Chạy cả trăm kilômet mỗi đêm giúp người không may gặp sự cố trên đường
Tối nào người đàn ông tốt bụng này cũng chạy gần trăm kilômet những tuyến đường huyết mạch của thành phố để giúp người không may gặp sự cố trên đường.
Thấy ruột xe đã mòn, anh Tùng thay luôn ruột mới tặng cho người xe ôm công nghệ vất vả mưu sinh đêm khuya – Ảnh: MY LĂNG
23h55, ở quốc lộ 13 gần cầu vượt ngã tư Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM), một người đàn ông mặc áo xe ôm công nghệ thất thểu dắt xe máy đi bộ. Người đàn ông chạy xe Dream chở thùng đồ nghề có ghi chữ “Vá xe, đổ xăng miễn phí” ghé lại hỏi thăm.
Người chạy xe ôm công nghệ buồn bã cho hay xe bị cán đinh, dắt bộ hơn 1km mà không tìm được tiệm sửa xe nào mở cửa. “Anh tấp lên lề đi, để tui coi sao”, người đàn ông chở thùng đồ nghề nói.
Sau một hồi loay hoay, một chiếc đinh được tìm thấy trong ruột xe. “Cái này ỷ y không kiểm tra là lủng nữa. Tui tháo ra thấy ruột mòn dữ lắm rồi, vá một hồi chạy lủng cũng dắt bộ tiếp. Thôi khuya rồi, tui thay luôn cái ruột mới cho anh đi an tâm nha. Tui không lấy tiền đâu” – vừa nói anh vừa lấy cái ruột xe ra thay.
Làm việc không lương mỗi đêm
Người chạy xe ôm công nghệ tên Nguyễn Ngọc Thanh rối rít cảm ơn. Anh Thanh – 42 tuổi, nhà ở chợ Tam Bình, Thủ Đức – cảm kích: “Từ đây về nhà tui còn gần cây số nữa. Nếu không gặp được ảnh thì tui phải dắt bộ tới nhà. Có người vá xe đã mừng rồi, không nghĩ ảnh lại còn thay cho cái ruột xe miễn phí. Ở ngoài tiệm làm như này phải hết cả trăm ngàn đồng”.
Chưa kịp cất đồ nghề thì một thanh niên khác lững thững dắt xe tới nhờ giúp đỡ. “Giờ mình phải chạy về Dầu Tiếng, Tây Ninh mà nửa đêm nửa hôm xe bị sút sên còn cực hơn bể bánh. Tìm chỗ sửa mà đóng cửa hết rồi. Vô tình gặp anh này mừng quá trời” – Trần Duy Khanh, 20 tuổi, nhân viên giao hàng, nói.
Tăng sên giúp anh Khanh xong, đồng hồ đã gần 1h sáng.
Anh Khanh ngỏ ý gửi tiền, người đàn ông chạy chiếc xe Dream cũ chở thùng đồ nghề xua tay bảo làm miễn phí thôi. Giúp hai người lạ xong, anh lại rong ruổi chạy tiếp trong đêm khuya. “Khoảng 2h sáng tui mới về. Cứ chạy vòng vòng vậy đó. Gặp ai thì giúp” – anh nói.
Rồi anh mỉm cười: “Nãy gặp được, giúp được người ta tui mừng lắm. Chủ ý của mình đi là giúp người ta mau sớm về với gia đình mà.
Đêm hôm khuya khoắt mà phải đẩy bộ ngoài đường cực lắm. Bữa nào đi mà không gặp ai, tui buồn chứ không vui vì biết ngày nào cũng có người hư xe, chứ không phải không có”.
Hỏi sao chạy từ 20h tối đến giờ mà không dừng lại nghỉ, anh giải thích: “Ngồi nghỉ lỡ ai bị gì mình đâu có gặp được. Nên tui cứ chạy hoài. Lúc mình ngồi làm cũng giống như nghỉ mệt rồi”.
