Cháu gái NSND Thanh Tòng: Tôi khóc trên livestream vì bị xúc phạm khi bán hàng online
Trong cuộc trò chuyện cùng Thanh Niên, nghệ sĩ cải lương Lê Thanh Thảo có dịp trải lòng về những khó khăn khi là ‘con nhà nòi’, đồng thời tiết lộ hôn nhân với nghệ sĩ Điền Trung.
Lê Thanh Thảo tự hào khi sinh ra trong một gia tộc cải lương. Tuy nhiên, xuất thân này cũng khiến cô gặp nhiều áp lực. T.A
Lê Thanh Thảo sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cô là em gái của NSƯT Tú Sương và Trinh Trinh, thuộc thế hệ thứ 5 trong gia tộc Minh Tơ. Nữ nghệ sĩ cải lương là con của NSƯT Trường Sơn và là cháu ruột của cố NSND Thanh Tòng. Cũng như các chị, Lê Thanh Thảo bộc lộ năng khiếu từ bé và được tham gia nhóm Đồng Ấu Bạch Long rồi sau đó biểu diễn cải lương ở các đoàn. Ngoài các hoạt động nghệ thuật, Lê Thanh Thảo còn được mọi người chú ý bởi cuộc hôn nhân với nghệ sĩ cải lương Điền Trung.
Người ta biết Lê Thanh Thảo nhưng vẫn phải kèm ‘ em của Tú Sương’
* Chào nghệ sĩ Lê Thanh Thảo! Cuộc sống hiện tại của chị thế nào?
- Nghệ sĩ Lê Thanh Thảo: Công việc của tôi vẫn ổn định. Tôi thuộc biên chế của nhà hát Trần Hữu Trang nên đi diễn thường xuyên. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng tôi đi hát cho các đoàn bên ngoài mỗi khi có người mời.
Sau dịch bệnh, công việc tôi hơi bấp bênh vì một số đoàn hát đóng cửa, show ngoài cũng hạn hẹp. Khi đó, tôi gặp khó khăn về kinh tế. Nhưng nhờ trời Phật thương nên tôi được giới thiệu làm thêm, hát trên một ứng dụng mạng xã hội. Ngoài được giao lưu với khán giả, tôi còn có kinh phí, kết hợp livestream bán hàng nên bạn bè cũng ủng hộ. Tôi không hát được trên sân khấu nhưng khi chuyển sang công việc khác thì khán giả cũng ủng hộ.
Cháu gái NSND Thanh Tòng nghẹn ngào khi nhắc về thời điểm nhận bình luận ác ý vì bán hàng online. T.A
* Việc nghệ sĩ livestream hát, bán hàng online chắc hẳn sẽ gặp phải những bình luận ác ý từ dân mạng. Lê Thanh Thảo đón nhận những bình luận đó như thế nào?
- Nghệ sĩ ai cũng bị những tai tiếng không hay khi bán hàng online.Thời gian đầu, có lần tôi ngồi khóc trên livestream. Vì hồi đó giờ tôi chưa từng bị ai xúc phạm nặng nề như vậy. Nhiều khi người ta không hiểu mình, muốn phá hoại nên làm những điều không hay, tung tin không đúng sự thật. May mắn là cũng có những người hiểu và lên tiếng bênh vực tôi. Họ thay tôi đáp trả những người kia. Ban đầu tôi buồn tủi, khóc nhiều lắm nhưng nhờ sự động viên của bạn bè, khán giả nên dần dần tôi cũng thoải mái hơn.
* Vậy đó có phải là lý do khiến Lê Thanh Thảo quyết định từ bỏ việc bán hàng online ở thời điểm hiện tại?
- Tôi nghĩ do tính chất nghề, ông Tổ chỉ muốn tôi tập trung vô công việc chính. Lúc đi hát, tôi không có thời gian để sắp xếp việc khác. Bởi nếu vừa livestream, vừa bán hàng thì cần nhiều thời gian. Như lúc dịch, tôi không có công việc khác thì có thể dành thời gian chuẩn bị hàng hóa, làm đơn. Còn khi đi hát trở lại, tôi phải tập luyện nhiều nên không đủ thời gian để buôn bán. Tôi không có người phụ, cũng không chuyên kinh doanh, mọi thứ đều tự làm nên rất cực.
* Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, có những trường hợp dù mình có cố gắng bao nhiêu thì khi mình đạt được thành tựu nào đó thì người ta cũng nói do hậu thuẫn của gia đình. Lê Thanh Thảo có gặp trường hợp đó không?
- Việc sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật vừa là vinh hạnh nhưng cũng là áp lực lớn với tôi. Tôi hạnh phúc vì xuất thân tạo cho tôi một nền tảng tốt. Nhưng tôi không lấy đó mà ỷ lại. Tôi luôn quyết tâm tạo cho mình một cái gì đó riêng biệt. Dù vậy, đi đâu tôi cũng bị cái bóng quá lớn của gia đình, làm gì cũng bị nói là dựa vào gia đình chứ họ không công nhận tài năng của mình. Trong khi mọi thứ tôi có đều là tự nỗ lực chứ không hề dựa dẫm vào ai. Tôi muốn từ bản thân mình có một bước tiến riêng, tự học hỏi và đi lên bằng chính đôi chân của mình. Nếu tôi làm tốt thì bị nói dựa vào gia đình, nhưng nếu làm không tốt cũng sẽ làm ảnh hưởng để danh dự của gia tộc.
Lê Thanh Thảo cũng từng chạnh lòng vì bị gắn với danh xưng “em gái Tú Sương”. T.A
Video đang HOT
Như các cuộc thi, tôi không được gia đình kề cận, chỉ dạy từng bước nên tôi phải tự lo liệu. Tôi luôn tự dặn lòng dù không đạt kết quả cao nhưng khi đã nhận vai diễn nào đó thì phải cố làm hết sức mình, tận tâm với nhân vật. Tôi luôn cố gắng để làm sao khi gia đình nhìn vào sẽ thấy tôi đã cố hết sức rồi, được giải thưởng hay không là may mắn mà Tổ nghiệp cho.
* Việc có các anh chị đều là những nghệ sĩ có tên tuổi chắc hẳn cũng khiến Lê Thanh Thảo gặp áp lực khi bị so sánh?
- Có rất nhiều lời so sánh tôi với các chị, nhưng tôi không ngại bởi đó là điều mình không thể thay đổi được. Dù người ta biết tới Lê Thanh Thảo nhưng vẫn phải kèm thêm là em của chị Tú Sương. Mọi thứ đều liên quan, kết nối với gia đình. Đôi lúc tôi thấy vui nhưng cũng chạnh lòng. Bởi bao nhiêu công sức của mình, tôi muốn được mọi người công nhận mình chứ không phải vì cái bóng của gia đình. Nếu cứ nghĩ mọi thứ tôi có được đều là nhờ gia đình thì tội cho tôi quá.
* Lê Thanh Thảo vào nghề khi cải lương không còn ở thời hoàng kim. Những lúc cuộc sống khó khăn, chị có bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề hay thay đổi công việc khác không?
- Nói thật sự là đôi lúc tôi cũng muốn nhưng không dám nghĩ tới. Tôi tin rằng ông Tổ rất linh, nếu mình suy nghĩ điều gì sai là mang tội và không lấy lại được. Đôi lúc tôi trăn trở chứ nhưng không dám quyết định. Trước đó gia đình tôi cũng có buôn bán trong giai đoạn nghề gặp khó khăn nhưng thua lỗ. Sau này mấy chị em cũng thử đi kinh doanh, làm đủ thứ nhưng cũng không thành công. Tôi nghĩ chắc ông Tổ cho mình nghề này, ông sẽ xoay chuyển cho mình làm sao để vẫn duy trì công việc nghệ thuật đủ để trang trải cuộc sống. Còn để làm nghề tay trái thì tôi có làm, nhưng để giàu thì chắc khó.
Điền Trung không bao giờ dựa dẫm vào gia đình tôi
* Việc cưới một cô vợ mà gia đình có rất nhiều người nổi tiếng có khiến Điền Trung gặp áp lực phải cố gắng không?
