Chậu hoa thủy vu của bà ngoại và bức ảnh bất ngờ trong đám cưới của tôi
Sau khi trèo lên căn gác xép cũ, tôi vô tình tìm thấy kỷ vật vô giá của ông bà ngoại sau 4 thập kỷ.
Đến bây giờ hàng xóm trong con ngõ cũ vẫn nhớ hình ảnh ông ngoại tôi hay lui cui ngồi ở cửa, sáng nào cũng cầm chiếc xẻng nhỏ ngồi xới đất cho chậu thủy vu. Những bông hoa trắng tinh mềm mại như tuyết, vươn dài thanh cao, nổi bật giữa dàn cây lá um tùm cạnh hàng rào.
Hồi bé hoa thủy vu với tôi là một thứ mơ hồ nhưng rất quen thuộc. Ai đến nhà cũng ngạc nhiên khi thấy chậu hoa ấy, tò mò vì giống hoa này thật lạ. Nó khác hẳn hoa hồng, hoa lan, hoa giấy, hoa cúc, hoặc vô số loại hoa khác phổ biến ở Hà Nội. Có vẻ thủy vu là giống “tây” hơn, hiếm có khó tìm, tôi cũng thấy chẳng đâu bán cả.
Lớn lên một chút tôi mới biết chậu hoa ấy do ông ngoại kỳ công nhờ bạn ở nước ngoài mang giống về. Ông bà quen nhau ở nước Nga xa xôi. Hồi đó bà là một cô nữ sinh trẻ còn ông là cán bộ được cử đi tu nghiệp. Bà bắt đầu thích hoa thủy vu do một lần được ai đó tặng. Nghe họ nói tên hoa là Calla hay rum gì đó bà vẫn nhớ. Đến khi về nước bà tìm hiểu khắp nơi để mua giống về trồng. Tiếc là chẳng kiếm được, nên bà buồn suốt một thời gian.
Đến một ngày sau hàng chục năm xa nước Nga, bà bật khóc xúc động khi thấy cây thủy vu nhỏ xíu trước cửa nhà. Ông trồng nó vào cái chậu gốm nâu, ngày nào cũng chăm nom cẩn thận để đợi 1 cái nụ trồi lên từ đống lá xanh. Bà cũng hay đi ra đi vào, hết lau lá lại bón phân cho cây, còn thì thầm trò chuyện khiến tôi tròn xoe mắt.
Tôi lên 10 tuổi thì cái cây ra hoa. Trước đó gặp một trận mưa lớn lịch sử ngập cả ngõ, bà ngoại suýt khóc vì tưởng chậu thủy vu bị úng chết. May nắng lên nó lại “hồi sinh”, rồi đền đáp tấm lòng của bà bằng một mẩu cánh trắng tinh nhú lên như mũi tên. Dần dần nó mọc thêm vài bông nữa, thoáng chốc đã tươi tốt làm ông ngoại phải đổi sang chậu to hơn.
Ngắm hoa thủy vu nhiều đến phát chán, một bữa tôi hỏi tại sao bà lại thích hoa đó. Ngoại cười xòa, bảo thủy vu mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trong số đó có biểu tượng về tình yêu và sự trong sáng thiện lành.
Có lần tôi nghịch bẻ gãy mất một cành hoa, ông ngoại trông thấy liền giận lắm. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ông xách roi ra, chưa bị đánh phát nào tôi đã khóc toáng lên ăn vạ! Bà ngoại thấy thế liền chạy ra ôm dỗ dành. Tôi xin lỗi vì làm hỏng mất cây hoa bà yêu quý, nhưng bà chỉ cười và cầm bông hoa gãy cắm vào lọ. Nắng xuyên qua chiếc lọ trong veo, tôi ngỡ ngàng nhận ra hoa thủy vu thật đẹp. Đó là bông hoa duy nhất trong đời mà tôi thấy chỉ có một cánh, cuộn chặt lại như kem ốc quế. Nó giản dị nhưng lại tỏa ra nét tinh tế dịu dàng, giống như tình cảm ông bà dành cho nhau vậy.
