Cháy nhà 4 người chết ở Hà Nội: Tang thương phủ kín quê nhà hai anh em ruột
Chưa kịp đón em về quê ăn Tết, hai anh em Thắng và Đức đã chết thương tâm sau vụ hỏa hoạn trong ngày ông Công, ông Táo ở Hà Nội.
Một ngày sau vụ hỏa hoạn xảy ra, thi thể hai anh em ruột Lê Bật Đức (SN 1994) và Lê Bật Thắng (SN 1997) vừa được đưa về quê nhà để an táng. Căn nhà nơi gia đình hai nạn nhân sinh sống ở phố 8 (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) phủ kín một màu tang thương.
Quê nhà đau buồn tiễn đưa hai anh em Đức và Thắng.
Sự ra đi đột ngột của hai thanh niên ngoan ngoãn khiến người dân nơi đây xót xa, đau đớn. “Hai đứa nó ngoan ngoãn từ nhỏ, ở đây ai cũng yêu quý. Khi biết tin hai cháu gặp nạn ở Hà Nội chúng tôi đau xót lắm, chưa kịp về ăn Tết cùng bố mẹ thì đã ra đi. Các cháu nó còn nhỏ, nghĩ mà tội lắm chú à”, bà H. hàng xóm chia sẻ.
5h30′ ngày 5/2, chiếc xe chở linh cữu hai anh em Đức và Thắng về đến quê nhà trong nỗi buồn của người thân và bà con hàng xóm. Từng dòng người đến tiễn đưa, ai cũng không cầm được nước mắt. Hai chiếc quan tài đặt cạnh nhau, trong khói hương nghi ngút, những tiếng khóc nghẹn khiến không khí tang tương bủa kín căn nhà nhỏ.
Ngồi bần thần bên góc nhà, chị Tạ Thị Tuyên (mẹ nạn nhân), gào thét gọi tên con trong vô vọng. “Con ơi, sao con hứa về ăn Tết với bố mẹ mà bây giờ con bỏ bố mẹ ra đi như vậy con ơi. Về với mẹ đi con ơi”.
Video đang HOT
Căn nhà nhỏ nơi hai em sinh ra và lớn lên nhuốm một màu tang thương.
Trước sự ra đi đột ngột của hai cháu, anh Lê Bật Sáu (bác ruột nạn nhân) nghẹn ngào tâm sự: “Nghe tin tôi như rụng rời chân tay. Cô chú ấy cũng chỉ có hai đứa thôi. Mới hôm vừa rồi bố mẹ cháu có gọi giục về quê ăn Tết sớm. Thắng cũng mấy tháng nay chưa về quê vì bận bán hàng online. Cháu nó bảo lấy bằng tốt nghiệp xong sẽ về ngay. Vậy mà ra nông nỗi này”.
Ông Sáu kể, vì lo cho cậu em trai không có xe về quê, sau khi chở khách đi Nam Định, Đức đã vòng ra Hà Nội để đón cậu em trai của mình là Lê Bật Thắng (sinh viên Đại học Thủy Lợi) về quê ăn Tết. Nhưng khi chưa kịp về thì vụ hỏa hoạn xảy ra khiến cả hai qua đời.
Từ khi hai cậu con trai yêu quý gặp nạn, anh Lê Bật Tám (bố đẻ nạn nhân) chỉ biết nấc nghẹn trong đau đớn. Anh không thể tin được hai người con trai khôn lớn của mình lại ra đi đột ngột đến như vậy. Nhìn di ảnh hai con, người cha thất thần rồi lịm đi trong đau đớn.
Đau đớn hơn, Lê Bật Đức ra đi đã để lại vợ và hai con thơ dại. “Đức gặp nạn chúng em đau buồn lắm. Vợ cậu ấy đang mang bầu đứa thứ hai mới được 7 tháng, chưa kịp nhìn con chào đời đã đột ngột ra đi”, một người bạn học của Đức tâm sự.
Chia sẻ về hoàn cảnh thương tâm này, ông Lê Đình Tâm – Chủ tịch UBND thị trấn Nưa, cho biết: “Để chia sẻ nỗi đau cùng gia đình hai nạn nhân, chính quyền địa đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình. Nói về gia đình hai cháu, đây là trường hợp rất thương tâm, hai cháu Thắng và Đức rất ngoan ngoãn, bố mẹ làm ăn lương thiện và có nếp sống văn hóa ở địa phương. Sự ra đi của hai cháu khiến chúng tôi cảm thấy rất đau buồn và thương xót”.
Do dịch bệnh COVID-19 nên chính quyền tổ chức đo thân nhiệt và kiểm tra y tế tại đám tang.
Trước đó, đầu giờ chiều ngày 4/2, tại nhà trọ ở phố Tam Khương (quận Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 4 người bị chết cháy trong căn nhà khóa trái cửa. Danh tính các nạn nhân được xác định gồm Lê Bật Đức (SN 1994) và em trai là Lê Bật Thắng (SN 1997, cùng quê Triệu Sơn, Thanh Hóa), hai người còn lại gồm G.V.N (SN 1997, quê Bắc Giang) và T.D.H (SN 1997, quê Nam Định).
Thông tin ban đầu, xác định vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ việc đốt vàng mã của các nạn nhân. Thời điểm trên, người dân phát hiện lửa bốc cháy lớn từ phòng trọ, khi người dân dập lửa thì phát hiện trong phòng trọ 4 nạn nhân đã tử vong.
Hiện nguyên nhân dẫn đến vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Thả cá, thả luôn vật dụng, tàn tro xuống sông Đà trong ngày ông Công ông Táo
Ngày 4/2 (tức ngày 23 tháng Chạp), dọc hai bờ sông Đà, thành phố Hòa Bình, hàng nghìn người dân thực hiện phong tục thả cá chép tiễn Táo quân về trời.
Nhiều người dân đã có ý thức thả cá, không thả túi ni lông, đồ thờ cúng xuống sông, tuy nhiên vẫn còn một số người thiếu ý thức đã thả những vật dụng thờ cúng cũ, tàn tro xuống sông làm đục ngầu cả một khúc sông.
Chính quyền thành phố cần có biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tổ chức thu dọn môi trường, làm sạch hai bên bờ sông để đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan của thành phố.
Người dân đi thả cá ngày Tết ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp.
Một bộ phận người dân đi thả cá vẫn "vô tư" đổ tro thải và nhiều đồ thờ cũng xuống lòng sông Đà ở phía hạ lưu.
Một người dân đi thả cá vẫn "vô tư' đổ tro thải và nhiều đồ thờ cũng xuống lòng sông Đà.
Một khúc sông Đà phía hạ lưu đục ngầu bởi tro xỉ do người dân đổ xuống trong ngày Tết ông Công, ông Táo.
Rất nhiều đồ thờ cúng là bát hương, lộc bình... bị bỏ lại nơi lòng sông gây ô nhiễm và mất mỹ quan thành phố.