Chạy “vét vay” gói 30.000 tỷ trước ngày 1.6
Trước thông tin tất cả khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ đều sẽ không còn được hưởng lãi suất ưu đãi với các khoản giải ngân sau ngày 1/6, nhiều chủ đầu tư cũng chưa tìm được hướng giải quyết.
Trước thông tin tất cả khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ đều sẽ không còn được hưởng lãi suất ưu đãi với các khoản giải ngân sau ngày 1/6, nhiều chủ đầu tư cũng chưa tìm được hướng giải quyết.
“Mập mờ” Thông tư 11
Dư luận những ngày gần đây đang “dậy sóng” bởi ngày “hết hạn” của gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng đã cận kề, và theo Thông tư 11 người vay đang đối mặt với khoản lãi suất thả nổi theo thị trường kể từ ngày 1/6/2016.
Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nằm trong chương trình kích cầu thị trường bất động sản đồng thời giúp người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà giá rẻ sẽ chính thức đóng lại vào ngày 1/6 tới đây. Người nghèo tìm đến gói vay này bởi họ sẽ được ưu đãi lãi suất không quá 6%/năm suốt thời gian vay tối đa 15 năm.
Những người vay gói 30.000 tỷ đồng đang đứng trước gánh nặng trả lãi bởi các quy định tại Thông tư 11. Ảnh minh họa: internet
Đại diện Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) khẳng định việc giải ngân cho vay gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở sẽ chính thức dừng lại từ ngày 1/6/2016, các khoản giải ngân sau ngày 1/6/2016 khách hàng sẽ phải trả lãi suất theo thị trường.
Việc các ngân hàng không hề tư vấn cho người vay hiểu rõ điểm mấu chốt – thời hạn giải ngân của Thông tư 11 đã khiến không ít người đi vay rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Chị P.H, người mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Rice City (Hà Nội) thất thần khi đọc thông tin chính thức về dừng gói vay 30.000 tỷ, trong khi còn 2 đợt giải ngân nữa chị mới được nhận nhà. “Đúng là tin dữ, với thu nhập của 2 vợ chồng tôi mà chịu lãi suất thương mại chắc chúng tôi phải trả lại nhà, chứ không kham nổi”.
Anh Nguyễn Bảo Vinh (ngụ Quận Bình Tân, TP.HCM) cho hay mấy ngày nay đọc báo biết thông tin trên anh cũng bất ngờ, dù anh cũng vay tiền mua nhà ở thương mại giá rẻ từ gói 30.000 tỷ đồng nhưng cũng không rõ quy định của Thông tư 11.
“Trước đây tôi cũng nghĩ sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm trong suốt quá trình vay bởi nhân viên tư vấn không hề đề cập đến chuyện này. May là dự án tôi mua đã xây dựng xong và NH cũng đã giải ngân hết, nếu không thì dở khóc dở cười”, anh Vinh nói.
Nhiều người mua nhà ở tại dự án nhà ở xã hội (NƠXH) HQC Plaza do Công ty Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư đang trong cảnh đứng ngồi không yên. Bởi chiếu theo quy định, khoản vay sẽ được giải ngân từng đợt theo tiến độ thi công dự án, nhưng hiện tại công trình này vẫn đang dang dở không biết khi nào mới bàn giao nhà.
Số khách hàng đang được NH giải ngân băn khoăn, liệu chủ đầu tư kéo dài thời gian thi công càng xa thời điểm 1/6, khoản lãi suất thả nổi theo thị trường đội lên thì ai sẽ gánh chịu?
Video đang HOT
Đừng đổ lỗi cho người mua nhà
Thông tư 11 ban hành gần 3 năm trước, thế nhưng các quy định chi tiết trong đó không phải người đi vay nào cũng hiểu hết. Một số lãnh đạo chủ DN bất động sản khi được hỏi đều cho rằng quy định đã có và để xảy ra tình trạng người vay “ngã ngửa” như vừa qua là vì khi đặt bút ký hợp đồng họ chưa tìm hiểu kỹ. Không loại trừ nhân viên tư vấn cũng chưa hiểu hoặc biết nhưng lờ đi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Trường cho hay, đừng nên đổ lỗi cho người đi vay đã không đọc kỹ hợp đồng. Bởi theo ông tìm hiểu trên một số hợp đồng vay vốn của khách hàng thì không thấy đả động gì đến các điều khoản là họ sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi sau ngày 1/6/2016.
Theo ông Trường, nên chăng ngay từ lúc soạn hợp đồng NH nên thể hiện chi tiết để người vay nắm rõ. Có như thế gói hỗ trợ 30.000 tỷ mới đạt được ý nghĩa nhân văn của nó là hỗ trợ cho người nghèo. NHNN nên có điều chỉnh sớm theo hướng có lợi cho người vay, bằng không nhiều gia đình sẽ lâm vào cảnh “nợ chồng thêm nợ”.
Đứng trước những hệ lụy từ sự không rõ ràng của Thông tư 11 như nói trên, hiện nay nhiều chủ đầu tư đang có động thái kêu gọi khách hàng ký phụ lục đẩy nhanh tiến độ thanh toán cho kịp trước ngày 1/6. Nhưng cách này bị “vướng” khi có quy định chủ đầu tư không được huy động vốn vượt quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà.
