“Cháy” phòng khách sạn do đầu cơ
Phòng khách sạn ở các điểm đến được ưa chuộng trong dịp nghỉ Tết dương lịch lại “cháy”, chủ yếu do đầu cơ.
Tăng giá gấp đôi
Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua, nhất là ở Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu. Ông Tạ Hoàng Giang, Giám đốc khách sạn Đà Lạt Plaza, cho hay khách sạn có 91 phòng nhưng đã được các công ty lữ hành và khách lẻ đặt hết từ gần 1 tháng nay, giá niêm yết từ 2 – 2,5 triệu đồng/phòng 2 người/ngày. Ở trung tâm Đà Lạt, khách sạn 4 sao Golf 3 có 78 phòng và đã bán hết, giá phòng từ hơn 1,2 – 3 triệu đồng/ngày. Dù ở xa trung tâm khoảng 2 km, khách sạn 3 sao Hùng Vương cũng đã hết phòng khách sạn 4 sao La Sapinette (83 phòng) cũng không còn phòng trống. Nhiều cơ sở lưu trú trên đường Nguyễn Chí Thanh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… hầu như chẳng còn phòng nào, giá tăng từ 25 – 100% so với bình thường. Chúng tôi thử hỏi giá ở vài nhà nghỉ trên 2 tuyến đường này, bình thường chỉ 300.000 – 400.000 đồng/ngày, giờ tăng gấp đôi.
Tình trạng đầu cơ phòng khách sạn đang xảy ra tràn lan ở các điểm đến Nha Trang,
Vũng Tàu, Đà Lạt – Ảnh: D.Đ.Minh
Video đang HOT
Tại Nha Trang, Vũng Tàu, Mũi Né (các điểm đến được du khách chọn nhiều nhất trong dịp này), các khách sạn đều thông báo hết phòng. Bà Trần Đặng Minh Uyên, Giám đốc lữ hành nội địa Công ty Win Way (TP.HCM), cho biết giá phòng ở Nha Trang trung bình tăng 50% nhưng vẫn không tìm được phòng cho khách, do khách sạn “ém” phòng bán cho khách lẻ với giá cao. Tại Vũng Tàu, các hãng lữ hành vất vả đến mấy cũng không thể đặt được phòng.
“Có khách sạn xa bãi biển, 2 sao thôi, ngày thường chúng tôi đặt với giá 300.000 đồng/phòng, ngày lễ tăng lên đến 850.000 đồng/phòng. Các khách sạn lớn chỉ dành 30% lượng phòng cho các công ty lữ hành, số còn lại để dành “chém” khách lẻ mà họ biết chắc chắn sẽ đổ về Vũng Tàu. Chúng tôi điện thoại hỏi khách sạn còn phòng hay không, họ trả lời hết. Nhưng khách điện thoại trực tiếp thì họ bảo còn, giá gấp đôi”, bà Uyên kể.
Đầu cơ
Ông Đào Văn Nguyên, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP.Đà Lạt, cho biết Đà Lạt có khoảng 637 cơ sở lưu trú với 19.727 phòng, có thể cùng lúc đón gần 40.000 du khách. Dịp nghỉ Tết dương lịch, phần lớn số cơ sở lưu trú ở khu vực trung tâm đã được đặt gần hết phòng, riêng số khách sạn hạng sao thì hầu như không còn phòng trống. Các hãng lữ hành ở TP.HCM khẳng định khách sạn ở Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu đang bị đầu cơ. Bà Trần Đặng Minh Uyên cho biết một số công ty du lịch tung người ra mua sỉ phòng các khách sạn, chủ yếu 2 sao trở xuống, ở Nha Trang, Đà Lạt. Họ trả tiền trước 100% cho khách sạn với giá cao hơn ngày thường khoảng 25% và sẽ bán lại cho khách lẻ, các công ty lữ hành với giá gấp đôi, gấp ba.
Tình trạng này khiến các công ty lữ hành làm ăn đàng hoàng luôn đau đầu vì không đặt được phòng. Không còn cách nào khác, họ phải mua lại phòng từ những người đầu cơ. Một doanh nghiệp du lịch cho biết trên thực tế, khách sạn và người đầu cơ đã bắt tay nhau trong việc mua bán sỉ phòng. Các chủ khách sạn thả nổi giá cho giới đầu cơ thao túng là làm hại uy tín của mình. Các khách sạn có thể bán phòng cho dân đầu cơ nhưng phải khống chế giá bán lại như thế nào cho hợp lý, không thể để họ bán lại với giá hơn 100%.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt, tình trạng đầu cơ phòng tràn lan khắp nơi như hiện nay trước hết khiến nhà nước chịu thiệt vì thất thu thuế. Ví dụ, các công ty đầu cơ mua giá phòng 200.000 đồng, bán ra giá 500.000 đồng, nhưng chỉ khai báo 200.000 đồng. Do đó, cơ quan quản lý địa phương cần xử lý nghiêm tình trạng này. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng các hiệp hội du lịch địa phương nên tham gia vào việc khuyến cáo khách sạn không nên bắt tay với người đầu cơ, nếu không sẽ bị tẩy chay.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, nói rằng trong khi ở các nước lân cận như Thái Lan đang tìm mọi cách khuyến mãi, giảm giá lôi kéo khách Việt thì du lịch nước ta cứ làm khó nhau bởi kiểu làm ăn chụp giật này.
Theo TNO
Giải quyết hàng tồn kho BĐS: Chỉ trong vòng 1 tháng?
