Cháy rừng và ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Lào
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 28/3, thời tiết khô nóng và việc người dân đốt nương làm rẫy đang gây các vụ cháy rừng ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, khiến các lực lượng chức năng phải chật vật khống chế “ giặc lửa”, trong đó nhiều đám cháy có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.
Báo chí Lào đưa tin trên 400 binh sĩ, các tình nguyện viên cứu hộ và người dân địa phương đang cố gắng dập tắt một đám cháy tại núi Phou Khao Khuay, huyện Pakngeum, tỉnh Viêng Chăn. Hiện ngọn lửa đã lan rộng trên diện tích hơn 300 ha. Các nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực để ngăn lửa lan đến các điểm tham quan du lịch gần đó như Thác Tham Pha, Thác Vangluang Taleo và Nam Pien Yorlapa.
Các đám cháy tại huyện Pakngeum bùng phát trong 2 tháng đầu năm nay. Một đám cháy lớn khác cũng đang hoành hành rừng Quốc gia Phou Phanang ở huyện Sangthong, thủ đô Viêng Chăn. Trong 7 ngày qua, các nhân viên cứu hỏa đã nỗ lực dập lửa nhưng không hiệu quả. Trong khi đó, tại tỉnh Luang Prabang, giới chức địa phương cũng đang phải huy động quân đội tham gia dập lửa tại rừng phòng hộ Phoukou, huyện Viengkham.
Video đang HOT
Hỏa hoạn thường xảy ra tại Lào vào mùa khô và nóng, với nhiệt độ ở thủ đô Viêng Chăn lên mức 39 độ C liên tục trong nhiều ngày qua. Giới chức lo ngại các đám cháy do người dân đốt nương để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới có thể nghiêm trọng hơn.
Theo giới chức Lào, việc đốt nương và cháy rừng đã gây ra tình trạng ô nhiễm không khí chưa từng có ở thủ đô Viêng Chăn và nhiều khu vực khác của Lào trong những ngày qua, với nồng độ bụi mịn trong không khí vượt mức nguy hiểm đối với sức khỏe con người, buộc các cơ quan chức năng phải khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Lào cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm
Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào đã cảnh báo người dân trên cả nước về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Theo thông báo của bộ trên, việc người dân đốt gốc rạ và các vụ cháy rừng đang gây ô nhiễm không khí tới mức nguy hiểm tại thủ đô Viêng Chăn, các tỉnh Oudomxay, Luang Namtha, Bokeo, Khammuan, Savannakhet và đặc biệt là Luang Prabang. Mật độ bụi mịn tại các địa điểm này đã vượt ngưỡng an toàn.
Bụi mịn hay còn gọi là PM 2.5, là các hạt vật chất có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromét. Các dữ liệu ghi nhận sáng 24/3 cho thấy chỉ số chất lượng không khí tại tỉnh Luang Prabang đã đạt đến mức không tốt cho sức khỏe, trong đó mật độ PM 2.5 tại thành phố Luang Prabang 209 microgam/m3.
Giữa tháng 2 vừa qua, giới chức tỉnh Luang Prabang cũng đã thông báo về một đám cháy tại bãi rác, gây khói mù ở thành phố Luang Prabang, cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 220km về phía Bắc, và các khu vực lân cận tỉnh này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào khuyến cáo người dân sống tại khu vực chịu ảnh hưởng của ô nhiễm nên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và tốt nhất là hạn chế ra ngoài trời.
Nhà chức trách Lào cũng đã nghiêm cấm đốt tất cả các loại chất thải trong mùa khô vì điều này góp phần gây ô nhiễm không khí.
PM 2.5 có thể tồn tại trong phổi và đi vào mạch máu của con người, khiến người hít phải dễ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch.
Thanh Phương (TTXVN)
'Giặc lửa' thiêu rụi gần 3.600 ha rừng của Cuba Vụ hỏa hoạn khởi phát từ 11 ngày trước ở miền Đông Cuba đã thiêu rụi gần 3.600 ha rừng thông, đồng cỏ và cây cà phê của nước này. Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại Pinares de Mayari, Cuba ngày 23/2/2023. Ảnh: REUTERS/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng...