Cháy do hàn sắt đã cướp mạng hàng chục người
Vụ hỏa hoạn làm 6 người chết tại khu Zone 9 (Hà Nội) khiến nhiều người giật mình. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên xỉ hàn gây họa. 60 người chết trong vụ cháy tòa nhà ITC (TPHCM) hay 13 người thiệt mạng trong vụ cháy xưởng may ở Hải Phòng là những ví dụ điển hình.
Tu sửa “chốn ăn chơi”, 6 người tử vong
Vụ cháy tử thần chiều 19/11 vừa qua tại Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội) – khu ăn chơi mới nổi của giới trẻ Hà thành đã cướp đi sinh mạng 6 người và làm 6 người khác phải đi cấp cứu. Đau xót hơn, trong 6 nạn nhân tử vong, có 5 người là họ hàng với nhau và ở cùng một thôn, trong đó có 2 cặp vợ chồng.
Theo lời kể của các nhân chứng, hỏa hoạn xảy ra khi một nhóm thợ đang cải tạo một khu vực trong Zone 9 để làm quán bar – cà phê. Khi xe cứu hỏa tới, khoảng 10 công nhân đang bị mắc kẹt bên trong khu vực cháy. Đám cháy được dập tắt rất nhanh sau đó.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ tại quán bar trong khu Zone 9
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội cho biết, ngọn lửa tuy không lớn nhưng lại tạo rất nhiều khói độc khiến các công nhân bị ngạt, dẫn đến thương vong.
Theo báo cáo nhanh của UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), nguyên nhân hỏa hoạn là do thợ hàn sơ ý để vảy hàn bắn vào các vật liệu dễ cháy như xốp, nhựa…
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Công an TP Hà Nội, cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ cháy và trách nhiệm của các bên liên quan. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 20/11, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội nói: “Việc xử lý trách nhiệm trong vụ việc này sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở kết luận điều tra nguyên nhân vụ cháy”.
Hiện, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an quận Hai Bà Trưng phối hợp với PC45 – Công an Hà Nội) đã tạm giữ 4 đối tượng để làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ cháy này.
Những đứa trẻ bỗng chốc bơ vơ khi mất cả bố lẫn mẹ trong vụ cháy quán bar ở khu Zone 9 (Hà Nội) (Ảnh: Như Hoàn)
Thảm họa lửa đỏ tại Trung tâm thương mại quốc tế TPHCM (ITC)
Cách đây 11 năm, cũng chính xỉ hàn đã biến một khu trung tâm thương mại sầm uất tại TPHCM thành biển lửa.
Video đang HOT
13h30 trưa 29/10 năm 2002, do bất cẩn trong khi hàn xì, một ngọn lửa lớn đã bùng phát từ vũ trường Blue thuộc Trung tâm Thương mại Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh ITC, sau đó lan rộng và bốc lên dữ dội. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm cả toà nhà. Có nhiều người, để thoát ra khỏi đám cháy đã trèo xuống bằng đường ống nước, thậm chí nhảy xuống từ tầng 3, tầng 4…
Hơn 50 xe cứu hỏa cùng hàng trăm người tham gia chữa cháy. Xe cứu thương liên tiếp chở nạn nhân về trung tâm cấp cứu. Trong tòa nhà ITC, cả tầng 2-3 rực lửa, tầng 4, 5, 6 khói mù mịt. Gió thổi to khiến ngọn lửa đôi lúc lại bùng lên, khí nóng và khói bao trùm toàn khu vực.
Vụ cháy tại tòa nhà trung tâm thương mại quốc tế (ITC) làm chết 60 người trong đó có 4 người ngước ngoài, bị thương 70 người do bỏng, ngạt và nhảy từ trên tầng cao tòa nhà xuống. Thiệt hại tài sản lên đến hơn 32 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra, nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn khủng khiếp này là khi hàn các bulong định vị trên trần, thợ hàn để vảy xỉ nhiệt độ khoảng 1.700 độ C bắn vào xốp cách âm gây cháy lan nhanh và cháy lớn. Sau khi đám cháy lan rộng, thợ hàn không kiểm soát được đám cháy, đã đóng cửa phòng xảy ra cháy và để mặc cho đám cháy tiếp tục phát triển.
Liên quan đến vụ án này, 11 người đã bị truy tố về tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ cháy xưởng may kinh hoàng tại Hải Phòng
Vụ cháy xưởng may năm 2011 tại Hải Phòng làm 13 người chết, 25 người khác bị thương khiến nhiều người bàng hoàng.
Theo những người dân sống tại thôn Đại Hoàng (Tân Dân, An Lão, Hải Phòng) chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối, khoảng 16h ngày 29/7, tất cả hốt hoảng phát hiện một đám khói lớn đùn ra từ cửa ra vào của xưởng may do vợ chồng Bùi Thị Hiền làm chủ.