Video đang HOT
Người đàn ông tốt bụng ấy tên Lê Thanh Tùng, 43 tuổi. Nhà anh ở Q.9 (TP.HCM), nhưng hiện sống nhờ bên vợ ở Q.12.
Gần hai năm nay, tối nào cũng vậy, cứ sau 20h anh Tùng lại xách xe máy chạy quanh những tuyến đường huyết mạch trong thành phố, gặp ai hết xăng, lủng lốp… thì giúp, không lấy tiền.
Anh Tùng làm tài xế xe tải gần 20 năm nay. Trước anh chạy tuyến Đồng Nai, giờ công ty chuyển qua chạy tuyến Cà Mau.
“Chạy một ngày, nghỉ một ngày. Sáng 4h30-5h tui dậy phụ vợ mở cửa bán cà phê, rồi chở hàng xuống Cà Mau. 19h-19h30 về tới nhà. Tắm rửa, ăn cơm, phụ vợ dọn quán, cho con cái vô ngủ rồi xách xe chạy. Đi tới 2h sáng là về” – anh Tùng nói.
Tối nào người đàn ông tốt bụng này cũng chạy gần trăm kilômet những tuyến đường huyết mạch của thành phố để giúp người không may gặp sự cố trên đường – Ảnh: MY LĂNG
Miễn phí cũng phải làm bằng cái tâm
“Tui muốn làm chuyện này lâu lắm rồi. Lúc trước có những lần tui đi làm về khuya bị bể bánh xe. Khuya làm gì có tiệm sửa xe nào mở cửa. Tui phải đẩy bộ về đến nhà, mệt dữ lắm.
Tôi cứ nghĩ có một ngày mình sẽ làm chuyện này để giúp đỡ những người bị như mình” – anh Tùng bộc bạch.
Gần hai năm trước, một người bạn bán rẻ cho chiếc xe máy với giá 1,5 triệu đồng. Mua được xe, anh Tùng lên công ty xin cái thùng về sắm sửa đồ nghề làm. Lúc đầu anh chỉ mua một loại ruột xe, nhưng có những chiếc xe dùng ruột lớn hơn nên thay vào nó không phù hợp.
“Mình gắn vô người ta chạy cũng được nhưng không tốt. Sau tui mua thêm một loại ruột mắc hơn. Giờ trong thùng lúc nào cũng có hai loại: ruột lớn, ruột nhỏ.
Thay đúng kích cỡ cho người ta chạy mới yên tâm. Miễn phí thì mình cũng phải làm bằng cái tâm, chứ không phải muốn làm sao thì làm” – anh Tùng nói.
Lịch trình của anh rất quen thuộc: ngã tư Ga, ngã tư Bình Phước, đường Phạm Văn Đồng, ngã tư Bình Triệu, quốc lộ 1, cầu vượt Linh Xuân, Suối Tiên, xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn, một vòng khu Q.2 rồi quay đầu làm tiếp 1-2 “tour” như vậy mới về nhà.
Anh Tùng cho biết có đêm anh giúp được 9 người, trong đó có tới 5 trường hợp phải thay ruột xe, 2 người vá săm, 2 người đổ xăng. Bữa đó gần 3h sáng anh mới về tới nhà.
Chị Như Ngọc – 36 tuổi, vợ anh Tùng – tâm sự: “Mỗi đêm ảnh đi tui ở nhà lo không ngủ được. Chừng nào ảnh về mới yên tâm. Ảnh hay động viên tui: việc mình làm nhỏ xíu, giúp được bao nhiêu thì giúp, tuy vất vả nhưng để lại cái phước cho con”.
Chị Ngọc bảo chồng mình muốn giúp nhất là sinh viên, thợ hồ, công nhân đi làm về đêm. “Gặp những người đó, ảnh tháo cái ruột xe ra thấy lủng hai lỗ là thay cho người ta luôn” – chị Ngọc nói.
Anh Tùng thường không để lại số điện thoại, anh nói có duyên gặp được ai thì giúp người đó.