Trao đổi với PV Lao Động ngày 30.10, chuyên gia kinh tế- TS Vũ Đình Ánh đã khẳng định như vậy khi bàn về vấn đề giải quyết lượng hàng tồn kho khổng lồ trên thị trường BĐS hiện nay. Vậy đâu là cơ sở cho nhận định như vậy, sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh.
Trong một báo cáo mới đây tại Diễn đàn kinh tế mùa thu, con số mới nhất là số lượng dư thừa căn hộ cả 2 miền Nam - Bắc lên tới 70.000 căn. Theo ông, trong bao lâu thì mới giải quyết hết số căn hộ dư thừa trên?
- Theo tôi, với số lượng căn hộ dư thừa như trên, chỉ trong vòng một tháng có thể giải quyết được nếu các chủ đầu tư giảm giá thành xuống hơn nữa. Điển hình thời gian vừa qua, chung cư Đại Thanh (huyện Thanh Trì, HN) trong vòng vài ngày đã bán được 1.000 căn hộ. Nếu bán theo mô hình này, chỉ 1 tháng là xong.
Tính bình quân, giả sử 70.000 căn hộ có giá 70.000 tỉ đồng, trong khi đó quy mô nền kinh tế 2,6 - 2,7 triệu tỉ đồng, tổng tiền gửi của người Việt Nam 1,4 triệu tỉ đồng như vậy, trong dân vẫn còn tiền. Điều quan trọng hiện nay là họ có nhu cầu mua nhà hay không và giá bán BĐS đó có phù hợp không.
Căn cứ vào đâu mà ông cho rằng giải quyết hàng tồn kho trong một tháng?
- Như trên tôi nói, tiền gửi của người Việt Nam là 1,4 triệu tỉ đồng. Thời điểm này, hiện tượng đầu cơ đầu tư đã giảm đi nhiều, mà đối tượng mua nhà tập trung vào những người có nhu cầu thực. Sở dĩ tôi nói trong vòng 1 tháng có thể giải quyết được hàng tồn là do nhu cầu của người dân vẫn rất cao. Hiện nay, gần 1 triệu công chức ở cả 2 miền đều chưa có nhà ở. Nhiều gia đình ở các tỉnh lên thành phố kiếm công ăn việc làm, cộng với các gia đình có điều kiện tại các tỉnh mua nhà cho con - cháu đang học tại thành phố để sau có thể "cắm chốt" luôn tại đây.
Thống kê trên cho thấy, nhu cầu mua nhà của những đối tượng này rất lớn, nhưng không phải căn hộ cao cấp từ vài tỉ đến chục tỉ đồng. Khả năng thanh toán phổ biến nhất là dao động trong khoảng 1-2 tỉ đồng. Chúng ta đang dư thừa và "chết" ở phân khúc căn hộ lớn, có giá trị cao. Đơn cử như căn hộ tại dự án Madarin Garden của Tập đoàn Hòa Phát có giá từ 45 triệu đồng/m2, nay còn từ 29-38 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, số người bỏ tiền ra mua căn hộ đó không phải là lớn. Chỉ khi nào giảm giá phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng thì hàng tồn kho mới có thể giải quyết được.
Theo tính toán của một số DN, tính chi phí xây dựng mỗi mét vuông nhà là từ 15-17 triệu đồng, nay đang bán giá 15-17 triệu đồng/m2 chỉ bằng hoặc là lỗ. Vậy giá 10 triệu đồng/m2 liệu DN đang lỗ nhiều?
- Nguyên tắc của thị trường là làm ra cái người khác cần chứ không phải làm ra cái mà mình có thể làm được. Hiện nay, chủ đầu tư sai lầm là họ tạo ra sản phẩm mà họ có chứ không phải cái mà thị trường cần. Cũng như các hàng hóa khác, thông thường thịt lợn giá 100.000 đồng/kg, chủ hàng lại tạo ra một loại thịt lợn khác giá 200.000 đồng/kg.
Vẫn có một nhóm người có thể chấp nhận được chất lượng như thế, nhưng chỉ là một nhóm nhỏ, cũng giống như BĐS, chỉ có một nhóm người có khả năng thanh toán căn hộ cao cấp. Giả sử chủ đầu tư bán ra 15 triệu đồng/m2, nhưng người mua chỉ chấp nhận 10 triệu đồng/m2, trong khi đó bán 10 triệu đồng/m2 sẽ đáp ứng được nhu cầu của người mua thu hẹp bớt tài sản đã hình thành là 15 triệu. Tuy nhiên, vẫn có một nhóm người chấp nhận mua 15 triệu. Tại vì thời gian qua, thị trường xây dựng quá nhiều căn hộ trên 15 triệu đồng/m2, tạo ra một thị trường ảo chứ không phải thị trường thật.
Trong tương lai, thị trường BĐS ảo có xảy ra?
- Thị trường BĐS phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và tầm 3-5 năm nữa, thị trường BĐS mới có dấu hiệu hồi phục. Thị trường BĐS ảo xuất hiện khi kinh tế đi lên, bao giờ tâm lý lạc quan của xã hội cũng tạo ra "bong bóng" BĐS. Ví dụ, tôi chỉ mua được 1 căn hộ có giá 10 triệu đồng/m2, tới đây khả năng kinh tế đi lên, thu nhập đi lên nên sẵn sàng vay tiền mua căn hộ 15 triệu đồng/m2. Ảo là vượt quá khả năng của họ và để đáp ứng cho khả năng ấy của mình, sẽ tạo ra tầng lớp đầu cơ. Và thị trường ảo xảy ra khi nền kinh tế hồi phục.
Theo laodong
Xử nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng xăng dầu Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công thương quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành quy định của pháp luật về dự trữ lưu thông xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng cường...