Cháu gái Đại tướng khóc kể về “Chú Giáp”
Ông nội của bà Hoa và bố của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh em ruột. Bà Hoa gọi Đại tướng bằng chú. Trong tâm khảm của bà Hoa, Đại tướng là một người sống rất tình cảm.
Một ngày trước khi đưa Đại tướng về an táng ở Vũng Chùa, Đảo Yến, bà Võ Thị Hoa không ra Hà Nội mà ở nhà để chuẩn bị “đón chú Giáp về Quảng Bình”. Chít trên đầu chiếc khăn trắng, ngồi trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của người con trai ở ngay phía sau vườn nhà Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), bà Hoa nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào nói: ông có 5 chị em, hai chị đầu rồi đến ông Giáp, ông Nho. Cuối cùng là O Lài. Cả 4 người mất rồi, giờ chú Giáp mất nốt. Hết rồi…
Bà Hoa nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào kể về người chú của mình
Bà Hoa kể, ông nội của bà Hoa (người mà Đại tướng gọi bằng bác) mất sớm, vì vậy, ba của Đại tướng đưa ba của bà Hoa về nhà nuôi, coi như con. Vì vậy, dù bà chỉ là đứa cháu gái họ, nhưng mối thâm tình của bà Hoa đối với Đại tướng rất sâu nặng.
“Vì ông đi xa quê hương từ khi còn nhỏ nên mình rất ít được tiếp xúc với ông. Thế nhưng, mỗi khi về quê, ông không bao giờ quên gọi mình đến. Có lần ông về trên tỉnh, hôm ấy mình bận việc không đến được. Bao nhiêu cháu chắt có mặt ở đó rồi, thế mà ông vẫn hỏi: Con Hoa đâu? rồi ông cho người về quê đón mình lên chỉ để ăn cùng ông một bữa cơm” – bà Hoa xúc động nhớ lại.
Bà Hoa cũng nhớ rằng, mỗi lần chú Giáp về, họ hàng, bà con, làng xóm, từ người già đến trẻ con đều nườm nượp kéo đến. Ai cũng tự hào vì họ hàng mình, quê hương mình có một người ưu tú như Đại tướng. Họ quý mến ông không phải vì ông mang lại lợi lộc cho họ hàng, làng xóm, mà họ yêu quý ông bởi ông tuy là người tài giỏi nổi tiếng nhưng lại là con người sống tình cảm, mộc mạc và gần gũi.
Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của người cháu họ Đại tướng nằm ngay sau vườn ngôi nhà lưu niệm
“Người ta bảo một người làm quan cả họ được nhờ, nhưng ông Giáp thì khác. Ông bảo, cái gì mình cũng phải tự thân mà cố lên, không trông chờ, không dựa dẫm. Khi mô gặp, ông cũng bảo: “cháu phải làm được việc cho xã hội”, cho nên, mình nghe lời ông, mình không dựa dẫm, việc gì mình cũng tham gia hết. Mình làm xã đội, làm đội trưởng sản xuất… trong những năm chống Mỹ, mình đi vận chuyển, tải đạn, tải gạo… chở bằng thuyền ngoài phá có nhiều thủy lôi, máy bay bắn kinh lắm, người đi trước, nó nổ sau… Rồi mình còn đi dân công hỏa tuyến… bất chết bất sống. Ở nhà có một túi cứu thương, cứ nghe máy bay bắn bom ở mô là mình chạy tới, máy bay rà xuống thì nằm xuống…. Hòa bình rồi, mình lại làm công tác địa phương, công tác phụ nữ…” – bà Hoa kể.
Video đang HOT
“Lần gần đây nhất chú về, mình ốm không đến được. Con gái ông là Hồng Anh lên nhà đón mình đến chụp chung với chú một kiểu ảnh. Giờ Hồng Anh cũng mất rồi. Lần sau cùng mình gặp ông là vào khoảng năm 2006 – 2007. Lần đó mình đi Hà Nội, đến nhà nhưng không gặp ông vì ông nằm bệnh viện. Cũng may, lần ấy mình được đến bệnh viện 108 gặp ông. Sau này, ông nằm viện suốt, mình muốn đến thăm ông nhưng thấy bảo không được vào nên lại thôi” – bà Hoa nói, giọng mỗi lúc một nhỏ hơn.
