Chạy đua tránh cuồng phong
Trước cơn cuồng phong Molave – bão số 9 sắp đổ bộ, ngày 27-10, chính quyền các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã huy động tổng lực để sơ tán khẩn cấp hàng trăm ngàn dân ở các khu vực xung yếu, nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.
Dọc các làng biển, đâu đâu cũng là cảnh người dân khắp nơi lo chằng chống nhà cửa, tất bật chuẩn bị sơ tán tránh cơn cuồng phong hung hãn.
Gia đình ông Phạm Ngọc Diễn (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) làm hầm tránh bão. Ảnh: THỦY TIÊN
Từ sáng 27-10, gác lại hết việc nhà mình, ông Phạm Duy Phúc, Trưởng thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cầm loa chạy dọc bờ biển để cảnh báo người dân chủ động chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn. Tiếng loa kêu gọi sơ tán dân của trưởng thôn Phúc lấn át cả tiếng sóng biển cuồng nộ. Từ bờ bên kia, tiếng còi hú của lực lượng Công an xã Bình Hải cũng kêu vọng sang, làm cho cảnh làng biển càng khẩn trương hơn bao giờ hết. Gặp chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Đức Anh, Trưởng Công an xã Bình Hải, nói nhanh: “Từ sáng đơn vị huy động 100% quân số để đến từng ngóc ngách các vùng dân cư xung yếu vận động bà con sơ tán, trú bão. Chúng tôi phải sử dụng cả còi hú để cảnh báo bà con cảnh giác cao với cơn bão này”.
Video đang HOT
Người dân trú tránh bão tại nhà phòng chống thiên tai xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Từ khoảng 11 giờ trưa, tất cả dân làng thôn Phước Thiện bắt đầu cuộc sơ tán lịch sử chưa từng thấy. Dọc tuyến đường chính vào thôn, người dân đèo bế nhau, tay xách nách mang chăn màn chiếu gối chạy bão. Mọi người cùng hỗ trợ nhau để chạy trú trước cơn cuồng phong đang hung hãn tiến tới từ biển Đông. Cánh đàn ông trai tráng khiêng những chiếc thúng chai đến nơi an toàn. Tàu thuyền được neo buộc bằng những sợi dây thừng bằng cổ tay.
Cuối làng biển Phước Thiện, vợ chồng bà Nguyễn Thị Chung (54 tuổi) lo giằng ngôi nhà trước khi chạy bão: “Từ khi tôi sinh ra ở làng biển đến nay, chưa bao giờ chứng kiến cảnh dân làng phải chạy bão đồng loạt như hôm nay. Tôi có con gái mới sinh từ 3 hôm trước, đã đi thuê khách sạn để trú ẩn. Nhiều người dân ở đây cũng đi thuê nhà nghỉ, khách sạn hoặc đến nhà kiên cố của người thân để trú ẩn cả rồi”.
Sau khi lo cho cả làng chạy bão, trưởng thôn Phạm Duy Phúc mới chạy về giằng chống lại ngôi nhà mình. Ông Phúc sốt sắng: “Làng Phước Thiện có 600 hộ dân, trên 2.000 nhân khẩu. Trước cơn bão lớn tôi cứ phải chạy trước để lo cho bà con trú bão an toàn đã rồi mới tới lượt mình. Ở nhà giao hết cho vợ con”.
Trực tiếp chỉ đạo công tác vận động người dân di dời tại bờ biển làng Phước Thiện, ông Đỗ Khiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, khu vực ven biển Bình Sơn được dự báo sẽ nơi bão số 9 đổ bộ trực tiếp. Trong ngày 27-10, địa phương đã sơ tán 25.000 dân đến nơi tránh trú an toàn. Ngoài những trụ sở, trường học, nhà máy, doanh nghiệp… được trưng dụng, địa phương còn huy động thêm các nhà nghỉ, khách sạn, nhà ở kiên cố để dân trú ẩn.
Ám ảnh Xangsane
Trước thời điểm bão số 9 đổ bộ, bầu trời Đà Nẵng trong xanh, nắng đẹp. Nhưng với kinh nghiệm từng trải qua siêu bão Xangsane hồi năm 2006, người dân Đà Nẵng hiểu được sau một ngày trời cực đẹp thì hiểm họa bão biển mang tên Molave sắp ập đến.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (56 tuổi, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) lo lắng: “Nghe dự báo là bão ni mạnh hơn bão Xangsane nữa nên không thể chủ quan được. Làm nghề biển, có con thuyền là tài sản quý giá nên gia đình tôi đã nhờ các chiến sĩ công an phường đưa thuyền vào sát bên nhà tránh bão”.
Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, do nằm sát biển nên phường cùng người dân đã đưa toàn bộ thuyền thúng máy lên bờ. Riêng các tàu trên 50CV đã di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang. “Rút kinh nghiệm từ bão Xangsane, hiện chính quyền địa phương trưng dụng trường học, trụ sở cơ quan để dân đến trú ẩn. Ngoài ra, một số khách sạn lớn trên địa bàn cũng tự nguyện làm nơi trú ẩn cho dân. Ai không chịu sơ tán đến nơi an toàn thì cương quyết cưỡng chế bằng được”, ông Công cho biết.