Xưởng may giày của vợ chồng Bùi Thị Hiền tan hoang sau đám cháy kinh hoàng (Ảnh: Dân Việt)
Do xưởng may là một ngôi nhà hình ống, chỉ có duy nhất một cửa ra vào nên khi lửa bùng lên dữ dội, toàn bộ 38 công nhân đang có mặt đều sợ hãi lui về phía cuối nhà. Không có lối thoát ra, họ chỉ biết kêu cứu.
Những người dân vội dùng đủ mọi vật dụng để đập vỡ bức tường phía sau nhằm giải cứu các nạn nhân. Tuy nhiên, 13 người đã không qua khỏi.
Nguyên nhân vụ cháy được xác định là trong quá trình hàn cột thu lôi cho nhà xưởng, các tia lửa bắn xuống dưới, bén vào nguyên vật liệu dễ cháy bên trong xưởng khiến lửa bùng lên dữ dội.
5 người phải ngồi tù vì để xảy ra vụ cháy. Nhưng trong những người sống sót vẫn vẹn nguyên nỗi kinh hoàng. Họ phải gồng mình để vượt qua nỗi đau về tinh thần, vật chất, và nhiều người trong số họ đang canh cánh nỗi lo bị tàn phế suốt đời…
Lửa hàn và những cột khói mất mát
Cách đây gần 2 năm, ngày 15/12/2011, công trình xây dựng tòa nhà Điện lực Việt Nam cao 33 tầng (phố Cửa Bắc, Hà Nội) bỗng phát hỏa dữ dội. Khói đen chui ra từ tất cả các lỗ hổng của tòa nhà. Hàng chục công nhân thi công tòa nhà tìm cách thoát thân qua thang bộ, thang dây… Vụ cháy tòa nhà EVN khiến 27 người bị thương. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do trong quá trình công nhân hàn xì, tia lửa bắn ra gây cháy.
Clip vụ cháy tòa nhà EVN (Cửa Bắc, Hà Nội):
Cũng tại Hà Nội, đầu tháng 3 vừa qua, lửa bùng lên dữ dội tại một xưởng nội thất cao 5 tầng trên đường Âu Cơ.
Khi đám cháy được khống chế, ngôi nhà 5 tầng đã đổ sụp hoàn toàn, chỉ còn trơ khung sắt méo mó. Những ngôi nhà kế bên cũng bị hư hại rất nhiều do đám cháy. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản lên đến hơn 3 tỷ đồng.
Người dân sống gần khu vực cháy cho biết, trước thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, xưởng nội thất đang trong quá trình tu sửa. Nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn có thể là do thợ hàn bất cẩn trong khi hàn cắt kim loại.
Trước đó, tháng 8/2011, vụ hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam (đường Phạm Hùng, Hà Nội) khiến gần 1.000 cư dân hoảng loạn đổ ra đường. Khu vực cháy là trên nóc của tòa nhà 7 tầng được xây dựng làm gara ô tô cho khu Keangnam Landmark Tower.
Nguyên nhân bước đầu được xác định là khi công nhân hàn đường ống đã để tia lửa hàn bén vào vật liệu dễ bắt lửa của dàn điều hòa gây ra vụ hỏa hoạn trên.
Chiều 21/12/2012, vũ trường New Phương Đông – vũ trường lớn nhất Đà Nẵng cũng xảy ra cháy lớn. 5 xe cứu hỏa và hàng trăm cảnh sát được huy động đến chữa cháy và phong tỏa khu vực. Sau 3 giờ tích cực chữa cháy, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
Đại tá Nguyễn Phong, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP. Đà Nẵng cho biết đã xác định nguyên nhân vụ cháy vũ trường New Phương Đông là do hàn. Theo đó, trong lúc hàn khung sắt, thợ hàn đã bất cẩn để tia lửa bắn vào lớp xốp trên trần của phòng cách âm và gây cháy lan rộng.
Theo Khampha
"Dựng" lại phút kinh hoàng tại điểm cháy
Trao đổi với chỉ huy một số phòng nghiệp vụ CATP Hà Nội và Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, có thể dựng lại diễn biến và hiện trường vụ hỏa hoạn như sau:
Nhà thầu thờ ơ, chủ đầu tư thiếu sâu sát, thợ hàn không được đào tạo... cháy là điều dễ hiểu
Khuôn viên xảy cháy diện tích khoảng 400 m2, nằm ở tầng 1, dãy nhà A, dự định được sửa chữa để hoạt động quán bar. Khuôn viên này có duy nhất 1 lối vào, và phải đi qua hành lang để vào khu vực chính của quán bar... Phần rộng nhất của khu vực này được chia thành 2 phần: khu giải trí cho khách và phía trong cùng là khu vệ sinh. Có một lớp tường ngăn cách hai khu, trên cao có các lỗ thông khí.
14h ngày 19-11, cơ quan chức năng nhận được tin báo cháy. Nhưng trước đó, ngọn lửa đã bùng phát tại khu vực sẽ dành để phục vụ khách ngồi thư giãn, giải trí trong quán bar. Một dàn giáo bằng kim loại cao khoảng 3m dựng giữa khuôn viên này, và một tốp thợ đang hàn trên trần. Nhiều khả năng, tia lửa hàn bắn vào trần đã gây nên hỏa hoạn. Vì là vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát rất nhanh, và theo một cán bộ khám nghiệm, toàn bộ trần của khuôn viên này đã cháy rụi.