Nhiều người mua nhà tại dự án NƠXH HQC Plaza đang hoang mang trước thông tin sẽ phải trả lãi suất thương mại cho các khoản giải ngân sau ngày 1/6/2016.
Nhiều người mua nhà tại các dự án NƠXH do Công ty Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư cũng đang thấp thỏm trước thông tin điều chỉnh lãi suất. Trao đổi với PV, ông Trương Anh Tuấn – Tổng giám đốc Địa ốc Hoàng Quân cam kết sau ngày 1/6 tất cả khách hàng đã ký hợp đồng vay mua nhà ở các dự án của Hoàng Quân đều sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi dưới 6%/năm (trong năm 2016 là 5%/năm) trong suốt thời hạn vay. Phần lãi suất chênh lệnh sẽ được trích từ lợi nhuận của công ty để trả thay cho khách hàng.
Cũng theo ông Tuấn, hiện công ty vẫn chưa nắm rõ chính sách hỗ trợ NƠXH sẽ được thực hiện tiếp như thế nào nhưng với gói 30.000 tỷ sắp kết thúc thì Hoàng Quân cũng đã có kế hoạch là từ nay đến hết 31/5 sẽ cố gắng đề nghị khách hàng thanh lý hợp đồng tín dụng với các NH (ngoài 5 NH được chỉ định cho vay mua NƠXH) để ngưng giải ngân trước ngày 1/6. Sau đó sẽ chuyển phần dư nợ vay sang 1 trong 5 ngân hàng được chỉ định để người mua nhà hưởng lãi suất ưu đãi theo Nghị định 100 (!?).
Nhiều người cho rằng đây dường như chỉ là liệu pháp để trấn an người mua nhà chứ khó thực hiện được. Bởi đối tượng vay mua NƠXH thuộc gói vay 30.000 tỷ đồng chịu sự điều chỉnh của Thông tư 11, còn Nghị định 100 cũng dành cho người vay mua NƠXH nhưng chỉ áp dụng cho các trường hợp vay mới. Câu hỏi đặt ra là nếu sau khi thanh lý mà NH khác không cho vay tiếp thì không biết người mua nhà sẽ ra sao?
Có thể nói đây là kết quả của một quá trình “phản ứng dây chuyền” khi các quy định chưa thể hiện được sự minh bạch cần thiết và như thế đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên vẫn là những người mua nhà có thu nhập thấp.
Theo Phương Anh Linh (Infonet)
Gói 30.000 tỷ: Giải ngân chậm, quy định đánh đố người vay
Gói 30.000 tỷ là khát khao của nhiều người dân khi muốn vay mua nhà thu nhập thấp thì chính những quy định khi muốn vay gói 30.000 tỷ lại giống như đánh đố khiến tốc độ giải ngân gói vay chậm, người dân muốn vay cũng khó như "hái sao trên trời".
Mới giải ngân được 1/4 gói tín dụng 30.000 tỷ
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tính đến 30/4/2015, mới giải ngân được 7.155 tỷ đồng trong gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền đã cam kết là 13.078 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 16.870 hộ với số tiền là 7.999 tỷ đồng và giải ngân cho 16.432 hộ, với số tiền là 5.211 tỷ đồng.
Còn các tổ chức đã cam kết cho vay 38 dự án, với số tiền là 5.079 tỷ đồng, đã giải ngân cho 33 dự án, dư nợ là 1.944 tỷ đồng.
Sau hơn 02 năm triển khai, số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay là 13.078 tỷ đồng (đạt 43,3%), góp phần hỗ trợ cho khoảng 17.000 hộ được cải thiện nhà ở. Mặc dù không đạt được như kỳ vọng song tốc độ giải ngân ngày càng được cải thiện.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chủ yếu chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, mới làm lần đầu, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. Bên cạnh đó, vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2 để bán cho người dân, nên người dân chưa thể vay vốn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tính đến 30/4/2015, mới giải ngân được 7.155 tỷ đồng trong gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền đã cam kết là 13.078 tỷ đồng.
Còn về phía ngân hàng, khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là hộ gia đình cá nhân. Trong thời gian tới, khi có lượng lớn dự án có đủ điều kiện để bán hàng thì tốc độ giải ngân sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc triển khai các quy định của Chính phủ; chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các dự án đang triển khai để phân loại: tiếp tục được triển khai, cần phải điều chỉnh hay chuyển đổi; đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục với nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang và điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại,...
Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 38.897 căn hộ; 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 33.867 căn hộ xin điều chỉnh thành 44.881 căn hộ.
Tính đến ngày 20/5/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 67.443 tỷ đồng (so với quý I/2013 giảm 61.105 tỷ đồng - tương đương 47,5%).
Quy định đánh đố người vay
Một năm nữa, thời hạn giải ngân gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho người dân mua nhà sẽ kết thúc nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 7.000 tỷ đồng.