- Lúc anh Trung quen tôi, ai cũng nghĩ rằng anh Trung nhắm vào gia đình tôi để dựa hơi, nhưng không hề có. Vì gia đình tôi không làm bầu sô, mạnh ai nấy đi hát chứ đâu phải là đoàn hát như ngày xưa mà phải dựa vào đó để đánh bóng tên tuổi hay dựa hơi. Giống như tôi, từ nhỏ đến lớn phải tự lập, lấy chồng thì hai vợ chồng đều tự cố gắng gầy dựng sự nghiệp. Anh chưa bao giờ dựa vào gia đình hay muốn tôi xin vai cho anh. Gia đình cần anh hát vai nào anh cũng tham gia, dù vai rất nhỏ anh cũng làm. Không có chuyện là con rể thì được vai lớn đâu. Anh Trung không bao giờ dựa dẫm.
Lê Thanh Thảo nói việc có chồng cũng là nghệ sĩ cải lương có nhiều thuận lợi song cũng không tránh khỏi tranh cãi khi luyện tập cùng nhau. T.A
* Việc hai vợ chồng cùng hoạt động nghệ thuật đối với Lê Thanh Thảo là thuận lợi hay khó khăn?
- Tôi thấy có nhiều thuận lợi, như lúc hai vợ chồng tập tuồng hay đi diễn thì thời gian song song nhau, mình đi chung cũng tiện. Chúng tôi không cạnh tranh, muốn hơn thua với nhau mà luôn có suy nghĩ mình làm được gì cho đối phương thì làm. Ví dụ một show nào đó muốn mời riêng anh Trung hay muốn mời riêng tôi đều được. Ai cần thì mình tham gia chứ không bắt buộc phải có chồng, có vợ diễn cùng thì mới nhận lời. Còn những cái không thuận lợi là lúc cả hai bất đồng ý kiến, xảy ra tranh cãi.
* Những lúc mỗi người tách ra hoạt động riêng, Lê Thanh Thảo có lo lắng hay ghen tuông khi chồng diễn với đồng nghiệp nữ?
- Chúng tôi yêu thương và tin tưởng nhau. Khi làm nghề, tôi hiểu rằng trên sân khấu là diễn, còn ngoài đời thì mình có vợ, có chồng. Chúng tôi tin tưởng nhau về vấn đề đó nên dù anh diễn với ai tôi cũng không ghen. Đôi khi bị bạn bè trêu chọc, tôi cũng hùa theo đùa giỡn chứ không ghen.
* Trong giai đoạn lui về sinh con và chăm sóc gia đình, Lê Thanh Thảo chắc hẳn sẽ tủi thân khi nhìn chồng cũng như các đồng nghiệp diễn trên sân khấu?
- Nhiều khi tôi cảm thấy bất lực. Mình cứ suy nghĩ sao mọi người được đi hát, trong khi mình là con nhà nòi thì lại không được đi hát. Nhiều khi suy nghĩ như vậy tôi thấy không cam tâm. Thời điểm sinh con, tôi rất stress nên cứ ngồi nhà khóc hoài. Mỗi khi anh Trung đi tập tuồng, đi diễn là tôi ở nhà tức tưởi, lúc nào cũng muốn anh về nhà nhanh. Đợi khi anh Trung về là tôi lại ngồi khóc như mưa. Tôi oán trách tại sao chồng được đi hát mà tôi lại không, phải ở nhà chăm con. Tôi đã từng có những suy nghĩ như vậy. Nhưng sau thời gian, tình cảm mẹ con khiến tôi bớt suy nghĩ, dành thời gian cho bé nhiều hơn. Có nhiều cái nghịch lý mà tôi cũng không hiểu được.
* Điền Trung phản ứng như thế nào trước những oán trách của vợ và thay đổi như thế nào để Lê Thanh Thảo không còn thấy tủi thân?
- Mỗi lần đi hát hay đi đâu, anh Điền Trung đều gọi điện, nhắn tin hỏi han tôi. Khi về nhà, anh phụ tôi chăm con, giúp vợ giữ con khiến tôi được an ủi. Mình thấy được bên cạnh luôn có chồng và gia đình nên lấy cái đó làm động lực để vượt qua những khó khăn hiện tại.
* Cảm ơn nghệ sĩ Lê Thanh Thảo đã dành thời gian chia sẻ!
NSƯT Quế Trân: "Nghệ sĩ cải lương có lượng khán giả rất chung thủy"
Dù còn hoạt động nghệ thuật sôi nổi hay đến tuổi "nghỉ hưu" thì các nghệ sĩ cải lương vẫn nhận được sự quan tâm, yêu mến của đông đảo khán giả. Có thể nói, vị trí của họ trong lòng giới mộ điệu là không thay đổi.