Nhưng có người vẫn lần ra được số điện thoại của anh. Có lần anh Tùng chạy gần về nhà (Q.12) thì nhận được cuộc điện thoại cầu cứu: chú ơi con bị bể bánh xe ngay dốc Coca Cola (xa lộ Hà Nội).
“Khuya quá giờ không đi cũng tội. Thằng nhỏ gặp mình mừng quá chừng. Nó nghĩ tui không ra.
Nó ở bên Q.10, xuống Thủ Đức tặng hoa mà bạn gái hổng nhận, về tới đây thì bể bánh xe. Vá xong tui không lấy tiền, nó lục trong giỏ ra bịch bim bim bảo chú cầm giùm con tối ăn cho đỡ đói” – anh Tùng mỉm cười kể.
Gần 40 tuổi anh Tùng mới lập gia đình. Cưới nhau đã 5 năm, anh chưa có nhà riêng. “Có người bảo sao không tích cóp mà đi làm ba cái chuyện bao đồng – anh Tùng chia sẻ – Tui nghĩ tích cóp tháng mấy trăm ngàn, một triệu mình cũng đâu có giàu, cũng đâu có làm được gì lớn lao. Trong khi khoản tiền ít ỏi đó mình giúp được người khác thì ý nghĩa hơn”.
MY LĂNG – VĂN BÌNH
Tài xế công nghệ đùm bọc nhau thời dịch
Nhóm tài xế Goviet nhiều ngày qua "xách xe lên và đi", trao các phần quà nghĩa tình cho đồng nghiệp đang khốn khó vì mất thu nhập do Covid-19.
Năm 2020 khởi đầu không thuận lợi với người lao động mọi ngành nghề vì Covid-19 lan nhanh toàn cầu. Giãn cách xã hội tác động đến công cuộc mưu sinh và mọi mặt về giao thương, du lịch, giải trí.... Trong khó khăn, những câu chuyện tương thân, tương ái khiến mọi người thấy ấm lòng.
Những gói quà nhỏ chứa tình cảm lớn
7h ngày 16/4, anh Trương Minh Diệu (tài xế GoViet) dắt xe ra khỏi nhà, đến điểm tập trung cùng anh em nhóm từ thiện đi trao quà cho cánh tài xế công nghệ có hoàn cảnh khó khăn tại quận Bình Tân, TP HCM. 8h, các anh đã sẵn sàng. Mỗi người chở theo vài gói quà, một phần gồm 5 kg gạo, tá mì tôm và chai dầu ăn.
Anh em đối tác tài xế phát quà cho những các đồng nghiệp khó khăn.
Đội tài xế tỏ ra nhanh nhẹn, quen việc bởi họ có nhiều kinh nghiệm thực hiện những chuyến từ thiện lớn, nhỏ suốt 4 năm qua, từ khi nhóm chỉ có vài người đang "đầu quân" cho một ứng dụng gọi xe khác. Hiện đội "Chiến binh áo đỏ" GoViet lực lượng ngày càng hùng hậu.
Chạy xe trên những trục đường chính của quận Bình Tân, nhóm anh Diệu chú ý quan sát ở hai bên đường, thỉnh thoảng dừng lại trao quà nghĩa tình đến tay người cần chúng. Nhóm cho biết người được nhận quà là đối tác tài xế công nghệ lớn tuổi, chạy xe máy cũ kỹ, xuống cấp hoặc thường mặc quần áo bạc màu.
"Chúng tôi đã vạch sẵn kế hoạch, trong ba ngày - từ 16/4 đến 18/4, nhóm sẽ phát 100 phần quà cho đối tác tài xế công nghệ khó khăn tại các quận vùng ven như Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, quận 9, quận 12...", anh Diệu nói.
Những gói quà giá trị nhỏ nhưng gửi gắm nhiều tình cảm của anh em tài xế công nghệ.