Nhìn chăm chăm vào màn hình chiếc tivi cũ kỹ mà nay chỉ còn những nơi nghèo lắm người ta mới dùng, đang chiếu bộ phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Hoa nói như thì thầm trong nước mắt: “Giờ chẳng còn ai, các cụ đi hết rồi, cha mẹ mình đi rồi, 2 anh mình cũng là liệt sĩ, lấy chồng thì chồng cũng liệt sĩ. Chú Giáp nay cũng đi rồi…”.
Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nơi in dấu kỷ niệm thời thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trời Quảng Bình vừa sau cơn mưa đã lại nắng chang chang. Cát trong vườn nhà Đại tướng nhanh chóng nướng khô những bông hoa mà người dân từ khắp mọi miền đất nước mang đến viếng ông. Thế nhưng, cái nắng không làm khô được những dòng nước mắt của người cháu gái của ông, tuổi cũng đã xấp xỉ 80, giờ đang như chìm đắm trong ký ức về người chú mà bà vô cùng yêu quý. Bên kia, trong sân ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng, dòng người từ khắp nơi vẫn tiếp tục đổ về.
Tuệ Khanh – (bài, ảnh)
Theo_VnMedia
'Chỉ sợ không kịp viếng Đại tướng'
6h30 sáng, cánh cửa nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa mở, bà Trần Thị Lộc (90 tuổi) mừng rỡ thốt lên: 'Thế là được vào với Đại tướng rồi'.
Dù tuổi đã cao, bà Trần Thị Lộc vẫn dậy rất sớm để được vào viếng Đại tướng. Ảnh: Quý Đoàn.
Cũng như cả nghìn người đang xếp hàng bên ngoài, bà Trần Thị Lộc (78 tuổi, Tả Thanh Oai) đứng từ 2h sáng nhưng chưa phải người đầu tiên có mặt ở phố Hoàng Diệu sớm nay. Thấy bà sức yếu nên mọi người đều nhường cho vào trước.
Bà cụ lưng còng cúi người đặt cành cúc vàng ngoài sân rồi bước lên cầu thang một cách khó nhọc. Hai thanh niên bên cạnh liền xốc nách bà dìu đi. Cúi đầu qua di ảnh Đại tướng, bà nhắm mắt mặc niệm vài giây rồi dẫn đoàn người đầu tiên ra khỏi căn nhà Đại tướng, khuôn mặt đăm chiêu.
Những người lớn tuổi nhớ về Đại tướng và những người thân đã mất trong chiến tranh. Ảnh:Phan Dương.
Theo thông báo, hôm nay, mùng 10/10, là ngày cuối cùng được vào viếng Đại tướng ở nhà riêng 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Cả đêm qua, hàng nghìn người đã chờ trên các phố Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong. Vì chờ đợi mà nhiều người có dịp quen biết nhau. Các nhóm già trẻ, nhiều thành phần ngồi xúm lại. Câu chuyện của họ nói nhiều về hai cuộc kháng chiến của dân tộc, lần giải phóng Thủ Đô, trận Điện Biên Phủ, chiến trường Miền Nam, Nam Lào, chiến tranh biên giới... Và dĩ nhiên, họ không quên nói về người "anh cả" của mình với tất cả niềm trân quý.
Đoàn cựu chiến binh thị trấn Nễnh (Việt Yên, Bắc Giang) không ngủ đêm qua, bởi hơn 2h sáng, 67 cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ chia làm hai xe đã xuống Thủ đô. Đến nơi gần 4h, các cựu binh nhanh chóng xếp vào hàng. Hơn 7h, họ được vào viếng vị Tổng tư lệnh của mình.
Ông Thảo, cựu chiến binh hạng 3/4 nhấc đôi chân mang di chứng từ chiến tranh biên giới phía Bắc, cho biết khi nghe tin Đại tướng qua đời, ông đã khóc rất nhiều. Ký ức ngày xưa vọng về, vợ chồng ông đang tìm cách "tỏ lòng thành kính với Người" thì đoàn cựu chiến binh của huyện tổ chức cho anh em đi viếng.