NSƯT Quế Trân biết ơn khi khán giả vẫn dõi theo
Mới đây, trong một bài phỏng vấn, NSƯT Quế Trân có dịp trải lòng về sự nghiệp, cuộc sống hiện tại. Khi được hỏi vì sao không xuất hiện thường xuyên nhưng khán giả vẫn dành nhiều sự yêu thương, con gái cố NSND Thanh Tòng bộc bạch rằng: "Những nghệ sĩ cải lương dường như họ có lượng khán giả rất chung thủy".
"Đóa hoa vàng" của làng cải lương Việt Nam hạnh phúc khi khán giả biết đến, yêu mến từ khi cô là thiếu nữ mười tám đôi mươi đến tận hiện tại. "Có nhiều cô chú đã 50, 60 tuổi thậm chí 70 tuổi vẫn có lượng khán giả đông đảo. Họ dõi theo từng bước chân nghệ thuật của những nghệ sĩ này và tôi cũng vậy. Tôi đi hát từ nhỏ nên khán giả yêu mến tôi từ đó. Có những người biết tôi từ khi tôi còn rất nhỏ, khoảng 18 - 20 tuổi cho đến nay" - cô nói thêm.
Dù không còn xuất hiện thường xuyên, NSƯT Quế Trân vẫn nhận được sự quan tâm, yêu mến. Ảnh: Quế Trân
"Đóa hoa vàng" của làng cải lương Việt Nam - NSƯT Quế Trân không phải tên tuổi xa lạ với giới mộ điệu. Cô là con gái cố NSND Thanh Tòng, xuất thân gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ nổi danh. Gia tài nghệ thuật đồ sộ bậc cha chú để lại là niềm tự hào nhưng cũng trở thành áp lực đè lên cô - truyền nhân đời thứ 5.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, NSƯT Quế Trân được nuôi dưỡng niềm đam mê với bộ môn cải lương. Năm 18 tuổi, cô đậu giải Trần Hữu Trang - một giải thưởng lớn của nghệ thuật cải lương, nối gót các tiền bối như cố NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Tài Linh... Vừa có tài vừa có sắc, cô nhanh chóng vụt sáng, trở thành gương mặt nổi tiếng, được ví là "đóa hoa vàng" của làng cải lương Việt Nam.
Cô là "đóa hoa vàng" của làng cải lương Việt, tài sắc có đủ. Ảnh: Quế Trân
Tuổi ngoài 40, NSƯT Quế Trân sống đời bình dị. Ba cô - NSND Thanh Tòng mất đã được 6 năm, ngần ấy thời gian cô thay ba chăm sóc mẹ. Cô cũng hạn chế xuất hiện, chỉ khi có chương trình, sự kiện phù hợp mới gật đầu tham gia. Dẫu vậy, như cô chia sẻ "những nghệ sĩ cải lương dường như họ có lượng khán giả rất chung thủy", khán giả lúc nào cũng yêu mến, ủng hộ cho con gái cố NSND Thanh Tòng.
NSƯT Quế Trân vẫn "lẻ bóng" nhưng không lấy đó làm buồn. Ảnh: Quế Trân
Với cô, ưu tiên hiện tại là gia đình, sân khấu cải lương. Ảnh: Quế Trân
Thời hoàng kim của cải lương khó trở lại
Cải lương được "khai sinh" vào năm nào vẫn là điều gây tranh cãi. Nhiều văn nghệ sĩ chấp nhận bộ môn này ra đời vào năm 1916, có người lại cho là năm 1917 hoặc năm 1918... Đầu thập niên 1920, các gánh hát đầu tiên được ra mắt nhưng phải cho đến thập niên 1950 - 1960 mới chứng kiến nghệ thuật cải lương phát triển hưng thịnh, minh chứng là hàng trăm đoàn hát như đoàn Kim Chung, đoàn Dạ Lý Hương, đoàn Thanh Minh... cùng nhiều tên tuổi mà mãi sau này các hậu bối không thể vượt mặt.
Theo lời NSND Lệ Thủy chia sẻ thời đỉnh cao của nghệ thuật cải lương, khán giả muốn xem phải rất vất vả mới mua được vé. Thậm chí, có người chấp nhận xếp hàng giành vé "chợ đen". Một đêm diễn nghìn khán giả là chuyện bình thường, vui như trẩy hội.