Kinh phí mua quà đến từ thu nhập vốn ít ỏi của cánh tài xế công nghệ. Với tinh thần "của ít lòng nhiều", người góp một triệu, người vài trăm nghìn đồng. Nhiều "xế" cho biết từ ngày đầu quân về GoViet, họ nhận sự đồng cảm, ủng hộ từ cộng đồng đối tác tài xế. Nhóm bắt tay thực hiện nghĩa cử cao đẹp, không tuyên truyền hay khoe khoang.
Tiếng lành đồn xa, đội "Chiến binh áo đỏ" kết nối thêm nhiều anh em chung chí hướng. Sự chung tay của đồng nghiệp khiến nhóm thêm vững tin, nhiệt huyết với những chuyến từ thiện xa, gần. Trong thời dịch, họ liên tục "xách xe lên và đi", trao những phần quà nghĩa tình đến những đồng nghiệp khó khăn hơn.
"Hạnh phúc là được cho đi"
Chú Tuấn (63 tuổi, tài xế GoViet) cho biết từ khi dịch diễn biến phức tạp, thu nhập của chú giảm nhiều. Con cái ở riêng, vợ chồng đều lớn tuổi, chi tiêu trong nhà chỉ trông vào tiền chạy xe của chú. "Người trẻ sức khỏe tốt nên chạy nhanh, còn tôi mắt yếu, tay run, chạy không bằng người ta. Mấy ngày nay tôi tranh thủ dậy từ 4h để kiếm thêm vài cuốc xe. Tuy nhiên, chạy từ Bình Chánh lên Bình Tân, đợi mãi mà không nổ cuốc". Chú nói cố chờ đến chiều với hy vọng có thêm đồng ra, đồng vào.
"Nhận được gói quà của đồng nghiệp, chú rất cảm động. 5 kg gạo, mì tôm này đủ cho vợ chồng tôi sống qua 10 bữa, nửa tháng. Chiều về tôi phải khoe với vợ nghĩa cử đẹp của nhóm anh em công nghệ áo đỏ giống mình", chú Tuấn nói thêm.
Với anh em trong nhóm từ thiện, hạnh phúc là được cho đi.
Là thành viên cốt cán đồng hành nhóm từ những ngày đầu, anh Diệu cho hay giá trị mỗi phần quà không lớn, không thể giúp mọi người hết khó khăn nhưng là tấm lòng họ muốn trao những mảnh đời khó khăn hơn.
"Thời dịch, người lao động nào cũng khó khăn, chính chúng tôi cũng bị giảm thu nhập. Nhưng mình còn trẻ, khỏe, cố gắng đều có thể vượt qua. Lá rách đùm lá rách. May mắn chúng tôi nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, vận động của các trưởng nhóm khác. Nhìn từng tờ tiền lẻ anh em gom góp từ mồ hôi, công sức, tất cả đều trân trọng. Chứng kiến nụ cười của người nhận quà, mọi người đều vui. Chúng tôi không mong ai biết hay ghi công, miễn được cho đi là hạnh phúc", anh Diệu nói thêm.
Những câu chuyện ấm áp tình người lan tỏa thời dịch, sưởi ấm trái tim và tiếp thêm năng lượng tích cực cho những mảnh đời khốn khó. Với tinh thần tương thân tương ái, chung sức đồng lòng từ thế hệ cha anh, cánh tài xế công nghệ GoViet tin trở ngại nào cũng qua, chặng đường phía trước sẽ tươi đẹp hơn.
Vạn Phát
Xe ôm công nghệ bịa chuyện công an 'xin trắng' 50.000 đồng Không rành đường, đi ngược chiều vào Khu Công nghệ cao, một xe ôm công nghệ bị Công an xã Hòa Liên (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nhắc nhở, nhưng bịa chuyện công an 'xin trắng 50.000 đồng'. Linh bị công an mời làm việc . Ảnh Nguyễn Tú Chiều 6.4, Công an H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) củng cố hồ sơ để xử lý...