Chạy còng quê tôi
Quê tôi có câu ca: Sớm mai lên núi quơ củi đốt than/Chiều về xuống biển đào hang bắt còng. Thầy dạy văn “tán”: “Hình ảnh bắt còng vẽ lên những phận người lam lũ”. Thằng bạn rỉ tai: “Ổng nói kệ ổng, bắt còng thì mắc mớ gì tới phận người”. Còn tôi, hai tiếng “bắt còng” làm tôi nôn nao, cứ mong buổi học chiều qua nhanh, đêm sập xuống để chúng tôi chạy còng.
Nhóm chạy còng chúng tôi có sáu đứa, chạy theo “đội hình 1-4-1″ (nói thế cho có vẻ bóng đá). Một đứa cầm đuốc chạy trước. Tiếp theo là bốn đứa có nhiệm vụ săn còng. Một đứa lệt quệt xách cái thùng thiếc đựng còng chạy sau cùng. Còng mà chúng tôi bắt là còng quạt, loại còng thường “vẽ” hình cái quạt trên miệng hang.
Bãi biển tối om bỗng rực lên ánh đuốc. “Chạy”, đứa cầm đuốc hô to. Những con còng rời hang đi tìm mồi bỗng bắt sáng, ngơ ngác giương đôi mắt tròn nhìn sững chúng tôi trong giây lát rồi ba chân bốn cẳng chạy tứ tán. Bốn “tiền đạo” lập tức đuổi theo, vừa chạy vừa chụp vừa reo hò inh ỏi. Còng vừa bắt được bỏ ngay vào thùng để rảnh tay chụp con khác.
Còng quạt ranh mãnh lắm, nó lừa chúng tôi bằng “động tác giả” rất nhuyễn. Đang chạy thẳng, cu cậu bất ngờ rẽ ngoặt khiến cặp giò chúng tôi tréo ngoe. Có con đang chạy tới thình lình chạy lui. Chúng tôi dặn nhau “bọc lót” kịp thời mới tóm được.
Hôm nào gió nhẹ, còng nhiều, đứa cầm đuốc kiêm luôn việc bắt còng bằng một tay còn lại. Ham quá, chúng tôi để rối hàng ngũ, chạy loạn xà ngầu. Nhiều khi chỉ một con còng mà hai ba đứa lao vào nhau y chang pha tranh bóng của cầu thủ Ngoại hạng Anh. Đùng một phát, chúng tôi văng ra. Đứa giập môi, đứa gãy răng, đứa u đầu. Còn con còng thì nhìn chúng tôi vẻ khinh khỉnh, dường như nó nói “chúng mày ngu thế” trước khi vụt biến vào chân sóng.
Video đang HOT
Tắm rửa xong, chúng tôi ngồi tách mai còng, ướp gia vị, chiên sơ rồi cho vào nồi cháo đã bắc sẵn ở góc sân.
Gió biển mang hương cháo còng đi dạo. Mấy chị hàng xóm học cấp ba ôn bài khuya, không hiểu sao buông bút hát vang đêm đêm ngửi mùi hương… Lũ đàn em thơm thảo sang mời. Có mấy chị, mâm cháo còng “duyên dáng” hẳn lên. Chúng tôi có đứa vừa ăn vừa sờ cục u bầm tím trên trán. Một chị đùa, nói tụi bay lấy còng sống giã nhuyễn rồi đắp lên, nó xẹp liền hà.
Tiếng bánh tráng giòn giòn, tiếng húp cháo xì xụp, tiếng nhai còng rào rạo, tiếng nói cười râm ran làm cho đêm lao xao mãi đến tận khuya.
Theo VNE
Độc đáo món bún cá ở Hải Phòng
Nếu như nói đến bún chả, bún đậu mắm tôm người ta nghĩ ngay đến Hà Nội, nói đến bún bò người ta nghĩ đến Huế còn khi nhắc đến bún cá thì không thể không nói đến Hải Phòng.
Tuy rằng bún cá không phải chỉ ở Hải Phòng mới có nhưng ở nơi đây bún cá lại có những nét độc đáo, đặc trưng riêng. Sự đặc trưng ấy thể hiện ở cách làm cầu kỳ, cách lựa chọn nguyên liệu (gồm cả cá biển và cá đồng), cách làm nước dùng... Chúng ta có thể có được một bát bún cá từ những gánh hàng rong vỉa hè của các bà các chị hay những quán ăn nhỏ và những nhà hàng lớn.
Bún cá Hải Phòng có hương vị đặc trưng của vùng biển lại có nét thanh dị của đồng quê bởi nó được chế biến từ cả hai loại cá đó là cá biển (cá Thu) và cá đồng(cá Trôi, cá Trắm) hài hòa với nhau.
Để có được một nồi bún cá ngon, người làm bếp phải trải qua công đoạn chọn cá vô cùng kỹ lưỡng, loại cá thường được chọn để nấu bún cá là cá thu hoặc cá trắm đồng, thịt cá phải săn chắc và ít tanh.
Đối với cá biển thì được lọc lấy phần xương và phần thịt riêng, phần thịt đem giã hoặc xay nhuyễn, ướp với nước mắm, bột nêm và tiêu khoảng nửa tiếng rồi viên cùng với thì là và nghệ để miếng cá thơm và vàng. Sau khi rán cá sẽ có vị rất đặc trưng của thì là, màu vàng óng của nghệ cực kỳ bắt mắt và hấp dẫn.
Còn cá đồng thì rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ, ướp gia vị như mắm tiêu, bột nêm cho vừa đủ rồi đem rán giòn, để ráo.
Nước lèo phải dùng xương ống lợn ninh nhừ cùng với xương và đầu cá biển mới có vị ngọt riêng và đặc trưng của bún cá Hải Phòng.
Hoa chuối thái nhỏ, một vị rau sống không thể thiếu khi ăn kèm với bún cá Hải Phòng.
Bún cá Hải Phòng cũng như các món bún cá nơi khác không thể thiếu rau sống ăn kèm, có các loại như hoa chuối thái nhỏ, rau muống, rau thơm...
Bát bún cá Hải Phòng có màu vàng óng của chả cá, màu xanh dọc mùng, màu đỏ của tương ớt trên màu trắng tinh của bún ngập trong nước dùng cực kỳ hấp dẫn. Khi ăn bún cá có vị ngọt đậm đà của xương, của chả cá, vị cay nồng của ớt lại có vị thanh mát của rau sống. Bún cá Hải Phòng không chỉ là thưởng thức mà nó còn là sự độc đáo của quê hương, khác với bún cá ở nơi khác.
Theo VNE
Cá đồng quê kho lá nghệ Ở quê, vào mùa lụt, nước dâng cao, cả làng trở thành ốc đảo, chia cắt với mọi nơi, kể cả chợ, thế là ba và mấy anh em ra đồng giăng lưới bắt cá. Cánh đồng mùa lũ không ai trồng trọt gì, nước ngập trắng xóa. Cá từ sông, ao hồ theo dòng nước lũ tràn về, trú ngụ ở đồng...