"Hôm nay là ngày cuối, chúng tôi sợ muộn không được vào viếng nên hẹn nhau đi sớm. Hơn 2h, anh em đã tập trung ở văn phòng hội cựu chiến binh của thị trấn. Đến Hà Nội chưa tới 4h, chỉ phải xếp hàng 3 tiếng đã được vào viếng rồi", ông Thảo nói.
Ông Thảo và các đồng đội có mặt ở Hà Nội lúc 4h sáng. Ảnh: Phan Dương.
Trong đoàn người nối nhau vào ra có một cụ ông mặc áo lính, được một người trẻ hơn dìu đi, trò chuyện. Nhiều người tưởng họ là bố con nhưng kỳ thực họ vừa quen nhau trong lúc xếp hàng. Anh Đoàn Phương Nam (52 tuổi), cựu chiến binh quận Thanh Xuân khi xếp hàng qua đêm đã gặp nhiều đồng đội một thời "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt". Thấy ông Vũ Ngọc Long già yếu, bước khó khăn, anh dìu đi cùng. "Người lính thì đi đâu cũng thân nhau", anh Nam cho biết.
Ông Long năm nay 85 tuổi, cựu chiến binh quận Thanh Xuân, từng là bộ đội hỏa tuyến, chiến đấu ở nam Lào. Ông cho biết rất khâm phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Người nhân hậu trong đời thường, tài thao lược trên chiến trường. Bao nhiêu tướng Pháp, tướng Mỹ đều bại dưới tài trí của Đại tướng".
Sức yếu, bà Trần Thị Lộc bám theo mấy người hàng xóm đi xếp hàng. Nước mắt chảy trên khuôn mặt, bà nói: "Bác Giáp đi rồi, tôi thương bác, lại thương em trai mình. Nhà tôi có hai chị em, em tôi đi bộ đội bên Lào, mất không tìm được thi thể. Ngày xưa còn có mẹ già chăm sóc, từ ngày mẹ mất, tôi càng cô quạnh hơn. Thương em tôi chết không thấy xác".
Từ Thái Bình, ông Hoàng Đức Tùng (70 tuổi) cùng vợ con bắt xe lên Hà Nội chiều 9/10, nhưng không kịp viếng. Về Thanh Trì nghỉ đêm, 3h sáng nay, gia đình ông Tùng lại đến xếp hàng. "Lúc nghe tin bác mất, tay chân tôi rụng rời. Tôi đi viếng để trọn tình nghĩa người lính năm xưa", ông nói.
Nhiều người Hà Nội phục vụ bánh mì, nước miễn phí cho bà con đứng xếp hàng viếng Đại tướng. Ảnh: Phan Dương.
Chứng kiến tình cảm của người dân khắp mọi miền tổ quốc, chị Thu, chủ quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ, bày tỏ sự xúc động. Theo chị, tình cảm đó là minh chứng cho những cống hiến trọn đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công lao của ông được mọi tầng lớp nhân dân thấu hiểu và mong muốn được tỏ lòng.
Từ ngày 6/10, chị Thu và nhân viên quán cà phê đã ra trước cửa phát bánh mì. Mỗi ngày, chị phát từ 5.000 đến 7.000 chiếc. Hôm nay là ngày thứ 5 chị làm việc này. "Tình cảm của mọi người lớn, hành động của tôi nhỏ nhặt, không đáng kể", chị vừa nói vừa cười, tay phát bánh mì, nước uống cho bà con.
Phan Dương
Theo VNE
Đêm cuối cùng xếp hàng chờ tưởng niệm Đại tướng 7h sáng 10/10, hàng chục nghìn người đã xếp hàng tạo thành vòng tròn dài hơn 1 km bao quanh nhà Đại tướng. Hôm nay, ngày cuối cùng gia đình Đại tướng mở cửa đón đồng bào. Tối 9/10, khi biết tin hôm nay là ngày cuối người dân có thể đến tưởng niệm Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu, khá đông người...