Video đang HOT
Thi thoảng hàng xóm hoặc người lạ đi ngang thấy khóm thủy vu mọc đẹp quá nên xin vài bông, bà ngoại luôn vui vẻ cắt cho họ cầm về. Lần nào cắt xong bà cũng ngồi lại thì thầm với chậu cây, tôi nghe lỏm được mấy câu kỳ lạ. “Xin lỗi vì đã làm bé đau nhé, và cảm ơn vì mang đến niềm vui cho mọi người”. Hoa nó có biết gì đâu mà bà ngoại nói thế nhỉ?
Chậu thủy vu ngày càng tươi tốt còn bà tôi thì ngày càng già yếu. Chân bà bị khớp nên chẳng đi lại được, ông ngoại phải đẩy bằng xe lăn để đưa bà ra thăm khu vườn nhỏ. Giàn hoa giấy ngũ sắc đã phủ kín sân từ bao giờ, rụng lả tả xuống những chậu cây bên dưới. Tay bà không đủ khỏe thể tưới hoa được nữa. Từng ngón nhăn nheo run rẩy chạm vào “kho báu” rực rỡ mà cả đời bà nâng niu.
Một ngày cụm thủy vu héo gần hết, tôi òa khóc khi bà ngoại ra đi sau giấc ngủ êm đềm. Chỉ còn sót 1 bông duy nhất đang nở. Ông ngoại nhẹ nhàng xin lỗi bụi hoa rồi cắt bông đặt cạnh di ảnh của bà. Những tháng ngày sau đó ông vẫn lặng lẽ tưới chậu cây mà bà yêu thích, sáng nào cũng để 1 bông lên bàn thờ của bà.
Bà ngoại mất được 3 năm thì ông cũng đi theo vì bệnh nặng. Tôi yêu ông bà vô cùng. Trái tim tôi nghẹn lại khi được cầm tay ông lần cuối, nghe ông dặn dò nhớ phải chăm chậu hoa thủy vu. Những hôm nắng ấm nhìn qua khung cửa sổ, tôi lại nhớ cảnh ông bà ngồi cùng nhau đọc báo, ôm con mèo bên cạnh hàng rào hoa…
Hôm qua tôi kết hôn với người bạn trai lâu năm. Anh ấy là bạn học cũ từ thời thơ ấu, lên đại học vô tình gặp lại. Ngày xưa anh cũng hay vặt trộm hoa trên hàng rào của bà, toàn bị ông bắt được. Trước hôm ăn hỏi tôi đưa anh qua nhà thắp hương, mẹ bảo chúng tôi lên dọn giúp căn gác xép. Trên đó toàn đồ đạc cũ, có nhiều món vẫn sót lại từ hồi ông bà đi Nga.
Tôi tìm thấy con lật đật và búp bê Matryoshka “thừa kế” lại từ mẹ cách đây hơn 20 năm. Chúng vẫn còn dùng tốt dù đã bạc màu, móp méo và tróc ít sơn. Khi bốc mấy chiếc thùng cũ, tôi vô tình phát hiện album ảnh quý giá vô cùng. Ngoài bìa album là chữ của ông ngoại, ghi ngày tháng từ năm 1998. Bên trong toàn ảnh ông chụp bà sinh hoạt thường ngày, gần gũi thân thương đến mức tôi bật khóc. Cảm giác như bà vẫn đang ở bên vậy, nụ cười ấm áp và đẹp đẽ biết bao!