Số ngân hàng (NH) giải ngân cho vay gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một trong những vướng mắc lớn nhất là có những quy định đánh đố người vay...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh (Phó giám đốc NH Nhà nước TP HCM) cho biết, đến nay dư nợ gói 30.000 tỷ đồng chỉ tập trung ở nhóm NH thương mại nhà nước, trong đó nhiều nhất là BIDV, kế đến là Vietcombank, VietinBank. Để tìm hiểu vì sao, trong tháng 5/2015, NH Nhà nước chi nhánh TP HCM đã có đoàn công tác đến làm việc với một số đơn vị tham gia cho vay chương trình này.
Nhiều người cho rằng điều kiện về mức thu nhập đang đánh đố người vay do thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng bị cho là có thu nhập cao, không đúng đối tượng, còn dưới 9 triệu đồng/tháng NH lại từ chối do không đủ khả năng trả nợ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, quy định như vậy quả thật đánh đố người vay vì nếu thuộc đối tượng thu nhập thấp theo quy định, sau khi trừ chi phí sinh hoạt không đủ đảm bảo khả năng trả nợ cho NH. Còn người có thu nhập cao hơn, đủ khả năng trả nợ NH lại không được vay. Vướng mắc này nằm ở phía Bộ Xây dựng.
Thời gian qua các NH đã kêu rất nhiều nhưng trong văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP HCM mới đây, Bộ Xây dựng vẫn cho rằng không thể bỏ điều kiện chứng minh thu nhập thấp. Nếu như vậy giải ngân gói 30.000 tỷ đồng thời gian tới vẫn tắc vì đây không phải là gói cấp phát, nếu có rủi ro thì NH phải chịu.
Quy định về gói vay 30.000 tỷ đồng khiến người dân muốn vay cũng khó như "hái sao trên trời".
Ông Minh cũng cho biết, theo thông tư của Bộ Xây dựng, đối tượng vay vốn là lao động tự do thu nhập phải không đến mức nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Khi áp dụng quy định này, các NH gặp phải hai khó khăn.
Thứ nhất, quy định không nêu rõ nên các NH không biết chỉ cần một người thuộc đối tượng trên là được vay vốn hay cả vợ chồng đều phải có thu nhập thấp mới được vay. Từ đó phát sinh trong thực tế nếu người vợ có thu nhập chưa đến mức chịu thuế, nhưng người chồng lại có thu nhập cao hoặc ngược lại thì có thuộc đối tượng được vay vốn theo chương trình không? Trường hợp này nếu chỉ có người vợ hoặc chồng có thu nhập thấp đứng tên vay vốn thì có vi phạm quy định không?
Thứ hai, căn cứ giá trị hợp đồng mua bán đã bao gồm thuế VAT không vượt quá 1,05 tỷ đồng thì người thu nhập thấp là một người sẽ không đủ khả năng trả nợ vì theo quy định về quy chế cho vay của NH, hiện người vay được vay tối đa 80% giá trị căn hộ, tương đương 840 triệu đồng.
Về việc nhiều NH thương mại không dám triển khai gói 30.000 tỷ đồng vì sợ trách nhiệm. Nhiều người cũng phản ảnh bị NH làm khó khi muốn vay gói ưu đãi rồi sau đó NH gợi ý vay gói thường, ông Minh cho biết
Mới đây khi làm việc với các NH, họ cũng nêu ra những điểm vướng mắc về cơ chế, nhưng khi làm văn bản hỏi NH Nhà nước và Bộ Xây dựng thì chưa được trả lời nên chưa thể giải ngân cho vay.
Tuy nhiên còn một lý do khác quan trọng là các NH sợ trách nhiệm do trong quá khứ khi tham gia gói hỗ trợ lãi suất, nhiều NH bị thanh tra yêu cầu thu hồi rất nhiều. NH Nhà nước TP cũng có nghe phản ảnh nhiều NH đã đưa ra nhiều thủ tục khó khăn khiến người vay nản chí, sau đó gợi ý khách hàng vay gói thương mại với điều kiện dễ dàng hơn rất nhiều nhưng lãi suất cao hơn.
Điều này có thể hiểu được vì những lý do như gói vay 30.000 tỷ đồng là gói vay ưu đãi, dành cho đối tượng thu nhập thấp nhưng điều kiện cho vay vẫn phải như gói vay thông thường, nếu có nợ xấu phát sinh thì NH phải chịu, do vậy NH phải xét duyệt kỹ.
Hơn nữa NH Nhà nước chỉ bù chênh lệch lãi suất 1,5%/năm, số tiền cho vay lại nhỏ trong khi với cho vay thương mại món vay lớn hơn, điều kiện vay do NH quyết định, lãi suất hưởng được cao hơn rất nhiều.
Các NH tham gia gói 30.000 tỷ đồng là tự nguyện. Do vậy nếu các NH dùng đây như một hình thức tăng uy tín nhằm quảng bá tên tuổi, đăng ký nhưng không triển khai là không thể chấp nhận được. NH Nhà nước TP sẽ khảo sát, từ đó có kiến nghị với NH Nhà nước chứ không thể để tình trạng NH xin rồi để đó hoặc lấy lý do này nọ mà không triển khai làm mất lòng tin của người dân.
Theo Đời Sống Pháp Luật