Trước tình hình khẩn cấp, để giúp đỡ người dân có chỗ tránh trú bão an toàn, khách sạn Sea Phoenix (phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) thông báo rộng rãi sẽ làm nơi trú ẩn miễn phí cho dân. Bà Hoàng Thị Minh Phượng, Giám đốc khách sạn Sea Phoenix, cho biết, nhiều người lao động, sinh viên, trong đó có nhân viên của khách sạn đang sống trong khu nhà trọ không an toàn nên bà chủ động dùng khách sạn làm nơi trú bão cho dân. “Bão lớn nên ai cần thì cứ đến, ở bao nhiêu cũng được, miễn sao để mọi người bảo toàn tính mạng qua cơn bão. Khách sạn 14 tầng, 55 phòng, có thể giúp đỡ cả trăm người dân đến tránh trú bão. Chúng tôi sẽ chuẩn bị nước uống, mì tôm để dân có cái mà ăn trú bão “, bà Phương cho biết.
Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), nhiều người dân có nhà kiên cố đã thông báo lên facebook cá nhân sẵn sàng đón người dân đến trú bão với đầy đủ thức ăn nước uống. Nhà báo Trần Hữu Phúc, công tác tại Báo Quảng Nam đã đưa lên facebook cá nhân số điện thoại cho những ai cần liên hệ đến trú bão. Đối với người già, người tàn tật, anh cho biết sẽ đưa ô tô đến tận nơi để chở đến nhà mình trú bão.
Rạng sáng 28/10, bão số 9 tiến vào vùng biển Đà Nẵng - Phú Yên
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, các dự báo về quỹ đạo đều cho thấy bão số 9 hướng về khu vực Quảng Ngãi - Bình Định.
Bão số 9 di chuyển ổn định theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 25 km/giờ trong chiều và tối 27/10. Rạng sáng 28/10, bão tiến vào vùng biển Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió mạnh cấp 14. Đến 10 giờ ngày 28/10, tâm bão nằm ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Đáng lưu ý, sau khi đổ bộ, bão số 9 có thể đi sâu vào đất liền và "quần thảo" rồi mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hình ảnh bão số 9 thu được qua vệ tinh. Ảnh: TTXVN phát
Hồi 16 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở cách Đà Nẵng khoảng 550 km, cách Quảng Nam 490 km, cách Quảng Ngãi 440 km, cách Phú Yên 360 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150 - 165 km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão.
Từ 16 giờ ngày 27/10 đến 16 giờ ngày 28/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12 - 13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.
Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, phía Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông từ 16 giờ ngày 27/10 đến 16 giờ ngày 28/10 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) gồm: Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc (tương đương vùng biển từ Khánh Hòa đến Quảng Bình); phía Tây kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Từ 16 giờ ngày 28/10 đến 4 giờ ngày 29/10, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8. Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp.
Tối và đêm 27/10, do ảnh hưởng của bão số 9, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão cấp 12 - 14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8 - 10 m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9 - 11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6 - 8 m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió Đông Bắc cấp 8 - 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4 - 6 m.
Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 - 5 m.
Khu vực ven biển từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5 - 1,5 m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.
Bão gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm 27/10; thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8 - 10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11 - 13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 10.
Từ chiều tối 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100 - 200 mm/đợt.
Từ ngày 28 - 31/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400 mm/đợt; riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500 - 700 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4.
Lực lượng chức năng kêu gọi, vận động người dân trong khu vực nguy hiểm nhanh chóng di dời tránh bão số 9. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN
Theo Công điện 1490/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bão số 9 cùng với cơn bão Xangsane (năm 2006) dự báo là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm gần đây có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ và Tây Nguyên nước ta. Bão hiện đang di chuyển nhanh với sức gió cường độ cấp 13 - 14, giật cấp 17, sóng có nơi lên cao tới 6 - 8 m, phạm vi ảnh hưởng rộng, đổ bộ vào thời điểm triều cường, vô cùng nguy hiểm. Sau bão là mưa to, rất to, lượng mưa tại Nam Nghệ An, Hà Tĩnh có thể lên tới 50 0- 700 mm. Đêm 27/10 và ngày 28/10, bão sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến các địa phương ven biển miền Trung, nhất là các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến yêu cầu các địa phương trên tuyến biển cần tăng cường kiểm đếm, hướng dẫn tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển tránh trú an toàn; tổ chức bắn pháo hiệu thông báo; hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu, thuyền, lưu ý các tàu vận tải, tàu vãng lai. Các địa phương cử cán bộ kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tại bến, không để người ở lại trên tàu, thuyền khi bão đổ bộ, kiên quyết cưỡng chế, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành; tổ chức gia cố, chằng chống lồng bè nuôi trồng hải sản, không để dân trên lồng bè khi bão đổ bộ; sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm vào đất liền, chỉ được quay trở lại khi có lệnh của chính quyền, đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu nuôi trồng, khu sơ tán.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bão số 9 cần triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển; bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu, thuyền khi có sự cố; kiểm soát việc thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đã ban hành.
Các địa phương trên khu vực đất liền thực hiện ngay việc sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, thấp trũng, nhà yếu, khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở ngay trong thành phố; cho học sinh nghỉ học theo kế hoạch và tổ chức quản lý đảm bảo an toàn; hướng dẫn, chỉ đạo chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, biển hiệu, biển quảng cáo, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây trồng lâu năm, cây công nghiệp. Các địa phương cần chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi, canh gác tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, ngầm tràn, nước chảy xiết, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ; đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, đê điều, khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; tổ chức nhắn tin cảnh báo đến các thuê bao, thông tin kịp thời đến tất cả người dân trong vùng ảnh hưởng của bão để chủ động ứng phó.
Thủ tướng: Tập trung lực lượng ứng phó với bão số 9 Quân đội huy động hơn 370.000 người ứng phó bão. Các địa phương liên quan không tổ chức họp, trừ những cuộc họp rất cần thiết để tập trung chống bão số 9. Ngày 26-10, trước tình hình bão khẩn cấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó bão số 9...