Album ấy ông chụp bằng chiếc máy ảnh do bố tôi mua tặng. Dù đã 24 năm trôi qua nhưng đống hình vẫn khá mới, có lẽ vì được ông nâng niu giữ gìn. Lật từng trang ảnh lồng trong giấy kính, tôi chợt khựng lại khi trông thấy khoảnh khắc bà ngồi bên chậu hoa thủy vu. Khi ấy bà đã già rồi nhưng vẫn xinh đẹp lắm, hiền hậu rạng ngời. Đóa thủy vu trắng muốt phát sáng trên tay bà. Chẳng hiểu sao nó mộc mạc thế mà lại trông kiêu sa hơn hẳn những thứ hoa cầu kỳ bẩm sinh khác.
Tôi nảy ra một ý tưởng cho lễ cưới của mình. Ghé tai nói với chồng, anh gật đầu đồng ý luôn. Và hôm qua khi bước đến sảnh cưới, ai cũng bất ngờ khi thấy bức ảnh chụp bà bên hoa thủy vu được lồng khung trang trọng cạnh ảnh cưới 2 vợ chồng tôi. Chắc ở nơi xa bà cũng đang dõi theo tôi, gửi gắm tình yêu thương qua chậu hoa ông bà để lại. Bó hoa cưới tôi chọn cũng toàn thủy vu, ai cũng khen là tao nhã.
Cháu hạnh phúc lắm bà ngoại ơi, bà không phải lo lắng gì đâu nhé!
Bà ngoại mất để lại căn nhà 200m2, dọn dẹp xong tôi phát hiện bộ mặt thật của người bác dâu nhờ món đồ rẻ tiền bị lấy cắp
Không ngờ bà ngoại mới mất được 5 hôm mà bác dâu đã nóng vội đến mức phải "chôm" thứ đó ngay lập tức, mà nó chỉ ngang mớ sắt vụn chứ có giá trị gì đâu?!?
Ở đây có chị em nào thân thiết với ông bà ngoại hơn bố mẹ không? Chắc ít ai giống tôi, bố mẹ mất sớm nên có mỗi bà ngoại làm chỗ dựa. Ký ức của tôi về bố mẹ rất mờ nhạt, nhưng bà nuôi nấng tôi đến tận năm 20 tuổi nên mọi thứ về bà đều vô cùng thân thuộc.
Tôi chỉ mong sớm tốt nghiệp để đi làm báo hiếu bà ngoại, nhưng một buổi chiều cuối năm vừa qua, bà đột ngột ra đi sau giấc ngủ trưa khiến tôi suy sụp vô cùng. Vì dịch bệnh nên tôi không xuống thành phố học, may mắn được ở bên bà suốt một năm. Nhưng giây phút bà chìm vào giấc thiên thu, tôi lại đang ở ngoài đồng nhổ lạc, khi được hàng xóm gọi về tôi chỉ biết ôm bà khóc ngất...
Tôi còn một người bác ruột và một người cậu nữa, nhưng không ngờ bà để lại di chúc cho mỗi mình tôi! Bà âm thầm chuẩn bị di chúc từ vài tháng trước, đợt ốm nằm viện suốt nửa tháng, sau đó gửi ông trưởng xóm giữ cho an toàn. Bác và cậu ruột đã nhòm ngó tài sản của bà từ lâu, tuy ngoại không giàu có gì nhưng căn nhà 200m2 và miếng đất ruộng to đùng cạnh quốc lộ bán đi cũng ngang tiền tỷ chứ chẳng đùa. Nhiều lần 2 người ấy ép bà phải sang tên giấy tờ, viết di chúc để hết tài sản cho họ, nhưng bà kiên quyết gạt đi bảo chỉ để lại cho cháu ngoại mà thôi.
(Ảnh minh họa)
Thế là tôi trở thành mục tiêu bị căm ghét trong gia đình, là cái gai mà những người thân thiết ruột thịt muốn nhổ bỏ. Cứ mỗi khi nhà có giỗ hay hội họp đông đủ, bác và cậu luôn bóng gió những câu kiểu như "loại mồ côi mà cũng tham của", "đứa không cha không mẹ mới tí tuổi ranh đã muốn tranh gia sản". Rồi thi thoảng bác dâu còn độc mồm nói tai nạn ngày xưa lẽ ra tôi nên đi theo bố mẹ, chứ sống báo cô bà ngoại với họ hàng làm ai cũng thấy khổ.