Thời điểm xảy cháy, có ít nhất 2 tốp công nhân đang làm việc: Một tốp thợ hàn, một tốp đang lát nền ở xung quanh và khu vực nhà vệ sinh. Nhiều khả năng khi thấy lửa và khói bùng phát, có công nhân đã chạy vào trong khu vệ sinh để nấp. Tuy nhiên, họ chỉ có thể tránh được lửa chứ không thoát được khói độc ập vào, qua cửa của khu vệ sinh và các lỗ thông khí ở trên. Công tác khám nghiệm hiện trường về sau nghiêng nhiều về giả thiết này, bởi có 3 người được tìm thấy đã thiệt mạng ở khu vực nhà vệ sinh. Họ không thể chạy ra ngoài, phần vì tối, phần do lửa ở khu vực nhà chính bốc cháy quá dữ dội.
Tạm giữ 4 người liên quan
Sau khi phân loại số công nhân và những người liên quan có mặt ở điểm cháy, ngày 20-11, cơ quan Công an đã tạm giữ 4 trường hợp để điều tra, xác minh nguyên nhân gây cháy, gồm: Trần Văn Út (SN 1989), Phạm Quang Huấn (SN 1984), cùng quê quán Bình Lục - Hà Nam; Nguyễn Trọng Duy (SN 1985), quê Lý Nhân, Hà Nam; và Hoàng Văn Phong (SN 1975), quê Duy Tiên, Hà Nam. Út, Phong và Duy là 3 công nhân làm việc ở xưởng cơ khí tại Định Công, Hoàng Mai, do Phạm Quang Huấn làm chủ.
Phạm Quang Huấn cho biết, xưởng cơ khí nhận hợp đồng làm tại công trình trên từ ngày 20-10. Hôm hỏa hoạn, ngoài Huấn còn có 6 công nhân của xưởng làm việc. "Lúc công nhân hàn ở trần, anh có nhận thấy sẽ nguy hiểm, xảy ra hỏa hoạn không?", PV ANTĐ hỏi. "Em có biết và đã che chắn, nhưng không được. Khi không dập được lửa, em và công nhân đã bỏ chạy ra ngoài", Huấn trả lời.
Cơ quan quản lý chưa đề cập đến trách nhiệm
Chiều 20-11, sau nhiều lần đến trụ sở cơ quan nhưng không gặp, PV ANTĐ đã trao đổi qua điện thoại với lãnh đạo Phòng Tài chính - kế hoạch quận Hai Bà Trưng, để tìm hiểu số cơ sở đăng ký kinh doanh hoạt động tại địa chỉ số 9 Trần Thánh Tông. Tuy nhiên, vị này cho biết: chưa thống kê được có bao nhiêu cơ sở đang hoạt động, mà tuân thủ nguyên tắc: "Cá nhân, tổ chức nào đủ điều kiện sẽ cấp đăng ký kinh doanh".
Cũng trong ngày 20-11, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, ông Lâm Anh Tuấn đã ký báo cáo gửi cấp có thẩm quyền về vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, báo cáo chỉ thuật lại diễn biến vụ cháy, công tác chữa cháy và thông tin về các nạn nhân, chứ không đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo thông tin PV nắm được, địa chỉ số 9 Trần Thánh Tông có tới 4 pháp nhân quản lý, khai thác, gồm: Công ty CP Đại Dương, Công ty CP dược phẩm Trung ương 2, Công ty CP Bình An và Công ty CP Tiến Bộ. Tháng 2-2013, Công ty TNHH tư vấn bất động sản Thành Đạt đã ký hợp đồng với Công ty Tiến Bộ (được 3 Công ty còn lại ủy quyền), để khai thác sử dụng. Công ty Thành Đạt đã liên kết kinh doanh với hàng chục cơ sở để hoạt động kinh doanh ngành nghề karaoke, cà phê nhạc.
Sáng 20-11, Cơ quan CSĐT CAQ Hai Bà Trưng, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, CATP Hà Nội, Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội... đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân hỏa hoạn. Cơ quan công an đã thu giữ một số mẫu vật về giám định, phục vụ công tác điều tra. Tại hiện trường có nhiều thiết bị máy cắt, máy hàn, đáng chú ý, mỏ hàn vẫn dính trên giàn sắt lắp đặt trên trần nhà.
Trách nhiệm của nhóm công nhân gây cháy vẫn đang tiếp tục được cơ quan làm rõ, tuy nhiên, sự tắc trách của chủ quán bar trong công tác đảm bảo an toàn PCCC đã thấy rõ.
Nhóm PV nội chính
Theo ANTD
Tạm giữ 4 người phục vụ điều tra vụ cháy tại Zone 9 Liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán bar trong khuôn viên khu giải trí Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông), ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng đã quyết định tạm giữ 4 người có liên quan để điều tra. Tạm giữ 4 người để điều tra vụ cháy tại Zone 9...