm thì là hoặc cho rất ít để giữ nguyên mùi mực)
Làm sạch mực, vứt bỏ túi mực (lưu ý là không làm vỡ túi mực), bỏ nội tạng và da mực, thấm khô mực hoặc để thật ráo. Để riêng mắt mực ra một chỗ, thái mực dày 1,5cm, dài 5cm – 7cm ngang thân. Các sợi râu và vây mực được xắt nhỏ hạt lựu hoặc con chì khúc ngắn.
Riêng phần vú mực (hai khối bầu dục màu trắng đồng nhất và mềm mại), theo quan niệm dân gian thì giã cùng mực sẽ giúp cho chả mực rất dẻo, phồng và thơm ngon, nhưng nếu ai yếu bụng (hay bị lạnh bụng) thì không nên dùng.
Đập dập hành tỏi, thái nhỏ thì là rồi cho cùng nước mắm vào ướp mực chừng 30 phút, đặt ở chỗ thoáng mát.
Ngoài chọn nguyên liệu tươi, chả mực Hạ Long còn ngon ở bí quyết giã tay. Bạn có thể xay mực bằng máy nhưng chỉ có giã tay thì các cơ của mực mới dập nát tiết nhuyễn, thậm chí còn nên giã bằng cối đá xanh chứ không phải cối gỗ. Nếu bạn chỉ giã mực thì giã rối thấy dẻo dính là được, nếu bạn giã cùng thịt và tôm, cá thì nên giã thật nhuyễn. Bạn nên giã ít một, thả dần từng miếng mỡ khổ và vài hạt tiêu vào giã cùng.
Video đang HOT
Nếu bạn thích lát cắt chả mực trắng tinh thì không cho mắt mực vào giã, nếu bạn thích chả nổi màu sậm hơn một cách tự nhiên thì thả mắt mực vào giã cùng. Trong ảnh trên thể hiện rõ hai phần mực giã có hay không có mắt mực. Sau đó bạn trộn đều phần mực xắt hạt lựu với phần mực giã nhuyễn vào với nhau.
Dùng găng tay nylon xoa chút dầu ăn rồi nặn chả tròn bẹt theo lượng đều nhau, thường là một thìa canh đầy. Khi xưa không dùng găng tay nylon thì người ta dùng bàn xản (muôi bẹt) nhúng vào dầu sôi, nhấc ra xúc mực vào và dùng đũa dàn tròn đều trên bàn xản, đẩy chả xuống dầu sôi rồi lại nhúng bàn xản trước khi nặn miếng chả mới.
Đun gần nửa lít dầu sôi lăn tăn trong chảo sâu lòng, nặn chả tới đâu thả vào dầu tới đó. Khi thả chả vào dầu, dầu sẽ sôi sục lên rất mạnh, chả chìm dần xuống đáy chảo và có vẻ bám dính, bạn không nên tìm cách gỡ hay lật chả như khi dán trên chảo bằng đáy và ít mỡ.
Khi chín tới, chả sẽ tự nổi lên trên mặt dầu, mặt trên chả còn trắng nhưng mặt dưới đã vàng suộm, bạn chỉ việc lật chả sang mặt kia cho vàng đều hai mặt là được. Gắp chả dựng trên giá inox cho róc mỡ. Nếu muốn lưu trữ bạn chỉ cần chiên sơ, để chả nguội thì cho vào hộp kín cất ngăn đá, khi ăn thì rã đông chả rồi rán lại trong chảo nhiều dầu.
Chả mực Hạ Long theo cách làm dân dã chỉ có mực và mỡ khổ, gia vị có mắm cá và hạt tiêu, ngoài ra không có chất phụ gia nào khác. Gần đây người ta truyền thêm cho nhau bí kíp trộn bột nếp cái hoa vàng hoặc bột nở cho chả phồng và dẻo nhưng thiết nghĩ nó là không cần thiết nếu bạn chọn được mực thật tươi và giã đúng cách.
Miếng chả mực Hạ Long có sắc vàng rộm rất tự nhiên và đều đặn, hương thơm sực nức ngay từ trên chảo rán, vị ngọt đậm đà giàu đạm biển và độ dẻo dai tươi ngon xen lẫn những “hạt lựu” xắt từ vây mực và râu mực giòn sần sật rất thích thú!
Có thể bạn không dễ dàng mua được mực tươi, mua được cũng không dễ vận chuyển về nơi bạn ở, thêm nữa bạn cũng không tiện giã tay hay chọn mua được nước mắm cốt cá nguyên chất, nhưng bạn thử nghĩ xem, có cách nào để tự tay làm được những miếng chả mực ngon đúng chất chả mực Hạ Long nếu bạn không tìm cách chinh phục những khó khăn đó?
Qua cách làm chả mực Hạ Long này, hẳn bạn sẽ thêm yêu giá trị của món ăn thuộc top đặc sản Việt Nam này, hãy gắng thử một lần tự tay làm nên miếng chả mực Hạ Long “cực xịn” này bạn nhé!
Chúc bạn thành công!
Theo MNMN
[Chế biến] - Chả mực giòn dai
Làm chả mực mất công nhất là phần giã mực nhưng bù lại chả dai, phần râu mực thái hạt lựu nên khi ăn sẽ thấy chả có độ giòn ngon rất đặc biệt!
Nguyên liệu:
500g mực mai
Thì là, hành khô, tỏi
Nước mắm, hạt tiêu, bột năng, dầu ăn.
Cách làm:
Mực mai làm sạch rồi thấm khô nước. Thái râu mực thành những hạt lựu nhỏ, hành khô và tỏi bóc vỏ.
Phần thân mực cũng thái nhỏ rồi cho vào cối giã nhuyễn, cho cả hành tỏi vào giã cùng cho quyện vào mực.
Trộn đều mực đã giã với râu mực, 1 thìa canh bột năng, 1 thìa canh nước mắm, hạt tiêu và chút dầu ăn, thì là thái nhỏ.
Viên chả thành những viên tròn rồi ấn hơi dẹt, cho vào chảo dầu nóng chiên vàng hai mặt.
Chả mực chín bạn lấy ra đĩa, dùng kèm tương ớt hay nước chấm chua ngọt rất ngon.
Thành phẩm:
Làm chả mực rất đơn giản, khi mua bạn hãy chọn những con mực mai dày mình về để chế biến món này nhé. Làm chả mực mất công nhất là phần giã mực nhưng bù lại mực được giã thì chả mới dai, phần râu mực thái hạt lựu giúp cho khi ăn ta sẽ thấy chả giòn sần sật. Món chả mực kích thích cả nhà ngon miệng bởi mùi thơm của thì là, ngọt đậm đà và giòn sựt của mực và màu sắc cũng rất ưng mắt. Khi ăn bạn hãy pha thêm nước mắm chua ngọt có chút tỏi, ớt và thì là nhé, ăn sẽ rất hợp đấy!
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!
Theo Monngonmoingay
[Chế biến] - Canh chả mực thì là Là món canh rất bổ dưỡng bởi vì mực có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều protein, các vitamin B1, B2, canxi, phospho, sắt... Nguyên liệu: Mực ống nhỏ: 100g; Cá thác lác: 100g; Thơm: trái; Cà chua: 2 trái; Hành tây: củ; Ớt sừng: 1 trái; Rau thì là; Muối, đường, nước mắm; Bột ngọt; Hạt nêm. Cách làm: - Mực...