Thời đỉnh cao của cải lương kéo dài 30 năm. Ảnh: NSND Lệ Thủy
Hưng thịnh rồi đến suy tàn, cải lương khó tránh khỏi quy luật khắc nghiệt ấy. Sau 30 năm ở đỉnh cao chói lọi, bộ môn nghệ thuật sân khấu này bắt đầu xuống dốc vào cuối thập niên 1980. Lý do là có nhiều loại hình giải trí khác dần thay thế dòng cổ nhạc.
Các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ từng là thần tượng của biết bao người dân, đặc biệt là vùng Nam Bộ. Ảnh: Bình Tinh
Thời hoàng kim của nghệ thuật sân khấu cải lương được nhận định rất khó trở lại. NSƯT Quế Trân trong buổi trò chuyện mới đây cũng trăn trở, nhưng vẫn tin tưởng sẽ truyền lửa đam mê nghề cho thế hệ sau. "Tình hình đời sống sân khấu ngày càng khó khăn, thật sự đây là một áp lực rất lớn đối với thế hệ trẻ. Nhưng bằng cả sự đam mê, yêu thích và tấm lòng thì tôi thấy mọi người cứ việc sống với đam mê, cứ việc hát và tới đâu hay tới đó" - cô trải lòng.
Khán giả còn thương, nghệ sĩ cải lương còn cống hiến
Đúng như NSƯT Quế Trân bộc bạch, nghệ sĩ cải lương vẫn có lượng khán giả rất thủy chung, một lòng một dạ sắt son. Chỉ cần có người vẫn yêu thích thì bộ môn này vẫn sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy. Bằng chứng là các tên tuổi "cây đa", "cây đề" của sân khấu như NSND Bạch Tuyết ngày ngày nỗ lực đưa nghệ thuật cải lương đến gần giới trẻ bằng cách tiếp cận đầy mới mẻ. Hay nghệ sĩ Bạch Long lập nhóm Đồng Ấu Bạch Long đào tạo nhiều lứa nghệ sĩ cải lương giỏi nghề.
NSND Bạch Tuyết là tấm gương làm nghề nhiệt huyết mà hậu bối nể phục. Ảnh: Bạch Tuyết
Nghệ sĩ Bạch Long là "thầy" của biết bao ngôi sao cải lương trẻ. Ảnh: Đồng Ấu Bạch Long
Bản thân con gái cố NSND Thanh Tòng thi thoảng vẫn nhận lời tham gia làm huấn luyện viên, giám khảo một số chương trình phù hợp. Tại đây, cô truyền dạy hết những điều mình biết về nghề nếu nhận thấy nhân tố thật sự đam mê, có khả năng cũng như chịu lắng nghe, tiếp thu.
Vẫn có những nghệ sĩ trẻ sẵn sàng tiếp bước tiền bối giúp nghệ thuật sân khấu cải lương trường tồn với thời gian. Ảnh: Quế Trân
Vẫn biết, cải lương rất khó quay lại mốc vàng son như thập niên 1950-1960 với hàng trăm đoàn hát, vô vàn tên tuổi tài danh. Nhưng, đúng như NSƯT Quế Trân chia sẻ, dù nhiều loại hình giải trí khác ra đời nhưng cải lương vẫn có được lượng khán giả rất trung thành, nghệ sĩ theo đuổi dòng cổ nhạc vẫn nhận được nhiều tình cảm đong đầy ngay cả khi không còn hoạt động sôi nổi. Hiểu sự yêu mến bền bỉ ấy, các nghệ sĩ cải lương đã, đang và sẽ nỗ lực hơn nữa để giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật sân khấu độc đáo này.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về chia sẻ của NSƯT Quế Trân, chia sẻ cùng chúng tôi nhé!
Chân dài Vietnam's Next Top Model thông báo được bạn trai cầu hôn Nữ người mẫu hạnh phúc chia sẻ khoảnh khắc đặc biệt trên mạng xã hội. Vào sáng ngày 16/4, trên trang cá nhân của mình, người mẫu Lê Thanh Thảo đã thông báo tin vui tới bạn bè. Người đẹp sinh năm 1993 chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc được bạn trai cầu hôn trong không gian lãng mạn. "Chuyện tối hôm qua...