Nghe những câu đó tôi tủi thân vô cùng, toàn trốn sau lu nước để khóc. Bà ngoại biết nên thương lắm, hay mua bánh trái an ủi tôi, rồi ôm ấp dỗ dành kêu tôi cứ học hành cho giỏi, nhất định sau này sẽ hạnh phúc hơn người. Cái gì tốt nhất ngon nhất bà cũng dành cho tôi, lúc đi học xa tôi chỉ mong đến cuối tuần để bắt xe về ngủ với bà.
Ấy thế mà bà lại bỏ đứa cháu gái thơ dại để ra đi ở tuổi 70... Tổ chức đám tang cho bà xong, bao nhiêu tiền viếng đều bị nhà bác ruột với cậu mợ lấy hết, chẳng để lại nửa xu cho tôi ăn cơm! Tôi cũng không trông mong gì ở những con người tham lam ấy nên quyết định dọn dẹp nhà cửa, quay lại thành phố kiếm sống nuôi thân.
Mất cả ngày để cất hết mọi thứ trước khi khóa cửa nhà lại, tôi bỗng phát hiện ra cái bếp ga nhỏ tôi mua tặng bà bằng tiền học bổng đã không cánh mà bay. Tìm khắp nơi không thấy, tôi nhớ là trưa hôm bà mất tôi vẫn bật nó để nấu cơm. Đúng lúc bác dâu sang đứng ở cổng lấm la lấm lét, tôi hỏi có chuyện gì thì bác khoanh tay hất hàm nói chuyện khá nhức đầu.
- Mày định bán nhà đi đấy à, sao dọn hết đồ thế kia?
- Cháu lên thành phố tìm việc vừa đi học vừa đi làm, nên định cất bớt đồ đi để cúng 49 ngày bà xong khóa cửa nhà lại.
- Kinh nhỉ, cứ như nhà của mình ấy cơ.
- Vâng, bà để lại cho cháu thì là của cháu mà.
- Ơ con này. Mày đừng có nghĩ thế là hay. 20 tuổi ranh thì ai cho sở hữu tài sản nhiều thế. Bác mày mới là con trai bà, mày biết điều thì trả lại nhà cho bọn tao! Ít ra bác mày thương còn để lại cho mấy triệu, chứ mày không nuốt được cái nhà này đâu nhé!
- Bác đừng nói thế, bà nghe thấy đêm lại về trách bác đấy. Mà kể cũng lạ, chả hiểu sao lại mất cái bếp ga con. Bán đồng nát cũng chả được mấy, không hiểu trộm cắp gì ngu thế cơ chứ.
Nói xong tự dưng thấy bà bác cun cút chạy về nhà. Tôi lén đi theo ngó thì phát hiện bà ấy giấu cái bếp ga trong đống rơm, tự dưng lôi ra xong chửi: "Tiên sư, cứ tưởng bếp đắt đỏ đáng tiền, hóa ra đồng nát à". Tôi vọt ra giật lại cái bếp, tra hỏi xem bác ăn cắp lúc nào. Bà ấy ngoạc mồm ra gào lên kêu tôi vu oan giá họa, chả hiểu sao hơn 40 tuổi rồi mà cái nết xấu xa thế cơ chứ!
Mẹ tôi vẫn hạnh phúc dù chưa từng có một đám cưới đàng hoàng Bố mẹ tôi chưa từng tổ chức đám cưới và phải đến gần chục năm đầu ấp tay gối mới n về giấy đăng ký kết hôn. Ông ngoại vẫn hay thường kể về phi vụ xách làn đi sinh nở một mình của mẹ tôi. Mỗi lần ông nhắc lại bố tôi đều cúi mặt rồi cười trừ, dẫu có biết đấy...