Châu Phi ‘áp đảo’ trong danh sách các cuộc khủng hoảng di cư bị lãng quên
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn báo cáo công bố ngày 1/6 của Hội đồng người tị nạn Na Uy ( NRC), một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền của những người bị ảnh hưởng bởi việc di dời, cho biết châu lục này “đóng góp” tới 7 nước trong danh sách 10 cuộc khủng hoảng di cư bị “lãng quên” nhiều nhất.
Trẻ em bị suy dinh dưỡng chờ khám bệnh ở Diapaga, Burkina-Faso. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Danh sách hàng năm của NRC được công bố dựa trên 3 tiêu chí gồm ý chí chính trị chưa đầy đủ của cộng đồng quốc tế, mức độ đưa tin của phương tiện truyền thông và hoạt động tài trợ nhân đạo.
Theo báo cáo này, Burkina Faso, vốn bị ảnh hưởng bởi bạo lực thánh chiến cực đoan kể từ năm 2015, đang trải qua “cuộc khủng hoảng bị lãng quên nhất trên thế giới”, hệ quả từ cuộc các cuộc xung đột liên miên khiến hơn 14.000 người thiệt mạng 5 năm qua và buộc hơn 2 triệu người phải rời bỏ chỗ ở trong cùng khoảng thời gian.
NRC cũng nhận định vào năm 2022, bạo lực gia tăng và tình trạng di dời (dân số) đã khiến gần một phần tư người dân Burkina Faso cần được hỗ trợ nhân đạo, tuy nhiên cũng trong khoảng thời gian này chỉ 42% viện trợ tài chính nhân đạo theo yêu cầu được phân phối.
Báo cáo cũng đề cập đến nhiều cuộc tấn công vào các điểm cung cấp nước của các nhóm vũ trang khiến 830.000 người dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt và 6.200 trường học phải đóng cửa, ảnh hưởng đến hơn một triệu trẻ em.
CHDC Congo đứng thứ hai trong danh sách, đặc biệt là do “nhiều cuộc khủng hoảng” ở phía Đông của đất nước. Các quốc gia châu Phi khác có mặt trọng báo cáo này lần lượt là Sudan, Burundi, Mali, Cameroon và Ethiopia.
Tổ chức NRC khuyến nghị việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo phải đi theo nhu cầu của những người dân bị ảnh hưởng, chứ không phải theo lợi ích địa chính trị hoặc mức độ chú ý của giới truyền thông đối với một số cuộc khủng hoảng”.
Khoảng 10 triệu trẻ em châu Phi cần hỗ trợ nhân đạo
Khoảng 10 triệu trẻ em tại các nước Burkina Faso, Mali và Niger đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng và cần đến hỗ trợ nhân đạo, trong bối cảnh bạo lực tại các nước này có xu hướng gia tăng.
Một lớp học tại trại tị nạn ở Ouallam, Niger. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết con số này cao gấp đôi so với năm 2020, trong khi hơn 4 triệu trẻ em khác ở các nước láng giềng Tây Phi đang gặp nguy hiểm do ảnh hưởng từ xung đột giữa các nhóm vũ trang và lực lượng an ninh.
Giám đốc khu vực Tây và Trung Phi của UNICEF, bà Marie-Pierre Poirier, cho biết trẻ em sống tại các khu vực này đang bị cuốn vào vòng xoáy xung đột vũ trang khi trở thành nạn nhân trong các vụ đụng độ quân sự, thậm chí là mục tiêu của các nhóm vũ trang. Theo bà Poirier, năm 2022 ghi nhận tình trạng bạo lực nghiêm trọng đối với trẻ em khu vực trung tâm Sahel, theo đó kêu gọi các bên tham gia xung đột khẩn trương ngừng các cuộc tấn công vào trẻ em, cũng như trường học, trung tâm y tế và nhà ở.
UNICEF cho biết bạo lực đang lan rộng từ trung tâm Sahel đến các khu vực phía Bắc của Benin, Côte d'Ivoire, Ghana và Togo, là những cộng đồng ở vùng xa xôi - nơi trẻ em rất ít được tiếp cận với các dịch vụ và ít được bảo vệ.
UNICEF đã kêu gọi tài trợ 391 triệu USD nhằm hỗ trợ nhân đạo cho khu vực trung tâm Sahel, song đến nay chỉ huy động được 1/3 mức mà mục tiêu đề ra. Năm 2023, UNICEF đặt mục tiêu huy động 473,8 triệu USD cho kế hoạch ứng phó nhân đạo ở trung tâm Sahel và các quốc gia ven biển lân cận. Theo bà Poirier, đầu tư dài hạn cho khu vực này là cần thiết để chống lại khủng hoảng, thúc đẩy "sự gắn kết xã hội, phát triển bền vững và tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em".
Thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan bị vi phạm, cản trở nỗ lực hỗ trợ nhân đạo Ngày 28/5, thủ đô Khartoum của Sudan lại vang lên tiếng súng bất chấp thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn hiệu lực, gây cản trở công tác cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân nước này. Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Khartoum, Sudan, ngày 15/4/2023. Ảnh: THX/TTXVN Các nhân chứng cho biết họ nghe thấy "tiếng súng ở...